Tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các tòa án nhân dân, công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán về văn hóa pháp luật góp phần rất quan trọng xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Từ thực tiễn đặt ra yêu cầu khách quan phải tăng cường bồi dưỡng nâng cao văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp hiện nay.
Ảnh minh họa (congly.vn)

Pháp luật vừa là sản phẩm của văn hóa, vừa là công cụ bảo vệ các giá trị văn hóa. Các giá trị phổ quát của văn hóa là chân – thiện – mỹ được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được mọi tổ chức, cá nhân thừa nhận và tự giác thực hiện. Văn hóa pháp luật (VHPL) là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nền tảng tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; là tiền đề trực tiếp để xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của công dân.

Đội ngũ thẩm phán (ĐNTP) tòa án nhân dân (TAND) các cấp có vai trò rất quan trọng trong giải quyết và xét xử các loại án, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; là lực lượng nòng cốt bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cá nhân, tổ chức. Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trong đó “xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”1  trước bối cảnh mới đã đặt ra yêu cầu khách quan phải bồi dưỡng nâng cao VHPL cho ĐNTP TAND các cấp. Tăng cường bồi dưỡng VHPL cho ĐNTP TAND các cấp phải tiến hành toàn diện, đồng bộ nhiều nội dung và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp; trước hết, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành chức năng các cấp cần tập trung làm tốt một số nội dung, hình thức, biện pháp cơ bản sau:

Một là, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức pháp lý, pháp luật.

Trên cơ sở nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành chức năng tập trung bồi dưỡng cho ĐNTP TAND các cấp nắm vững lý luận Mác – Lênin, về nguồn gốc, bản chất, vai trò, chức năng của Nhà nước và pháp luật; tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Bồi dưỡng cho ĐNTP TAND các cấp nắm chắc nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, các bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành; các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và hệ thống luật pháp của các nước có quan hệ với Việt Nam… đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộngvà sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, phòng, chống các loại tội phạm trong bối cảnh mới…

Hai là, bồi dưỡng, củng cố, tăng cường niềm tin pháp chế, pháp luật cho ĐNTP.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành chức năng các cấp bồi dưỡng, củng cố cho ĐNTP TAND các cấp có niềm tin khoa học, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tin tưởng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật “đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”2. Có lập trường, quan điểm đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tin tưởng vào tính thượng tôn và nghiêm minh của pháp luật, có tình cảm, niềm tin tuyệt đối vào sự công bằng, tiến bộ, giá trị chân, thiện, mỹ, nhân văn, nhân đạo của pháp luật; những bản án khách quan, công tâm sẽ được thực thi; những hành vi tự giác, chấp hành nghiêm pháp luật sẽ được đồng tình, ủng hộ; niềm tin tưởng những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật…

Ba là, tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, văn hóa công sở.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành chức năng các cấp bồi dưỡng cho ĐNTP TAND các cấp những giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhân dân; luôn đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc lên trên hết, trước hết; cần kiệm, liêm chính, công tâm, khách quan, công bằng, bình đẳng, đúng mực, nhiệt huyết, tận tụy với công việc; đoàn kết, gương mẫu, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, đồng chí; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; có trách nhiệm với xã hội và có tấm lòng nhân hậu, không ham vọng quyền lực, không cơ hội, vụ lợi, không quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, cục bộ, bản vị; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; dũng cảm, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật; kiên quyết không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi, làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc bao che, dung túng cho các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật của Nhà nước…

Bồi dưỡng, rèn luyện cho ĐNTP TAND các cấp nắm chắc và thực hiện nghiêm quy định những việc không được làm của người thẩm phán, như: những việc pháp luật quy định công dân không được làm; tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc không đúng quy định của pháp luật; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc; mang hồ sơ vụ việc hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ việc ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; tiếp xúc bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định; sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng; truy ép, gợi ý cho bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác và người tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày sự việc không khách quan, trung thực; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác của mình, của cán bộ, công chức thuộc Tòa án và các cơ quan liên quan khác; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức công tác xét xử.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành chức năng các cấp tăng cường bồi dưỡng cho ĐNTP TAND các cấp những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức công tác xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính…. Trong từng loại vụ án, tập trung bồi dưỡng cho họ kinh nghiệm tổ chức, điều hành công tác xét xử, gồm: Kinh nghiệm công tác chuẩn bị xét xử vụ việc; công tác tổ chức, điều hành phiên tòa xét xử vụ việc (giới thiệu thành viên hội đồng xét xử, thư ký phiên toà, kiểm tra sự có mặt của những người tham gia phiên toà, kiểm tra căn cước của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, người bị hại (vụ án hình sự), người khởi kiện, người bị kiện (vụ án hành chính); nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (vụ việc dân sự), người làm chứng, người giám định, người phiên dịch); kinh nghiệm xét hỏi; kinh nghiệm điều khiển phần tranh tụng; kinh nghiệm về nghị án; kinh nghiệm quyết định ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền thân nhân; kinh nghiệm về tuyên án và công tác thi hành án…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng VHPL cho ĐNTP TAND các cấp, cần nắm vững, vận dụng sáng tạo và thực hiện tốt một số hình thức, biện pháp cơ bản sau:

(1) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và nâng chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(2) Hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho ĐNTP TAND các cấp; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

(3) Kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị tư tưởng với đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến pháp luật và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(4) Thông qua sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương…

(5) Thông qua hoạt động thực tiễn xét xử, học tập, sinh hoạt và cổ vũ, động viên ĐNTP TAND các cấp tự giá, tích cực, chủ động tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 177, 175.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.
3. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 04/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng năm 2020.
4. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
5. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.
PGS.TS Bùi Quang Cường
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng
ThS. Đồng Thanh Quý
Học viện Tòa án Tòa án nhân dân tối cao