Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh tại trường trung học cơ sở Vĩnh Yên

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi tại Trường trung học cơ sở Vĩnh Yên, thành phố Vĩnh Yên theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh tạo ra cơ sở khoa học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi của các nhà trường, vận dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường trung học cơ sở trong thời gian tới.
Trường trung học cơ sở Vĩnh Yên, thành phố Vĩnh Yên.
Đặt vấn đề

Trong các trường trung học cơ sở (THCS) thuộc hệ thống giáo dục nước ta hiện nay, việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi (BDHSG) đã có những bước phát triển, lãnh đạo các trường THCS đã nhận thức rõ được vai trò quan trọng của hoạt động BDHSG và chú trọng và công tác quản lý hoạt động BDHSG, điều đó đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói riêng và hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Tuy nhiên, hoạt động này của một số trường THCS hiện nay triển khai còn mang tính bị động, thời vụ và chưa xây dựng được các kế hoạch chiến lược cũng như các giải pháp quản lý phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề quản lý hoạt động BDHSG tại các trường THCS chưa được đề cập tới nhiều, vì vậy, việc nghiên cứu về quản lý hoạt động BDHSG tại các trường THCS là cần thiết.

Có thể hiểu, bồi dưỡng là làm cho tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất của một cá nhân nào đó, là quá trình người học thường xuyên cập nhật, bổ sung khối lượng kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Bồi dưỡng có nhiều yếu tố cấu thành, như: (1) Hoạt động bổ sung các kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức học tập nhằm củng cố và nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn thông qua các hình thức học tập đào tạo cụ thể. (2) Hoạt động có tính mục đích, nội dung, chương trình và phương thức thực hiện được quy định rõ ràng, cụ thể. (3) Các đối tượng được bồi dưỡng là những cá nhân có trình độ chuyên môn nhất định, trong quá trình học tập và làm việc cần được bồi dưỡng thêm về chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng cơ bản, cần thiết khác… để có thể đáp ứng với yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số. (4) Thông qua hoạt động bồi dưỡng sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất để mỗi cá nhân đều có cơ hội củng cố, mở mang hệ thống kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc đang đảm nhận.

Khái niệm “bồi dưỡng” được hiểu là hoạt động nhằm bổ sung, cập nhật thêm khối lượng kiến thức, kỹ năng cho cả người dạy và người học. BDHSG ở các trường THCS là hoạt động phối hợp thống nhất giữa giáo viên và học sinh nhằm bổ sung tri thức, kỹ năng, nâng cao trình độ, tạo ra môi trường và những điều kiện phù hợp để học sinh giỏi phát huy đầy đủ nhất năng lực của bản thân.

Thực trạng hoạt động BDHSG tại Trường THCS Vĩnh Yên theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh

Qua biểu đồ trên, quy mô lớp học theo các khối của Trường THCS Vĩnh Yên có sự thay đổi. Năm học 2018-2019 tổng số lớp của 4 khối là 28 lớp, đến năm học 2022-2023, số lượng lớp của 4 khối là 32 lớp, tăng lên 4 lớp so với năm 2018-20191. Có thể thấy, những năm qua, số lượng lớp tăng lên chứng minh rõ uy tín của trường ngày càng được nâng cao, thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và học sinh. Đa số đội ngũ giáo viên trong nhà trường đều có trình độ đại học và trên đại học, có chuyên môn tốt, tâm huyết, trách nhiệm với công việc và được học sinh yêu mến, phụ huynh tin tưởng.

Để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Trường đã có nhiều cố gắng trong việc chủ động nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ quản lý. Số lượng giáo viên đạt chuẩn đào tạo chiếm tỷ lệ 100%. Năm học 2022-2023, có 94% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ đại học và trên đại học. Hằng năm, Trường THCS Vĩnh Yên thực hiện tốt công tác cử giáo viên đi học nâng cao, bồi dưỡng đội ngũ đạt trên chuẩn để đáp ứng việc dạy và học của nhà trường. Công tác đào tạo tại Trường có nhiều bước tiến vượt bậc, số lượng học sinh xếp loại giỏi/tốt năm học 2021-2022 đạt 97,21% (tăng 1,28% so với năm học 2018-2019)2. Qua đó cho thấy, nhà trường luôn cố gắng để nâng cao chất lượng đào tạo theo từng năm học.

Qua biểu đồ thống kê trên cho thấy, kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh của trường THCS Vĩnh Yên năm học 2020-2021 là 297 học sinh, năm học 2021-2022 số lượng học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh đã tăng lên là 642 học sinh3.

Trường THCS Vĩnh Yên cũng đã làm tốt việc xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn đáp ứng yêu cầu hoạt động BDHSG. Vào đầu năm học, trường tổ chức cho học sinh tự đăng ký tham gia các lớp nâng cao, năng khiếu, từ việc tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá giúp cho giáo viên có thể lựa chọn được những học sinh có năng khiếu, năng lực học tập và tư duy tốt. Theo đó, Nhà trường tổ chức phân công giáo viên có chuyên môn, tiếp nhận các học sinh và có kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện. Nhà trường quan tâm bồi dưỡng và thường xuyên tổ chức các buổi thi sát hạch năng lực của học sinh trước khi đưa học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Việc học tập trên lớp giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm khối lượng kiến thức nền của học sinh. Vì vậy, Nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm quan tâm tới xây dựng kế hoạch học tập, phương pháp học tập, xây dựng nội quy, chương trình nội dung các chuyên đề nâng cao để cho mỗi học sinh có kế hoạch chủ động tự học, tự nghiên cứu.

Ban Giám hiệu Trường THCS Vĩnh Yên đã chỉ đạo sát sao việc đổi mới các phương pháp dạy và học của thầy và trò trong các khoá BDHSG. Thay vì việc giảng cho học sinh hiểu, giáo viên sẽ đưa ra các tình huống, ví dụ để học sinh tự kiếm tìm tài liệu, tự tư duy cách thức giải quyết và tìm phương án tối ưu, qua đó sẽ kích thích được tinh thần ham học hỏi, tìm tòi của học sinh giỏi. Khuyến khích học sinh tham gia viết các bài báo để đăng tạp chí, kịp thời khen thưởng đối với những học sinh giỏi có thành tích cao,… điều này sẽ tạo thêm động lực cho học sinh giỏi tiếp tục cố gắng, phấn đấu để đạt được kết quả cao.

Nhà trường luôn chú trọng và đặc biệt quan tâm chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng các kế hoạch BDHSG phù hợp và kịp thời, thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Biện pháp quản lý BDHSG tại Trường THCS Vĩnh Yên theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu đối với quản lý hoạt động BDHSG. Mục đích quan trọng của biện pháp là phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng, vai trò quản lý của Ban Giám hiệu nhà trường trong hoạt động BDHSG để hoạt động BDHSG diễn ra đúng với mục đích, yêu cầu của việc phát triển nguồn nhân lực. Hoạt động BDHSG trong nhà trường phải được Chi bộ Đảng và Ban Giám hiệu các trường quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo vào toàn bộ các khâu của chu trình quản lý, từ kế hoạch hoạt động và tổ chức bộ máy, ra quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý đến kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động BDHSG trong nhà trường.

Hai là, nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh về tầm quan trọng của quản lý hoạt động BDHSG. Nâng cao nhận thức của giáo viên và cha mẹ học sinh về hoạt động BDHSG nhằm giúp giáo viên và cha mẹ học sinh hiểu được vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này. Trường THCS Vĩnh Yên cần cụ thể hóa các chủ chương của Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo vào từng hoạt động giáo dục cụ thể của nhà trường, giúp giáo viên hiểu và ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường cần hiểu rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đối với các bậc phụ huynh học sinh phải thường xuyên quan tâm, ủng hộ và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ con em mình học tập và tham gia đầy đủ vào hoạt động BDHSG.

Ba là, tuyển chọn và tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy BDHSG. Việc tuyển chọn, phân công đội ngũ giáo viên giỏi tham gia BDHSG chính là nhiệm vụ then chốt để bảo đảm sự thành công của các trường. Theo đó, nâng cao chất lượng tuyển chọn và bồi dưỡng giáo viên tham gia giảng dạy BDHSG cần phải lựa chọn được những giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn và có kinh nghiệm trong hoạt động BDHSG. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường nói chung và giáo viên tham gia BDHSG nói riêng phải có phương pháp làm việc khoa học; đồng thời, thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động bồi dưỡng cho học sinh…

Bốn là, tổ chức phát hiện và tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi chất lượng cao. Hoạt động tổ chức phát hiện, tuyển chọn học sinh giỏi có ý nghĩa quyết định đến kết quả của hoạt động bồi dưỡng sau này. Chính vì vậy, chủ thể quản lý của Nhà trường cần chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức phát hiện, tuyển chọn học sinh giỏi dựa trên những tiêu chuẩn và quy trình nhất định, như: xây dựng tiêu chí tuyển chọn; tổ chức tuyển chọn và phân loại; thành lập các đội tuyển, tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá để sàng lọc và tuyển chọn bổ sung cho các đội tuyển…

Năm là, thực hiện xây dựng chương trình và tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học trong BDHSG. Để lập kế hoạch và đưa ra nội dung, chương trình BDHSG, hiệu trưởng cần dựa vào tình hình thực tế hằng năm (đối tượng học sinh, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài chính, lực lượng giáo dục…) để xây dựng kế hoạch BDHSG của Nhà trường. Hiệu trưởng thành lập ban chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình BDHSG, gồm: Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên BDHSG có kinh nghiệm. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm lập kế hoạch (dài hạn và ngắn hạn), xây dựng nội dung, chương trình BDHSG. Tổ chức thẩm định toàn bộ nội dung, chương trình đã soạn thảo; tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, bàn bạc xác định rõ yêu cầu cần đạt được về mặt kiến thức của từng khối lớp, về nội dung, chương trình BDHSG của cả cấp học đối với bộ môn được phân công giảng dạy.

Sáu là, tăng cường bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động BDHSG. Bố trí, sắp xếp hệ thống các phòng học dành cho hoạt động BDHSG ngoài các buổi học chính khóa; bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị dạy học, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình bồi dưỡng.

Bảy là, tăng cường phối hợp của các lực lượng giáo dục trong hoạt động BDHSG. Sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục trong hoạt động BDHSG ở Trường THCS Vĩnh Yên được thể hiện ở sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban Giám hiệu, giữa Ban Giám hiệu với các tổ nhóm chuyên môn, giữa các tổ nhóm chuyên môn với nhau. Các lực lượng xã hội cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của hoạt động BDHSG và sẵn sàng phối kết hợp với nhà trường để mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng sư phạm của nhà trường cần thể hiện ý thức trách nhiệm trong quá trình tham gia phối hợp BDHSG.

Chú thích:
1,2,3. Tác giả tổng hợp số liệu từ Báo cáo tổng kết các năm học 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022 của Trường THCS Vĩnh Yên.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Hiền. Từ điển Giáo dục học. H. NXB Từ điển Bách khoa, 2001.
2. Luật Giáo dục năm 2015.
3. Ủy ban nhân dân thành phố Vĩnh Yên. Báo cáo tổng kết công tác các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.
4. Nguyễn Như Ý. Đại từ điển Tiếng Việt. H. NXB Văn hóa Thông tin, 1998.
Tạ Thị Giang
Trường THCS Vĩnh Yên,  thành phố Vĩnh Yên