Hòa Bình tập trung phát triển ngành Du lịch theo hướng bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là giao điểm thông thương với các tỉnh khác trong cả nước. Tỉnh có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông… Ngoài ra, với điều kiện tự nhiên phong phú đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên để Hòa Bình đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch. Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã xác định rõ du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và tập trung phát triển theo hướng bền vững.
Ảnh minh họa (inernet)
Tiềm năng phát triển du lịch tại tỉnh Hòa Bình

Là tỉnh thuộc miền núi phía Tây Bắc, Hòa Bình rất giàu tiềm năng du lịch bởi sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên, sự phong phú của một vùng đất đa dân tộc mang đậm giá trị nhân văn.

Theo thống kê, tỉnh Hòa Bình có 101 di tích được xếp hạng; bên cạnh đó là trên 30 khu, điểm du lịch, trong đó đã công nhận 9 điểm du lịch địa phương và 1 khu du lịch cấp tỉnh1. Hòa Bình có địa hình đồi núi trùng điệp, tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn, như: động Thác Bờ, vùng hồ Hang Rết, động Hoa Tiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, suối nước khoáng Kim Bôi, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc… Đây là tiềm năng lớn để ngành Du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, như: Mường, Tày, Thái, Dao, Mông; đặc biệt dân tộc Mường với vô vàn điều kỳ lạ chưa được khám phá.  “Văn hóa Hòa Bình” là cái nôi văn hóa của người Việt cổ, gắn với vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất, đẻ nước”, với những giá trị truyền thống về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, tạo nên bản sắc văn hóa, như: lễ hội Đình Mường Trại; Đình Ngòi xã Sủ Ngòi; lễ Cấp sắc của người Dao xã Thống Nhất…

Hòa Bình đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch

Công tác định hướng, chỉ đạo, điều hành.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn xác định rõ: du lịch là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; là ngành kinh tế quan trọng của Hòa Bình. Sau khi được  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 20302, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản để triển khai, trong đó có Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 20/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là định hướng chiến lược quan trọng thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu gắn với nguyên tắc bảo đảm phù hợp định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh.

Một số kết quả hoạt động phát triển du lịch.

Một là, đầu tư, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Hiện nay, tỉnh đã triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mường, dân tộc Mông tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi, Tân Lạc… Phát triển thêm một số loại hình du lịch thu hút khách, như: chơi golf, bay dù lượn, chèo thuyền Kayak, đạp xe, du lịch kết hợp với trang trại trải nghiệm. Nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng được xây dựng và đưa vào phục vụ, được du khách đánh giá cao, như: Khách sạn Sakura, khách sạn Sojo, khu nghỉ dưỡng Hasu Village, Sân Golf Hill Top Valley (Thành phố Hòa Bình); Khách sạn Khoa Thanh, khu nghỉ dưỡng Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort, Avana Retreat (Mai Châu); Serena Resort, An Lạc Eco-Farm (Kim Bôi); Làng Sỏi Eco-Farm (Lạc Thủy); Khu nghỉ dưỡng sinh thái Ivory Resort (Lương Sơn)… Cùng với đó, hệ thống đường giao thông được cải tạo, nâng cấp nối liền các huyện, xã trong tỉnh với thị xã và với các huyện, tỉnh bạn rất thuận lợi cho phát triển du lịch và giao lư­u kinh tế – xã hội.

Hai là, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Toàn tỉnh hiện có 2.134 lao động trực tiếp và 986 lao động gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và hoạt động du lịch. Trong đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 8,9%; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp chiếm 45,1%; lao động phổ thông chiếm 46%3. Xác định yếu tố con người là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, những năm gần đây công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Du lịch luôn được quan tâm chú trọng.  Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các trường chuyên nghiệp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, kỹ năng kinh doanh lưu trú tại nhà dân; nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch; nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar, quản lý cơ sở lưu trú; nghiệp vụ du lịch cho lái xe ô tô, lái tàu thuyền, nhân viên trên phương tiện ô tô, tàu thuyền phục vụ khách du lịch… Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ba là, xúc tiến mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch an toàn với nhiều  tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… Trong đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh hợp tác liên doanh, liên kết với doanh nghiệp du lịch của các tỉnh, thành phố; đặc biệt là Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airline) đã ký biên bản thỏa thuận Chương trình hợp tác toàn diện (giai đoạn 2022 – 2026).

Bốn là, tích cực hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tổ chức sự kiện, giới thiệu điểm đến du lịch mới, hấp dẫn. Đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và bảo đảm các điều kiện đón khách quốc tế. Tỉnh đã triển khai chuỗi hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch, văn hóa địa phương, tổ chức tuần lễ “Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình”; giới thiệu các tour tham quan, các loại hình du lịch: văn hóa, tâm linh, sinh thái, cộng đồng,  trải nghiệm….

Thông điệp “Du lịch Hòa Bình, điểm đến an toàn – trải nghiệm trọn vẹn” được các địa phương, doanh nghiệp du lịch hưởng ứng. Tiếp tục khai thác và đưa các loại hình du lịch phục vụ du khách, như: sản phẩm trải nghiệm du lịch thể thao dù lượn mới mẻ tại xã Quang Tiến; huyện Mai Châu khởi động lại và duy trì “Phiên chợ vùng cao”; huyện Lạc Thủy với chương trình trải nghiệm hành trình du lịch tâm linh; huyện Tân Lạc khai trương sản phẩm du lịch mùa hè năm 2022 với công viên nước, tái hiện chợ phiên dân tộc Mường, khám phá các di tích, danh thắng trên khu du lịch hồ Hòa Bình…

Năm là, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch… Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư; thời gian giải quyết được rút ngắn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch (trong đó có 3 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái). Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023 với chủ đề “Hòa Bình – Điểm đến đầu tư bền vững”, Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư đại diện thực hiện 15 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 47.000 tỷ đồng (tương đương trên 2 tỷ USD) trong các lĩnh vực du lịch, chế biến thực phẩm, công nghiệp xi măng, hạ tầng khu công nghiệp, phát triển đô thị4

Sáu là, tập trung phát triển du lịch, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người dân, tăng năng suất lao động. Năm 2021, tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình ước đạt 1,55 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 60 nghìn lượt; khách nội địa 1,49 triệu lượt; tổng doanh thu ước đạt 1.300 tỷ đồng. Năm 2022, kết quả kinh doanh tốt với tổng lượng khách du lịch đạt 3,1 triệu lượt khách, so với cùng kỳ năm trước đạt 211,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 3.600 tỷ đồng5.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì du lịch của tỉnh Hòa Bình còn có những tồn tại, hạn chế. Hoạt động xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch chưa hiệu quả; việc xây dựng sản phẩm cho du lịch cộng đồng còn đơn điệu, chưa tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Lực lượng lao động trong ngành Du lịch trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao dẫn đến chất lượng dịch vụ du lịch, phục vụ hoạt động du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh còn hoạt động quy mô nhỏ; việc mở rộng liên kết trong phát triển du lịch còn yếu. Hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn và khả năng cạnh tranh thấp. Đối với phát triển du lịch cộng đồng đã xuất hiện những dịch vụ biến tướng, gây tác động xấu đến giá trị văn hóa bản địa truyền thống…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời để tiếp tục bảo đảm sinh kế ổn định lâu dài cho Nhân dân bản địa; bảo đảm môi trường; giữ gìn bản sắc văn hóa của cư dân và trên hết là bảo đảm tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh một cách bền vững

Một số giải pháp và những định hướng phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Hòa Bình

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về vai trò của phát triển du lịch; đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; thúc đẩy phát huy hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án của trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và số hóa trong đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng trong việc gìn giữ phong tục tập quán truyền thống và hỗ trợ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch cộng đồng.

Thứ ba, huy động sức mạnh của toàn xã hội, phối hợp công tư trong việc thực hiện các mục tiêu cụ thể của Chương trình6. Phấn đấu đến năm 2025: cơ sở lưu trú đạt trên 6 nghìn phòng; đạt 4,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động. Đến năm 2030: hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm và thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình. Mục tiêu đặt ra là xây dựng khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Xây dựng được hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng và thân thiện với môi trường, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh mô hình các loại hình du lịch (văn hóa, tâm linh, trải nghiệm, sinh thái…). Trong đó, tập trung vào việc thúc đẩy trải nghiệm du lịch đa dạng, thân thiện với môi trường và tạo ra các hình thức du lịch mới hấp dẫn để níu chân du khách lưu trú dài ngày. Tăng cường, mở rộng hợp tác du lịch với các tỉnh, liên kết với các đơn vị lữ hành; đẩy mạnh truyền thông quảng bá, số hóa Cổng du lịch thông minh tỉnh; xây dựng ứng dụng nền tảng quản trị số và kinh doanh du lịch.

Tập trung công tác đào tạo nghề và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch của các sở, ngành, địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh. Các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch dành cho các cơ sở lưu trú, nhà hàng, lữ hành, vận chuyển khách du lịch; kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp. Quan tâm phát triển nhân lực tại chỗ bằng việc đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, làm du lịch trực tiếp, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm du lịch ngoài tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm, bài học từ cơ chế, chính sách hỗ trợ, cách thức tổ chức và quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và vệ sinh môi trường phục vụ du lịch.

Chú thích:
1. Hòa Bình phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, an toàn. https://dangcongsan.vn, ngày 05/4/2022.
2. Quyết  định số 1528/QĐ-TTg, ngày 01/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.
3. Hòa Bình: Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. https://vietnamtourism.gov.vn, truy cập ngày 20/4/2023.
4. Hòa Bình thu hút hơn 2 tỷ USD vào đầu tư du lịch, chế biến, công nghiệp, phát triển đô thị. https://www.qdnd.vn, ngày 20/02/2023.
5. Hòa Bình đặt mục tiêu thu 3.900 tỷ đồng từ “công nghiệp không khói”. https://vneconomy.vn, ngày 09/02/2023.
6. Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 22/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Hòa Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 12/4/2017 của UBND tỉnh Hòa Bình về thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
2. Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 20/8/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
ThS. Lê Thị Thanh Hương
Học viện Hành chính Quốc gia