Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Phú Thọ

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Nó không chỉ đơn thuần là nguồn vốn, đầu tư FDI còn mang đến những công nghệ, kỹ thuật cao, phương thức quản lý tiên tiến. Thông qua tiếp nhận dòng vốn FDI, các doang nghiệp (DN) còn có điều kiện thuận lợi để thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thích nghi nhanh hơn với các thay đổi trên thị trường thế giới. Cũng như các địa phương khác, Phú Thọ đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Trong các dòng “vốn ngoại” đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Xing-Ga-Po, Hoa Kỳ, Ấn Độ…và các nhà đầu tư Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng của tỉnh Phú Thọ, góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương những năm qua.
Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: phutho.gov.vn.
Thực trạng thu hút vốn FDI của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Phú Thọ

Bắt đầu quan tâm thu hút vốn FDI từ năm 1997, đến hết năm 2022, Phú Thọ đã có gần 190 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.900 triệu USD1. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 7 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch 2.156 ha, gồm các khu công nghiệp: Thụy Vân, Trung Hà, Phù Ninh, Phú Hà, Tam Nông, Cẩm Khê và Hạ Hòa. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 cụm công nghiệp là Bạch Hạc và Đồng Lạng. Đến nay, có 4 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng và đi vào hoạt động. Hiện nay, Phú Thọ đã có những đối tác đầu tư đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Xing – Ga – Po, Hoa Kỳ, Ấn Độ… Việc “đón sóng đầu tư” kịp thời đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thay đổi hướng mục tiêu từ các địa phương khác về tỉnh2.

Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc hiện là một trong các quốc gia đứng đầu về số dự án nước ngoài đầu tư tại tỉnh Phú Thọ, chiếm trên 80% tổng số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh với tổng vốn đăng ký đạt trên 500 triệu USD; đồng thời, cũng là những DN đứng đầu về quy mô đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh, điển hình, như: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) Pangrim Neotex, Công ty TNHH Shesin, Công ty TNHH JM Plastic, Công ty TNHH KEE-EUN Việt Nam, Công ty TNHH Kapstex Vina3…; các nhà đầu tư Hàn Quốc lựa chọn Phú Thọ để thuê đất mở nhà máy bởi các ưu thế, như:

Thứ nhất, Phú Thọ có môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thứ hai, Phú Thọ cách Hà Nội khoảng 90 km, cách sân bay Nội Bài 60 km, cách cảng Hải Phòng 200 km và dễ dàng kết nối với sân bay, Thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng bằng tuyến đường cao tốc4.

Thứ ba, tỉnh có sẵn quỹ đất sạch để đón nhà đầu tư. Giá thuê đất được cho là hợp lý. Chi phí nhân lực thấp, nguồn nhân lực dồi dào và ngày càng được nâng cao trình độ. Hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ cũng đang đẩy mạnh triển khai các dự án giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, đường liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái…

Thực tế cho thấy, quá trình đầu tư của các DN Hàn Quốc vào tỉnh đã tác động rất lớn tới kinh tế – xã hội, tạo ra năng lực sản xuất tăng cao, đóng góp không nhỏ vào ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh Phú Thọ cũng tăng vào những lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích và có lợi thế thu hút đầu tư như sản xuất, gia công, xuất khẩu hàng may mặc; sản xuất, gia công, lắp ráp các linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại di động… Trong vài năm trở lại đây, mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn, song các DN Hàn Quốc đã nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn khá hiệu quả.

Một số giải pháp tăng cường thu hút vốn FDI từ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Phú Thọ

Với tiềm năng phát triển lớn, Phú Thọ hướng tới mục tiêu đến năm 2025, dự kiến có khoảng 220 DN FDI hoạt động; tạo việc làm mới cho 40.000 – 50.000 lao động5. Khi công nghiệp được chú trọng sẽ thu hút được lượng lớn các chuyên gia, người lao động làm việc và sinh sống, góp phần thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển. Đón sóng quy luật tất yếu này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã hướng mục tiêu tại tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, để tiếp tục đón được dòng vốn lớn cũng như tăng cường thu hút được vốn FDI chất lượng, đặc biệt từ các đối tác Hàn Quốc theo đúng lĩnh vực mà Phú Thọ mong muốn thì trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần chú trọng thực hiện một số giải pháp:

Một là, thực hiện phương châm thu hút đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt và có trọng tâm. Phương thức xúc tiến được đổi mới theo hướng kết hợp giữa tổ chức các hội nghị nhà đầu tư, đặc biệt đối tác Hàn Quốc với tiếp cận trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư tại nước ngoài.

Hai là, tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động xúc tiến, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư FDI. Đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với DN nói chung, cũng như các DN Hàn Quốc nói riêng, mọi vướng mắc của DN FDI đều được linh hoạt tháo gỡ, góp phần giúp các DN Hàn Quốc đầu tư thành công tại tỉnh, tạo nên động lực thu hút các đối tác Hàn Quốc khác.

Ba là, tăng cường hỗ trợ cung ứng và đào tạo lao động, rà soát quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với quy hoạch tỉnh, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Có định hướng huy động các DN tham gia dạy nghề, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề để liên kết đào tạo tại tỉnh. Khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư Hàn Quốc được tham gia vào hoạt động hợp tác giáo dục, đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, trình độ khoa học – kỹ thuật cho người lao động.

Tóm lại, để tiếp tục thu hút được những dự án FDI thật sự có chất lượng, thời gian tới, bên cạnh phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng và thế mạnh nổi trội của địa phương về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đa dạng, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư nói chung, của đối tác Hàn Quốc nói riêng nhằm thực hiện thành công các dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Chú thích:
1. Cục Thống kê Phú Thọ. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2022. https://www.mpi.gov.vn, ngày 29/12/2022.
2. Báo cáo tổng kết của Ban Quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Phú Thọ năm 2022. http://bqlkcn.phutho.gov.vn, truy cập 15/6/2023.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ. Báo cáo đầu tư nước ngoài năm 2022 của tỉnh Phú Thọ.
4. Các DN FDI mở rộng đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. https://phutho.gov.vn, ngày 20/3/2023;
5. Phú Thọ thu hút 190 dự án FDI. https://baophutho.vn, ngày 03/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ. Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Phát triển khu vực FDI trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2018.
2. Nghị định số 82/2018/NĐ – CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp.
3. Nghị định số 68/2017/NĐ – CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;
4. Nguyễn Bạch Nguyệt. Giáo trình kinh tế đầu tư. NXB Đại học kinh tế quốc dân, 2007.
TS. Nguyễn Hương Loan
Trường Đại học Hùng Vương