Kinh tế đêm: Lý luận và kinh nghiệm quốc tế đối với Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, phát triển “kinh tế đêm” trở thành xu hướng tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới. Mô hình này được đẩy mạnh không chỉ ở Trung Quốc mà một số quốc gia Âu, Mỹ cũng đã phát triển “kinh tế đêm” như một tiềm năng, thúc đẩy công ăn việc làmđóng góp thuế. Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền ” kinh tế đêm” phát triển, đặc biệt là những thành phố du lịch, được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Geneva, Zurich, London, Manchester, Amsterdam,… Các thành phố lớn trên thế giới đã thu về hàng tỷ USD mỗi năm từ việc phát triển kinh tế đêm, góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế của các thành phốquốc gia đó. Để có thể bắt kịp với xu thế của toàn cầu hiện nay, Việt Nam cũng cần phải phát triển kinh tế đêm, trên cơ sở thành công của các nước, rút ra kinh nghiệm cho sự phát triển này.
Phát triển “kinh tế đêm” đang trở thành xu hướng tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới hiện nay.
Những nội dung về kinh tế đêm

Khái niệm về kinh tế đêm (KTĐ)

Theo “The economic value of London’s 24-Hour Economy” của nước Anh: KTĐ là dùng để chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ diễn ra sau 17h cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch mở cửa vào ban đêm1.

Hay một nghiên cứu khác cho thấy, KTĐ là một tập hợp con của nền kinh tế văn hóa, nó bắt đầu từ 18h tới 6h sáng hôm sau. Các chủ thể hoạt động trong nền KTĐ bao gồm các quán bar, câu lạc bộ khiêu vũ, cơ sở karaoke, tiệc tùng, các buổi biểu diễn nhạc sống và các hình thức giải trí về đêm khác (không bao gồm ngành công nghiệp mại dâm)2. Chính vì vậy, KTĐ đã là một lĩnh vực nghiên cứu sôi động cho các nhà xã hội học. Các cơ sở giải trí hoạt động về đêm, bao gồm: quán rượu, quán bar và câu lạc bộ đêm…

Trong bài viết “Phát triển kinh tế đêm tại các thành phố Việt Nam” đăng trên Tạp chí Công thương điện tử đã định nghĩa: KTĐ được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm3. Nghiên cứu này cho thấy, KTĐ được hiểu là sự kéo dài của một số ngành kinh doanh đặc thù ban ngày, nhất là dịch vụ thương mại và du lịch. Các hoạt động KTĐ được diễn ra từ 18h – 6h sáng hôm sau, từ bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng…

Các đặc điểm KTĐ

Trên thế giới, KTĐ rất phong phú, đa dạng và mang đặc trưng của vùng miền. Từ các hoạt động hoạt động đêm, có thể rút ra một số đặc điểm chủ yếu của KTĐ như sau:

Một là, KTĐ gồm các hoạt động xảy ra vào ban đêm. Hoạt động KTĐ là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh tế diễn ra vào khoảng thời gian từ chiều tối kéo dài cho đến nửa đêm hoặc gần sáng tùy theo nhu cầu của khách du lịch. Đặc trưng của hình thức kinh tế này là tập trung tại các đô thị lớn hay các điểm du lịch nổi tiếng. Ban đầu, đó chỉ là hoạt động tự phát, chủ động, mang tính tự do của du khách nhằm thỏa mãn nhu cầu muốn khám phá, tìm hiểu thêm về vẻ đẹp, nét đặc trưng của văn hóa đêm tại điểm đến.

Hai là, các hoạt động đêm rất đa dạng. Khi phát triển KTĐ, điều đầu tiên để thành công là địa phương đó phải có các hoạt động, sản phẩm KTĐ đa dạng, đặc biệt trong các đô thị có không gian để vui chơi, giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực, mua sắm quà lưu niệm, tham gia các trò chơi dân gian…Từ đó, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội trải nghiệm dịch vụ ban đêm, chi trả nhiều hơn và làm tăng doanh thu cho địa phương.

Ba là, hoạt động KTĐ chủ yếu là các loại hình dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của du khách vào các buổi tối. Khi tham gia vào các hoạt động đêm, mọi người sẽ được hưởng thụ các dịch vụ du lịch vào ban đêm. Thực tế cho thấy, khi con người đủ ăn, đủ mặc và đủ ở thì du lịch trở thành nhu cầu không thể thiếu, đây còn là một hình thức nghỉ dưỡng tích cực nhằm tái tạo lại sức lao động của con người.

Bốn là, hoạt động KTĐ là các hoạt động tương đối nhạy cảm. KTĐ nên tập trung làm tốt các hoạt động mang tính chất lành mạnh, như: nhà hàng, nhà hát, các hoạt động ca múa nhạc, giải trí ngoài trời, chợ đêm,… hoặc các hoạt động “ít nhạy cảm hơn”, như: quán bar, vũ trường, spa, massage,… Tuy nhiên, cũng xuất hiện những trường hợp các cơ sở sẽ bí mật làm những hoạt động nhạy cảm, như: mại dâm, cờ bạc,.. các hoạt động ảnh hưởng tới văn hóa, thuần phong mỹ tục,…  hoặc các hoạt động mà nước đó quy định những hoạt động này bị cấm. Như vậy, Nhà nước cần có những chính sách để làm giảm những hoạt động nhạy cảm, tăng các hoạt động mang tính lành mạnh để có thể phát triển KTĐ bền vững.

Năm là, các hoạt động phát triển trong môi trường hòa bình và ổn định là điều kiện cần để phát triển KTĐ.Vì KTĐ là lĩnh vực rất nhạy cảm với những vấn đề xã hội, do đó, KTĐ chỉ có thể xuất hiện và phát triển trong điều kiện hòa bình với quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, giữa các khu vực trong một quốc gia. Chiến tranh ngăn cản các hoạt động du lịch, gây mất an ninh, đi lại khó khăn, phá hoại các công trình du lịch, tổn hại đến môi trường tự nhiên… KTĐ cũng có tác động đến việc cùng tồn tại hòa bình, tăng tính hữu nghị, đồng thời làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế đêm

Kinh nghiệm ở London (nước Anh)

Tại London (Anh), năm 2016, thị trưởng thành phố đã bổ nhiệm chức vụ “Night Czar” nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24h hàng đầu thế giới. Điều này đã mang lại cho London 5 triệu khách du lịch mỗi tuần. Tại London và đặc biệt tại Westminster, KTĐ đã sử dụng 220.000 người và tạo ra khoảng 24,5 tỷ bảng doanh thu mỗi năm. Điều này chiếm khoảng 18% tổng nền kinh tế hằng năm của London. Một báo cáo được thực hiện bởi London First chỉ ra rằng KTĐ tại London tạo ra doanh thu hằng năm khoảng 40 tỷ bảng Anh, có thể tăng thêm 1,6 tỷ bảng hằng năm vào năm 2026. Điều này đã cho thấy được sự tăng trưởng kinh tế tuyệt vời của KTĐ tại London4.

Để thúc đẩy phát triển và hạn chế những điểm yếu của KTĐ tại London, chính quyền đã đưa ra một số chính sách và quản lý giúp tạo ra một nền văn hóa và KTĐ đa dạng và toàn diện hơn:

(1) Chính sách cấp phép 2015 – 2019: cung cấp hướng dẫn cho người nộp đơn, người được cấp phép và cư dân trong quá trình nộp đơn xin cấp phép hoạt động bán rượu, giải trí quy định và giải khát đêm khuya và những cân nhắc mà cơ quan cấp phép sẽ đưa vào khi hoạt động các hoạt động này. Đồng thời, chính sách này nhằm bảo đảm rằng hoạt động được cấp phép phải thực hiện có trách nhiệm.

(2) Nguyên tắc đánh bạc 2019 – 2022: cấp phép theo Luật Đánh bạc năm 2005 và cung cấp hướng dẫn cho người nộp đơn, người được cấp phép và cư dân trong quá trình đăng ký một hoạt động có thể cấp phép (chơi game, cá cược hoặc xổ số). Cũng như chính sách nguyên tắc đánh bạc nhằm mục đích duy trì các mục tiêu cấp phép theo Đạo luật và thúc đẩy hoạt động đánh bạc có trách nhiệm.

(3) Chiến lược giao thông và kế hoạch thực hiện tại địa phương 2019- 2041: các quận được yêu cầu sẽ tạo ra một kế hoạch thực hiện tại địa phương để trình bày cách họ sẽ cung cấp Chiến lược giao thông cho Thị trưởng London tại cấp địa phương. Mục tiêu chính là xung quanh việc khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và tạo đường phố an toàn, an toàn và dễ tiếp cận. Một phần quan trọng trong số này là sự cải thiện đối với dịch vụ giao thông công cộng, kể cả vào ban đêm5.

KTĐ của London đã cung cấp nhiều sự lựa chọn cho tất cả các lứa tuổi và sở thích cho du khách, như: nhà hàng, câu lạc bộ, nhà hát, rạp chiếu phim, quán bar, triển lãm, và cung cấp cả các mặt hàng bán lẻ. Qua đó chothấy mục tiêu của London là: cung cấp đa dạng, toàn diện cho tất cả các cộng đồng; tạo một nền KTĐ an toàn và khỏe mạnh; tạo ra công việc thuận lợi cho doanh nghiệp và nền KTĐ phát triển; tạo nên thành phố kết nối và phát triển lành mạnh; đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo, âm nhạc và nghệ thuật.

Bắc Kinh (Trung Quốc)

Nền KTĐ của Trung Quốc đã phát triển từ khá lâu, tuy nhiên, những năm gần đây, với sự tác động từ chính phủ và sự hưởng ứng của doanh nghiệp cũng như người dân, KTĐ đang dần trở thành nguồn động lực góp phần kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu trong nước. Một trong những thành phố đi đầu trong việc phát triển KTĐ tại Trung Quốc chính là Bắc Kinh. Đây không phải là thành phố đầu tiên phát triển KTĐ nhưng với những chính sách và biện pháp đưa ra dồn dập gần đây, thành phố đang thể hiện quyết tâm đẩy nhanh phát triển loại hình kinh tế này với lộ trình cụ thể6: ngày 12/7/2019, Bắc Kinh công bố 13 biện pháp phát triển KTĐ thúc đẩy tiêu dùng, trong đó đáng chú ý lần đầu tiên Bắc Kinh có chức danh quản lý KTĐ gồm 3 cấp: thành phố, quận và khu phố, do lãnh đạo cơ quan chủ quản các cấp chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp nắm giữ, được gọi với cái tên đầy hình tượng là “người thắp đèn”.

Thành phố chia mục tiêu phát triển KTĐ làm 3 cấp độ:

(1) Cấp độ một là xác định các địa điểm mang tính biểu tượng của Bắc Kinh để khách du lịch có thể biết đâu là nơi đông vui nhộn nhịp nhất về đêm.

(2) Cấp độ hai là xây dựng khu thương mại cho dịch vụ kéo dài xuyên đêm.

(3) Cấp độ ba là xây dựng khu sinh hoạt giải trí về đêm để du khách có thể vui chơi sau 24h. Đây là những nơi có số người tập trung sinh sống đông trong thành phố, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau về tiêu dùng ban đêm.

Chính quyền Bắc Kinh cho hình thành 10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7, đó sẽ là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ban đêm. Tiếp theo đó, các cửa hàng và khu phố ăn uống hoạt động về đêm sẽ được chính quyền trợ cấp kinh phí. Các hoạt động nâng cấp cải tạo cửa hàng tại các khu thương mại ban đêm hay tiệm sách mở cửa đêm cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí. Các khu phố ban đêm nhận được khoảng hơn 700.000 USD dành cho việc phát triển kinh doanh, các hộ kinh doanh riêng lẻ sẽ có thể được hỗ trợ tới hơn 70.000 USD. Các rạp hát nhỏ cũng sẽ được trợ cấp để giảm giá vé cho người dân. Nhiều hoạt động giải trí cuối tuần và ngày lễ trong dịp hè cũng sẽ được tổ chức với sự kết hợp của cả dịch vụ ẩm thực, vui chơi, mua sắm và các hoạt động du lịch, văn hóa.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn đưa ra các biện pháp bảo đảm giao thông, hạ tầng cảnh quan; một số điểm du lịch trọng điểm kéo dài thời gian mở cửa 1 – 2 giờ mỗi ngày, các hoạt động giải trí buổi tối được khuyến khích tổ chức tại các công viên nổi tiếng, như: Di Hòa Viên, Thiên Đàn… Bắc Kinh còn cho các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện cũng đã được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm. Tại Bắc Kinh, từ tháng 5 – 10 mỗi năm, các phương tiện giao thông công cộng sẽ kéo dài thời gian hoạt động khoảng 1 tiếng rưỡi các ngày thứ Sáuvà thứ Bảy, đặc biệt là các tuyến đi qua những con đường kinh doanh sầm uất vào ban đêm Tại trung tâm hành chính mới của Bắc Kinh là Thông Châu, chính quyền sẽ mở nhiều căn tin bán đồ ăn uống, các cửa hàng tiện lợi, nhà sách, rạp chiếu phim… Còn ở trung tâm Bắc Kinh, nhiều tuyến tàu điện ngầm đã kéo dài thêm thời gian phục vụ từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi vào ngày cuối tuần đã phát huy tác dụng đáng kể. Bắc Kinh đã nhận thấy một thị trường tiềm năng lớn cho chi tiêu ban đêm. Theo số liệu của hãng đi chung xe Didi Chuxing, lượng hành khách tại Bắc Kinh di chuyển nhiều nhất vào khung giờ 22h đến 6h. Còn hãng giao đồ ăn Ele.me thống kê năm 2017, Bắc Kinh đứng thứ 6 trong danh sách 10 thành phố đặt đồ ăn đêm nhiều nhất thế giới. Học viện Du lịch Trung Quốc (CTA) cũng báo cáo, tiêu dùng ban đêm năm 2018 tăng 47% so với năm trước đó, con số này cũng cao hơn tiêu dùng ban ngày 2%. Trong đó, giới trẻ là những người đóng góp lớn nhất cho tiêu dùng ban đêm.

Theo Báo cáo về tình hình phát triển KTĐ năm 2019 được Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc công bố mới đây, quy mô thị trường “KTĐ” ở Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng, hình thái kinh tế dựa vào “vé vào cửa” ban ngày tiếp tục suy giảm, trong đó đáng chú ý là các hoạt động ẩm thực về đêm đóng vai trò chủ đạo, giải trí văn hóa còn tiềm năng phát triển rất lớn.

Theo thống kê năm 2018, số lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật kết hợp du lịch về đêm ở Trung Quốc lên tới 80.000 lượt, đem lại thu nhập 6,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 957 triệu USD), số lượng khán giả, du khách đạt hơn 40 triệu lượt người, tăng trưởng hơn 20%.

Thanh niên trở thành “đội quân chủ lực” trong tiêu dùng ban đêm, số lượng người tiêu dùng “8X”, “9X” lần lượt chiếm tới 40% và 19,8% trong cơ cấu du khách ban đêm. Có tới 60% các hoạt động tiêu dùng ở Trung Quốc xảy ra vào ban đêm, do vậy, KTĐ được xác định là yêu cầu nội tại để mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế phát triển chất lượng cao7.

Sydney (Australia)

Đây là một trong những thành phố nổi tiếng trên thế giới về việc phát triển thành công KTĐ. Nền KTĐ ở Sydney được xem là yếu tố kinh tế có giá trị nhất tại Australia. Quy mô nền KTĐ Sydney ước đạt 27,2 tỷ USD mỗi năm, tạo ra 234.000 việc làm và có thể tăng tới 43 tỷ AUD (30,96 tỷ USD) nếu được chú trọng đầu tư phát triển. Cụ thể hơn thị trường ban đêm của Australia đóng góp 3,8% tổng giá trị của nền kinh tế trong nước. Nghiên cứu đồng thời cho thấy, Sydney là thành phố có số lao động trong ngành nghệ thuật và các lĩnh vực văn hóa lớn nhất ở Australia (2,24%). Có tới 75% người Sydney tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tổng giá trị kinh tế của cơ sở hạ tầng và sự kiện văn hóa nghệ thuật là 1,4 tỷ USD mỗi năm, còn giá trị xã hội của những hoạt động này đạt 484 triệu USD mỗi năm, theo báo cáo. Để có thể biến Sydney trở thành một thành phố đêm như hiện nay là cả một quá trình về kế hoạch chiến lược của chính quyền thành phố, của các doanh nghiệp nghiệp và cả địa phương8. Cụ thể: Sydney mở rộng hàng loạt dịch vụ về đêm, kể cả nghệ thuật, văn hóa, bán lẻ và giải trí tạo nên “Mạng Văn hóa Sydney”: đây là một dự án kết nối các dịch vụ văn hóa của Sydney và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào đời sống văn hóa thành phố. Năm 2014, Sydney bắt đầu áp dụng luật giới nghiêm nhằm hạn chế bạo lực liên quan đến rượu. Luật quy định các quán bar và club không nhận khách từ 1h30 và đóng cửa trước 3h.

Để hiện thực hóa một nền KTĐ phát triển, Sydney đã thành lập Ủy ban KTĐ tại Greater Sydney. Ủy ban này đưa ra 22 khuyến nghị có khả năng thúc đẩy nền KTĐ, mở ra nguồn doanh thu mới cho đất nước. Chính quyền Sydney đã hợp tác với các doanh nghiệp phát triển KTĐ. Xây dựng dự án mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng vốn có và mở rộng thêm hệ thống tàu điện ngầm Sydney Metro. Dự án này sẽ hướng tới các khu trung tâm thương mại của thành phố và xem xét xây dựng 31 ga tàu điện ngầm dọc theo 66 km trên toàn thành phố để nhằm giảm ách tắc và cải thiện tính bền vững, kết nối và hiệu quả của hệ thống giao thông thành phố, từ đó hỗ trợ cải thiện nền KTĐ của Sydney.

Sydney đã quy hoạch và thiết kế lại đô thị: đây là kế hoạch đóng vai trò chính tạo ra sự phát triển KTĐ an toàn và bền vững. Đặc biệt là quy hoạch và thiết kế lại đô thị sẽ tạo nên một xu thế mới cho thành phố, tạo sự thuận lợi cho phát triển giữa các ngành nghề và dễ dàng cho du khách. Việc quy hoạch lại cũng tạo nên vị trí thích hợp cho phát triển dân cư, tránh tác động tiêu cực của KTĐ đến người dân địa phương9.

Kinh nghiệm cho Việt Nam phát triển kinh tế đêm

Qua phân tích kinh nghiệm ở các nước trên cho thấy, không có khung pháp lý/chính sách quốc gia riêng điều chỉnh hoạt động KTĐ mà hầu hết các quốc gia đều phân quyền cho chính quyền địa phương (thành phố) trong việc quy hoạch và phát triển KTĐ tại địa phương, theo đó, Việt Nam cần rút ra những kinh nghiệm cụ thể là:

Thứ nhất, các thành phố phát triển KTĐ cần xây dựng chương trình (chiến lược, kế hoạch…) và thành lập cơ quan quản lý hoạt động KTĐ nhằm hiện thực hóa chương trình phát triển KTĐ.

Thứ hai, để phát triển KTĐ bền vững, các thành phố cần thiết lập điều lệ/khung nguyên tắc chung về hoạt động KTĐ.

Thứ ba, xác lập và quy hoạch các khu vực/không gian công cộng, trong đó trọng tâm là thiết lập phần lõi, khu vực hoạt động trung tâm, các khu vực chiến lược riêng biệt để phát triển các hoạt động về đêm (các khu vực văn hóa – di sản mang tính quốc tế, vùng, địa phương với các đặc trưng riêng; các khu vực chuyên về ẩmthực, mua sắm, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, trình diễn nghệ thuật, thể thao, an ninh trật tự, giao thông và hậu cần,…).

Thứ tư, mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động về đêm (từ ẩm thực sang thể thao, giải trí, nghệ thuật và văn hóa, khu vực mua sắm, bán lẻ vào đêm, các nhà hàng, quán café, quán rượu, nghệ thuật đường phố); và kéo dài thời gian mở cửa đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ.

Thứ năm, thuận lợi hóa hạ tầng công cộng (phát triển giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, hệ thống nhà vệ sinh,…); nâng cao khả năng tiếp cận toàn diện và an toàn đối với các hoạt động về đêm (kiểm soát chất lượng dịch vụ cung cấp, xử lý các vấn đề phát sinh ô nhiễm tiếng ồn, lấn chiếm không gian công cộng, tệ nạn xã hội,…) và xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro kinh tế về đêm.

Thứ sáu, địa phương phát triển KTĐ cần quản lý tốt và giải quyết được các vấn đề, đó là: giữa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống nhưng vẫn làm cho thành phố đêm trở nên hấp dẫn; giữa phát triển hoạt động đêm mà không tạo ra các xung đột giữa các chủ thể liên quan; giữa thúc đẩy hoạt động đêm sống động hơn trong khi vẫn bảo đảm đồng hồ sinh học; giữa tăng cường cung cấp dịch vụ đêm mà cần phải bảo đảm gìn giữ trật tự, yên tĩnh và bóng tối; giữa thúc đẩy hoạt động KTĐ nhưng cũng chú ý đến điều kiện sức khỏe của người lao động; có sự dung hòa giữa hoạt động “ban ngày” và “ban đêm”.

Thứ bảy, các thành phố phát triển KTĐ cần xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích các hoạt động đêm lành mạnh (giảm sự tập trung vào hoạt động liên quan tới cồn) với sự tham gia rộng rãi của mọi lứa tuổi. Chính quyền địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp địa phương và cộng đồng để xác định các sự kiện, hoạt động có khả năng thu hút người dân ở mọi lứa tuổi.

Kết luận

KTĐ hiện nay đang trở thành xu hướng phát triển đối với các nước và thành phố trên thế giới. Nhiều thành phố thực hiện phát triển KTĐ và trở thành “Thành phố 18 giờ” hay “Thành phố 24 giờ”. Sự tiếp cận kinh tế đêm của Việt Nam phần nào đã tiếp thu được tinh hoa của thế giới và phù hợp với tình hình của đất nước. Nghiên cứu đã làm rõ được các khái niệm, nội hàm KTĐ và phát triển KTĐ; chỉ ra được các đặc điểm của KTĐ. Ngoài ra,cũng đánh giá được vai trò quan trọng của KTĐ đối với quá trình phát triển kinh tế địa phương ở một số nước trên thế giới, từ đó cho thấy, KTĐ phát triển sẽ thúc đẩy tăng trưởng của địa phương; đồng thời, kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế khác, giúp kinh tế phát triển toàn diện và nâng cao cuộc sống người dân.

Chú thích:
1, 4. London First & EY (2016), The economic value of London’s 24-Hour Economy: The 24-hour Economy. https://www.londonfirst.co.uk, truy cập ngày 01/5/2023.
2. Matthew M. Chew (2009), Research on Chinese Nightlife Cultures and Night-time Economies”, Chinese Sociology & Anthropology. .https://www.researchgate.net, truy cập ngày 01/5/2023.
3. Phát triển kinh tế ban đêm tại các thành phố của Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn, ngày 25/02/2020.
4. London night time commission (2020), Think night London’s neighourhoods from 6pm to 6 am. https://www.london.gov.uk, truy cập ngày 01/5/2023.
5. China Tourism Academy (2020), China Night-Time Economy Development ReportChina Night-Time Economy Forum 2020, Wuxi, China: China Tourism Academy. https://mp.weixin.qq.com, ngày 25/10/ 2020.
6. China Tourism Academy (2019) Data Report on China Night-Time Tourism Market. Beijing, China: China Tourism Academy. https://mp.weixin.qq.com, ngày 14/3/2019.
7. Terry Bevan, Alistair Turnham, Andrew License (2011),Sydney Night Time Economy: Cost Benefit Analysis, https://www.cityofsydney.nsw.gov.au, truy cập ngày 01/5/2023.
8. Lord Mayor Clover Moore (2012),OPEN Sydney – Future directions for Sydney at night, Strategy and action plan 20132030. https://www.cityofsydney.nsw.gov.au, truy cập ngày 01/5/2023.
TS. Phạm Văn Hiếu
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội