Bạc Liêu đẩy mạnh công tác lãnh đạo, điều hành thực thi chính sách, pháp luật về chuyển đổi số

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với, các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bạc Liêu đã và đang tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số. Điều này, thể hiện rõ các chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho các địa phương thúc đẩy sự phát triển chính phủ số, kinh tế và xã hội số của quốc gia. Trong giai đoạn 2020 – 2023, Bạc Liêu đã triển khai tích cực các chính sách, pháp luật về chuyển đổi số và đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong công tác lãnh đạo, điều hành về chuyển đổi số hiệu quả, kịp thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cùng đại diện Tập đoàn Viettel nhấn nút khai trương mạng 5G tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: baclieu.gov.vn.
Công tác lãnh đạo, điu hành thực thi chính sách, pháp luật về chuyển đổi số của Bạc Liêu

Nhằm định hướng, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chuyển đổi số (CĐS), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 08/9/2021 về CĐS tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) cũng đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 21/12/2021 về việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, đồng thời, triển khai các nội dung, nhiệm vụ về CĐS đến các lãnh đạo sở, ban, ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và coi đây là nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn, chủ động tham gia quá trình CĐS, ban hành kịp thời các văn bản để tổ chức thường xuyên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về CĐS đến từng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động đang thực hiện công tác cải cách hành chính, CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)… Quá trình triển khai đạt được kết quả tích cực là do Bạc Liêu chú trọng đến hiệu quả trong tổ chức bộ máy CĐS.

Giai đoạn trước năm 2020, UBND Bạc Liêu đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và đến năm 2021, đã kiện toàn và đổi tên thành Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bạc Liêu (quy định tại Quyết định số 1921/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu) do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban và thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh (tại Quyết định số 03/QĐ-BCĐ ngày 14/02/2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh); theo đó, đã có 7/7 đơn vị cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS. Tiếp đó, ngày 20/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 1575/QĐ-UBND và Quyết định số 05/QĐ-UBND của Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh…

Những văn bản cụ thể này đã giúp các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về CĐS. Kết quả thể hiện qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong các đơn vị, cơ quan, như: tăng cường khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin. Cập nhật tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo sự chỉ đạo của tỉnh trong xây dựng các kế hoạch hoạt động hằng năm một cách hiệu quả, đồng bộ; người dân và các tổ chức, doanh nghiệp (DN) hiểu rõ hơn về CĐS và tích cực tham gia vào công cuộc CĐS (theo Quyết định số 02/QĐ-BCĐ ngày 08/02/2022 của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bạc Liêu).

Hiện nay, hầu hết các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã bố trí cán bộ CNTT. Theo Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 10/5/2022) và Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025” (Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 20/12/2021), qua đó, tỉnh đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về CĐS, nghiệp vụ, chuyên môn CNTT, kỹ năng ứng dụng, khai thác, sử dụng, quản trị, vận hành các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ hoạt động chuyên môn, người dân, doanh nghiệp (DN), an toàn bảo mật thông tin, ứng cứu sự cố máy tính, sự cố mạng… cho CBCCVC thường xuyên được tổ chức. Trong đó, đã tổ chức các lớp tập huấn1:

(1) CĐS cho cán bộ chuyên trách CNTT: 9 CBCCVC tham gia   tập huấn trực tuyến thông qua nền tảng mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn

(2) Tập huấn cho cán bộ, công chức thuộc 64 đơn vị UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: 490 học viên được tập huấn bồi dưỡng về CĐS bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng mở đại trà và hình thức trực tiếp tại tỉnh Bạc Liêu.

(3) Tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng cho khoảng 50 chuyên viên phụ trách CNTT các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh.

(4) Tổ chức 8 lớp đào tạo về CNTT và an toàn thông tin cho gần 200 lượt CBCCVC.

(5) Tổ chức 14 lớp tập huấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng bộ giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng cho hơn 280 cán bộ kỹ thuật làm đầu mối, đại diện các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tổ chức Hội, đoàn thể…

(6) Thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 64 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã; 508 tổ công nghệ số cộng đồng khóm, ấp với hơn 4.177 thành viên; đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng số cho tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh ở điểm cầu trụ sở Viễn thông Bạc Liêu và 71 điểm cầu cấp huyện, cấp xã với 1.000 người tham dự.

Kết quả thực hiện 3 trụ cột chuyển đổi số

Thứ nhất, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động trong dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, tỉnh có 1.421 thủ tục hành chính (TTHC) và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp 1.105 dịch vụ công trực tuyến và đã tích hợp 1.212 dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia2. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết TTTH tiếp nhận và trả kết quả cho công dân, tổ chức. Tỉnh cũng phối hợp với VNPT Bạc Liêu triển khai Dịch vụ Chatbot hỗ trợ, hướng dẫn người dân, DN thắc mắc, khó khăn liên quan đến sử dụng các dịch vụ công và việc nộp hồ sơ TTHC (chương trình hỏi và trả lời trực tuyến).

Thứ hai, hiện đại hóa hành chính hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tăng cường sử dụng, trao đổi văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trong đó kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Hệ thống đã tích hợp chữ ký số để phát hành văn bản điện tử bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tính pháp lý của văn bản trên môi trường mạng, góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại, giấy tờ của các đơn vị. Đặc biệt, mỗi CBCCVC cũng nhận thức rõ trách nhiệm về thay đổi việc giải quyết bằng giấy tờ trước đây bằng giải quyết trên môi trường điện tử, qua đó, cũng tăng hiệu quả, năng suất làm việc, giảm thời gian xử lý công việc phục vụ cho các tổ chức, DN, người dân ngày càng tốt hơn, thái độ, lề lối, tác phong cũng chuyên nghiệp hơn.

Hệ thống thông tin báo cáo đã được triển khai cho 94 cơ quan, đơn vị trong tỉnh là các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn, đồng thời cũng đã liên thông với hệ thống thông tin báo cáo trình Chính phủ. 100% các báo cáo định kỳ tên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh được tiếp tục khai thác sử dụng phục vụ trong việc trao đổi thông tin của CBCCVC trong tỉnh, đã cấp 6.700 tài khoản thư điện tử @baclieu.gov.vn cho các cơ quan và CBCCVC trên địa bàn tỉnh

Ứng dụng chữ ký số và cấp 2.474 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phục vụ ký số văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến kho bạc nhà nước, thuế điện tử, bảo hiểm xã hội…3.Cổng thông tin điện tử tỉnh và 41 công thông tin điện tử của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn thể, tổ chức hội hoạt động hiệu quả, thường xuyên, thông suốt, coi đây là kênh thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước trên môi trường mạng. Nội dung thông tin cung cấp trên hệ thống cổng thông tin điện tử bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, định hướng thông tin tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tập trung tuyên truyền các hoạt động và sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả và an toàn thông tin mạng, tỉnh đã phối hợp với tổ công tác Bộ Công an kiểm tra, đánh giá an ninh, an toàn thông tin đối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại tỉnh Bạc Liêu để phục vụ kết nối với CSDL quốc gia về dân cư; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin kết nối, chia sử dữ liệu về quốc gia, về dân cư. Phối hợp với VNPT triển khai thí điểm Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) tỉnh Bạc Liêu bảo đảm kết nối chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin về trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Ngoài ra, chủ động trang bị các biện pháp an toàn thông tin về hệ thống tường lửa, trang bị phần mềm diệt virus nhằm bảo vệ các hệ thống thông tin của đơn vị, hạn chế rủi ro không mong muốn xảy ra. Bên cạnh đó, thực hiện phê duyệt hai hệ thống thông tin cấp độ 3, hai hệ thống thông tin cấp độ 2.

Thứ ba, về phát triển dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý, hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành phục công tác quản lý theo ngành, lĩnh vực bảo đảm các kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

Trong lĩnh vực tư pháp, sử dụng hệ thống CSDL hợp đồng, giao dịch tài sản đã công chứng, chứng thực và thông tin ngăn chặn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu với hơn 82 cơ quan; hệ thống CSDL và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành tư pháp; hệ thống CSDL lý lịch tư pháp. Các CSDL này có khả năng tích hợp, chia sẻ dùng chung qua nền tảng dùng chung của tỉnh (LGSP). Qua đó, đã thực hiện số hóa dữ liệu công chứng là 144.869 trường hợp; dữ liệu chứng thực và thông tin ngăn chặn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; thực hiện số hóa 1.179.155 hồ sơ hộ tịch được lưu trữ, đạt 100%, bao gồm: sổ hộ tịch và hồ sơ hộ tịch (gồm khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha, mẹ, con nuôi, cải chính hộ tịch, ghi chú ly hôn) và kết nối với CSDL của Bộ Tư pháp4.

Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đã triển khai sử dụng các phần mềm quản lý trường học Vnedu, SMAS, sổ liên lạc điện tử, chú trọng xây dựng thư viện điện tử, giáo án điện tử phục vụ công tác dạy và học ở các trường.

Về lĩnh vực y tế, đã triển khai 64/64 trạm y tế xã, phường, thị trấn để thực hiện công tác quản lý và chuyên môn của trạm; ứng dụng CNTT trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế, đặc biệt là các đơn vị y tế cập nhật thường xuyên dữ liệu khám, chữa bệnh của dân đến khám lên cổng giám định bảo hiểm y tế và liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh của người dân; tích hợp dữ liệu y tế với dữ liệu định danh công dân, dữ liệu bảo hiểm y tế; việc thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; các bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử đã được triển khai thí điểm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ và các trung tâm y tế… và được ứng dụng trên phần mềm Quản lý Bệnh viện (HIS).

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, được ứng dụng từ phần mềm Vilis quản lý thông tin đất đai; phần mềm hệ thống giám sát tự động; phần mềm quản lý trắc địa bản đồ Geodata; phần mềm quản lý kho tư liệu tài nguyên và môi trường CiDoc…

Lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội, tiếp tục ứng dụng và khai thác hiệu quả các CSDL chuyên ngành của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; CSDL cung cầu lao động, CSDL lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, CSDL hộ nghèo, hộ cận nghèo, CSDL về quản lý lao động thuộc lĩnh vực lao động – việc làm…

Các kết nối, chia sẻ dữ liệu đều được kết nối với các CSDL của bộ, ngành, CSDL quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết TTHC với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, CSDL dân cư.

Hạn chế và khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã nêu trên, hạn chế lớn nhất là vấn đề thực hiện CĐS so với các tỉnh, thành phố khác còn thấp, nhất là các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, như: nông nghiệp, du lịch, giáo dục còn ít các nền tảng, hệ sinh thái số phục vụ DN, người dân, công tác CĐS chưa đi vào trọng tâm phục vụ người dân và DN.

Nguồn nhân lực làm công tác CĐS, an toàn, an ninh thông tin còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; một số cán bộ có chuyên môn về CNTT còn thiếu kinh nghiệm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này còn chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.

Hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc giải quyết TTHC tiếp nhận và trả kết quả cho công dân, tổ chức… cũng như hồ sơ phát sinh giải quyết trực tuyến chưa cao, một phần là do kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số của người dân và DN còn hạn chế, mặt khác, do người dân, DN chưa nhận thấy lợi ích mang lại của việc sử dụng các dịch vụ này…

Hiện nay, việc định danh điện tử và xác thực điện tử của mỗi cá nhân khi tham gia vào các giao dịch điện tử giao dịch số chưa xác định được cơ chế bảo vệ hiệu quả; tình trạng để lộ, lọt thông tin cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử, giao dịch số là rất lớn, dẫn đến nhiều hoạt động lừa đảo, gian dối trong các hoạt động kinh doanh diễn ra công khai.

Một số kiến nghị giải pháp

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ số, CĐS.

Hai là, việc triển khai CĐS hiệu quả cần được các cấp, các ngành tạo điều kiện để tỉnh Bạc Liêu được tiếp cận các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong CĐS. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CĐS, an toàn thông tin, an ninh mạng đủ khả năng, chuyên môn đảm nhiệm công tác CĐS, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong tình hình mới.

Ba là, cần tiếp tục triển khai thực hiện các đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ trong việc sử dụng thiết bị hệ thống kiểm tra an toàn thông tin, an ninh mạng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao qua các dự án, đề tài nghiên cứu nghiệm thu được ứng dụng khoa học – công nghệ, CNTT…; nhất là các hệ thống thông tin giải quyết TTHC được phép kết nối và khai thác CSDL về dân cư với các hệ thống thuộc các lĩnh vực về tư pháp, giáo dục và đào tạo…

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Báo cáo số 151/2023/BC-UBND ngày 05/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2020 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 08/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
2. Công văn số 1316/UBKHCNMT ngày 27/3/2023 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưng về xây dựng báo cáo chuyên đề để thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số.
3. Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 21/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 08/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
4. Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 05/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu năm 2023.
5. Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030.
6. Quyết định số 942/2021/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 2025, đnh hướng đến năm 2030.
7. Quyết định số 1649/QĐ-UBND ngày 03/10/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về Ngày chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu. 
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hương
Học viện Hành chính Quốc gia