(Quanlynhanuoc.vn) – Với vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp của Đảng và dân tộc; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là diễn đàn để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý xã hội. Theo đó, mỗi nhà báo phải là tấm gương về đạo đức cách mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Đặt vấn đề
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thắng lợi to lớn, nhiều lĩnh vực có dấu ấn nổi bật. Kinh tế tăng trưởng nhanh, sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, uy tín và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bối cảnh xã hội mới với nhiều vấn đề xã hội xảy ra, như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự dịch chuyển nguồn lực xã hội trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ thông tin khiến hệ thống chính trị, công tác quản lý nhà nước, quản trị quốc gia ở nước ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức, như: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên (CBĐV); sự tồn tại và diễn biến phức tạp, tinh vi và ngày càng khó nhận biết của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,…
Những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi người làm báo phải giữ vững bản lĩnh chính trị, có hiểu biết, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cao để thực hiện nghiêm trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, trau dồi đạo đức nghề nghiệp (ĐĐNN) để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Báo chí đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức
Những thời cơ và thách thức này đòi hỏi các cơ quan báo chí (CQBC), phải không ngừng nỗ lực, dũng cảm thay đổi những cách làm không còn phù hợp, để đổi mới phương pháp, giúp thông tin luôn theo kịp những diễn biến mới của thời cuộc, đồng thời, tiếp tục giữ vững bản chất của báo chí cách mạng: thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực…
Trong thời gian qua, dù kết quả đạt được của nền báo chí cách mạng Việt Nam là đáng ghi nhận song hoạt động của các CQBC vẫn còn có những hạn chế, khuyết điểm, như: sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của cơ quan nhà nước chưa theo kịp quy mô, tốc độ phát triển và tình hình thực tế của hoạt động báo chí. Không ít CQBC thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội, thậm chí đã có sản phẩm báo chí vi phạm chỉ đạo, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm suy giảm uy tín, niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với báo chí.
Một số CQBC chưa xác minh, kiểm chứng đã vội đưa thông tin nhằm chỉ để câu like, thu hút bạn đọc, thậm chí còn nguồn tin làm dư luận hiểu chưa đúng và nhiều khi có cái nhìn phiến diện, sai lệch vấn đề. Một số CQBC chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước; các thông tin xấu độc; không có bài viết sâu sắc tham gia phản biện với các luận điệu sai trái, thù địch của thế lực phản động. Có CQBC còn nặng về khai thác các vụ việc tiêu cực mà chưa quan tâm đúng mức đến tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến. Còn có rất ít CQBC có được bài viết, chuyên mục về các tấm gương “Người tốt, việc tốt” để cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, thiếu hài hòa giữa “xây” và “chống”. Khuynh hướng “thương mại hóa” có xu hướng gia tăng cần phải được nhận diện, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn.
Cá biệt còn có CQBC, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị, vi phạm ĐĐNN, im lặng trước những thông tin xấu độc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Nhân dân. Người đứng đầu một số CQBC buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, giao khoán cho các cơ quan truyền thông để khai thác quảng cáo, chỉ coi trọng chức năng giải trí, thị hiếu tầm thường mà xem nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng, định hướng văn hóa, thẩm mỹ, thậm chí lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân. Việc tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại còn có những bất cập, nhiều nhà báo, nhất là lãnh đạo các CQBC còn ngại tham gia diễn đàn mạng xã hội, không tương tác với công chúng bạn đọc công khai, còn né tránh…
Những khuyết điểm, yếu kém của các CQBC nêu trên có một phần nguyên nhân là chưa coi trọng đúng mức công tác xây dựng Đảng. Vai trò của tổ chức đảng trong một số CQBC mờ nhạt, CBĐV chưa thật sự giữ vai trò tiên phong, gương mẫu. Trách nhiệm chính trị, tính chiến đấu của một số đảng viên và người đứng đầu CQBC chưa được đề cao. Nhiều CQBC chỉ quan tâm công việc chuyên môn, chưa thực sự chấp hành tốt chế độ sinh hoạt đảng bộ, chi bộ. Sinh hoạt chi bộ còn hình thức, đơn điệu, lồng ghép, thiếu chiều sâu, chưa giải quyết triệt để các vấn đề về tư tưởng phát sinh ngay tại đảng bộ, chi bộ. Chi ủy các chi bộ CQBC chưa phải là tấm gương, để mỗi CBĐV noi theo trong xây dựng đạo đức cách mạng của nhà báo Việt Nam, hiện còn thiếu các bài viết phản biện sâu sắc, có giá trị, ý nghĩa đối với xã hội và hấp dẫn đối với công chúng bạn đọc.
Tăng cường xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí
Trước những đổi thay, thách thức lớn đối với báo chí hiện nay, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, công tác xây dựng Đảng trong các CQBC là một đòi hỏi cấp thiết, một nhiệm vụ quan trọng, cần được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi CQBC trong tình hình mới.
Công tác xây dựng Đảng trong các CQBC là yêu cầu khách quan, cấp thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tổ chức đảng tại các CQBC phải thật sự là hạt nhân chính trị, bảo đảm giữ vững định hướng tư tưởng của mỗi tờ báo, làm cho báo chí phát triển đúng hướng; đồng thời, bảo đảm quyền tự do sáng tạo của báo chí, giúp báo chí, các nhà báo có điều kiện sáng tạo tác phẩm hay, có chất lượng và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.Trong đó:
Thứ nhất, phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong các CQBC đối với hoạt động báo chí. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí và sự phát triển của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Xây dựng Đảng trong CQBC nhằm bảo đảm nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, có ý nghĩa quyết định đến tính tư tưởng, tính chân thật, tính Nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng trong hoạt động báo chí.
Cấp ủy, tổ chức đảng trong các CQBC phải thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo; tổ chức cho CBĐV, phóng viên, biên tập viên quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, đường lối, điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm mỗi CBĐV, phóng viên, biên tập viên trong CQBC là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, giỏi về chuyên môn, luôn khắc ghi sứ mệnh của người làm báo, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, phải coi trọng công tác tư tưởng, lý luận trong CQBC. Làm tốt công tác tư tưởng, lý luận trong CQBC sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, nâng cao tính tư tưởng của các tác phẩm báo chí. Làm tốt công tác tư tưởng, lý luận cũng chính là thể hiện rõ vai trò tiên phong, chủ lực trong thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Để làm tốt công tác này, cấp ủy, tổ chức đảng trong các CQBC phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề thời cuộc, sự vận động của xã hội; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng CBĐV, quan tâm ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ những người làm báo; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ cho CBĐV, phóng viên, biên tập viên.
Thứ ba, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong các CQBC; tăng cường rà soát, kiện toàn tổ chức hoạt động của CQBC cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát mọi mặt hoạt động (học nghị quyết, sinh hoạt chi bộ, đóng đảng phí, thực hiện các quy định của Đảng…) của các cấp ủy, tổ chức đảng trong CQBC; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm.
Thứ tư, quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn: nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo CQBC, cơ quan chủ quản báo chí; tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, ý thức trách nhiệm xã hội và đạo đức người làm báo; có các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác đảng chuyên sâu cho các cán bộ chuyên trách về công tác đảng trong các CQBC.
Thứ năm, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác xây dựng Đảng trong các CQBC, trong đó tập trung vào một số nội dung: vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các công tác báo chí; việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng trong các CQBC; phát triển đảng viên từ đội ngũ biên tập viên, phóng viên; vấn đề quản lý đội ngũ CBĐV, phóng viên, biên tập viên và người lao động trong các CQBC, đặc biệt là tại các văn phòng đại diện, thường trú; công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên trong CQBC…
(1) Đối với các cơ quan chủ quản báo chí.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, Hội Nhà báo; chủ động phân công lãnh đạo am hiểu báo chí, có kinh nghiệm trong công tác đảng theo dõi, phụ trách hoạt động báo chí; phối hợp với cấp ủy đảng cơ quan chủ quản thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát công tác đảng trong CQBC, ngăn ngừa kịp thời, hiệu quả các xu hướng không lành mạnh, tiêu cực trong hoạt động báo chí; chủ động xử lý nghiêm các CQBC khi có vi phạm.
Cấp ủy cơ quan chủ quản chú trọng quán triệt, phổ biến các văn bản của Đảng; quan tâm đến việc nâng cao nội dung, chất lượng sinh hoạt đảng trong các CQBC; phân công cán bộ có kinh nghiệm về công tác đảng theo dõi, hỗ trợ hoạt động đảng của CQBC trực thuộc; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức người làm báo cho các CBĐV, phóng viên, biên tập viên trong CQBC chú trọng, quan tâm, thực hiện tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên trong các CQBC; chỉ đạo cấp ủy đảng trong CQBC thực hiện đúng quy định về công tác cán bộ, bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo CQBC.
(2) Đối với các CQBC.
Thực hiện đúng, nghiêm các quy định về công tác xây dựng Đảng. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong CQBC để giúp CQBC bám sát định hướng; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, nâng cao chất lượng đảng viên, người làm báo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, ĐĐNN. Chăm lo hoạt động đoàn thể, tạo nguồn cán bộ,…
Quản lý tốt hoạt động của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên; đặc biệt là các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên tại các văn phòng đại diện, thường trú. Người đứng đầu CQBC, cấp ủy, tổ chức đảng trong CQBC cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình; chịu trách nhiệm cá nhân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, bí thư cấp ủy về những sai phạm của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của đơn vị mình; có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Xây dựng đạo đức nghề nghiệp đặc trưng trong từng cán bộ báo chí
Nét đặc trưng của ĐĐNN là mỗi ngành nghề có tiêu chuẩn ĐĐNN riêng và thường được gắn với những biểu tượng tương ứng. Đối với nhà báo là “tâm vững, lòng trong, bút sắc”.
ĐĐNN được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm; tình yêu thương; tinh thần học hỏi; niềm tin, sự trung thực, lạc quan và say mê với nghề nghiệp… Để xác định tiêu chuẩn ĐĐNN, người ta thường dựa vào các yếu tố, như: pháp luật của Nhà nước và các quy định của Đảng; áp lực xã hội; ngành nghề đang làm; sự lãnh đạo, quản lý của thủ trưởng cơ quan; đạo đức cá nhân, đồng nghiệp và cơ quan; thói quen và xu hướng đạo đức chung.
Thực tế cho thấy, căn cứ tiêu chuẩn ĐĐNN của từng ngành, nghề, tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã chú trọng, cụ thể hóa ĐĐNN để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành nghề, tổ chức, cơ quan đó thực hiện. Nhiều cơ quan đã ban hành và niêm yết công khai các tiêu chuẩn ĐĐNN ở hội trường và các phòng làm việc. Theo đó, ý thức, trách nhiệm của mọi người đã tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn ĐĐNN, tạo sự đồng thuận, nâng cao uy tín, vị thế và củng cố lòng tin của Nhân dân đối với từng ngành, nghề trong xã hội.
Đối với CQBC, nếu lãnh đạo nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm CQBC hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần tự giác xác định rõ việc thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Bởi lẽ, không một quy định pháp luật, hay chuẩn mực đạo đức nào có thể điều chỉnh hết tất cả hành vi trong xã hội. Mỗi người làm báo phải nhận thức và hành động làm gương, là tấm gương soi chiếu, phản ánh về năng lực, trình độ, đạo đức, tính chuyên nghiệp, hiện đại, sự đoàn kết, thống nhất của tòa soạn.
Hiệu quả của công việc và uy tín, danh dự của nhà báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ, đạo đức và sự đam mê nghề nghiệp của tự bản thân mỗi nhà báo. Việc luôn tự rèn luyện, tu dưỡng là đặc biệt quan trọng, giúp cho nhà báo đủ bản lĩnh, tự tin vượt qua mọi thử thách cám dỗ của đời sống xã hội, giữ vững ĐĐNN và bảo vệ uy tín danh dự của nghề báo, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa mà Đảng, Nhân dân tin cậy, giao phó.
Đạo đức người làm báo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong CQBC, theo đó đi sâu vào 5 nội dung trọng tâm là:
(1) Mỗi nhà báo phải là người chiến sĩ trên mặt trận báo chí, có nhận thức đúng đắn về vai trò, sứ mệnh của người làm báo. Ngòi bút của các nhà báo là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ cái đẹp, dẹp cái xấu. Người làm báo phải có tinh thần nhân văn cao cả, có lòng bao dung, độ lượng đối với con người.
(2) Mỗi nhà báo phải có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, phải luôn tâm niệm và tự hào với nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang của mình. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì các nhà báo phải cố gắng tự trau dồi bản lĩnh, học tập chính trị; phải luôn có ý thức tự phấn đấu, học hỏi nâng cao trình độ văn hóa, biết nuôi dưỡng tình yêu nghề và sự say mê với nghề.
(3) Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng. Các nhà báo phải thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe Nhân dân, đem được tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của Nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và đem chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân làm theo.
(4) Mỗi nhà báo phải là tấm gương của sự trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; phải đem đến cho công chúng bạn đọc niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Người làm báo không được im lặng trước những tiêu cực trong xã hội, phải có kiến thức, năng lực và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đấu tranh, bảo vệ tư tưởng, quan điểm của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân.
(5) Mỗi nhà báo phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức, học tập suốt đời và luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Đây là yêu cầu quan trọng, đòi hỏi người làm báo thường xuyên phải thực hiện trước xu thế phát triển của xã hội và sự dịch chuyển nguồn lực xã hội sâu sắc bởi những tác động của công nghệ thông tin, để không bị tụt hậu, bị bỏ lại hoặc đi sau so với yêu cầu và xu thế hội nhập, nhất là trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI) phát triển vượt bậc như hiện nay. Đồng thời, người làm báo phải vừa học, vừa đề cao tinh thần: thẳng thắn, thật thà, không được bảo thủ, giấu dốt, hẹp hòi, ích kỷ; tự phê bình và thành khẩn phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm.
Kết luận
Xây dựng chuẩn mực đạo đức CBĐV, người làm báo trong từng CQBC chính là việc quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định của nghề, nguyên tắc kỷ luật của cơ quan; đây cũng chính là nội dung quan trọng trong xây dựng nét đặc trưng văn hoá đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.
Yêu cầu về mô hình một toà soạn CQBC hiện nay cần văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại và các nhà báo, người làm báo trong toà soạn cần có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị. Ngoài ra, những tố chất của một nhà báo giỏi chuyên môn, yêu nghề, hạnh phúc với nghề là những nhà báo có những tố chất, bản lĩnh, như: dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng. Đây cũng là những nhân tố tích cực, là đạo đức nền tảng của những người chiến sĩ cách mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và vận dụng một cách thiết thực, hiệu quả phong cách, đạo đức của Nhà báo Hồ Chí Minh – tấm gương sáng để các nhà báo học tập, làm theo trong thực hiện công việc hằng ngày.