Xây dựng và gia tăng chuỗi giá trị du lịch của tỉnh Bắc Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã bắt đầu quan tâm, nghiên cứu và triển khai xây dựng chuỗi giá trị du lịch theo đặc điểm của từng địa phương. Đó chính là những tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh, thành phố nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, vì do có những cách hiểu chuỗi giá trị du lịch khác nhau, cách tiếp cận khác nhau về quản lý nhà nước nên mỗi địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh nói riêng có thể quản lý, xây dựng chuỗi giá trị du lịch khác nhau. Chính vì vậy, việc lựa chọn, đánh giá chính xác thực trạng các loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch của Bắc Ninh để nghiên cứu, xây dựng, hình thành chuỗi giá trị du lịch tại địa phương nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động du lịch.   
Ảnh minh họa. Nguồn: vnexpress.net.

Bắc Ninh là tỉnh đậm đặc tài nguyên du lịch nhân văn, với kho tàng dân ca quan họ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với hội Lim, hội Bà Chúa Kho và hàng trăm lễ hội đặc sắc, hàng nghìn di tích, danh thắng, các di tích quốc gia đặc biệt, như: Đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Dâu,… Cùng với đó là hàng chục bảo vật quốc gia quý giá và văn hóa ẩm thực của người dân Kinh Bắc. Đó chính là điều kiện cần để xây dựng và hình thành những chuỗi giá trị du lịch (CGTDL) ở tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, điều kiện mang yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của CGTDL, đó là hệ thống QLNN về du lịch, các dịch vụ du lịch (lữ hành, lưu trú, vận chuyển, tham quan, khu vui chơi, mua sắm), cơ sở hạ tầng gắn với du lịch và một số thành tố quan trọng khác.

Chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị du lịch

Micheal Porter được coi là cha đẻ của khái niệm “Chuỗi giá trị” (value chain) đã mô tả và phổ cập lần đầu tiên vào năm 1985 cho rằng: “Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động của một công ty hoạt động trong một ngành cụ thể”1. Tức là sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của một công ty có một ngành nghề cụ thể, theo chuỗi thứ tự. Chuỗi các hoạt động này mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của các hoạt động. Năm 2002, còn có quan điểm về “Chuỗi giá trị toàn cầu” của hai nhà khoa học người Mỹ là Raphael Kaplinsky và Mike Morris cho rằng: “Chuỗi giá trị là tập hợp những hoạt động cần thiết để biến một sản phẩm hoặc một dịch vụ từ lúc còn là khái niệm, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau (bao gồm một kết hợp giữa sự biến đổi vật chất và đầu vào các dịch vụ sản xuất khác nhau), đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng và vứt bỏ sau khi đã sử dụng”2. Và một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi hoạt động để tạo ra tối đa giá trị cho chuỗi.

Chuỗi cung ứng (supply chain) là sự kết nối của tất cả các hoạt động, bắt đầu từ khâu sản xuất nguyên vật liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh và kết thúc khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Để so sánh dễ hiểu hơn thì sự khác biệt chính là: chuỗi giá trị là một tập hợp (chứ không chỉ là sự kết nối) tất cả các hoạt động tập trung vào việc tạo ra hoặc tăng thêm giá trị cho sản phẩm.

Từ đặc điểm chuỗi cung ứng nêu trên, có thể đưa ra nhận định, chuỗi cung ứng du lịch bao gồm nhiều thành phần: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm đến các vấn đề khác (về hạ tầng, bảo hiểm, tài chính, visa, hộ chiếu, wifi,…), tất cả được kết nối lại từ những nhà sản xuất sản phẩm du lịch đầu tiên như công ty lữ hành đến người tiêu dùng và cuối cùng là khách du lịch (xem sơ đồ sau đây)3.

Mặc dù khái niệm và cách tiếp cận chuỗi giá trị khá phổ biến trong nhiều ngành kinh tế khác nhau nhưng trong ngành du lịch – một ngành dịch vụ tổng hợp có tính liên kết cao, liên ngành cao, có hàm lượng văn hóa sâu sắc – cách tiếp cận này lại chưa thực sự phổ biến, hoặc chưa được sử dụng mang tính hệ thống, có sự đồng nhất.

CGTDL có thể cũng được cung cấp từ nhiều nhà cung cấp riêng lẻ khác nhau. Tính chuỗi của hoạt động du lịch vì thế có sự khác biệt so với các sản phẩm hữu hình, đặc biệt trong các ngành sản xuất.

Việc áp dụng phân tích CGTDL tại Việt Nam hay một vùng du lịch hoặc riêng một tỉnh như Bắc Ninh sẽ đem lại “cái nhìn” vừa khái quát vừa cụ thể đối với tất cả các chủ thể trực tiếp, gián tiếp liên quan và nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm/dịch vụ, giá trị gia tăng của toàn chuỗi và lợi ích kinh tế – xã hội cho các bên. Do đó, thấu hiểu nền tảng của CGTDL là cần thiết đối với các cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Ninh và qua đó, quản lý chính sách phát triển, quản lý hiệu quả hoạt động du lịch và tối ưu hóa giá trị từ du lịch. CGTDL được thực hiện theo các cấp độ như sau:

(1) CGTDL đầy đủ, mở rộng (ứng với cấp quốc gia hoặc liên vùng), bao gồm: các giá trị do Nhà nước/vùng du lịch tạo ra trong các hoạt động, như: quảng bá, xúc tiến du lịch và các hoạt động khác liên quan đến du lịch trên phạm vi quốc tế và quốc gia; giá trị do các công ty lữ hành tạo ra trong các hoạt động của họ, như: nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, thiết kế xây dựng chương trình du lịch, tổ chức thực hiện chương trình; giá trị do các cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển, dịch vụ bổ sung… tạo ra.

(2) CGTDL phạm vi nội vùng hoặc doanh nghiệp, bao gồm: chuỗi các hoạt động từ thiết kế sản phẩm, mua dịch vụ từ các đối tác, nhà cung cấp, tiếp thị, bán hàng, điều hành, hướng dẫn du lịch để mang đến sản phẩm là sự trải nghiệm thăng hoa cho du khách và mang lại giá trị và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Xây dựng chuỗi giá trị du lịch tỉnh Bắc Ninh góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch

Từ đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, những năm gần đây, nhu cầu khách du lịch tới Bắc Ninh đang có xu hướng mở rộng (chủ yếu tìm hiểu, thưởng thức di sản dân ca Quan họ, khách công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thị trường kinh doanh, mở rộng đầu tư, tìm kiếm đối tác kết hợp tham quan, trải nghiệm di sản văn hóa… Giai đoạn 2011 – 2019, lượng khách du lịch đến Bắc Ninh có nhịp độ tăng trưởng đạt 18,9%/năm. Thu nhập du lịch có xu hướng tăng lên nhanh, năm 2016 đạt 589 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt gần 1.100 tỷ đồng. Kết quả điều tra mức chi tiêu trung bình của khách du lịch tại các điểm danh lam thắng cảnh và khách sạn trên địa bàn tỉnh là 2,1 triệu đồng/người/ngày đối với khách du lịch quốc tế và khách nội địa chi tiêu khoảng 530 nghìn đồng/người/ngày5. Sau giai đoạn Covid 19, hiện nay, du lịch Bắc Ninh đang triển khai các bước tiếp theo nhằm tạo lập CGTDL cho tỉnh.

Năm 2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 406/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Theo đó, phát triển du lịch nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, du lịch thông minh, xây dựng CGTDL. Đến năm 2030, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đến năm 2030: đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng. Có trên 25 ngàn lao động trong ngành du lịch, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85%; phát triển thêm từ 3 – 5 sản phẩm du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa; phát triển đồng bộ các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa, các tiện ích du lịch, ứng dụng công nghệ số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống tuyến, điểm du lịch; ít nhất có hai khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư phát triển từ 1 – 2 mô hình du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ, làng nghề truyền thống, nông nghiệp, nông thôn; hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa của tỉnh; phát triển được từ 1 – 2 sản phẩm du lịch “ảo”, du lịch “3D”…

Các dự án được ưu tiên thực hiện gồm: chương trình trọng điểm quảng bá văn hóa – du lịch tỉnh Bắc Ninh (giai đoạn 2022 – 2025); phát triển du lịch cộng đồng làng Quan họ Viêm Xá (Khu Diềm); đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và phát triển du lịch trên sông Đuống và sông Cầu (giai đoạn 2022 – 2030). Tổng vốn đầu tư các dự án ưu tiên giai đoạn 2022 – 2030 dự kiến là 4.103 tỷ đồng. Đơn vị chủ trì thực hiện là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch6.

Như vậy, Đề án này đã được tỉnh Bắc Ninh quan tâm xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch, hạ tầng, tiện ích và đây là tín hiệu tốt, đồng thời cũng là các bước căn bản cho việc xây dựng CGTDL của tỉnh. CGTDL của tỉnh được hình thành trên hai không gian: không gian liên kết vùng không gian nội tỉnh Bắc Ninh. Dựa trên “đầu vào” là tài nguyên du lịch liên vùng và tài nguyên du lịch tỉnh Bắc Ninh cùng sự liên kết các hoạt động xây dựng sản phẩm, xúc tiến, bán, phục vụ du khách,… để tạo “đầu ra” cho du khách cảm nhận sự hài lòng, từ đó sẽ tạo doanh thu cao.

Những yêu cầu bắt buộc để gia tăng giá trị, đem lại chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch và đem lại lợi ích kinh tế cho Bắc Ninh

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng, cơ quan QLNN về du lịch của tỉnh là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cần xác định mục tiêu đạt được nếu CGTDL của tỉnh được hình thành. Vì vậy, CGTDL được khai thác hiệu quả thì phải đạt 5 tiêu chí sau đây:

(1) Mức độ hài lòng của du khách cao hơn so với trước khi hình thành.

(2) Chi tiêu bình quân cho 1 khách/1 ngày cao hơn so với trước khi hình thành.

(3) Thời gian lưu trú bình quân của du khách (đặc biệt là khách quốc tế) dài hơn so với trước khi hình thành.

(4) Tỷ lệ khách du lịch quay trở lại cao hơn so với trước khi hình thành.

(5) Bảo đảm được du lịch tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững so với trước khi hình thành CGTDL.

Thực tế, cả 5 tiêu chí trên, khi đặt lên bức tranh tổng thể của du lịch Việt Nam thì du lịch Bắc Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy là tỉnh bên cạnh Thủ đô Hà Nội, có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng nhưng số lượng khách quốc tế còn quá thấp, khách tham quan trong ngày nhiều hơn số lượng khách du lịch, do đó, giá trị du lịch lưu trú rất thấp,… Chính vì vậy, ngành Du lịch Bắc Ninh cần phải đạt được hiệu quả trên cả 5 tiêu chí nêu trên, đồng nghĩa với việc du lịch Bắc Ninh sẽ tạo được hai trụ cột đột phá, đó là: (1) Doanh thu từ du lịch cao hơn trước; (2) Số lượng khách du lịch cao hơn, ở lại, lưu trú lâu hơn.

Từ những đánh giá tổng thể trên, ngành Du lịch tỉnh Bắc Ninh, doanh nghiệp du lịch, các nhà cung cấp cần xác định rõ CGTDL tại Bắc Ninh bao gồm những gì để áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả ngay tại Bắc Ninh. CGTDL đó có thể thiết lập được CGTDL tổng thể liên kết vùng, chuỗi GTDL tổng thể nội tỉnh, chuỗi GTDL của 5 loại hình doanh nghiệp/ dịch vụ chính (lữ hành, lưu trú, vận chuyển, tham quan – vui chơi giải trí, mua sắm). Để giải quyết được bài toán này, công tác quản lý về du lịch Bắc Ninh phải phân tích được những nội dung cơ bản về kinh tế du lịch, hiệu quả kinh tế theo lý thuyết chung trong CGTDL, bao gồm: (1) Lập sơ đồ CGTDL tỉnh; (2) Phân tích hiệu quả kinh tế du lịch của CGTDL; (3) Quản trị CGTDL Bắc Ninh; (4) Phân đoạn, phân loại và liên kết các CGTDL tỉnh Bắc Ninh; (5) Mô hình điểm CGTDL tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi phân tích, đánh giá được chính xác 5 vấn đề nêu trên để đánh giá hiệu quả kinh tế từ CGTDL mọi cấp độ tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh làm đầu mối xây dựng các CGTDL ở các cấp độ, như: mời các chuyên gia về CGTDL tư vấn, đánh giá và đưa vào thử nghiệm một số CGTDL ở cấp liên kết vùng, cấp nội tỉnh và cấp độ do doanh nghiệp xây dựng.

Ở cấp độ du lịch tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh CGTDL có quy mô toàn tỉnh, liên vùng thì Bắc Ninh cũng nên tận dụng lợi thế sẵn có của CGTDL dựa trên các sản phẩm du lịch đặc thù để tạo lập mạng lưới/hệ thống các CGTDL chuyên biệt, có khả năng khai thác và tạo giá trị gia tăng cao, như: CGTDL gắn với các di tích quốc gia đặc biệt (chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích và Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Lý); CGTDL gắn với di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận (dân ca quan họ Bắc Ninh); CGTDL gắn với các lễ hội truyền thống (đặc biệt là Hội Lim, Hội Bà Chúa kho; Hội chùa Dâu; Hội Chùa Phật Tích; Hội Đền Đô,…); CGTDL gắn với văn hóa ẩm thực đặc sắc vùng Kinh Bắc (như bánh Phu thê Đình Bảng; nem bùi Ninh Xá; bánh tẻ làng Chờ; bánh khúc làng Diềm; bánh tro Đình Tổ; rượu làng Vân; gà Hồ,…); CGTDL gắn với các làng nghề truyền thống độc đáo (làng đồ gỗ Đồng Kỵ; làng tranh dân gian Đông Hồ; làng đúc đồng Đại Bái; làng gốm Phù Lãng,…).

Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Hà Nội, Bắc Ninh cũng có thể chủ động tạo lập, xây dựng các CGTDL theo cách trên, đồng thời, có thể ghép các CGTDL đặc thù đó thành một sản phẩm lớn hơn, có tính đa dạng, hấp dẫn hơn. Quan trọng nhất, Bắc Ninh cần tiếp tục coi việc xây dựng CGTDL là yêu cầu bắt buộc để gia tăng giá trị, đem lại chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch và đem lại lợi ích kinh tế thay vì chỉ xây dựng sản phẩm du lịch đơn thuần như trước đây với hiệu quả chưa cao.

Chú thích:
1. Michael Porter, 1985. Lợi thế cạnh tranh: Tạo lập và duy trì thành tích vượt trội trong kinh doanh. Bản Tiếng Việt, 2009, tr. 71.
2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Giáo trình Kinh doanh thương mại. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2018, tr. 42.
3. Lê Hoàng Anh (chủ nhiệm). Chuỗi giá trị trong phát triển du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp bộ, 2019, tr. 59.
4. Tổng cục Du lịch. Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”. Hà Nội, 2019, tr. 8.
5. Bắc Ninh: Khai thác thế mạnh du lịch di sản văn hóa. https://vietnamtourism.gov.vn, ngày 13/7/2021.
6. Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tài liệu tham khảo:
1. Anne-Mette Hjalager, Kaarina Tervo-Kankare & Anja Tuohino (2016), Tourism value chains revisited and applied to rural well-being tourism, Tourism Planning & Development, 13:4, 379-395.
2. Bilgen Mete and Elif Acuner (2014), A value chain analysis of Turkish tourism sector, International Journal of Business and Management Studies, CD-ROM. ISSN: 2158-1479:03(02):499-506.
3. Corinne Van Der Yeught Management Prospective Ed (2016), Construire une chaîne de valeur“tourisme durable” sur un territoire : une approche par la théorie de l’acteur réseau, “Management & Avenir” 2016/2 N° 84 | pages 159 à 177 ISSN 1768-5958.
4. Jonathan Mitchell & Jojoh Faal (2006), The Gambian Tourist Value Chain and Prospects for Pro-Poor Tourism. https://odi.org
5. Jonathan Mitchell and Le Chi Phuc (2007), Final Report on Participatory Tourism Value Chain Analysis in Da Nang, Central Vietnam. https://cris.brighton.ac.uk
TS. Nguyễn Đức Thắng
Trường Đại học Công nghệ Đông Á