Nguyễn Ái Quốc với báo Le Paria và giá trị định hướng đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Là nhà báo có uy tín lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà báo lỗi lạc của báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của báo chí cách mạng đối với việc hiện thực hóa con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Trong thời gian hoạt động cách mạng tại Pháp, Người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho báo Le Paria (Người cùng khổ) – quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa, với những định hướng sâu sắc, vẹn nguyên giá trị đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. 
Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho báo Le Paria (Người cùng khổ) trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp. Ảnh: hdll.vn.
Nguyễn Ái Quốc với sự ra đời của tờ báo Le Paria

Mục đích của Hội Liên hiệp thuộc địa là nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động của nhân dân các nước thuộc địa chống đế quốc chủ nghĩa, giải phóng dân tộc. Vì vậy, trong chương trình hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính trị mà trước hết là phải phát hành một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Hội, tờ báo lấy tên là Le Paria – Người cùng khổ. Để ra được tờ báo, Hội đã ráo riết chuẩn bị tài chính cho việc xuất bản báo, đây là công việc khó khăn vì hầu hết các thành viên trong Hội đều có cuộc sống hết sức khó khăn. Ngày 10/02/1922, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội, đã cùng Stephany Samuel là hội viên của Hội và Gutơ noa Đơ Tury là thủ quỹ chính, thay mặt Hội đồng quản trị ra Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria đã nêu rõ hội này đang thành lập và sẽ xuất bản một tờ báo và “đó sẽ là một xuất bản phẩm thật sự của thuộc địa”. Kêu gọi tất cả các bạn và các đồng chí hãy tham gia vào Hội và mua báo ủng hộ Hội, đó cũng là vì sự nghiệp giải phóng thuộc địa, giải phóng người lao động bị áp bức bóc lột trên khắp thế giới.

Số ra đầu tiên của báo là ngày 01/4/1922 với măng-sét in đậm chữ Le Paria ở giữa, bên phải là ba chữ Hán nghĩa là “Lao động báo”; bên trái có hàng chữ Arab, phiên âm là “An Mancurơ” cũng có nghĩa tương tự. Tờ báo được in trên khổ giấy 36 x 50cm, số 1 có đăng Lời kêu gọi, nêu rõ sự ra đờicủa tờ báo: “Báo Le Paria ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Mađagátxca, ở Đông Dương, Ăngti và Guyannơ… Trên trang nhất số báo này có đăng thông báo về đề tài Sân khấu Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong chương trình sinh hoạt tháng 4/1922 của Câu lạc bộ Phôbua”1 với tôn chỉ, mục đích là: “Tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại đang là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, tổ chức họ nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức thoát khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái… Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người2. Kể từ khi ra đời đến khi dừng hoạt động, Báo Le Paria ra được 38 số, với những tư tưởng định hướng quan trọng, căn bản đã có ý nghĩa to lớn đối với giai cấp công nhân và công luận Pháp, với phong trào yêu nước ở các thuộc địa, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và một số thuộc địa khác, thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa, chỉ ra cho họ con đường đấu tranh chống áp bức, bất công, đứng lên tự giải phóng mình.

Những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc đối với báo Le Paria công cuộc giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa

Trước hết, công lao của Nguyễn Ái Quốc với báo Le Paria được thể hiện ở chỗ, Người vừa là người sáng lập, vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo, thậm chí kiêm cả phát hành. Nguyễn Ái Quốc đã làm việc không biết mệt mỏi và có đóng góp rất nhiều cho hoạt động của tờ báo. Để thuận tiện cho hoạt động của Le Paria Nguyễn Ái Quốc đã chuyển đến số 7 ngõ Compoin sửa ảnh và viết bài cho báo. Những bài viết của Người nhất quán về tình cảm yêu nước, rõ ràng về tôn chỉ, mục đích, đa dạng về thể tài, phương thức trình bày với bút pháp độc đáo, lý lẽ sắc bén, có sức hấp dẫn bởi chất châm biếm thâm thúy và sâu cay. Có nhiều bài viết cùng chủ đề là tập trung phê phán chế độ thực dân nhưng không trùng lặp, mà các tuyến bài báo có sự liền mạch, bổ sung cho nhau, hình thành một hệ thống luận điểm vững chắc, triệt để và thuyết phục cao. Một số bài viết dưới dạng truyện ngắn trào phúng và tiểu phẩm báo chí, văn học kết hợp nêu lên những luận cứ đanh thép về chính trị, văn hóa – xã hội được vận dụng nhằm tiến công trực diện thực dân. Trong toàn bộ quá trình tham gia báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc sử dụng 7 bút danh (Nguyễn Ái Quốc; Ng. Ái Quốc; N.; N. A. Q; NG. A. Q.; Nguyễn A. Q; Nguyễn.); Người đã viết tất cả 38 bài thuộc nhiều thể loại khác nhau, như: xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký cùng tranh vẽ…

Thông qua hàng loạt các bài viết đăng tải trên Báo, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác của thực dân với những thủ đoạn thâm độc, những hành động dã man, được minh chứng bằng những số liệu thống kê chính xác, cứ liệu phong phú về các dân tộc thuộc địa được phơi bày trên báo chí. Những bài viết trên như những bản án cho một chế độ, là lời kết tội thực dân, phê phán gay gắt bộ mặt giả dối, tàn bạo vô nhân đạo của bọn thực dân tự xưng là nước quốc mẫu, đi khai hóa văn minh, nhưng thực chất là bóc lột thuộc địa, tước lục công nông…

Mặc dù điều kiện hoạt động ở Paris có nhiều khó khăn, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn ủng hộ đều đặn cho báo mỗi tháng 25 francs với tổng số tiền là 175 francs, trong khi những đồng chí khác mới chỉ thực hiện được dưới một nửa số tiền đã đăng ký từ trước. Riêng khoản tiền đóng góp đột xuất, Người luôn đóng ở mức cao nhất, cụ thể tại phiên họp tối ngày 19/01/1923 tại số 3 phố Marché des patriches, quận 5 Paris, Người đã đóng 100 francs; trên số 28 (tháng 8/1924) có đăng tin Người ủng hộ báo 98,25 francs. Trong khi có những số báo phát hành nhưng rơi vào tình trạng còn nợ tiền nhà in, Nguyễn Ái Quốc có nhiều sáng kiến độc đáo, linh hoạt để duy trì hoạt động, gia tăng số lượng bản in và phát hành báo Le Paria. Ngoài việc quyên góp, ủng hộ, kêu gọi nhiều người đặt mua báo dài hạn để có kinh phí làm báo, Người gửi bán báo hộ, bán báo cho công nhân, tầng lớp lao động ở Paris, nhờ anh em thủy thủ bí mật chuyển báo cho các thuộc địa của Pháp; vào dịp mít tinh,Người vừa bán, vừa tặng báo cho mọi người. Tính từ đầu đến ngày cuối cùng trước khi Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô, tòa soạn công bố số tiền ủng hộ báo là 692 francs, trong đó có những nhóm công nhân Việt Nam gửi 100 francs, 180 francs ủng hộ báo. Các bạn nước ngoài, có bạn ủng hộ một lần 50 francs, 40 francs và cũng có bạn ở Đông Dương ủng hộ một lần 50 francs3. Trong thời gian sangLiên Xô và Trung Quốc hoạt động, Nguyễn Ái Quốc vẫn gửi nhiều bài đăng báo Le Paria và gửi tiền ủng hộ cho báo tồn tại.

Thứ hai, thông qua báo Le Paria tuyên truyền, giác ngộ, đấu tranh hiện thực hóa công cuộc giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Về nội dung này, người từng làm việc cùng với Nguyễn Ái Quốc ở Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa là ông Max Clainvill Bloncourt đánh giá như sau: “Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo… Toàn bộ những bài báo của anh là bản án chủ nghĩa thực dân Pháp và là nguyện vọng giành độc lập, tự do cho Nhân dân Việt Nam và Nhân dân các nước thuộc địa… Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria mang một màu sắc đặc biệt: “Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”4.

Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc có tác động to lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Hoạt động báo chí của Người không chỉ tố cáo tội ác tày trời của thực dân, mà qua đó thức tỉnh nhân loại cần lao, nói lên tiếng nói hòa đồng để sẻ chia, cảm thông và khích lệ trong nỗ lực đấu tranh, sức mạnh được nhân lên, kêu gọi mọi người đoàn kết lại với nhau, chống ách áp bức, giành độc lập dân tộc. Những vấn đề về quyền bình đẳng của con người, không phân biệt màu da, dân tộc được tác giả bài báo đặt ra và coi như là một chân lý, một lẽ phải cần phải được công nhận, phải được thực thi và bảo vệ. Chính chế độ thực dân đã vi phạm trắng trợn quyền con người, là phạm tội tày trời, bộc lộ sự thiếu nhân cách, chà đạp lên sự văn minh, tự do và phát triển bình đẳng của loài người. Nạn nhân của chế độ thực dân sẽ được thức tỉnh, lý tưởng cách mạng được thúc đẩy.

Những bài báo của Người còn góp phần tuyên truyền, giác ngộ cho các dân tộc thuộc địa về con đường cách mạng vô sản mà Lênin là người khởi xướng thành công. Với bài Lênin và các dân tộc phương Đông (số 27, tháng 7/1924), Người viết: “Lênin không những chỉ giải phóng nam giới và nữ giới trên đất nước Tiên sinh, mà còn chỉ đường cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới. Và, bất chấp bọn bạch vệ tấn công ở bên trong, bọn tư bản bao vây bên ngoài, ý chí kiên cường của Lênin đã cứu đồng bào của Tiên sinh ra khỏi cảnh đau khổ và lầm than, và đã nêu cao ngọn cờ của Quốc tế cho tất cả những người bị áp bức”. Khi Lênin qua đời, Người kêu gọi tất cả hãy mạnh mẽ để cách mạng thắng lợi: “Những người bị áp bức, nam và nữ, há lại không nên nhận lấy nhiệm vụ mà Lênin đã để lại và tiến lên hay sao? Tiến lên!”5. Đầu năm 1923, trong Truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, Người đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau. Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới”6.

Như vậy, qua những bài viết đăng báo Le Paria, Người đã định hướng cho nhân dân lao động các dân tộc cần lao về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và, thực tế, đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ từ những năm 30 của thế kỷ XX, đặc biệt là kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Giá trị định hướng đối với xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam

Mặc dù ra đời cách đây hơn 100 năm nhưng báo Le Paria – Người cùng khổ với những quan điểm, tư tưởng cơ bản, căn cốt đã định hướng cho việc xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam và đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, tính mới mẻ của nó, điều đó được thể hiện ở những giá trị cụ thể sau:

Một là, cần phải xác định rõ mục đích, tôn chỉ của mỗi tờ báo.

Báo Le Paria khẳng định tôn chỉ, mục đích của mình ngay ở số đầu tiên phát hành là “sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu” với sứ mạng “giải phóng con người”. Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp”. Điều này, đặt trong bối cảnh hiện nay sẽ gợi mở cho đội ngũ những người làm báo, các cơ quan ngôn luận cần suy nghĩ một cách nghiêm túc, quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn về tôn chỉ, mục đích của mỗi tờ báo, định vị rõ nét hơn nữa về vị trí, vai trò, sứ mệnh trong nền báo chí nước nhà, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, của Nhân dân.

Hai là, xác định rõ chủ đề, kiên định mục tiêu tranh đấu cho sự nghiệp cách mạng với các cách thức, phương pháp viết báo phù hợp.

Báo Le Paria có ấn tượng từ tên gọi, trở thành tờ báo đại diện cho tiếng nói, diễn đàn của Nhân dân các nước thuộc địa. Trong khoảng 4 năm, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài viết, hình vẽ rất đặc sắc để tuyên truyền, giác ngộ. Qua những bài viết của Người trên Le Paria, khi phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam bị đế quốc thực dân khủng bố dã man và đang lâm vào bế tắc, chúng ta cảm nhận thêm những điều sâu xa mà Người đã suy nghĩ thấu đáo và thể hiện dung dị những vấn đề liên quan đến chiến lược cách mạng ở các nước thuộc địa và của cách mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng của giai cấp vô sản, của Nhân dân các dân tộc thuộc địa kiên định mục tiêu đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Trong điều kiện mới hiện nay, việc xác định rõ chủ đề, đối tượng, kiên định mục tiêu với cách thức, phương pháp tuyên truyền của đội ngũ những người làm báo, mỗi cơ quan báo chí chuyên nghiệp rất cần được nghiên cứu, quán triệt từ những chỉ dẫn của Nguyễn Ái Quốc khơi nguồn từ những tác phẩm đăng trên báo Le Paria.

Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà báo có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng một nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tấm gương của nhà báo chuyên nghiệp Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ khi sáng lập báo Le Paria cho đến sau này khi Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”7 và “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người luôn yêu cầu ở đội ngũ những người làm báo phải xứng đáng với danh hiệu “chiến sĩ cách mạng”, “tiên phong” với những phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, phẩm chất trung thực, khách quan, công tâm, suốt đời vì nước, vì dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để mãi “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”; tinh thông trong thực hành nghề nghiệp, là những “vĩ khí sắc bén” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.

Kết luận

Với tầm vóc của một nhà báo chuyên nghiệp – Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quan trọng, trở thành “linh hồn” cho sự ra đời, tồn tại của báo Le Paria; những bài viết của Người với nội dung phong phú, nhiều minh chứng sinh động về chính sách bạo tàn của thực dân đối với các dân tộc thuộc địa và cách mạng Việt Nam. Thời gian càng lùi xa, những tư tưởng của Người trong báo Le Paria càng tỏ rõ giá trị, tính thời sự, mới mẻ, tiếp tục định hướng, soi chiếu cho đội ngũ những người làm báo, các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam hiện nay trên con đường đi đến một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Chú thích:
1. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr.125.
2, 5, 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 490 – 491, 319, 496
3. Nguyễn Thành. Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. H. NXB Lý luận chính trị,2005, tr.94.
4. Bác Hồ ở Pháp (hồi ký). H. NXB Văn học, 1980, tr. 493 – 494.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 466.
PGS.TS. Doãn Thị Chín
Học viện Báo chí và Tuyên truyền