Nâng cao chất lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Chính trị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội phát triển về mọi mặt, nhất là chú trọng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng đạt hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bài viết đề cập đến sự cần thiết, nội dung, biện pháp đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội.
Ảnh minh họa (internet).
Sự cần thiết đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội hiện nay

Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng là hình thức mới, khó khăn, phức tạp trên mặt trận đấu tranh chính trị, tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) trong quân đội.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đội ngũ VNS, thời gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tốt vai trò của đội ngũ VNS trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Số lượng VNS tham gia đấu tranh trên không gian mạng ngày càng đông, chất lượng, trách nhiệm ngày càng cao. Hiện nay, đã kiện toàn, thành lập mới 4.300 thành viên Ban Chỉ đạo 35 và 1.510 thành viên tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong quân đội, đội ngũ VNS đã tuyên truyền, lan tỏa hơn 600.000 tin, bài tích cực; báo xấu, ngăn chặn, bóc gỡ 126 tin, bài tiêu cực; định hướng các cuộc vận động sáng tác, quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí chuyên sâu đề tài chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng nếp sống lành mạnh ở các đơn vị trong Quân đội, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (18 bài được giải thưởng búa liềm vàng; 15 bài giải báo chí quốc gia; 204 tác phẩm được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị tặng thưởng; 21 tác phẩm đạt giải do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; 53 tập thể, 100 cá nhân được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen; 860 bài viết về điển hình, tiên tiến, gương người tốt, việc tốt)1. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nội dung, hình thức và kỹ năng đấu tranh trên không gian mạng của đội ngũ VNS quân đội còn hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tiếp theo.

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, mang lại thời cơ và thách thức trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Trong nước, thế và lực của đất nước ngày càng được nâng lên; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có hội nhập về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, truyền thông. Nền quốc phòng toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc, yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội ngày càng cao. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật, thông tin, truyền thông là “mũi nhọn”. Chúng ra sức xuyên tạc, phủ nhận đường lối văn hóa, văn nghệ cách mạng của Đảng; với vỏ bọc “sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật”, lợi dụng một số VNS trong quân đội dao động tư tưởng chính trị, tha hóa về đạo đức, lối sống, vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội để chống phá Đảng, Nhà nước. Vì thế, việc phát huy vai trò của đội ngũ VNS trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng là yêu cầu khách quan, cấp thiết hiện nay.

Nội dung, biện pháp đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội

Để đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng đạt hiệu quả thiết thực, hoàn thành tốt sứ mệnh “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò của đội ngũ VNS quân đội, trọng tâm là thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Thứ nhất, giáo dục cho đội ngũ VNS quân đội nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Đội ngũ VNS trong quân đội rất đa dạng về chuyên môn, ngành nghề đào tạo, về cơ cấu tuổi quân, tuổi đời, tuổi nghề, theo đó có sự chênh lệch khá lớn về trình độ, kinh nghiệm hoạt động và thu nhập. Theo thống kê, VNS thuộc các chuyên ngành thơ, ca, múa, nhạc, kịch chiếm 85%; VNS thuộc các chuyên ngành quản lý văn hóa; văn thư, lưu trữ và báo chí; hội họa; bảo tàng, thư viện… chỉ chiếm 15%. VNS nhóm tuổi từ 19 – 25 tuổi chiếm 65%; từ 26 – 30 tuổi chiếm 28%; từ 31 tuổi trở lên chiếm 7% tổng số VNS toàn quân2. Bên cạnh đó, yếu tố “thăng hoa cảm xúc” chi phối nhiều đến hoạt động sáng tạo, tuyên truyền, biểu diễn, quảng bá, thưởng thức các tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật. Vì vậy, làm thế nào để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ VNS quân đội về đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng là vấn đề được đặt ra cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Các tổ chức, lực lượng trong quân đội cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, bồi dưỡng, hướng dẫn đội ngũ VNS nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cơ quan nghiệp vụ cấp trên về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trọng tâm là Kế hoạch số 475/KH-CT ngày 19/3/2015 và Hướng dẫn số 902/HD-CT ngày 25/5/2015 của Tổng cục Chính trị về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng internet trong quân đội; Chỉ thị số 47/CT-CT ngày 08/01/2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Hướng dẫn số 728/HD-CT ngày 01/7/2016 của Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị về tổ chức và hoạt động của lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong quân đội; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Kết luận số 53-KL/TW ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…

Công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ VNS quân đội về đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua công tác tuyên huấn; công tác tổ chức; công tác cán bộ, chính sách; công tác dân vận, bảo vệ; công tác quần chúng; bằng hoạt động của website, các Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47; thông qua học tập, giao lưu, hội thi, hội thao, tổ truyền thông, hội, ban nhạc, nhóm hát; duy trì các nền nếp, chế độ trong ngày, tuần, tháng; tham quan, tọa đàm…

Thứ hai, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng của đội ngũ VNS.

Đổi mới nội dung, hình thức đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng là biện pháp hết sức quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh của đội ngũ VNS quân đội. Theo đó, đội ngũ VNS là lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong quân đội phải thường xuyên quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy đảng về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nghị quyết, quy chế, chương trình, kế hoạch đấu tranh; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin và nội dung, phương thức đấu tranh cho đội ngũ VNS. Thường xuyên quản lý, chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, duy trì, đôn đốc đội ngũ VNS ở cơ quan, đơn vị mình phối hợp chặt chẽ với Lực lượng 47 để đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng có hiệu quả; điều hành các phóng viên, biên tập viên, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, hội trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng facebook, fanpage, zalo, website, ban nhạc, nhóm hát, tổ truyền thông hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, tích cực tương tác, chia sẻ, lan tỏa bài viết, hình ảnh, hoạt động, video, clip tiêu biểu của Quân đội và từng cá nhân trên không gian mạng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu tranh của đội ngũ VNS, chủ động phát hiện và kiểm tra VNS có biểu hiện ngại khó, ngại khổ, xem nhẹ hoạt động đấu tranh; làm tốt công tác khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đấu tranh, xem xét xử lý kỷ luật (nếu có) bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền. Đồng thời, từng đồng chí cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; xây dựng phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh; chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, pháp luật nhà nước, kỷ luật của quân đội; thực hiện nói đi đôi với làm; gương mẫu trong sáng tác, dàn dựng, tuyên truyền, biểu diễn, quảng bá, lan tỏa, chia sẻ các tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật. Định kỳ báo cáo kịp thời tình hình đấu tranh, đồng thời chỉ đạo sơ kết, tổng kết nâng cao chất lượng hoạt động đấu tranh của đội ngũ VNS.

Lực lượng VNS là giảng viên của các nhà trường trong quân đội cần triển khai thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đào tạo. Cấp ủy, chi bộ, chỉ huy các khoa thường xuyên động viên, tạo mọi điều kiện để VNS giảng dạy, nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật; xây dựng đội ngũ VNS; công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, đồng thời bám sát chủ đề lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực tiễn đời sống bộ đội để làm tốt việc chuẩn bị bài giảng, tích cực tham gia hội thảo khoa học, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy, truyền thụ tri thức, kinh nghiệm, bồi dưỡng tài năng, tạo nguồn VNS kế cận có chất lượng, đồng thời, luôn gương mẫu trong tuyên truyền, biểu diễn, quảng bá nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị, hấp dẫn, sức lan tỏa rộng khắp.

VNS ở các hội, ban nhạc, nhóm hát, tổ truyền thông cần duy trì thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ hoạt động sáng tác, tuyên truyền, biểu diễn, quảng bá và đấu tranh; thường xuyên khuyến khích, động viên, giao nhiệm vụ và định hướng cho các thành viên tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, đăng tải, lan tỏa nhiều chương trình, tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có sức lôi cuốn, hấp hẫn người xem trên mạng xã hội; quản lý chặt chẽ con người, chất lượng hoạt động sáng tác, biểu diễn; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; đánh giá chéo chất lượng hoạt động; kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời hoạt động đấu tranh của từng ban, nhóm. Phát huy vai trò của những đồng chí “nổi tiếng”, có uy tín cao trong giới VNS Quân đội và xã hội để tiên phong đấu tranh, đồng thời động viên VNS tham gia các cuộc thi, hội thi, liên hoan văn hóa, văn học, nghệ thuật trong nước và quốc tế để tuyên truyền, lan tỏa những bài viết hay, hình ảnh, video, clip đẹp, hấp dẫn lên mạng xã hội.

VNS tham gia Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 ở các cơ quan, đơn vị cần chủ động nắm chắc diễn biến thực tiễn tình hình mọi mặt, thường xuyên kết hợp với nhóm, fanpage, blog như: Vững tin theo Đảng, Tổ quốc gọi tên mình, Ánh sáng soi đường, Đặc biệt tinh nhuệ, Hoàng Thành Thăng Long, Thành Đồng Đất việt, Sinh viên và người lính, Tiếng Tổ quốc, Anh dũng tuyệt vời, Bản lĩnh thép… để tham gia đấu tranh; cần tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để lan tỏa, chia sẻ các bài viết, vừa tạo hiệu ứng, sức lan tỏa rộng rãi trong diễn đàn đấu tranh trên không gian mạng, đồng thời, giúp VNS học hỏi, hoàn thiện nội dung, phương thức, kỹ năng đấu tranh.

Đội ngũ VNS làm công tác báo chí, truyền thông, xuất bản, lý luận phê bình văn học cần tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn và định hướng hoạt động đấu tranh, nhất là việc tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp xây dựng nội dung, chương trình, việc sáng tác, biên tập, in ấn, xuất bản và phát hành bảo đảm hiệu quả thiết thực; đồng thời, tích cực nghiên cứu tăng cường phát triển các loại hình truyền thông, sản phẩm thông tin chất lượng trên không gian mạng để góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông của Quân đội thực sự chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của VNS Quân đội trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Chủ tịch Hồ Chí minh từng dạy: “Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, VNS cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp”3. Lời căn dặn của Người là bài học sâu sắc, tinh tế, có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng và hành động của VNS trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Yêu cầu đặt ra là từng VNS cần chủ động tự học tập để nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc; Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội để từng bước hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Trên cơ sở đó, hằng năm, từng VNS phải xây dựng kế hoạch đấu tranh gắn với kế hoạch tự tu dưỡng, tự rèn luyện và báo cáo kế hoạch đấu tranh với các cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy cấp mình. Trong kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh và thời gian thực hiện. Nội dung đấu tranh phải toàn diện cả trong sáng tác, tuyên truyền, biểu diễn, quảng bá và hưởng thụ văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho đội ngũ VNS.  

Môi trường văn hóa lành mạnh ảnh hưởng nhiều tới sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của đội ngũ VNS và trực tiếp tác động đến hoạt động động đấu tranh trên không gian mạng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung xây dựng môi trường chính trị tư tưởng mẫu mực trong đơn vị. Để xây dựng môi trường chính trị tư tưởng mẫu mực, các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quản lý VNS cần tiếp tục tổ chức phát huy, làm đẹp thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” theo tinh thần Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương, gắn với tiêu chuẩn con người mới xã hội chủ nghĩa, có tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa, văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh phong trào: “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Phát huy vai trò làm chủ của mỗi VNS trong xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của cơ quan, đơn vị.

Thực hiện tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người chủ trì trong xây dựng môi trường văn hóa. Chú trọng xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, chỉ huy, quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng đội, giao tiếp, ứng xử trong và ngoài đơn vị. Thực hiện hiệu quả “Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 20230”; quy chế tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Khai thác, phát huy tốt công năng của các thiết chế văn hóa; nghiên cứu đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa Quân đội có quy mô, giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Tăng cường giáo dục, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật; bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật trong toàn quân. Chủ động, kịp thời đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu; chống các quan điểm, biểu hiện, hành vi sai trái, tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, lối sống; khen thưởng và xử phạt đúng người, đúng việc.

Xây dựng tập thể quân nhân các cơ quan, đơn vị vững mạnh về mọi mặt. Đây là môi trường quan trọng trong quản lý đội ngũ VNS. Tập thể quân nhân là nơi hình thành, phát triển nhân cách người “chiến sĩ – nghệ sĩ”, chính vì vậy, xây dựng tập thể quân nhân vững mạnh toàn diện có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh của đội ngũ VNS. Trước hết cần xây dựng tập thể quân nhân vững vàng về chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị. Xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, chan hòa, thái độ chân thành, trung thực, tin tưởng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong học tập, rèn luyện, sáng tạo, truyền thụ, biểu diễn, quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật. Xây dựng tập thể lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị vững mạnh, đoàn kết, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ tổ chức chỉ huy, quản lý; duy trì nền nếp, chế độ chính quy; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; đề cao tự phê bình và phê bình; nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là diễn biến tư tưởng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng bầu không khí dân chủ, dư luận tập thể tích cực. Chủ động đấu tranh, lên án và xử lý kịp thời với mọi hành vi sai trái của quân nhân.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ VNS. Phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách cho phù hợp với điều kiện hiện nay, đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu ngày càng cao của công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, sự phát triển toàn diện của đội ngũ VNS và thái độ, trách nhiệm của VNS trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quan tâm đúng mức đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ VNS, kết hợp hài hòa giữa hai mặt này sẽ tạo ra động lực mới trong đấu tranh của đội ngũ này. Đời sống tinh thần của VNS không chỉ đơn thuần là các nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí mà nó bao gồm tổng hợp các yếu tố từ môi trường, điều kiện sống, các mối quan hệ trong đơn vị, gia đình và xã hội. Do đó, việc xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, khoa học, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng chính đáng và hoạt động đặc thù của đội ngũ VNS là hết sức cần thiết. Tăng cường tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, tham quan, giao lưu, hợp tác, tạo điều kiện để VNS được tiếp cận thường xuyên với môi trường xã hội và các hoạt động bổ ích khác. Tiếp tục nghiên cứu và đề nghị các cấp có thẩm quyền bảo đảm về nhà ở và thực hiện tốt chính sách đối với gia đình VNS.

Chú thích
1, 2. Báo cáo số 933/BC-CT ngày 08/6/2022 của Tổng cục Chính trị về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 355-CT/QUTW ngày 20/4/2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quân đội giai đoạn hiện nay.
3. Báo Nhân dân, số 3173, ra ngày 02/12/1962.
Tài liệu tham khảo
1. Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
3. Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
ThS. Nguyễn Thành Vinh
Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội