Đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk

(Quanlynhanuoc.vn) – Tình trạng khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đã và đang trở thành thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Trước những yêu cầu và thách thức mới, mô hình kinh tế tuần hoàn đang được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp và được đánh giá là phù hợp và mang lại hiệu quả phát triển bền vững. Đắk Lắk là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là bước đi cần thiết trong thời gian tới nhằm tiếp tục phát huy những tiềm năng vốn có của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động nông nghiệp trong xu hướng phát triển chung của đất nước và thế giới.
Ảnh: dantocmiennui.vn.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990)1. Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Từ góc độ nền kinh tế, kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất… tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, giảm lượng phế thải, khí thải ra môi trường.

Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình kinh tế tuyến tính (Linear economy) đang được phổ biến rộng rãi. Trong mô hình kinh tế tuyến tính, các tài nguyên chỉ di chuyển theo một chiều, từ khai thác tài nguyên, sản xuất, đến vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ.

So với kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoàn giúp giảm số lượng tài nguyên cần sử dụng và số lượng phế thải tạo ra, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và làm giảm các tác động ô nhiễm đến môi trường. Tuy nhiên, một vài giả thuyết sử dụng trong mô hình kinh tế tuần hoàn có thể quá đơn giản và không thực tế, các mô hình định nghĩa đã bỏ qua sự phức tạp của hệ thống kinh tế đang tồn tại và những đánh đổi của mô hình kinh tế mới. Điển hình là các khía cạnh xã hội của tính bền vững dường như chỉ được đề cập thoáng qua trong nhiều ấn phẩm nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn. Nhiều trường hợp sẽ đòi hỏi cần có thêm các chiến lược phụ thêm như mua sắm thêm các thiết bị mới và tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn.

Ở Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn được đề cập đến trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước, điển hình có: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã khẳng định “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế, thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng trong nông nghiệp, thủy sản và phát triển rừng. Giảm thiểu những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn, sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long, lũ ống, lũ quét, sạt lở núi ở khu vực trung du, miền núi”.

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định, phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030”. Ngoài ra, còn có một số luật và chính sách liên quan, như: Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 – 2020, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020,…Cùng với đó, ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” nhằm tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn được hiểu là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý vào việc tái chế các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Thông qua quá trình này, không chỉ tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, an toàn mà còn giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang được áp dụng hiện nay, gồm: Mô hình tạo và dùng khí đốt từ nước thải, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi; mô hình kết hợp trồng trọt – chăn nuôi – thủy sản, nông – lâm kết hợp, vườn – rừng; mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm giá trị kinh tế khác…

Nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn đó là toàn bộ các phế thải của quá trình sản xuất đều được xem như là tài nguyên, nguyên liệu của các quy trình sản xuất các sản phẩm tiếp theo. Mục tiêu của kinh tế tuần hoàn đó là hạn chế sử dụng tài nguyên, tránh lãng phí tài nguyên, giảm việc thải khí nhà kính vào môi trường thông qua việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín. Các yếu tố trong hệ thống sản xuất nông nghiệp trong kinh tế tuần hoàn bao gồm: tuần hoàn chất dinh dưỡng, tuần hoàn chất hữu cơ, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng và tuần hoàn vật liệu nhựa.

Như vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, tiết kiệm, giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và an toàn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao thì sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.

Những lợi thế trong nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk và tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn

Với những giá trị quan trọng cho sản xuất nông nghiệp và môi trường, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi ở các địa phương nhằm góp phần tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị, đặc biệt là hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững. Thực tế ở Đắk Lắk đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp như các mô hình: tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông – lâm kết hợp; mô hình vườn rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác,… Tuy vậy, các mô hình này mới ở dạng sơ khai, thí điểm, chưa thực sự được áp dụng rộng rãi.

Đắk Lắk có điều kiện đất đai, khí hậu và địa hình sản xuất nông nghiệp tương đối bằng phẳng. Toàn tỉnh có gần 700.000 ha đất Bazan, trong đó có trên 300.000 ha đất đỏ Bazan màu mỡ, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả: cà phê, cao su, ca cao, tiêu, macca, điều, bơ, sầu riêng,… Bên cạnh đó, tỉnh còn có gần 42.000 ha mặt nước, khí hậu ôn hòa hình thành lợi thế, tiềm năng và điều kiện thuận cho phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp đã giải quyết việc làm và thu nhập cho gần 70% lao động của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 210.000 ha cà phê, 34.000 ha cao su, 32.000 ha hồ tiêu, trên 43.000 ha cây ăn quả, khoảng 110.000 ha lúa, 94.000 ha ngô; 170.000 ha đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp sản xuất nông nghiệp2. Đất đai, địa hình và khí hậu của Đắk Lắk tạo thành những đặc trưng trong trồng các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đây cũng chính là lợi thế quan trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và kinh tế tuần hoàn.

Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm trên 15,3 triệu con; có 72 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 755 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 2.609 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và hơn 101.000 cơ sở chăn nuôi nông hộ; có 8 công ty chăn nuôi triển khai liên kết sản xuất chăn nuôi heo, gà theo hình thức gia công với khoảng 400 trang trại chăn nuôi, khoảng 200.000 con lợn (chiếm 23,3% tổng đàn lợn toàn tỉnh) và 3.000.000 con gà (chiếm 26,5% tổng đàn gà toàn tỉnh)3. Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác động nhất định đối với môi trường. Chất thải chăn nuôi hiện được quản lý bằng nhiều cách: ủ phân compost, xử lý bằng chế phẩm vi sinh, công trình khí sinh học… Rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng sâu rộng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đắk Lắk giữ vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông kết nối thông suốt với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng – miền núi, nông thôn – thành thị, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng mạng lưới giao thông ngày một hoàn thiện. Đây sẽ là những tiền đề đặc biệt quan trọng mở ra nhiều cơ hội mới giúp tỉnh có thể phát huy, khai thác có hiệu quả hơn nữa các tiềm năng thế mạnh, vượt qua khó khăn thách thức tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Nghị quyết xác định “Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số”.

Đắk Lắk có nền nông nghiệp tương đối phát triển với nhiều thế mạnh về những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, giá trị xuất khẩu cao. Để tập trung phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng và dành nguồn lực lớn để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (2020 – 2025) xác định, nông nghiệp là một trong 3 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, là nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Quyết định số 2364/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch số 4356/KH-SNN ngày 22/12/2022 triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Tây Nguyên, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực… Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Những khó khăn, thách thức

Khó khăn đầu tiên có thể khẳng định đó là nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân. Kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới đối với hầu hết các doanh nghiệp – đối tượng chính trong việc triển khai mô hình này. Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp, các lĩnh vực hoạt động cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn coi đây là mô hình gây tốn kém chi phí, mất thời gian, công sức, chưa nhận thức được lợi ích mang lại. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân đều có tâm lý là e ngại, sợ rủi ro.

Trong thực tế, để áp dụng, thay đổi quy trình sản xuất, tập huấn cho người lao động, đầu tư máy móc, trang thiết bị cần nguồn tài chính lớn mà hiệu quả thu được thì phải mất khá nhiều thời gian, chưa kể những rủi ro trong quá trình triển khai. Đặc biệt, đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình việc chuyển đổi mô hình sản xuất là một việc làm khó khăn mà không phải ai cũng có đủ vốn, nguồn lực để mạnh dạn đầu tư.

Nhìn chung, quy mô sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khó tích tụ nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng gặp không ít rào cản. Hiệu quả hoạt động của nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chưa cao, chưa thể hiện đầy đủ chức năng, vai trò trong nền kinh tế, nhiều hợp tác xã đã rơi vào tình trạng ngừng hoạt động hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Một khó khăn cũng được nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm, đó là làm sao có được công nghệ tốt, quy trình tốt để thúc đẩy áp dụng tuần hoàn. Trong khi đầu tư công nghệ phải tốn nhiều chi phí, người đầu tư cũng chưa chắc là công nghệ của mình đã tốt nhất chưa? Đã bảo đảm tính cạnh tranh hay chưa? Trong khi đó chính quyền địa phương chưa có chính sách ưu đãi thích đáng cho doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, doanh nghiệp phát triển xanh.

Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế khi hoạt động nghiên cứu và phát triển công tác này ở Việt Nam nói chung, ở các địa phương nói riêng hiện nay còn khá khiêm tốn; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn còn hạn chế trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm.

Hiện nay chưa có bộ nhận diện thương hiệu hay hướng dẫn thực hiện quy cách, giải pháp kinh tế tuần hoàn. Trong khi hệ thống pháp luật liên quan chưa hoàn thiện, chưa có tính đồng nhất, còn nhiều điểm chồng chéo và đặc biệt là chưa tạo ra được động lực đột phá để huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng, chế biến phế, phụ phẩm chăn nuôi còn chưa đồng bộ, hiệu quả, gây lãng phí. Nhất là đối với chất thải lỏng ở các trang trại chăn nuôi công nghiệp rất khó thu gom nên chủ yếu xả trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các hầm khí sinh học) ra môi trường.

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh Đắk Lắk. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với nhà đầu tư khi đề xuất, triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hiện đại trên địa bàn tỉnh vẫn là các thủ tục pháp lý liên quan đến bố trí, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất để triển khai thực hiện dự án, dẫn tới tình trạng quy hoạch bị treo, đất để không lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ bị người dân lấn chiếm, tranh chấp.

Giải pháp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk

Để đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tời cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn những kiến thức cơ bản về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, các mô hình thí điểm thành công và lợi ích của chúng; các mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Với địa bàn rộng, dân số phân bố rải rác như ở các vùng nông thôn và miền núi thì cần đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, đặc biệt là kết hợp cử cán bộ nông nghiệp các cấp tới tận từng hộ dân, thông qua các ấn phẩm mang tính hình ảnh, quy trình đơn giản, bắt mắt, dễ hiểu; tổ chức các đoàn nông dân thăm quan các mô hình thực tế. Ngoài ra, cần quan tâm công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các cá nhân, tổ chức điển hình để từ đó có thể nhân rộng mô hình ở những địa bàn có tiềm năng.

Hai là, tăng cường nghiên cứu, khuyến khích các hộ nông dân, doanh nghiệp xây dựng một số mô hình thí điểm, từ đó phát triển hệ sinh thái cho vùng sản xuất nông nghiệp. Trong hệ sinh thái này, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, làm trung tâm, dẫn dắt thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, chế biến. Từ đó, tạo đà hỗ trợ các hộ nông dân. Hợp tác xã mạnh dạn áp dụng những mô hình đã được thí điểm hiệu quả với quy mô, cách thức triển khai phù hợp với điều kiện của họ.

Ba là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong chỉ đạo phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ công, đi đầu trong chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành có liên quan nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành của mình. Từ đó, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai rộng rãi các mô hình phù hợp tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn vay, về thuế, về giá thuê đất, về thủ tục hành chính,… đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói riêng, góp phần phát triển kinh tế địa phương gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bốn là, nghiên cứu mô hình liên kết vùng sản xuất theo khu vực, ngành hàng để kết nối phát triển kinh tế tuần hoàn trong nội vùng, vùng theo hình thức chuỗi hoạt động. Trong đó, có thể áp dụng mô hình hỗ trợ lẫn nhau, phế phụ phẩm của đơn vị này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho đơn vị khác để từ đó giải quyết được bài toán về chi phí ban đầu, giải quyết được đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong các mô hình.

Năm là, có chính sách khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học để xử lý rác thải, tái tạo nguyên liệu mới; trang bị các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ hiện đại phục vụ cho các quy trình tuần hoàn.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia nghiên cứu các lĩnh vực về nông nghiệp thông qua đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo hay giữa các địa phương. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh việc đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù của địa phương.

Kết luận

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một trong những xu hướng phát triển tất yếu của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nền nông nghiệp Việt Nam đã và đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại, hướng tới phát triển bền vững. Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đối với môi trường và hiệu quả hoạt động là rất rõ ràng. Đắk Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Nhiệm vụ quan trọng là tỉnh cần nghiên cứu, ban hành những phương án, kế hoạch mang tính tổng thể, từ đó, động viên, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp chủ động trong việc ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với loại hình hoạt động sản xuất của mình nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Chú thích:
1. Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.
2. Số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, năm 2022.
3. Theo báo Đắk Lắk điện tử. Https://daklak.vn.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
3. Cơ sở thực tiễn và động lực thúc đẩy phát triển Nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam: Kinh tế VAC, kinhtenongthon.vn.
4. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và khuyến nghị. www.lyluanchinhtri.vn.
5. Phát triển nông nghiệp Việt Nam – thành tựu và những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới. www.quanlynhanuoc.vn.
6. Bianchi, F., Beek, C. V., Winter, D. D., & Lammers, E. (2020). Opportunities and barriers of circular agriculture insights from a synthesis study of the Food & Business Research Programme, Food & Business Knowledge Platform.
7. CREM (2018), Scoping study circular economy Vietnam, Amsterdam, the Netherlands.
8. OECD (2019), Business Models for the Circular Economy: Opportunities and Challenges for Policy.
9. Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.
TS. Nguyễn Thế Kiên
Trường Đại học kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội