Phát triển nông nghiệp sạch ở Đài Loan: Kinh nghiệm và một số kiến nghị chính sách cho Việt Nam  

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, nông nghiệp hữu cơ chính thức được Đài Loan áp dụng nhằm s dụng ít hơn các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Đài Loan còn áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh, quản lý nguồn nước và nhiều biện pháp khác để phát triển nông nghiệp bền vững. Chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Đài Loan tương đối bài bản. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được áp dụng theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo các quy định và luật pháp hiện hành.
Ảnh minh họa (xkldvietnam.com).
Chính sách phát triển nông nghiệp sạch ở Đài Loan (Trung Quốc)

Chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ở Đài Loan tương đối bài bản:

Năm 1986, Hội đồng Nông nghiệp (COA) đã yêu cầu một nhóm chuyên gia đánh giá tính khả thi trong việc áp dụng NNHC ở Đài Loan. Năm 1988, Dự án giám sát tính khả thi cho sản phẩm NNHC của Đài Loanđược thành lập, theo đó một số trang trại nông nghiệp được đưa vào thử nghiệm phát triển NNHC dưới dự giám sát của COA.

Tháng 4/1990, Tổ chức Sinh thái tự nhiên quốc tế (International foundation of natural ecology) được thành lập. Năm 1993, Hợp tác xã Người tiêu dùng Liên minh Nội trợ bắt đầu quảng bá “Mua theo nhóm – Group buying”. Năm 1995, các Trạm Khuyến nông và Nghiên cứu Nông nghiệp ở mỗi huyện đã chọn những nông dân đủ điều kiện để thử canh tác hữu cơ. Năm 1996, Sở Nông nghiệp và Lâm nghiệp tỉnh Đài Loan đã thiết lập các tiêu chuẩn về thực hành canh tác hữu cơ cho bốn loại cây trồng: lúa, chè, rau và trái cây.

Năm 1997, COA bắt đầu ban hành hướng dẫn về ghi nhãn mác bao bì NNHC lên sản phẩm nông nghiệp. Năm 1999, Hội đồng Nông nghiệp đã công bố và thực thi “Tiêu chuẩn cơ bản về sản xuất và chế biến hữu cơ”, “Hướng dẫn công nhận của các tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ” và “Hướng dẫn của nhóm tư vấn về chứng nhận sản phẩm hữu cơ” để điều chỉnh sản xuất thực phẩm hữu cơ.

Năm 2007, Luật Sản xuất và chứng nhận NNHC được ban hành. Tháng 5/2011, Sổ tay ‘Hướng dẫn Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Đài Loan’ đã được xuất bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc hướng dẫn người dân thực hành NNHC.

Tháng 5/2019, Đạo luật Khuyến khích NNHC có hiệu lực ở Đài Loan. Đạo luật cung cấp nền tảng pháp lý để thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên bền vững và thân thiện với môi trường.

Thực trạng phát triển nông nghiệp sạch Đài Loan

Đài Loan bắt đầu phát triển NNHC từ năm 1986 và diện tích canh tác NNHC tăng lên từng năm. Theo số liệu thống kê năm 2017, diện tích đất nông nghiệp của Đài Loan là khoảng 793.027 ha, chiếm 22% diện tích lãnh thổ, bao gồm 775.310 hộ gia đình làm nghề nông, trong đó 80% hộ gia đình sở hữu đất đai dưới 1 ha/hộ và 55% hộ gia đình sở hữu dưới 0,5 ha/hộ1. Cũng bắt đầu từ năm 2017, Đài Loan thực hiện phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường, vì vậy diện tích canh tác nông nghiệp thân thiện với môi trường bắt đầu tăng lên.

Nông nghiệp sạch (NNS), NNHC ở Đài Loan được áp dụng theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo các quy định và luật pháp hiện hành. Các lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu áp dụng NNHC bao gồm: sản xuất lúa gạo, rau, quả và chè.

Đối với các vùng trồng lúa

Đài Loan áp dụng các kỹ thuật trong hệ thống canh tác lúa, từ quản lý đất, quản lý nước, kiểm soát sâu bệnh và cả quản lý thu hoạch. Kỹ thuật trồng lúa sạch ở Đài Loan được thực hiện từ khâu làm đất, bảo đảm đất không được tồn dư và bón phân hóa học. Phân hữu cơ hoặc thực vật mục nát được chọn để làm dinh dưỡng cho đất. Nông dân cũng không sử dụng phân bón hóa học, họ sử dụng phân động vật hoặc cỏ dại mục nát để bón ruộng. Tuy nhiên, ở các mảnh ruộng canh tác theo hướng thân thiện với môi trường, phân hóa học được sử dụng với liều lượng cho phép.

Đối với nguồn nước tưới, Đài Loan sử dụng phương pháp tưới liên tục, luân phiên, phụ thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Nước tưới được cung cấp với số lượng thích hợp, được lấy từ các con sông, suối, kênh mương không có dư lượng hóa chất. Cùng với đó, chính quyền Đài Loan đã sử dụng biện pháp kiểm soát tự nhiên để kiểm soát dịch hại. Sử dụng biện pháp kiểm soát sinh học là phương pháp quen thuộc nhất để kiểm soát dịch hại.

Để có được chứng nhận hữu cơ, các nông dân cần tuân thủ một số quy tắc, đó là: cây trồng phải tránh xa nguyên liệu hóa học. Các trang trại hữu cơ và vườn nhà hữu cơ đều được chứng nhận hữu cơ. Khi nhận được đơn đăng ký chứng nhận thực địa, đơn vị chứng nhận sẽ cử một thanh tra viên tiến hành “Kiểm tra tại hiện trường”. Khi cuộc kiểm tra thực địa được thông qua, trang trại có thể được chỉ định là “Cánh đồng hữu cơ chuyển tiếp”. Giấy chứng nhận được cấp để đăng trên trang trại. Chứng nhận có hiệu lực trong 3 năm và có thể được gia hạn sau khi hết thời hạn. Nếu trang trại được chứng nhận không tuân theo các tiêu chuẩn của NNHC, tài liệu được chứng nhận sẽ bị thu hồi2.

Trong vài năm trở lại đây, nông dân Đài Loan đã được chính phủ áp dụng thực hiện công nghệ big data (dữ liệu lớn) để đối phó với biến đổi khí hậu, theo dõi mưa, nhiệt độ và hóa chất trong đất. Hệ thống này, cho phép người tiêu dùng theo dõi sản phẩm họ mua được trồng như thế nào, có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo đảm sức khoẻ người dân hay không. Big Data đang trở thành công nghệ cho phép người nông dân tối ưu hóa chu kỳ sản xuất lúa, các trái cây và các sản phẩm nông nghiệp khác của họ, là trợ thủ quan trọng của người nông dân.

Đài Loan sử dụng các công nghệ thông minh để thúc đẩy phát triển NNS: tăng cường các phương pháp quản lý đất, nước và chất dinh dưỡng bền vững; công nghệ tưới tiêu thông minh; máy bay không người lái chụp ảnh hồng ngoại để ước tính chất diệp lục nhằm cải thiện hiệu quả quản lý đồng ruộng; áp dụng các công nghệ máy chủ canh tác ruộng thông minh; hệ thống thâm canh lúa chế phẩm sinh học… giúp người nông dân thực hiện NNS, NNHC..

Đối với các vùng trồng hoa và cây ăn trái.

Cơ cấu cây trồng hữu cơ dẫn đầu là rau, tiếp theo là lúa, các loại cây khác (bao gồm cây đặc sản, như: cà phê, cây ăn quả và chè). Chính quyền Đài Loan đã đề ra các tiêu chuẩn “sạch, chất lượng, tiêu chuẩn hoá”, từng bước áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch trong sản xuất hoa và rau quả đem giá trị kinh tế cao. Các giống hoa và rau quả được lựa chọn kỹ lưỡng, theo quy trình sản xuất sạch, khuyến khích thực hiện các vụ mùa trồng các loại hoa quả mới có sức cạnh tranh cao, cân bằng sản xuất với môi trường tự nhiên.

Phát triển nông nghiệp Đài Loan thực hiện theo công nghệ chế biến đa dạng, nhấn mạnh “tiêu dùng sạch”. Để hỗ trợ cho phát triển NNS, chính quyền đã tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp, giảm bớt việc sử dụng nhân công, cải thiện môi trường nông trại, giảm chi phí sản xuất. Trong quản lý đất đai và phân bón, chính quyền Đài Loan đã cung cấp dịch vụ miễn phí trong giáo dục, hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân, tư vấn người nông dân thực hiện các loại phân bón hữu cơ, cơ giới hóa việc bón phân để giảm chi phí lao động, đồng thời bảo vệ nguồn đất đai theo hướng bền vững.

Trong quá trình bảo quản sản phẩm nông nghiệp và chế biến sản phẩm, chính quyền Đài Loan cũng chỉ dẫn người dân thực hiện sản xuất sản phẩm và giám sát chất lượng sản phẩm trực tiếp trên các cánh đồng và trong các chợ đầu mối, đặc biệt là kiểm soát các tiêu chí sản phẩm theo hệ thống đánh giá Nông nghiệp thực hành tốt (GAP), chứng nhận sản phẩm NNHC theo đúng quy trình thủ tục vận hành được tiêu chuẩn hóa đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Để giảm sức ép của việc thu hoạch vụ mùa sớm, chính quyền Đài Loan hướng dẫn các hộ nông dân quy trình sản xuất theo kế hoạch và phát triển mạnh công nghệ chế biến. Các chỉ dẫn, hướng dẫn này được triển khai xuống từng quận, làng xã và địa phương một cách đồng bộ nhằm xây dựng một ngành công nghệ chế biến nông sản đồng bộ và có tính cạnh tranh cao.

Sản xuất chè sạch ở Đài Loan

Đài Loan hiện có khoảng 20.000 ha trang trại chè sạch, sản xuất khoảng 20.000 tấn chè hàng năm. Chè là mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Đài Loan. Các loại trà được sản xuất tại Đài Loan bao gồm: trà xanh, trà Paochong, trà ô long và trà đen. Quy trình sản xuất chè sạch ở Đài Loan thuộc về sự quản lý của Hội đồng nông nghiệp (COA), chính quyền thành phố và quận, văn phòng thị trấn và hiệp hội nông dân. Trạm Nghiên cứu và Khuyến nông Đài Loan được thành lập đặc biệt để thực hiện các công việc thử nghiệm và khuyến nông về nhân giống chè, canh tác, cơ giới hóa, quản lý, kỹ năng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm.

Để bảo đảm chất lượng chè theo tiêu chí sạch, an toàn sức khoẻ và không gây ô nhiễm môi trường, các trang trại chè được duy trì trong điều kiện canh tác và sử dụng hợp lý. Các viện nghiên cứu ở Đài Loan tập trung phát triển cho công nghệ sản xuất và chế biến chè, các công nghệ hữu cơ liên quan đến cây chè, điển hình là các công nghệ phơi khô chè bằng năng lượng mặt trời, công nghệ phơi và sấy trộn chè trong nhà, công nghệ làm khô hiện đại, công nghệ sấy khô, khử xanh ở nhiệt độ cao, công nghệ cán chè và nhiều công nghệ hiện đại khác.

Những khó khăn, hạn chế trong phát triển nông nghiệp sạch ở Đài Loan

Thứ nhất, NNS gặp khó khăn trong phát triển quy mô sản xuất. Đất nông nghiệp ở Đài Loan đang có dấu hiệu giảm mạnh do quá trình đô thị hóa và gia tăng dân số. Chính vì lý do này, nông nghiệp Đài Loan ngay từ thời kỳ đầu phát triển đã không tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động, mà tập trung phát triển công nghệ và đầu tư nhiều vốn.

Thứ hai, NNS Đài Loan chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sự mất cân đối cung cầu cho thấy Đài Loan phụ thuộc lớn vào thị trường nhập khẩu các loại nông sản. Do đất đai hạn chế, người nông dân gặp khó khăn trong việc thực hiện các mô hình sản xuất NNS quy mô lớn. Mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp của Đài Loan là chỉ nhằm ổn định về chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và sạch. Các công nghệ hiện đại áp dụng trong đồng ruộng đều có những rủi ro và chi phí cao bởi các công nghệ này phù hợp hơn với canh tác nông trại quy mô lớn.

Thứ ba, quá trình vận hành thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và NNHC ở Đài Loan yêu cầu rất khắt khe, tốn thời gian và chi phí, nhưng nông dân Đài Loan có ít động lực để chuyển đổi sang hệ thống canh tác NNS. Do quy mô trang trại bình quân còn nhỏ, được chia thành nhiều thửa nằm rải rác ở nhiều nơi khác nhau. Thu nhập nông nghiệp của Đài Loan thấp hơn nhiều so với thu nhập phi nông nghiệp. Nông dân đang yêu cầu hỗ trợ thu nhập trực tiếp nhiều hơn, đặc biệt đối với các sản phẩm NNS và an toàn, khiến hàng nông sản Đài Loan đang phải chịu các áp lực cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế. Chính phủ Đài Loan luôn phải chịu áp lực trong việc tìm giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực của tự do hóa thương mại nông nghiệp trong khi vẫn duy trì thu nhập của nông dân ở mức thỏa đáng.

Những kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Về kinh nghiệm

Thứ nhất, đó là việc xác định chiến lược phát triển đúng đắn từ rất sớm, chiến lược phát triển nông nghiệp bài bản. Để tập trung cho phát triển NNHC, các chiến lược, chính sách được thiết kế bài bản: Luật Sản xuất nông nghiệp và chứng nhận sản phẩm hữu cơ năm 2007 và Luật Thúc đẩy NNHC năm 2019 là cơ sở pháp lý cao nhất , tạo điều kiện cho việc thực hiện các biện pháp, chính sách phát triển NNHC ở Đài Loan. So với các nước trong khu vực, Đài Loan là nơi đi tiên phong trong phát triển NNHC với hệ thống hành lang pháp lý và cơ cấu tổ chức đầy đủ nhất.

Thứ hai, phát triển NNS, NNHC không thể bền vững và hiệu quả nếu thiếu đi các hỗ trợ tài chính và các biện pháp xử phạt thích hợp. Kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, các biện pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích phát triển NNHC rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân chuyển đổi sang phát triển NNS, NNHC.Trong gần 4 thập kỷ qua kể từ khi bắt đầu phát triển NNHC, Đài Loan đã có rất nhiều chính sách được ban hành để hổ trợ và khuyến khích NNHC và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống  sang nền NNHC, nông nghiệp thông minh một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, các chính sách đó không phải là bất biến, nó luôn được sửa đổi cho phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển. Hệ thống hỗ trợ tài chính cho phát triển NNHC được chú trọng trong đó tập trung vào các ngân hàng: ngân hàng ruộng đất; ngân hàng đầu tư nông nghiệp; ngân hàng phân bón. NNHCđược khuyến khích phát triển đến mọi người, mọi nhà, mọi làng xã, mọi hợp tác xã ở quy mô đa dạng.

Thứ ba, cách thức tổ chức nông dân thực hành NNHC ở Đài Loan cũng rất bài bản, thích hợp. Để lấy chứng nhận NNHC, Hội đồng nông nghiệp Đài Loan (COA) có trách nhiệm cấp giấy phép và kiểm tra chứng nhận; Tổ  chức công nhận Đài Loan, Cơ quan chứng nhận và các cơ sở vận hành NNHC là các cơ quan làm nhiệm vụ cấp phép, chứng nhận và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ. Chính quyền thành phố và chính quyền địa phương có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn thực hiện NNHC. Ngoài ra, các hiệp hội như hội nông dân trồng trọt, chăn nuôi, hội ngư dân, hợp tác xã và các nông trại hợp tác, hội thủy lợi… cũng giúp nông dân nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển , hướng dẫn ứng dụng tiên tiến trong nông nghiệp, phổ biến các luật và các quy định về nông nghiệp hữu cơ, hòa giải các ý kiến khác nhau trong nông nghiệp để bảo vệ lợi ích của nông dân, giúp đỡ nông dân cách dùng thủy lợi, cải thiện đất nông trại; khuyếch trương các giống và các loại phân bón tốt; hướng dẫn, giảng dạy về sản xuất nông nghiệp; khuyến khích sự hoạt động của các vùng nông nghiệp đặc biệt; dịch vụ tài chính, dịch vụ phân bón, thị trường… theo hướng sản xuất an toàn, sạch và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, phát triển NNHC được thống nhất theo hệ thống, được quy hoạch bài bản, lựa chọn kỹ càng về mục tiêu, sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Các bước chuẩn bị cho phát triển NNHC được lựa chọn cẩn thận, rõ ràng từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, sơ chế, vận chuyển… đều chuyên môn hóa. Cùng với đó, khâu tiêu thụ rất được chú trọng: xây dựng các chợ đầu mối, nhãn hiệu sản phẩm và các thị trường nước ngoài đối với sản phẩm hữu cơ để tạo kênh tiêu thụ thông suốt, hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản sạch.

Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Một là, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp lý, các chương trình phát triển tổng thể nông nghiệp, trong đó NNS, NNHC cần phải được đề cập cụ thể với từng vùng, từng lĩnh vực nông nghiệp với các giải pháp, hướng dẫn cụ thể. Cho đến nay, hệ thống văn bản chính sách của Việt Nam trong phát triển NNS còn chưa đầy đủ, chưa hệ thống, do vậy chưa tạo ra hành lang pháp lý hiệu quả cho phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hai là, cần nghiên cứu quy hoạch về các vùng nông nghiệp sản xuất sạch, từ đó có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ và các biện pháp thực hiện cụ thể. Việc quy hoạch các vùng NNS ở Việt nam cần phải xác định từ tiềm năng lợi thế về đất đai, tài nguyên bức xạ nhiệt, tài nguyên nước, tài nguyên biển, quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá có tầm quốc tế, tài nguyên lao động, khả năng ứng dụng công nghệ… Để từ đó, có những tính toán cụ thể cho việc quy hoạch vùng sản xuất NNS (cây gì, con gì) và có các cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả, tránh chồng chéo, hời hợt và làm theo phong trào không mang lại hiệu quả bền vững lâu dài.

Ba là, cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi phát triển NNS. Bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém cần dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến, cách làm hay của người dân, doanh nghiệp, tránh gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là xuất khẩu nông sản sạch.

Bốn là, phát triển khoa học – công nghệ và hỗ trợ tài chính là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển NNS. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là chính sách tài chính giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác. Bên cạnh đó, phát triển khoa học – công nghệ cao để hình thành các vùng canh tác NNS, thông minh, trong đó không thể thiếu công nghệ: lựa chọn sản phẩm, tưới tiêu hiện đại, sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, điều khiển, thông tin, big data để kết nối sản xuất với thị trường nông sản, bảo đảm tính tích hợp của công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm NNS…

Năm là, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và chứng nhận sản phẩm NNHC, NNS cấp Nhà nước, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chịu trách nhiệm chính. Việc xây dựng một cơ cấu quản lý NNS và một cơ quan đủ tư cách pháp nhân sẽ giúp người dân tin tưởng hơn trong việc đăng ký chứng nhận sản phẩm được thực hành nông nghiệp tốt (GAP); hoặc sản phẩm hữu cơ, tạo động lực cho nông dân thay đổi phương thức canh tác truyền thống để chuyển sang phương thức sản xuất sạch, an toàn.

Chú thích:
1. Jui Yu Yin (2020). The current developments and policies in organic agriculture in Taiwan. Agriculture and Food Agency, Council of Agriculture.
2. Husnawati Yahya, Kwok Ching, Wong (2013). Organic rice farming systems in Taiwan: a review of technical and economic aspects, 2nd International Conference on Environment. Agriculture and Food Sciences (ICEAFS’2013) May 6-7, 2013 Kuala Lumpur (Malaysia).
Tài liệu tham khảo:
1. Giovannucci, Daniele (2005). Organic Agriculture and Poverty Reduction in Asia. IFAD: Rome
2. IFOAM (2020). The world of organic agriculture: statistics & emerging trends 2021. Organiv International, Germany.
3. Sununtar Setboonsarng và Anil Markandya (2015). Organic agriculture and post -2015 development goals: building on the comparative advantage of poor farmers”. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 2015.
Võ Hữu Khánh
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Tô Trọng Hùng
Học viện Chính sách và phát triển