Vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nhà trường quân đội trong thực hiện chuyển đổi số giáo dục và đào tạo hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc chuyển đổi số trong các nhà trường quân đội hiện nay là nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiện đại hoá các nhà trường quân đội, là khâu đột phá chiến lược, có tính quyết định đến thành công của quá trình chuyển đổi số. Bài viết nghiên cứu về vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nhà trường quân đội trong thực hiện chuyển đổi số giáo dục và đào tạo hiện nay.
Ảnh minh họa (qdnd.vn)

Nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) ở các nhà trường quân đội (NTQĐ) là một bộ phận của nguồn nhân lực quân sự và NNLCLC của đất nước, được phân công, đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau; là những người được đào tạo ở trình độ cao, có sức khỏe tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, tinh thông nghiệp vụ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong các lĩnh vực hoạt động quân sự. Việc chuyển đổi số trong quân đội hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, thiết thực góp phần quan trọng vào xây dựng quân đội tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quá trình chuyển đổi số ở các NTQĐ trong việc xây dựng nguồn NLCLC có ý nghĩa quyết định đến quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT) và nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao hơn, góp phần xây dựng các NTQĐ ngày càng chính quy, hiện đại.

Thời gian qua, các NTQĐ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác này với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khoa học, phù hợp. Cấp ủy, cơ quan chức năng ở các NTQĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về vị trí, vai trò, lợi ích và sự cấp thiết phải chuyển đổi số; làm tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hoạt động chuyển đổi số diễn ra an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển và chuẩn hóa hạ tầng côngnghệ thông tin; tiến hành nghiên cứu ứng dụng theo hướng đi tắt, đón đầu công nghệ tiên tiến, bảo đảm sự chuẩn hóa, tính liền mạch, sẵn sàng của hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Mục tiêu phấn đấu của các NTQĐ đến năm 2025 bảo đảm đủ học liệu cho các chương trình đào tạo; 100% trường áp dụng hệ thống quản lý và tổ chức dạy học dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Đến năm 2030, hệ thống học liệu của các nhà trường được chuẩn hóa, hiện đại hóa và thống nhất; 100% trường áp dụng hiệu quả dữ liệu, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới, tiến hành trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực công nghệ, hạ tầng ở các nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; trong khi đó, môi trường quân sự đòi hỏi tính bảo mật cao…

Chính vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc xây dựng các NTQĐ chính quy, tinh, gọn, hiện đại. Theo đó, xây dựng nguồn NLCLC ở các NTQĐ cần chú trọng, quan tâm đến đội ngũ cán bộ các cấp, lực lượng chuyên gia giỏi, nghiên cứu viên và giảng viên cao cấp; cán bộ, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; nhân viên kỹ thuật quân sự,… những người có kinh nghiệm được mời giảng dạy ở các NTQĐ hoặc tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học trong các NTQĐ. Các phẩm chất chính trị cần có đối với nguồn NLCLC, như: đạo đức trong sáng, tiêu biểu; có tính kỷ luật và hiệu quả công việc; có tính sáng tạo và kỹ năng thích ứng; trình độ học vấn và thể lực dẻo dai,…

Phát triển nguồn NLCLC các NTQĐ trong quá trình chuyển đổi số nhằm tác động tạo ra sự chuyển biến căn bản, toàn diện, đồng bộ trong tạo nguồn, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, do đó sử dụng và xây dựng lực lượng này trên cả ba nội dung: số lượng, cơ cấu và chất lượng. Mục đích là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên có đủ năng lực, trình độ, tính chịu trách nhiệm cao; được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng để chuyển đổi nhận thức, đủ năng lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ứng dụng công nghệ số, sử dụng thành thạo công cụ số trong triển khai, xử lý công việc.

Các giải pháp tiếp tục nâng cao vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nhà trường quân đội trong quá trình chuyển đổi số giáo dục và đào tạo

(1) Vai trò là lực lượng nòng cốt, quyết định đến hiệu quả của chuyển đổi số GDĐT.

Nguồn NLCLC trong các NTQĐ là bộ phận nòng cốt, tiêu biểu, ưu tú nhất, tiến hành tham gia hoạch định các chủ trương, chính sách, chiến lược chuyển đổi số; tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị trong NTQĐ thực hiện thắng lợi các chủ trương, kế hoạch và triển khai số hóa giáo trình, tài liệu, bài giảng, xây dựng cơ sở dữ liệu một cách chặt chẽ, có nền nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Do vậy, cần phải quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hiện chuyển đổi số; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để họ triển khai thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong các NTQĐ hiện nay.

(2) Vai trò là lực lượng chủ yếu nghiên cứu, cải tiến, phát minh ra những sản phẩm khoa học, vừa là lực lượng nòng cốt chuyển giao công nghệ – kỹ thuật quân sự ở các NTQĐ.

Theo đó, để làm chủ, phát huy các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, tiến hành tác chiến điện tử có hiệu quả, cũng như làm hạn chế tác dụng vũ khí công nghệ cao của đối phương, cần phải xây dựng được nguồn NLCLC, nguồn nhân lực sáng tạo, có tính đột phá, biết hy sinh lợi ích cá nhân mà những phẩm chất này thường được hội tụ ở nguồn nhân lực có tri thức và đạo đức tiêu biểu.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện tốt sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác số hóa, chuyển đổi số, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; phải quan tâm tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phương tiện hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ giữa các NTQĐ với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, liên kết, chia sẻ thông tin.

(3) Vai trò là lực lượng trực tiếp quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho quân đội và sự nghiệp xây dựng đất nước.

Nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao ở các NTQĐ là lực lượng ưu tú trong quân đội, đồng thời, cũng là bộ phận NLCLC của đất nước. Lực lượng này không chỉ giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực quân sự mà còn tham gia phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Hệ thống NTQĐ là nơi cung cấp nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao cho toàn quân, đã và đang tham gia hiệu quả vào nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với tính chất, mức độ, phạm vi và quy mô khác nhau, song nổi bật nhất là ở cấp đào tạo nghề và trình độ đại học, sau đại học. Vì vậy, đòi hỏi hệ thống NTQĐ phải có sự phát triển đột phá, thực sự trở thành những “trung tâm” mạnh về đào tạo nguồn NLCLC cho quân đội. Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thực hiện chuyển đổi số.

Tích cực tham gia xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, nhân viên kỹ thuật liên quan chuyển đổi số và bộ tiêu chí đánh giá chỉ số chuyển đổi số của các nhà trường làm cơ sở cho tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cần nhận thức rõ xây dựng nguồn NLCLC là công tác chuẩn bị con người – yếu tố quan trọng nhất, do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xác định đây là khâu đột phá, then chốt trong chuyển đổi số ở các NTQĐ hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 04/4/2018 của Bộ Quốc phòng về việc tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu gắn với công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
4. Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương, về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
5. Quyết định số 889/QĐ-BQP ngày 22/3/2018 của Bộ Quốc phòng phê duyệt Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo.
ThS. Trần Văn Hoan
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng