Những yêu cầu mới đối với giảng viên lý luận chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa

(Quanlynhanuoc.vn) – Toàn cầu hóa đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Toàn cầu hóa đòi hỏi sự thay đổi năng lực nhận thức và hành động của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Bài viết làm rõ vai trò của của giảng viên lý luận chính trị, những cơ hội cũng như thách thức của giảng viên lý luận chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa. Từ đó, đưa ra những yêu cầu mới đòi hỏi mỗi giảng viên phải tự nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị thích ứng với bối cảnh mới.
Trao giải Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2022, ngày 16/12/2022. Ảnh baotintuc.vn.
Vai trò của giảng viên lý luận chính trị

Giảng viên lý luận chính trị (LLCT) không chỉ là người truyền dạy những tri thức LLCT cho người học mà còn là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng”1; “là người góp phần tham gia vào công tác tham mưu tư vấn chính sách cho Đảng thông qua các bài viết, các công trình nghiên cứu khoa học, các ý kiến nhận xét, đánh giá… mang tính LLCT của mình”2. Giảng viên LLCT chính là người truyền đạt kiến thức, tư tưởng, nhiệt huyết cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, giảng viên LLCT càng cần phải có năng lực và phẩm chất chính trị, đạo đức ở mức cao nhất.

Xu thế toàn cầu hóa đã tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ, nên vai trò của giảng viên LLCT cũng phải thay đổi để bắt kịp với thời đại. Điều đó có nghĩa là, giảng viên LLCT từ vị trí truyền thụ kiến thức chuyển sang vị trí người hướng dẫn và cố vấn chuyên môn. Làm tốt được vai trò này, đòi hỏi giảng viên LLCT luôn phải tìm tòi, sáng tạo, đổi mới, cập nhật tri thức, nỗ lực, phấn đấu, nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”3.

Những thách thức đối với giảng viên lý luận chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa

Với sự trợ giúp của công nghệ số, giảng viên LLCT có cơ hội được tiếp cận và sở hữu kho tư liệu kiến thức vô cùng phong phú, phục vụ cho công tác giảng dạy. Vì vậy, nếu tận dụng tốt cơ hội đó, kiến thức chuyên môn của giảng viên LLCT sẽ luôn được cập nhật, bổ sung, đổi mới, giúp bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn, tạo ra hiệu quả giảng dạy tốt nhất.

Bên cạnh thuận lợi đó, sự ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa cũng tạo ra nhiều thách thức cho giảng viên giảng dạy LLCT, như:

(1) Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: đây là vấn đề phức tạp, bởi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước ta; tung tin sai trái, bôi nhọ vị thế, hình ảnh đất nước. Trong lĩnh vực bảo mật thông tin, việc lộ, lọt bí mật nhà nước tại một số cơ quan trọng yếu, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động gián điệp, thu tin mã thám, cài cắm, móc nối, mua chuộc với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng4.

Trước tình hình đó, đòi hỏi giảng viên LLCT cần kiên định bản lĩnh chính trị, tỉnh táo để nhận diện chính xác âm mưu, thủ đoạn và chủ động đấu tranh nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, cung cấp kỹ năng cho sinh viên/ học viên nhận diện những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giúp họ miễn nhiễm với các thông tin xấu, độc và âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng. Để làm được điều đó, mỗi giảng viên LLCT cần giữ vững bản lĩnh chính trị, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm chủ kiến thức chuyên môn; chủ động tiếp thu những kiến thức tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng vẫn phải bảo đảm được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

(2) Làm chủ công nghệ và giỏi ngoại ngữ: sự bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay cũng là một thách thức lớn đối với giảng viên LLCT, do đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên LLCT cần phải thông thạo kiến thức về tin học, ngoại ngữ để áp dụng công nghệ vào thiết kế bài giảng, khai thác tốt các tài liệu nghiên cứu nước ngoài nhằm phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy, từ đó, kích thích sinh viên nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu. Nếu giảng viên không cập nhật công nghệ, trau dồi tri thức chuyên môn thì những nội dung tri thức có trong bài giảng sẽ nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí không còn phù hợp nữa, trong khi đó sinh viên lại có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh khác nhau.

(3) Bài giảng sinh động, hấp dẫn: trong mỗi bài giảng, giảng viên phải thể hiện được tính thực tiễn sinh động của xã hội. Thực tiễn cần đưa vào bài giảng để kiểm chứng tính đúng đắn, khoa học của lý luận. Đó là thách thức của giảng viên LLCT, yêu cầu giảng viên phải năng động, yêu nghề, tận tâm, chăm chỉ khai thác tài liệu, không ngừng cập nhật các thông tin từ thực tiễn, am hiểu thực tiễn xã hội.

Những yêu cầu mới đối với giảng viên lý luận chính trị

Để đáp ứng với yêu cầu mới, đòi hỏi giảng viên LLCT cần phải:

Thứ nhất, giảng viên LLCT phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động không ngừng tìm cách chống phá, xuyên tạc, phủ định những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giảng viên LLCT phải chứng minh được tính khoa học, đúng đắn, cách mạng của học thuyết Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thuyết phục thông qua những nghiên cứu, những bài giảng của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao bản lĩnh chính trị của nhà giáo, Người viết: “có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi đến mấy dạy trẻ con cũng hỏng”5. Vì vậy, giảng viên LLCT phải là người kịp thời phát hiện và kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, định hướng cho sinh viên, học viên nói riêng, cho dư luận xã hội nói chung nhận thức đúng, củng cố quyết tâm và hành động đúng đắn vì sự nghiệp cách mạng của đất nước. Bên cạnh đó, giảng viên LLCT phải luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đạo đức cách mạng trong sáng, giữ gìn uy tín, tôn trọng kỷ luật.

Thứ hai, giảng viên LLCT cần phải có năng lực trí tuệ tốt; chủ động, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài giảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Thứ ba, giảng viên LLCT phải cập nhật thường xuyên thông tin mới về tình hình chính trị ở trong nước và quốc tế. Những thông tin này chính là nguồn tư liệu phong phú cho bài giảng, giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn, thời sự. Đồng thời, để đáp ứng với yêu cầu mới của thực tiễn, giảng viên LLCT cần phải tìm tòi, nghiên cứu, trau dồi trình độ lý luận, năng lực tư duy sắc bén để có thể phân tích, lý giải một cách khoa học giúp giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu của người học.

Việc gắn kết kiến thức giữa lý luận và thực tiễn (tình hình thế giới, trong nước, địa phương) sẽ đem lại chất lượng, hiệu quả cao trong giảng dạy, bởi người học bao giờ cũng muốn nghe/học những kiến thức mới, những vấn đề có tính thời sự được cập nhật hằng ngày, hằng giờ. Theo Hồ Chí Minh, nguyên tắc nhất quán trong học tập, nghiên cứu là lý luận gắn liền với thực tiễn và tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận. Người nhấn mạnh: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”6; “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế, lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”7.

Thứ tư, giảng viên LLCT phải thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là phương pháp rèn luyện khả năng tìm tòi, sáng tạo để làm giàu vốn kiến thức khoa học; hiểu sâu hơn về chuyên môn; nhạy bén trong cách thức giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Thông qua đề tài nghiên cứu, giảng viên LLCT có thể xây dựng được “bộ bài tập tình huống” áp dụng vào trong bài giảng, giúp sinh viên/ học viên hiểu rõ hơn, logic và thuyết phục hơn.

Kết luận

Giảng viên LLCT trong bối cảnh toàn cầu hóa cần phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, từ phẩm chất đạo đức đến năng lực tư duy. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mỗi giảng viên LLCT cần nỗ lực phát huy ưu thế, tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục những hạn chế, nhược điểm, chủ động hoàn thiện để hoàn thành nhiệm vụ và đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Chú thích:
1, 2. Nguyễn Thị Hồng Vân. Thuận lợi và khó khăn đối với giảng viên lý luận chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 524, tháng 10/2021.
3, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 489, 492.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 647.
6, 7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập  5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 274, 274.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Phan Chí Thành. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – xu thế phát triển của giáo dục trực tuyến. Tạp chí Giáo dục, số 421-2018, tr. 32.
3. Phát triển đội ngũ giảng viên Học viện đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 19/9/2016.
4. Vai trò của giảng viên trong giảng dạy lý luận chính trị trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. http://gdcttc.saodo.edu.vn, ngày 17/9/2021.
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy
Học viện Báo chí và Tuyên truyền