Tiếp cận vấn đề phòng, chống tham nhũng từ góc độ chính sách tại Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách phòng, chống tham nhũng là tập hợp các biện pháp và quy định được áp dụng để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ tham nhũng trong xã hội. Mục tiêu của chính sách là tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và trung thực, nơi mọi người đều có cơ hội công bằng trong việc tiếp cận tài nguyên và quyền lợi của mình. Phòng, chống tham nhũng từ góc độ tiếp cận chính sách liên quan đến việc xây dựng và thực thi các biện pháp chính trị, kinh tế và hành chính để đối phó với vấn đề tham nhũng. Bài viết phân tích vai trò, thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6/2023. Ảnh: vietnamnet.vn.
Vai trò của chính sách phòng, chống tham nhũng

Bất cứ quốc gia nào, chính sách phòng, chống tham nhũng (PCTN) đều hướng tới việc bảo đảm sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong việc ngăn chặn, truy cứu và xử lý các hành vi tham nhũng. Chính sách này nhằm tạo ra một môi trường lành mạnh, đồng thời, nâng cao lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào chính phủ và hệ thống công quyền. Chính sách này tập trung vào việc xây dựng một hệ thống quản lý công cụ và cơ chế kiểm soát tham nhũng nhằm bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng. Việc tăng cường minh bạch trong quản lý tài chính công, đặc biệt là quy trình thực hiện ngân sách sẽ giúp giảm thiểu khả năng tham nhũng và tạo điều kiện cho sự kiểm soát từ phía người dân.

Có được hệ thống các chính sách PCTN chắc chắn góp phần tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý và văn hóa để giảm thiểu và ngăn chặn sự tham nhũng, bảo đảm sự phát triển bền vững và tạo điều kiện công bằng trong xã hội, từ đó cũng tạo ra một cơ sở chính trị ổn định và minh bạch. Bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý công sẽ giúp xây dựng lòng tin của người dân đối với Nhà nước và các tổ chức.

Chính vì vậy, chính sách PCTN đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở pháp lý mạnh mẽ. Việc ban hành và thực thi các luật về PCTN ở Việt Nam, như: Luật PCTN, Luật Sử dụng và quản lý tài sản công và các luật khác liên quan đã giúp tăng cường trách nhiệm và kỷ luật trong hành chính công, đồng thời, những hành vi tham nhũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vai trò của chính sách PCTN góp phần xây dựng tinh thần, trách nhiệm của mọi người dân trong xã hội. Qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nhận thức, người dân được nâng cao ý thức về hậu quả của tham nhũng. Các chương trình giáo dục về PCTN từ giai đoạn sơ cấp đến đại học giúp thế hệ trẻ nhận thức cao hơn về vấn đề này và tạo nền tảng để xây dựng cho một xã hội trong sạch và vững mạnh.

Chính sách PCTN giúp xây dựng một môi trường chính trị và hành chính lành mạnh, nơi quyền lực không bị lạm dụng và những quyết định quan trọng được đưa ra dựa trên lợi ích của người dân. Đồng thời, bảo đảm sự minh bạch, trung thực và trách nhiệm trong việc quản lý công; bảo vệ tài nguyên và quyền lợi của người dân. Từ đó, sẽ tạo ra môi trường tin cậy, minh bạch trong quản lý công, tạo được niềm tin của người dân đối với Nhà nước nói chung.

Thực trạng chính sách phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Tham nhũng được coi là một vấn nạn đáng lo ngại ở Việt Nam. Đảng, Chính phủ đã và đang nỗ lực chống tham nhũng thông qua các biện pháp và chính sách nhằm tạo ra môi trường minh bạch trong quản lý công. Chính phủ đặt mục tiêu và cam kết mạnh mẽ trong việc PCTN, tham gia và ký kết các hiệp định quốc tế về PCTN, xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý công.

Việt Nam đã ban hành nhiều luật và quy định nhằm đấu tranh chống tham nhũng. Cụ thể: Luật PCTN năm 2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2020, Luật Quản lý nợ công năm 2017… Những luật này đều nhằm tăng cường trách nhiệm và kỷ luật trong quản lý công và trừng phạt hành vi tham nhũng.

Tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN diễn ra ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. Các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát và kiểm soát hoạt động của các quan chức và các tổ chức liên quan. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin 4.0  trong PCTN, cùng biện pháp quyết liệt của Đảng và Nhà nước đã giúp phát hiện và xử lý nhiều trường hợp có  hành vi tham nhũng trong thời gian qua.

Qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nhận thức, Việt Nam đã xây dựng được văn hóa chống tham nhũng trong xã hội. Người dân được khuyến khích tham gia vào việc phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, đồng thời nhận thức được hậu quả tiêu cực từ hành vi tham nhũng đối với sự phát triển và công bằng xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (năm 2018), Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 45 nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, ban hành 45 luật, pháp lệnh, 46 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 511 nghị định, 413 nghị quyết, 160 quyết định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng1. Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương năm 2022 cho thấy, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 58.069 tổ chức đảng và 324.403 đảng viên. Qua kiểm tra, đã thi hành kỷ luật 244 tổ chức đảng, 3.595 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 4 đảng viên; Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên; có 10 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị thi hành kỷ luật2.

Mặc dù, đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp PCTN nhưng thực tế vẫn còn một số bất cập trong việc thực hiện chính sách này:

Thứ nhất, đã xây dựng được nhiều chính sách, pháp luật về PCTN, song vẫn chưa đánh giá được đầy đủ thực tiễn. Bên cạnh đó, cách thức đánh giá tác động của chính sách cùng với việc thu thập ý kiến từ các đối tượng liên quan còn hạn chế và chưa hoàn thiện. Đồng thời, việc tiếp thu và giải trình ý kiến góp ý về xây dựng chính sách cũng chưa được thực hiện đầy đủ, làm hạn chế chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật quy định về PCTN.

Thứ hai, vẫn còn tình trạng thiếu minh bạch về thông tin và tài liệu liên quan đến tham nhũng. Điều này đã tạo ra những nghi ngờ của người dân trong việc theo dõi và đánh giá hiệu quả của chính sách. Việc bảo đảm sự độc lập và không phụ thuộc của các cơ quan chống tham nhũng vẫn còn đối mặt với thách thức. Đôi khi, còn có hiện tượng can thiệp của các thế lực tham nhũng gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra và xử lý các vụ án tham nhũng3.

Thứ ba, năng lực giao tiếp trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là việc tiếp nhận, đối thoại, và xử lý phản ánh, đơn, thư, kiến nghị từ người dân và doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc và bất cập còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng còn kéo dài.

Thứ tư, khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc PCTN. Tuy nhiên, thông tin của người tố cáo còn bị lộ, lọt ra ngoài để đối tượng bị tố cáo biết được danh tính nên người tố cáo dễ bị trù dập, trả thù. Mặc dù có quy định cụ thể trong bảo vệ người tố cáo trong Luật Tố cáo, song trên thực tế vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh.

Thứ năm, thiếu sự kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng dẫn đến việc tiềm ẩn rủi ro về tham nhũng trong quản lý và sử dụng tài sản công. Việc truy cứu và xử lý các hành vi tham nhũng vẫn còn hạn chế.

Giải pháp hoàn thiện chính sách phòng, chống tham nhũng

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, đặc biệt là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện được sai phạm, sau đó sai phạm này lại được phát hiện bởi các đoàn, thanh tra, kiểm tra khác.

Hai là, kiên quyết thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng mà dư luận xã hội quan tâm; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, năng lực và uy tín, để tham gia vào công cuộc PCTN trong bối cảnh tình hình tham nhũng có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bốn là, khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc “chống giặc nội xâm”- phòng chống tham nhũng. Sự tham gia của người dân là nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Cần có các biện pháp để bảo vệ an toàn cho người dân khi tham gia vào công cuộc PCTN; đồng thời, cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần cho những người có công trong việc tố cáo tham nhũng.

Năm là, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Mục đích của PCTN là làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, xây dựng đất nước giàu mạnh, tiến bộ.

Sáu là, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản pháp luật để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, vẫn chưa bao quát hết mọi lĩnh vực và vẫn còn kẽ hở trong văn bản pháp luật. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng: Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước có hệ thống pháp luật hiện đại, chặt chẽ, và thực hiện nghiêm minh4. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xóa bỏ các thủ tục rườm rà, xóa bỏ tối đa cơ chế “xin – cho”. Bởi đây chính là điều kiện nảy sinh tham nhũng.

Bảy là, cần tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin với các quốc gia khác trong việc PCTN xuyên quốc gia để đối phó với vấn nạn tham nhũng. Hợp tác quốc tế trong việc chống tham nhũng cho phép các quốc gia chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tài liệu liên quan đến các chiến lược, biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Chú thích:
1. Hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng. https://mof.gov.vn, ngày 25/01/2019.
2. 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật trong năm 2022. https://vov.vn, ngày 10/01/2023.
3. Phòng, chống tham nhũng những vấn đề đặt ra hiện nay. https://thanhtra.nghean.gov.vn, ngày 08/3/2023.
4. Tham nhũng và những giải pháp phòng, chống tham nhũng. https://www.bqllang.gov.vn, ngày 12/8/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
2. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2020
3. Luật Quản lý nợ công năm 2017.
4. Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. https://baochinhphu.vn, ngày 20/01/2020.
ThS. Nguyễn Tiến Thành
Học viện Hành chính Quốc gia