Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bắc Giang

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu được thực hiện nhằm xem xét các chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bắc Giang. Thông qua việc thu thập các thông tin dữ liệu từ dữ liệu thứ cấp để đánh giá thực trạng với các tiêu chí đánh giá như: hiệu lực, hiệu quả, phù hợp, bền vững để đánh giá đổi mới các chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh trong thời gian tới. Kết quả cho thấy có 3 nhóm chính sách cơ bản của chính sách thu hút vốn FDI tại địa phương là: (1) Nhóm chính sách liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư; (2) Nhóm chính sách liên quan đến tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư; (3) Nhóm chính sách liên quan đến xúc tiến đầu tư.
Khu Công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang. Ảnh: vnexpress.net.
Đặt vấn đề

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những chính sách thu hút FDI của chính phủ, các địa phương đều đang có những chính sách thu hút FDI, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư FDI trên thế giới suy giảm trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023.

Trong số các địa phương cả nước, Bắc Giang hiện đang là một trong những tỉnh thu hút được lượng vốn FDI nhiều nhất1. Tỉnh đã và đang trở thành trung tâm sản xuất trong chuỗi sản xuất toàn cầu các mặt hàng về: điện tử, máy tính, điện thoại thông minh, pin năng lượng mặt trời… Tuy nhiên, chất lượng thu hút vốn FDI ở Việt nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế như: các dự án công nghệ cao và mang lại nhiều giá trị gia tăng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong FDI, chưa thu hút được công nghệ nguồn, thâm dụng lao động còn lớn…. Để có thể phát huy được các thế mạnh của Bắc Giang cũng như thu hút FDI để phát triển Bắc Giang về dài hạn cần có những chính sách thu hút FDI phù hợp.

Các nhóm chính sách thu hút đầu tư FDI

(1) Nhóm các chính sách liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư. Trong nhóm chính sách này, bao gồm: nhóm chính sách liên quan để việc ổn định môi trường chính trị và điều hành; nhóm các chính sách liên quan đến việc tạo lập môi trường kinh tế; nhóm chính sách tạo lập môi trường đầu tư khác.

(2) Nhóm các chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư. Ưu đãi đầu tư được sử dụng để thu hút vốn FDI mới, ngăn chặn việc rút khỏi nơi khác hoặc cho các chi nhánh nước ngoài trong một quốc gia hoạt động theo những cách nhất định hoặc thực hiện các hoạt động được coi là mong muốn. Các chính phủ sử dụng ba loại ưu đãi đầu tư chính để thu hút vốn FDI và hưởng lợi nhiều hơn từ nó: ưu đãi tài chính, ưu đãi về đất đai và các ưu đãi khác. Một trong những chỉ trích là khi cung cấp các ưu đãi cho các TNCs chỉ là chuyển tiền từ chính phủ sang các công ty.

(3) Nhóm các chính sách liên quan đến xúc tiến đầu tư. Trong quá trình đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư đóng vai trò như cầu nối giữa quốc gia, địa phương và các nhà đầu tư. Thông qua các chính sách, hoạt động xúc tiến đầu tư tại các quốc gia hay địa phương nhận đầu tư, các nhà đầu tư sẽ hiểu hơn về thực tế tình hình tại địa bàn nơi nhận đầu tư và có những quyết định đầu tư phù hợp do hoạt động xúc tiến đầu tư đảm bảo thông tin cho nhà đầu tư về các mặt. Một số các chính sách liên quan đến xúc tiến đầu tư được chính phủ quy định, như: chính sách nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; chính sách xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục cụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; chính sách xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; chính sách hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư…

Thực trạng chính sách thu hút vốn FDI tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 – 2022

Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, Bắc Giang luôn nằm trong top 10 của cả nước với tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào lũy kế đến 31/12/2022 đạt 8,05 tỷ USD bao gồm 523 dự án, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, quy mô trung bình mỗi dự án FDI đầu tư vào Bắc Giang đạt khoảng 17,05 triệu USD (xem Biểu đồ 1).

Cơ cấu vốn đầu tư của Bắc Giang được chia làm hai mục, gồm: cơ cấu theo ngành, lĩnh vực và cơ cấu theo địa bàn đầu tư. Cơ cấu vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực thì công nghiệp là ngành dẫn dắt đầu tư tại Bắc Giang với 91,63% (tương ứng là 4.163,66 triệu USD) và còn lại là dịch vụ chiến 8,37% (tương ứng là 380,44 nghìn USD). Còn về địa bàn đầu tư, vốn FDI đầu tư vào Bắc Giang chủ yếu tại các khu công nghiệp với khoảng 84,22% vốn đăng ký trong giai đoạn này (tương ứng là 3.827,14 triệu USD), khu vực ngoài khu công nghiệp chỉ chiếm 15,78% (tương ứng là 716,97 nghìn USD).

Thứ nhất, đối với các nhóm chính sách liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư.

Với nhóm chính sách liên quan đến việc ổn định môi trường chính trị và điều hành. Bắc Giang đang quyết liệt trong việc thực hiện nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã đạt được một số kết quả thuận lợi như sau:

Chính quyền các cấp tại Bắc Giang đã thực hiện rút ngắn tối thiểu mỗi năm 10% thời gian giải quyết của 1.662 thủ tục hành chính. Riêng năm 2022, tỉnh đã rút ngắn thời hạn đối với 217 thủ tục hành chính từ 30 – 60% thời hạn giải quyết so với quy định2. Đồng thời, chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư cũng được chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Tính đến năm 2022, Bắc Giang đang cung cấp 1.773 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, trong đó 100% dịch vụ công toàn trình được tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Các thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến được tỉnh quan tâm, chú trọng, điển hình là việc thu hút phí và lệ phí. Tính riêng trong kỳ tháng 4/2023, tỷ lệ hồ sơ đang xử lý trên cổng dịch vụ quốc gia đạt gần 79,7%, với tổng số tiền đã giao dịch thanh toán hơn 7 tỷ đồng3.

Minh bạch hóa các thông tin và thủ tục hành chính cũng là một chính sách nhằm thu hút đầu tư FDI. Năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp xây dựng Sổ tay hướng dẫn quy trình thực hiện sự án đầu tư với mục đích giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan về trình tự đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thủ tục thực hiện dự án đầu tư.

Các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư còn được thể hiện thông qua xếp hạng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Giang. Theo VCCI năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Giang xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh cũng có hai chỉ số thành phần dẫn đầu cả nước là chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Tiếp đến là chỉ số tính canh tranh bình đẳng xếp thứ 2, tính năng động tiên phong xếp thứ 3 toàn quốc4.

Về chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý hoạt động đầu tư cũng được nâng cao thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xử lý vi phạm thường xuyên của tỉnh. Trong đó, các cán bộ được tuyển dụng đạt 100% là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, có trình độ bằng cấp từ cao đẳng chuyên nghiệp đến trình độ thạc sỹ ở các vị trí khác nhau. Hoạt động đào tạo sẽ bao gồm các chương trình đào tạo thường xuyên và không thường xuyên, đào tạo về lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, các nghiệp vụ liên quan…

Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang rất chú trọng vào huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Với các dự án đã và đang đầu tư như: cầu Đồng Việt, mở rộng cầu Như Nguyệt trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, nâng cấp các đường tỉnh, xây mới các cầu Đông Xuyên, Yên Dũng, Lãn Chè, Đồng Sơn… Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet tốc độ cao đang ngày càng được quan tâm, đặc biệt là từ những năm 2020 đến nay. Tỉnh đã có sự liên kết chặt chẽ với lưới điện khu vực thậm chí có thể huy động hỗ trợ cấp điện cho các tỉnh lân cận và ngược lại khi cần thiết.

Ngoài ra trung tâm logistics quốc tế thành phố Bắc Giang cũng đang được triển khai xây dựng và sớm đi vào hoạt động được phát triển trên diện tích đất 71ha tại xã Song Khê. Trung tâm logistics nằm trên trục đường Quốc lộ 1A, trong tam giác kinh tế vàng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã và đang có những ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện để nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Cụ thể: tỉnh đã ban hành kế hoạch về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới tới năm 2025; ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; ban hành Đề án về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2030… Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả ở từng lĩnh vực, công việc cho thấy, nguồn nhân lực của tỉnh có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhân lực lao động có tay nghề cao chưa nhiều, nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thiếu chuyên gia, nhà khoa học, thiếu nguồn lao động được đào tạo ở một số lĩnh vực kỹ thuật.

Thứ hai, đối với nhóm chính sách ưu đãi đầu tư.

Để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan.

Một số các chính sách ưu đãi tài chính đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành và thực hiện như: Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 – 2025; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng các lò đốt rác và hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020 – 2025; Nghị quyết số 37/2020/NQHĐND ngày 09/12/2020 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 ban hành Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025…

Đi cùng với các chính sách ưu đãi về tài chính, tỉnh Bắc Giang cũng đã có những cải cách về chính sách ưu đãi đất đai trong giai đoạn này. Do hiện nay diện tích các khu công nghiệp ở Bắc Giang gần như đã được lấp đầy. UBND tỉnh Bắc Giang khai thác đất ngoài khu công nghiệp cho nhà đầu tư thuê với giá rẻ hơn nếu đất chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng. Vào cuối năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2023 với các nghị định liên quan đến quy định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Thứ ba, nhóm chính sách liên quan đến xúc tiến đầu tư.

Công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Lãnh đạo tỉnh đã tiến hành tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư; tổ chức các đoàn công tác gặp gỡ các nhà đầu tư, đồng thời, tổ chức các buổi làm việc, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại một số nước và lãnh thổ có nhiều tiềm năng, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tiến hành xây dựng các kênh thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư và công khai trên các website của tỉnh, như: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, Trung tâm xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành đã duy trì phối hợp với một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài thông qua việc trao đổi thông tin, tài liệu xúc tiến đầu tư như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA); Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan) để quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh và vận động, kêu gọi đầu tư vào tỉnh.

Tuy công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh những năm qua đã có những kết quả nhất định, song công tác xúc tiến đầu tư vẫn còn chậm đổi mới; việc nghiên cứu thị trường và xu hướng đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, các quốc gia trọng điểm thu hút đầu tư chưa sát với thực tiễn; công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu xúc tiến đầu tư còn chưa được tiến hành thường xuyên, chưa hiệu quả.

Giải pháp và kiến nghị hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Bắc Giang đến năm 2030

(1) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư của UBND tỉnh Bắc Giang.

Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục minh bạch hóa các thông tin hoạt động đầu tư, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng, kiến thức chuyên môn và tác phong chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Bắc Giang, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

(2) Đối với nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư.

Ngoài các chính sách ưu đãi chung về thuế, phí, lãi suất, tỉnh Bắc Giang cũng có thế áp dụng cơ chế riêng trên cơ sở tính toán kỹ chi phí cơ hội cần bỏ ra và lợi ích thu được từ các dự án đầu tư. Tuy nhiên cũng cần sớm tăng thuế TNDN của các tập đoàn FDI nhằm đón đầu yêu cầu của thuế tối thiểu toàn cầu. Tỉnh cũng cần phát huy hơn nữa vai trò các quỹ hỗ trợ phát triển trong tỉnh như quỹ phát triển đất, quỹ đầu tư phát triển, quỹ bảo trì đường bộ… Sử dụng chính sách quay vòng vốn hiệu quả để sử dụng các quỹ hỗ trợ sao cho hiệu quả.

(3) Đối với nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách xúc tiến đầu tư.

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần được đổi mới và đa dạng hơn, tập trung vào nhóm các nhà đầu tư tỉnh có định hướng như các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao… Các ấn phẩm quảng bá, xúc tiến, truyền thông cho hoạt động đầu tư cần được dịch ra nhiều ngoại ngữ, bao gồm cả tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật nhằm tiếp cận được nhiều tệp khách hàng là các nhà đầu tư hơn. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các nhà đầu tư có quốc tịch truyền thống; đồng thời, mở rộng, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Việc tổ chức các hoạt động vận động xúc tiến đầu tư trong nước và ở nước ngoài, chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng thu hút đầu tư. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh.

Chú thích:
1. Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI. https://vtv.vn, ngày 06/7/2023.
2, 3. Báo cáo tình hình thực hiện thủ tục hành chính công Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang năm 2022.
4, 5. Bắc Giang đứng thứ hai cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. https://nhandan.vn, ngày 11/4/2023.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Giang từ năm 2018 – 2022.
2. Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. 3. Lê Như Quỳnh. Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Thương mại, 2022.
3. Nguyễn Duy Đạt. Tổng quan về Đầu tư trực tiếp nước ngoài. H. NXB Tài Chính, 2023.
4. Nguyễn Minh Hà, Quân Minh Quốc Bình. Nghiên cứu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Từ lý thuyết đến thực tiễn tại Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh. NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
5. Một số vấn đề thu hút FDI sạch tại tỉnh Bắc Giang. https://tapchitaichinh.vn, ngày 27/4/2019.
TS. Nguyễn Duy Đạt
Trường Đại học Thương mại
Dương Văn Hiếu
Học viên cao học tại Trường Đại học Thương mại