Một số vấn đề cần quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật hành chính ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Hệ thống pháp luật hành chính ở Việt Nam hiện nay được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Hệ thống này bao gồm các quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, quy trình, thủ tục trong hoạt động hành chính và cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính.
Ảnh minh hoạ: lsvn.vn.
Cần thu hẹp khoảng cách giữa quy định và thực tế

Một số quy định pháp luật hành chính vẫn còn chưa phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn và bất cập trong quá trình thực hiện. Điển hình như những quy định về thủ tục hành chính quá phức tạp và rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi muốn làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, xin giấy phép xây dựng hay đăng ký đất đai. Các quy định này thường yêu cầu người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhiều bước thủ tục, đòi hỏi nhiều giấy tờ và thời gian xử lý kéo dài, làm chậm trễ quá trình làm việc, gây tốn kém và làm phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Một khía cạnh khác là việc thiếu tính linh hoạt trong quy định, không đáp ứng kịp thời với các tình huống mới phát sinh. Chẳng hạn như, trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã có nhiều quy định hành chính được ban hành nhưng gây khó khăn trong thực hiện, các văn bản hành chính này thậm chí mâu thuẫn và làm trì hoãn quá trình giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn nảy sinh trong thực tế.

Một số quy định pháp luật hành chính còn chưa phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội và kinh tế hiện đại. Ví dụ, một số quy định liên quan đến thị trường lao động, thuế và đầu tư chưa đáp ứng được những thay đổi và yêu cầu mới trong quá trình quốc tế hóa và hội nhập. Điều này gây cản trở và bất cập cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư trong nước và quốc tế.

Chú trọng kiểm soát quyền lực hành chính

Cần tăng cường công tác giám sát và kiểm tra hoạt động của các cơ quan hành chính để bảo đảmsự công bằng, minh bạch và trách nhiệm trong việc sử dụng quyền lực hành chính. Ví dụ, có những quy định khắt khe cho một nhóm người trong xã hội mà không áp dụng tương tự cho nhóm khác đã tạora sự bất bình đẳng và khó hiểu trong việc thực thi pháp luật.

Việc thiếu sự minh bạch và kiểm soát trong quá trình thực hiện quy định pháp luật hành chính cũng gây ra sự nghi ngờ và mất lòng tin từ phía người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu thiếu làm rõ quyền và trách nhiệm của các cơ quan chính quyền và đội ngũ quản lý cũng tạo điều kiện cho hiện tượng tham nhũng và lạm dụng quyền lực gia tăng.

Hội thảo khoa học hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số – Ảnh: baochinhphu.vn.
Tăng cường giáo dục pháp luật

Việc nâng cao nhận thức về pháp luật là cần thiết đối với cả công dân và cán bộ quản lý để bảo đảm tuân thủ và thực hiện các quy định hành chính một cách chính xác. Ví dụ trong lĩnh vực giao thông, có thể thấy nhiều người lái xe không đúng luật giao thông, đi quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang khi lái xe, gây ra tai nạn đường bộ. Việc công dân không tuân thủ các quy định hành chính này cho thấy sự thiếu nhận thức, kiến thức và văn hoá thực thi pháp luật. Ngoài ra, có thể kể đến hành vi của một số người không chấp hành quy định về xả rác, không đổ đúng nơi quy định, hay vi phạm điều khoản quy định an toàn trong quá trình xây dựng nhà cửa, không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đối với lĩnh vực kinh tế, nhiều công dân và cán bộ quản lý cũng không nhận thức đầy đủ về pháp luật, dẫn đến việc không thông suốt trong thực hiện các quy định hành chính. Ví dụ, nhiều cửa hàng, nhà hàng vi phạm quy định về thuế, không lập hóa đơn đỏ, không đóng các loại phí, gian lận trên thẻ thuế, góp phần làm tăng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Những ví dụ trên chỉ ra rằng, việc thiếu và yếu về nhận thức về pháp luật trong cả công dân lẫn cán bộ quản lý có thể dẫn đến việc không tuân thủ các quy định hành chính và gây ra hệ lụy xấu cho cả cá nhân và môi trường văn hoá pháp luật trong xã hội.

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

Hệ thống pháp luật hành chính cần đáp ứng đúng và đầy đủ các quyền lợi và lợi ích của công dân, bảo đảm sự công bằng và tôn trọng nhân quyền.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, hệ thống pháp luật hành chính cần thực hiện các biện pháp để đáp ứng đúng và đầy đủ các quyền lợi và lợi ích của công dân, bảo đảm sự công bằng, tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Hệ thống pháp luật cần bảo đảm rằng, thông tin cá nhân của công dân được bảo mật và không bị lợi dụng, đồng thời cung cấp cơ chế kiểm soát và phản hồi thông tin cá nhân nhanh chóng, thông suốt.

Hệ thống pháp luật cần bảo đảm rằng, tất cả công dân có quyền truy cập vào công nghệ thông tin và internet, đồng thời đề cao khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ của nhóm người khó khăn, người yếu thế trong xã hội.

Hệ thống pháp luật cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của công dân, bảo đảm rằng, sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu được công nhận và bảo vệ một cách hiệu quả. Cần xây dựng các quy định và biện pháp để bảo vệ công dân khỏi các tác động tiêu cực từ việc sử dụng công nghệ thông tin, như: tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến và vi phạm quyền riêng tư. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần thiết cho công dân, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người dân và góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công.

Bảo đảm đào tạo và hỗ trợ công dân được đào tạo và hỗ trợ về việc sử dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiểu biết và khả năng tham gia vào xã hội số. Tạo điều kiện cho khởi nghiệp công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bảo đảm cho tất cả công dân được cung cấp thông tin một cách công khai, công bằng và miễn phí mà không bị cản trở bởi bất kỳ rào cản nào.

Cải thiện hiệu quả và hiệu lực của hệ thống pháp luật hành chính

Cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách và biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả và hiệu lực của hệ thống pháp luật hành chính, bảo đảm môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi. Theo đó, cần thúc đẩy sự minh bạch và công khai trong quá trình xây dựng, thẩm định và áp dụng pháp luật hành chính. Điều này cần được thể hiện qua việc công bố rõ ràng các quy định pháp luật, quy trình thủ tục và quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Công khai thông tin giúp giảm thiểu rủi ro tham nhũng và tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức liên quan đến thực thi pháp luật hành chính. Điều này bảo đảm rằng họ hiểu và áp dụng đúng quy định pháp luật, nắm vững quy trình thủ tục và có khả năng xử lý các vụ vi phạm pháp luật một cách công bằng và hiệu quả. Tạo ra một môi trường có lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua việc giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà và không cần thiết, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp.

Có thể nói, một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế. Do vậy, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp cải cách hành chính và tăng cường quản lý công. Cần tạo ra môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp cho các cán bộ, công chức để họ yên tâm công tác hoặc không thể, không dám nhận tiền hối lộ, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, cần tăng cường quản lý, giám sát và trừng phạt những trường hợp vi phạm pháp luật hành chính.

Đối với các vấn đề pháp lý phức tạp, cần tạo điều kiện cho các bên liên quan tham gia vào quá trình xây dựng và cải thiện pháp luật. Việc tham gia từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật sẽ giúp bảo đảm tính thực tế và thiết thực của các quy định pháp luật hành chính được thoả mãn yêu cầu của các bên tham gia và tự giác thực thi các quy định trong đời sống..

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục pháp luật. Cần nâng cao nhận thức của công chúng về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật hành chính. Điều này giúp tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự thúc đẩy pháp luật hành chính và bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất.

Tài liệu tham khảo:
1. Thi hành pháp luật hành chính – Một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 01/02/2019.
2. Nguyễn Duy Gia. Cải cách một bước Bộ máy Nhà nước ở nước ta hiện nay. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1994.
3. Nguyễn Duy Gia. Nhà nước và quản lý hành chính nhà nước. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1996.
4. Học viện Hành chính. Giáo trình Hành chính công. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2010.
Nguyễn Thuý Duy
Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang