Công tác giáo dục nâng cao ý thức chính trị và pháp luật cho công nhân lao động tại các Khu Công nghiệp tỉnh Bình Phước

(Quanlynhanuoc.vn) – Trình độ nhận thức chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp của công nhân lao động Việt Nam nói chung và ở tỉnh Bình Phước nói riêng hiện nay mặc dù có nhiều biến chuyển tích cực nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bài viết trình bày thực trạng, đồng thời gợi mở một số giải pháp nhằm giáo dục nâng cao ý thức chính trị và pháp luật cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước hiện nay.
Đặt vấn đề

Sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé (năm 1997), Bình Phước sớm xác định hướng phát triển công nghiệp hóa sẽ là nền móng chính trong cán cân kinh tế trong tương lai, tỉnh Bình Phước hiện nay đang sở hữu 13 Khu Công nghiệp (KCN) hiện có 11 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích lên đến hơn 4,6 nghìn ha, với hơn 73.000 lao động là một trong những trung tâm công nghiệp lớn tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Bình Phước đang phát triển nhanh về công nghiệp và trong thời gian tới, quy mô công nhân lao động (CNLĐ) sẽ đến làm việc gia tăng.

Trong thời gian qua mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác giáo dục ý thức chính trị và ý thức pháp luật cho công nhân chưa bám sát thực tiễn những vấn đề chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, chậm đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; đội ngũ làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến thiếu sức hút đối với CNLĐ. Vì vậy, nâng cao chất lượng công tác giáo dục ý thức chính trị và ý thức, hiểu biết pháp luật cho CNLĐ tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Phước là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phấn đấu đưa tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025.

Quang cảnh một buổi đối thoại Hội nghị Người lao động công ty TNHH Bessco Vina KCN Chơn thành, tỉnh Bình Phước (năm 2022).
Vai trò công tác giáo dục ý thức chính trị và pháp luật cho công nhân lao động

Đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng với thời cơ và thách thức của mặt trái nền kinh tế thị trường, như: sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội gia tăng, lối sống thực dụng, tham nhũng lãng phí… Bên cạnh đó, trình độ nhận thức chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, bên cạnh bộ phận công nhân vẫn giữ vững lập trường giai cấp, bản chất cách mạng, thì có một bộ phận chịu tác động và ảnh hưởng bởi lối sống tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cơ hội, phai nhạt lý tưởng cách mạng mà biểu hiện là đề cao lợi ích vật chất, tâm lý hưởng thụ, coi nhẹ giá trị truyền thống, lối sống đạo đức, giá trị tinh thần; chỉ lo vun vén cá nhân, gia đình hơn là chăm lo cho lợi ích chung của giai cấp, cộng đồng; chú trọng lợi ích trước mắt, coi nhẹ lợi ích cơ bản, lâu dài. Không ít công nhân thiếu ý chí phấn đấu, ý thức tổ chức kỷ luật. Một số công nhân trẻ còn bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội, sống buông thả, suy thoái về đạo đức, lối sống. Một bộ phận hoài nghi, không tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, mơ hồ về lập trường giai cấp, không tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho giai cấp công nhân.

Lãnh đạo Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước tham dự buổi đối thoại Hội nghị Người lao động Công ty TNHH Long Fa (năm 2022).

Mục tiêu đề ra là cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ về những nội dung cơ bản của công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng của Đảng, ý thức pháp luật góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ CNLĐ. Từ đó xây dựng đội ngũ CNLĐ giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và đủ trình độ, kỹ năng đưa đất nước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Hiện trạng đội ngũ công nhân lao động ở các Khu Công nghiệp tỉnh Bình Phước hiện nay

Bình Phước là một tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, nằm trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, điều kiện tự nhiên nhiều ưu đãi, trong hoàn cảnh tái lập tỉnh với điều kiện rất thấp về kinh tế, Bình Phước ngày nay đang từng ngày đổi mới tỉnh đang không ngừng phát huy nội lực, tập trung đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Bình Phước phấn đấu để trở thành một trong 8 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đông Nam Bộ, đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, theo kế hoạch trong giai đoạn 2020-2025 sẽ có 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 583 ha.

Cùng với tốc độ phát triển của các KCN nói chung, số lượng công nhân trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Phước liên tục thay đổi và theo hướng ngày càng tăng lên nhanh. Tính đến 31/12/2021, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn tỉnh là 112.469 người, nữ chiếm 60% (không tính các đơn vị tại địa phương do trung ương quản lý) với tổng số đoàn viên công đoàn là 105.072 người tại 1.264 công đoàn cơ sở (396 CĐCS doanh nghiệp). Trong đó riêng CNLĐ tại các KCN chiếm hơn 65%, khoảng 73.000 người. Qua đó cho thấy, Bình Phước có sức thu hút một lực lượng lớn công nhân nhập cư và họ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

         Bảng 1. Số lượng công nhân ở các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Chỉ tiêu ĐVT 2018 2019 2020 2021
Số lượng công nhân Người 54.000 59.700 65.000 73.000
Tốc độ tăng % 11% 9% 12%

(Nguồn: Ban Quản Lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Phước cung cấp đến tháng 6/2021)

Trình độ học vấn của người lao động trong các KCN tỉnh Bình Phước đạt 100% trình độ trung học phổ thông. Trình độ học vấn ngày càng thay đổi rõ rệt, số lượng lao động có trình độ học vấn cao tăng lên ngày càng đáp ứng được yêu cầu cầu việc hiện nay và đó cũng chính là xu hướng chung của quá trình công nghiệp hóa hiện nay. Tuy nhiên, chất lượng việc làm chưa cao, lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Trong quá trình tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp rất chú ý đến trình độ học vấn của người lao động, những lao động nào có trình độ học vấn không cao ít được tuyển dụng, doanh nghiệp khuyến khích những lao động học các lớp bổ túc văn hóa vừa học vừa làm. Tại các KCN, Ban quản lý các KCN cũng đã liên kết với các trường mở các lớp bổ túc văn hóa, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người lao động có khả năng được học tập như: chế độ nghỉ linh hoạt, lương được bảo đảm, thời gian đi học phù hợp với người lao động…

Xét về thái độ, tinh thần làm việc của đội ngũ công nhân ở các KCN tỉnh Bình Phước hiện nay, nhìn chung là những người có phẩm chất đạo đức tốt, tin tưởng và trung thành với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp. Phần lớn đội ngũ CNLĐ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Bản thân mỗi công nhân luôn thực hiện nghiêm và bảo đảm giờ giấc làm việc, những quy định trong công việc.

Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế của đa số CNLĐ tại các KCN tỉnh Bình Phước hiện nay là đời sống vật chất còn khó khăn với thời gian lao động tăng ca nhiều khiến CNLĐ không có điều kiện hưởng thụ văn hóa tinh thần. Phần lớn CNLĐ chưa được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ về thông tin chính sách pháp luật cũng như các thông tin khác về đời sống chính trị, xã hội, trong đó có cả những quy định về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến bản thân họ. Mặt khác, cũng do thời gian tái tạo sức lao động không có nên CNLĐ không có tinh thần tự học tập nâng cao kiến thức xã hội, pháp luật; khả năng đầu tư của chính quyền, doanh nghiệp cho các thiết chế văn hóa như, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí cộng đồng của người lao động còn hạn chế, các trung tâm văn hóa do ngành văn hóa quản lý ở các địa phương chưa thu hút được nhiều người lao động tham gia.

Ngoài ra, tác phong làm việc của người lao động trong các KCN vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục, như: ý thức trách nhiệm với công việc chưa cao, vẫn còn tình trạng làm việc riêng trong giờ làm việc, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp cơ bản chưa được hình thành; tính năng động xã hội kém;… vấn đề về việc làm, tiền lương, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe, điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện, chưa được doanh nghiệp quan tâm; các vấn đề xã hội mới, phức tạp xuất hiện đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều người lao động.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền về công tác chăm lo đời sống người lao động chưa đầy đủ; có nơi chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người lao động; việc tham mưu, phối hợp giải quyết một số vấn đề về đời sống công nhân chưa kịp thời; nhiệm vụ chăm lo đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động của tổ chức công đoàn chậm đổi mới, có nhiệm vụ chưa hiệu quả.

Về công tác nâng cao ý thức chính trị và pháp luật cho công nhân lao động tại các Khu Công nghiệp tỉnh Bình Phước

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH”, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã chủ động ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chính trị, kiến thức hiểu biết pháp luật cho đội ngũ CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy Bình Phước xây dựng Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 30/9/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025; Kết luận số 391-KL/TU ngày 25/6/2022 của Tỉnh ủy Bình Phước về tổ chức công đoàn với việc chăm lo đời sống người lao động giai đoạn 2022-2025; Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án số 05/ĐA-LĐLĐ ngày 28/7/2022 “Tổ chức công đoàn với việc chăm lo đời sống người lao động, giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Tổ chức Công đoàn các KCN tỉnh thường xuyên cập nhật và tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến người lao động, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, hướng dẫn công đoàn cơ sở tuyên truyền đến đoàn viên công đoàn, CNLĐ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức: trang mạng xã hội, bảng tin công đoàn, loa đài nội bộ công ty, tờ rơi, khẩu hiệu,… hướng dẫn đoàn viên công đoàn, CNLĐ thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế và Uỷ ban nhân dântỉnh. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền những chế độ, chính sách ưu đãi của doanh nghiệp, nhằm thu hút lao động nhằm đáp ứng được nhu cầu đời sống người lao động, nhất là sau thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong năm 2022, Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp cùng các cơ quan ban ngành tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động cho 1.650 người lao động kết hợp phát 6.600 tờ rơi tuyên truyền về BHXH, BHYT; tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho 76 trường hợp. Thực hiện Chương trình số 06/Ctr-LĐLĐ ngày 26/11/2021 của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các KCN tỉnh tập trung những nội dung: tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết gắn với việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao văn hóa lao động, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của CNLĐ; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch. Chú trọng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ; đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bằng nhiều hình thức và hành động khác nhau, phù hợp với trình độ, nhận thức của đa số CNLĐ, công tác nâng cao ý thức chính trị và pháp luật của CNLĐ, như: nhận thức, trình độ, thái độ, niềm tin của CNLĐ các KCN tỉnh Bình Phước đã có những chuyển biến tích cực, kỷ luật lao động được chấp hành nghiêm chỉnh, năng suất lao động tăng lên, đời sống công nhân cả về vật chất lẫn tinh thần được cải thiện.

Một số giải pháp nâng cao ý thức chính trị và pháp luật cho công nhân lao động tại các Khu Công nghiệp tỉnh Bình Phước

Để nâng cao nhận thức về ý thức chính trị, ý thức pháp luật cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian tới, cần chú ý đến nhiệm vụ chính sau: Tuyên truyền nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, xây dựng môi trường lao động an toàn trong doanh nghiệp, lành mạnh trong lối sống của CNLĐ. Phối hợp tổ chức hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 30/9/2021 của Tỉnh ủy Bình Phước thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 và Kết luận số 391-KL/TU ngày 25/6/2022 của Tỉnh ủy Bình Phước về tổ chức công đoàn với việc chăm lo đời sống người lao động giai đoạn 2022-2025. Cấp ủy chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động.

Thứ hai, thực hiện cuộc vận động xây dựng người công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa với các nội dung, như: trách nhiệm công dân, tinh thần học tập, trau dồi tri thức; có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội; sống có nghĩa tình, có văn hóa, có tư tưởng. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới tại các khu nhà trọ ở các KCN, nơi tập trung đông công nhân.

Thứ ba, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ người lao động tỉnh Bình Phước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, đề xuất bố trí 2 Văn phòng đại diện (không phát sinh tăng về biên chế) tại các KCN khu vực TP. Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành để kịp thời nắm bắt thông tin, tư vấn pháp luật và hỗ trợ thực hiện các chương trình phúc lợi cho lao động.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại của người lao động và tranh chấp lao động trong các KCN. Kiến nghị các cơ quan chức năng thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, Luật Công đoàn.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với công tác tuyên truyền, giáo dục trong CNLĐ. Quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong giai cấp công nhân.

Thứ sáu, chủ trì phối hợp Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, cấp ủy địa phương tăng cường công tác xây dựng đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, tập trung tại các KCN. Hằng năm tổ chức ít nhất 2 lớp nhận thức về Đảng cho đoàn viên công nhân ưu tú, đến năm 2025 kết nạp ít nhất 50 đảng viên là công nhân.

Kết luận

Giáo dục nâng cao ý thức chính trị và pháp luật cho CNLĐ tại các KCN tỉnh Bình Phước hiện nay là tổng thể các hoạt động có mục đích, có tổ chức của các lực lượng giáo dục đến CNLĐ nhằm hình thành cho CNLĐ có nhận thức chính trị tốt, có tình cảm chính trị đúng đắn, có niềm tin cách mạng, tư tưởng vững chắc và hành vi thực hiện chính sách pháp luật chuẩn mực. Có thể nói đây là quá trình lâu dài, công phu, kiên trì và đòi hỏi các cơ quan thực thi có biện pháp thực hiện khoa học, bài bản và đồng bộ. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong công tác giáo dục ý thức chính trị và pháp luật cho CNLĐ. Góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 20-Ctr/TU ngày 05/11/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 87/BC-CĐCKCN ngày 11/2022 của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Phước về kết quả hoạt động công đoàn năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
2. Đề án số 05/ĐA-LĐLĐ ngày 28/7/2022 của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước về “Tổ chức công đoàn với việc chăm lo đời sống người lao động, giai đoạn 2021-2025”.
3. Báo cáo số 15/BC-TTTVPLCĐ ngày 28/10/2022 của Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh Bình Phước

ThS. Trần Bá Lợi
Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Phước