Ứng dụng mô hình dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn)Mô hình dạy học kết hợp là mô hình dạy và học kết hợp linh hoạt giữa dạy học từ xa qua mạng Internet xen kẽ với dạy học trực tiếp tại lớp học. Mô hình này cho phép người học tiếp cận nội dung học tập mọi lúc, mọi nơi thông qua Internet với một phần nội dung của học phần hoặc các học phần có lý thuyết thuần túy. Đây là mô hình dạy học hiện đại, đã và đang được ứng dụng vào triển khai ở nhiều cơ sở đào tạo với tính ưu việt cao. Bài viết đề xuất các giải pháp ứng dụng mô hình này nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới của Học viện Hành chính Quốc gia.
Khái quát mô hình dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến

Mô hình dạy học kết hợp (Blended learning) được xem như cách thức tổ chức quá trình giảng dạy và học tập kết hợp giữa trực tuyến, từ xa và trực tiếp (dạy và học truyền thống trực tiếp tại phòng học). Mô hình dạy học kết hợp hội tụ những ưu điểm của cả hai phương pháp trực tuyến, từ xa và trực tiếp để tối ưu hóa quá trình giảng dạy, học tập và cung cấp trải nghiệm học tập đa dạng cho người học. Mô hình này sẽ tạo điều kiện cho người học kết hợp giữa học qua mạng Internet (trực tuyến và tự học) và hoạt động gặp gỡ trực tiếp giảng viên tại lớp cũng như trao đổi qua lại lẫn nhau để thảo luận và trao đổi thông tin trong các buổi học trực tiếp tại phòng học.

Trong mô hình này, một phần của nội dung học tập được cung cấp qua môi trường trực tuyến, qua mạng internet, thông qua các công cụ như các nền tảng học trực tuyến, video học trực tuyến, bài giảng điện tử, tài liệu điện tử, diễn đàn trực tuyến và các hoạt động tương tác khác… Người học có thể tự tìm hiểu và tiếp cận nội dung các bài học, bài kiểm tra theo tốc độ và thời gian riêng của mình, tùy theo yêu cầu của học phần cũng như khả năng sắp xếp điều kiện cá nhân người học. Ngoài ra, phần học truyền thống trong mô hình dạy học kết hợp vẫn được duy trì như các buổi học trực tiếp tại lớp học truyền thống. Các buổi học này có thể sử dụng để thảo luận, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thực hành, làm việc nhóm, hoặc thực hiện các hoạt động tương tác trực tiếp giữa giảng viên và học viên, sinh viên.

Ứng dụng mô hình dạy học kết nhằm tận dụng những ưu điểm của học trực tuyến, như: tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian và không gian, cùng với những lợi ích của học truyền thống như tương tác trực tiếp, giải đáp thắc mắc và thực hành. Bằng cách kết hợp cả hai phương pháp này, Blended learning có thể tạo ra một trải nghiệm học tập toàn diện và tương tác cho người học. Mô hình này được mô tả với quy trình thực hiện tại Hình 1 sau đây:

Sự cần thiết áp dụng mô hình dạy học kết hợp ở Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay

Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước1. Trong năm 2023 và 5 năm tới, Học viện sẽ được tuyển sinh số lượng lớn thí sinh cho các bậc đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng. Cụ thể:

Đối với bậc đào tạo đại học, năm 2023, Học viện tuyển sinh 13 ngành và 12 chuyên ngành với 4.780 chỉ tiêu2. Đối với bậc đào tạo sau đại học, năm 2023, Học viện Hành chính Quốc gia dự kiến tuyển sinh 7 ngành trình độ thạc sĩ (đợt 1) với 840 chỉ tiêu. Đối với công tác bồi dưỡng, Học viện thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, lãnh đạo cấp phòng, cấp sở…theo yêu cầu của các đơn vị và theo nhu cầu của xã hội. Đồng thời, Học viện đã tiếp nhận các khóa sinh viên từ Trường Đại học Nội vụ cũ chuyển sang và đang thực hiện quá trình đào tạo.

Về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, hiện nay, Học viện quản lý 3 cơ sở tại Hà Nội và 3 phân viện (Thành phố Hồ Chí Minh, miền Trung và Tây Nguyên). Mặc dù số lượng cơ sở đào tạo tương đối lớn nhưng hiện nay ngoài các phòng học phục vụ công tác giảng dạy, Học viện còn phải bố trí phòng làm việc cho Ban Giám đốc và 21 đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện. Trong khi đó trụ sở chính của Học viện hiện đang trong quá trình xây dựng, sửa chữa chưa thể đưa vào sử dụng trong vòng ít nhất 3 năm tới. Hiện nay, số lượng viên chức, người lao động của Học viện Hành chính Quốc gia tương đối lớn do sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện từ ngày 01/01/2023 theo Quyết định số 699/QĐ-BNV ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ3. Tỷ lệ giảng viên chiếm khoảng hơn 40% so với tổng số viên chức, người lao động của Học viện hiện nay.

Với chiến lược dạy học kết hợp như biểu diễn trong hình 2 ở trên cho thấy rõ những phương pháp đã và đang được áp dụng phổ biến ở cả hai chiến lược dạy học trực tiếp (face-to-face) và trực tuyến (online). Bên cạnh các phương pháp dạy học đặc thù theo từng chiến lược thì hai chiến lược dạy học này có chung các phương pháp rất phổ biến hiện nay, như: dạy học theo dự án (Stem projects), hợp tác ngang hàng (Peer collaboration), hoạt động nhóm (Small group instruction or Stations), thuyết trình bài giảng điện tử (Slide presentation), hội thảo giữa giảng viên/người học (1:1 Teacher/Student conferece), viết bài luận (Writing assignments), mã hóa (Coding), bài học kỹ thuật số (Digital lession).

Phương pháp dạy học kết hợp đã và đang được áp dụng hiệu quả bởi các giảng viên tại Học viện Hành chính Quốc gia giảng dạy ở các bậc, các hệ và ngành đào tạo khác nhau. Đặc biệt, phương pháp hoạt động nhóm, thuyết trình bài giảng điện tử và viết bài luận đang được sử dụng rất hiệu quả, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tốt cả cho người dạy và người học. Một số lớp bồi dưỡng ngắn hạn đang soạn bài giảng điện tử đúng chuẩn elearning để đưa vào sử dụng thường xuyên, liên tục. Khi nội dung giảng dạy được số hóa và cung cấp trên hệ thống đào tạo trực tuyến của Học viện sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, như: không cần đến phòng học trực tiếp, người học có thể tham gia lớp học ở bất kỳ đâu có kết nối mạng internet, cả giảng viên và người học chủ động hoàn toàn trong việc bảo đảm tiến độ giảng dạy và học tập, kết quả học tập được đánh giá và công bố hoàn toàn trên môi trường trực tuyến,…

Như vậy, phương pháp dạy học kết hợp sẽ giải quyết được các vấn đề còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, sự chênh lệch quá lớn giữa số lượng giảng viên và sinh viên,.. trong công tác đào tạo và bồi dưỡng ở Học viện, và đây là một bài toán khá phức tạp đặt ra với Ban Giám đốc cùng toàn thể lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện. Thực tế việc áp dụng mô hình dạy học kết hợp (blended learning) trong đào tạo, bồi dưỡng của Học viện là tối ưu hiện tại và cả cho tương lại nhằm giải bài toán cấp thiết hiện nay về sự thiếu hụt phòng học, đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, mô hình này còn có khả năng mang lại lợi ích vượt trội so với các giải pháp khác, như: không cần kinh phí thuê địa điểm, giảm dần sử dụng cách dạy-học qua video conferent bằng các phần mềm Zoom, Trans,…như thời gian vừa qua.

Ứng dụng mô hình dạy học kết hợp tại Học viện Hành chính Quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hiện nay

Để áp dụng phương pháp dạy học kết hợp cần sự quyết tâm của lãnh đạo và sự chung tay của toàn thế các đơn vị, tổ chức và người lao động của Học viện. Các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Xây dựng kế hoạch, nội dung dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Để xây dựng nội dung dạy học kết hợp chất lượng, hiệu quả và phù hợp với tình hình phát triển công nghệ hiện nay, có một số yếu tố quan trọng cần được xem xét và thực hiện tại Học viện, đó là:

(1) Xác định rõ mục tiêu đào tạo mà Học viện muốn đạt được. Điều này giúp các đơn vị, giảng viên tập trung vào việc xây dựng nội dung cần thiết và loại bỏ thông tin không liên quan.

(2) Thiết kế nội dung phù hợp với đối tượng theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tìm hiểu về nhu cầu, kiến thức, kỹ năng và trình độ của đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, giúp Học viện có cơ sở để xây dựng nội dung phù hợp với nhu cầu học tập của người học.

(3) Xây dựng một cấu trúc rõ ràng đối với nội dung dạy học kết hợp của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích chia nhỏ nội dung thành các mục nhỏ hơn, chủ đề hoặc mô-đun để giúp người học dễ dàng theo dõi và tiếp cận kiến thức, kỹ năng và các thông tin liên quan.

(4) Kết hợp sử dụng đa phương tiện, như: video, hình ảnh, âm thanh, bài giảng trực tuyến và các hoạt động tương tác để làm cho nội dung bài học trở nên hấp dẫn. Điều này giúp tăng cường sự lôi cuốn và thu hút sự tham gia, tương tác của người học. Cần lưu ý bảo đảm sự tương thích giữa nội dung với nền tảng đào tạo trực tuyến cùng với các hạ tầng công nghệ phục vụ cho hoạt động này. Việc bảo đảm sự tương thích sẽ giúp cho giảng viên dễ dàng quản lý lớp học, bài giảng còn người học thì dễ dàng truy cập để tham gia lớp học.

(5) Người học có cơ hội nhận phản hồi về tiến độ học tập và cung cấp các phương pháp đánh giá đo lường hiệu quả học tập. Điều này giúp người học biết được mức độ tiến bộ trong quá trình học và khuyến khích sự tham gia tích cực đối với các bài học, học phần tiếp theo.

(6) Liên tục cập nhật nội dung học trực tuyến của học phần để bảo đảm tính phù hợp và đổi mới cùng với phát triển công nghệ và xu hướng giáo dục hiện tại. Đồng thời, thực hiện các cuộc đánh giá định kỳ xen kẽ các bài học để xác định hiệu quả của nội dung học và cải thiện các nội dung còn hạn chế, bất cập.

(7) Khuyến khích sự tự giác, chủ động của người học trong quá trình tham gia học tập. Người biên soạn nội dung cần tích hợp các yêu cầu có thể đạt được thông qua các bài tập, hoạt động nhóm, thảo luận trực tuyến và các tài liệu tham khảo.

Với thuận lợi lớn là hầu hết các học phần trong chương trình đào tạo (CTĐT) hoặc các chương trình bồi dưỡng (CTBD) ở Học viện hiện nay đều đã được biên soạn và đưa vào giảng dạy trực tiếp, vì vậy việc kế thừa và phát triển nội dung đáp ứng yêu cầu của mô hình dạy học kết hợp là hoàn toàn khả thi.

Bước 2: Phát triển hệ thống quản lý học tập trực tuyến hiệu quả.

Để phát triển một hệ thống quản lý học tập trực tuyến hiệu quả Học viện cần lưu ý một số yếu tố sau đây:

(1) Lựa chọn phần mềm quản lý học tập (LMS) trực tuyến phù hợp với nhu cầu và quy mô đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm giao diện người dùng thân thiện, các chức năng phù hợp để quản lý, giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá. Yếu tố này rất quan trọng vì nó là tiền đề cho sự thoải mái, tiện lợi đối với người dùng ngay từ khi bắt đầu áp dụng, không gây khó khăn khi truy cập hoặc cảm giác khó chịu khi thực hiện các thao tác.

(2) Xây dựng các công cụ quản lý khóa học và nội dung linh hoạt. Ví dụ như, hệ thống quản lý học viên, đây là phần quan trọng để quản lý thông tin cá nhân, tiến độ học tập, kết quả đánh giá, quản lý các học phần đăng ký và truy cập các tài liệu liên quan. Đối với hệ thống quản lý nội dung cần lưu ý quản lý và tổ chức nội dung học tập, như: chỉnh sửa, xóa, quản lý tài liệu, bài giảng, bài tập và các tài nguyên khác… Cung cấp các tính năng như tải, xử lý và hiển thị tài liệu trong các định dạng khác nhau, tổ chức nội dung thành các chủ đề…

(3) Hệ thống cần hỗ trợ các tính năng tương tác cho người học, như: diễn đàn thảo luận, hội thảo trực tuyến, trao đổi trực tiếp và hệ thống gửi thông báo. Điều này giúp tạo ra môi trường học tập trực tuyến đầy đủ và tương tác giữa người học và giảng viên. Tránh sự nhàm chán, rời rạc và thiếu liên kết giữa người dạy với người học.

(4) Hệ thống quản lý học tập trực tuyến cần tích hợp các công cụ đánh giá và phản hồi, như: bài tập trực tuyến, bài kiểm tra và hệ thống phản hồi tự động. Với các công cụ này, giảng viên sẽ có minh chứng để đánh giá tiến độ học tập của người học và cung cấp phản hồi ngược trở lại giúp người học nắm bắt được thông tin một cách trực quan và nhanh chóng. Ngoài ra, Học viện cần thành lập Tổ kỹ thuật thường trực hỗ trợ, giúp đỡ người dạy và người học giải quyết các khó khăn, vướng mắc, trục trặc kỹ thuật trong quá trình thực hiện mô hình đào tạo kết hợp.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ tổ chức các lớp học, khóa học trực tuyến. Các hệ thống quản lý học tập trực tuyến điển hình được nhiều cơ sở giáo dục, doanh nghiệp sử dụng, như :Moodle, Blackboard, Canvas, Google Classroom, Schoology, Edmodo, Microsoft Teams,…Các hệ thống này có đặc điểm chung là cung cấp các tính năng, dịch vụ phục vụ cho việc quản lý và hỗ trợ quản lý, giảng dạy, học tập trực tuyến đa nền tảng có kết nối mạng Internet. Trong đó, phải kể đến phần mềm Moodle là hệ thống quản lý học tập trực tuyến đang được sử dụng phổ biến. Moodle là một nền tảng quản lý học tập mã nguồn mở, cung cấp một loạt các tính năng quản lý khóa học, tạo nội dung, giao tiếp và đánh giá. Nó có khả năng tương tác mạnh mẽ, hỗ trợ các công cụ đa phương tiện và có một cộng đồng phát triển lớn, có các tính năng, cấu trúc phát triển và khả năng bảo vệ thông tin tương đối tốt so với các phần mềm khác. Theo đó, Học viện Hành chính Quốc gia có thể xem xét lựa chọn, cài đặt, cấu hình tùy biến các chức năng cho phù hợp với quy mô đào tạo, bồi dưỡng và khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay.

Bước 3: Tổ chức dạy học kết hợp xen kẽ để người học được giảng viên hướng dẫn, gặp gỡ và trao đổi, thảo luận

Trong giai đoạn đầu và kể cả khi ứng dụng thành công mô hình dạy học kết hợp, việc tổ chức các buổi học trực tiếp xen kẽ với các buổi học trực tuyến có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng.

Buổi học trực tiếp, giảng viên và sinh viên được tương tác trực tiếp, gặp gỡ và trao đổi thông tin. Hoạt động này tạo ra môi trường học tập tương tác, thúc đẩy sự thảo luận, trao đổi ý kiến và trao đổi kiến thức. Có những kỹ năng hoặc môn học đòi hỏi sự thực hành trực tiếp, chẳng hạn, như: kỹ năng thực hành thí nghiệm trong các lĩnh vực khoa học, y tế, hay kỹ năng thực hiện các bài tập thực tế trong lĩnh vực kỹ thuật. Buổi học trực tiếp cho phép sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với các tài liệu và thiết bị cần thiết để thực hành kỹ năng này.

Các buổi học trực tiếp có sự tham gia của giảng viên sẽ giúp xây dựng mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên, cũng như giữa sinh viên với nhau. Gặp gỡ và làm việc trực tiếp cùng nhau trong một môi trường học tập giúp tạo ra sự gắn kết và tương tác hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động trực tiếp trên lớp cũng cung cấp cơ hội cho giảng viên tiến hành các hoạt động kiểm tra và đánh giá quá trình học tập của người học. Các bài kiểm tra, thảo luận nhóm hoặc hoạt động thực tế có thể được thực hiện trong buổi học trực tiếp để đánh giá sự hiểu biết và kỹ năng của người học một cách thuyết phục.

Tổ chức các buổi học trực tiếp trong mô hình dạy học kết hợp giúp tận dụng tốt những lợi ích của cả học trực tuyến và học trực tiếp, tạo ra một trải nghiệm học tập toàn diện và hiệu quả hơn cho người học.

Bước 4: Đánh giá hiệu quả mô hình dạy học kết hợp

Đánh giá hiệu quả của mô hình dạy học kết hợp là một bước quan trọng để đánh giá sự thành công và cải thiện của chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và cách thức triển khai. Nội dung đánh giá có thể hướng tới các mục tiêu cơ bản sau đây:

Đánh giá giúp đo lường mức độ tiến bộ, thành tựu và sự phát triển các phương pháp học của người học trong quá trình học tập. Nó cung cấp thông tin về việc người học đạt được mục tiêu học tập ở mức độ nào, nắm vững kiến thức, kỹ năng và khả năng áp dụng chúng vào thực tế.

Nội dung đánh giá cũng giúp xác định hiệu quả của các phương pháp giảng dạy và học liệu phục vụ học tập trong mô hình dạy học kết hợp. Nó cho phép đánh giá sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, chất lượng nội dung học, tính tương thích với công nghệ và sự hỗ trợ từ hệ thống quản lý học tập.

Đánh giá giúp xác định mức độ hài lòng của sinh viên đối với mô hình đào tạo kết hợp. Nó cho phép thu thập phản hồi từ sinh viên về trải nghiệm học tập, tính thú vị, tính tiện ích và cả sự hỗ trợ trong quá trình học.

Hoạt động đánh giá cũng giúp xác định hiệu quả tài chính của mô hình đào tạo kết hợp này có phù hợp với quy mô của Học viện hiện nay hay không. Từ đó có phương hướng nâng cấp hoặc cải tiến phục vụ cho giai đoạn tiếp theo. Nó cho phép đánh giá sự tương quan giữa nguồn lực đầu tư và kết quả đạt được, đồng thời tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính. Theo đó, có các biện pháp để phát huy ưu điểm và làm giảm những hạn chế thiếu sót.

Để tổ chức đánh giá hiệu quả của mô hình đào tạo kết hợp, có thể áp dụng các phương pháp và công cụ sau:

(1) Tạo và thực hiện khảo sát để thu thập ý kiến và đánh giá của người học về mô hình đào tạo kết hợp này. Các câu hỏi có thể liên quan đến trải nghiệm học tập, sự hài lòng, sự phù hợp với nhu cầu và đặc biệt là các ý kiến đề xuất cải thiện chất lượng từ phần mềm đến nội dung bài học, chương trình học tập và các nội dung liên quan khác.

(2) Sử dụng các hình thức đánh giá như bài kiểm tra, bài tập, dự án, thảo luận, và các hoạt động áp dụng kiến thức để đo lường kết quả học tập của người học. Tổng hợp, so sánh kết quả này với mục tiêu đào tạo đã được công khai trong chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần để đánh giá hiệu quả cuối cùng.

(3) Sử dụng các công cụ thu thập và phương pháp phân tích dữ liệu phù hợp để đánh giá dữ liệu học tập, sự tham gia, tiến độ và thành tích của người học. Điều này giúp đưa ra nhận định về hiệu quả của mô hình và tìm kiếm cơ hội cải thiện.

(4) Tổ chức việc đánh giá chéo trong nội bộ đội ngũ giảng viên bằng cách yêu cầu ý kiến và đánh giá từ các giảng viên, cán bộ quản lý và những người liên quan khác. Đánh giá từ các chuyên gia sẽ cung cấp cái nhìn khách quan, đúng chất lượng và hiệu quả của mô hình đào tạo. Đó cũng là phương pháp dùng để tranh thủ ý kiến và sự sáng tạo của mỗi giảng viên làm cho hệ thống quản lý trong mô hình đào tạo kết hợp được hiệu quả hơn.

Kết quả đánh giá sẽ cung cấp thông tin quan trọng để hiểu rõ hơn về hiệu quả của mô hình đào tạo kết hợp (blended learning) và tạo ra cơ sở để điều chỉnh, cải thiện mô hình trong lộ trình tiếp theo.

Kết luận

Mô hình dạy học kết hợp (blended learning) có ý nghĩa quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình học tập và nâng cao trải nghiệm cho cả giảng viên và người học. Mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: linh hoạt thời gian và không gian học tập, cho phép sử dụng đa dạng các loại tài liệu, tự động hóa quá trình đánh giá, theo dõi kết quả học tập…trong điều kiện cụ thể ở Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay và trong thời gian tới, mô hình học tập này rất phù hợp và mang lại hiệu quả tối ưu.

Chú thích:
1. Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
2. Đề án và thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Học viện Hành chính Quốc gia, 2023, tr.10-13.
3. Quyết định số 699/QĐ-BNV ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Đạo, Nguyễn Thị Thu Nga. Nghiên cứu và xây dựng mô hình học tập kết hợp giữa học truyền thống và học trực tuyến trong đào tạo cao học. Tạp chí Khoa học Đại học Huế, số 112 (10) năm 2016.
2. Nguyễn Thị Phương Thảo. Nghiên cứu ứng dụng mô hình học tập kết hợp giữa học truyền thống và trực tuyến trong giảng dạy các môn học chuyên ngành. Luận án tiến sĩ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2018.
3. Nguyễn Đạt Tiến. Đào tạo trực tuyến ở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội – Thực trạng và giải pháp. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2021.
4. Nguyễn Đạt Tiến. Lựa chọn mô hình đào tạo trực tuyến phù hợp với điều kiện đặc thù của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Tạp chí Quản lý giáo dục, số 6/2021.
5. Fives Effective Blended Learning Strategies, https://edynamiclearning.com, November 13, 2019.
ThS. Nguyễn Đạt Tiến
Học viện Hành chính Quốc gia