Giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới

(Quanlynhanuoc.vn) – Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc tạo dựng nguồn lực tài chính vững mạnh để phụng sự Phật giáo Việt Nam, từ việc xây dựng cơ sở vật chất đến hỗ trợ hoạt động tôn giáo và từ thiện. Thời gian tới, Ban cần tập trung vào quản lý chuyên nghiệp, chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực, đa dạng hóa nguồn tài trợ và tận dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và bền vững trong quản lý tài chính, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam hơn nữa.
Ảnh: Trang nghiêm Lễ Phật đản.
Đặt vấn đề

Trong bức tranh tổng thể về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện đại, hình ảnh những ngôi chùa khang trang, lộng lẫy với hàng trăm tăng ni, phật tử là minh chứng rõ nét nhất cho sự vững mạnh và đổi mới. Đứng sau những thành quả ấy, chính là sự đóng góp quan trọng của Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kể từ khi được thành lập vào năm 1981, Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc tạo dựng nguồn lực tài chính vững mạnh cho Phật giáo.

Hơn 40 năm ra đời và phát triển, Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định vị thế và vai trò của mình. Với tư cách là bộ phận chuyên trách về công tác tài chính, kinh tế của Giáo hội, trong bối cảnh kinh tế – xã hội phát triển như hiện nay, Ban Kinh tế – Tài chính càng phải thể hiện rõ vai trò xung kích, tích cực đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đặt ra. Cụ thể, Ban cần tập trung quy hoạch các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển kinh tế một cách bài bản. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm sử dụng ngân sách minh bạch, hiệu quả cũng cần được chú trọng.

Khẳng định vai trò của Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật Giáo Việt Nam

Trong suốt quá trình phát triển, Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam. Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như:

Huy động tài trợ cho các công trình, sự kiện quan trọng của Giáo hội. Trong các nhiệm kỳ hoạt động, Ban Kinh tế – Tài chính đã tích cực vận động sự ủng hộ của tín đồ phật tử trong và ngoài nước để góp phần tài chính cho việc tổ chức các hoạt động lớn của Giáo hội, như: Đại lễ Vesak, lễ kỷ niệm ngày thành lập Giáo hội, khánh thành các công trình chùa chiền… Nhờ đó, các hoạt động được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo phật tử tham dự.

Tài trợ xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất cho Giáo hội. Bên cạnh việc gây quỹ cho các sự kiện, Ban Kinh tế – Tài chính còn huy động nguồn lực để đóng góp cho các công trình xây dựng, tu bổ chùa chiền. Cụ thể, Ban Kinh tế – Tài chính đã vận động tài trợ xây dựng nhiều ngôi chùa mới theo phong cách kiến trúc hiện đại, tô tượng các vị Phật, Bồ tát…

Hỗ trợ tài chính cho các cơ sở đào tạo tăng tài. Nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho Giáo hội, Ban Kinh tế – Tài chính đã dành một phần ngân sách để hỗ trợ các trường đào tạo, như: cấp học bổng cho Học viện Phật giáo, trường Trung cấp Phật học… Việc hỗ trợ này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tăng tài, bảo đảm nguồn nhân lực cho Giáo hội.

Triển khai các hoạt động từ thiện xã hội, chủ trì nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, như: quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; tặng quà cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi; xây dựng nhà tình thương cho người nghèo… Thông qua các hoạt động ý nghĩa này, hình ảnh đạo Phật nhân ái, từ bi được lan tỏa.

Hướng dẫn phát triển kinh tế tại các tự viện, Ban Kinh tế – Tài chính đã có nhiều hướng dẫn cụ thể để phát triển kinh tế tại các tự viện trên toàn quốc. Các hình thức kinh tế nhà chùa được khuyến khích phát triển gồm: trồng trọt, chăn nuôi, làm đồ thủ công mỹ nghệ, mở cửa hàng phát hành kinh sách, cung cấp các dịch vụ Phật sự… Đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh của Giáo hội, ngoài việc hướng dẫn các tự viện, Ban Kinh tế – Tài chính còn trực tiếp đầu tư xây dựng một số cơ sở kinh doanh để tạo nguồn thu cho Giáo hội.

Quản lý các khoản thu chi tài chính hàng năm. Đây là hoạt động thường xuyên, liên tục được Ban Kinh tế – Tài chính triển khai nhằm bảo đảm nguồn tài chính ổn định, minh bạch cho Giáo hội. Ban Kinh tế – Tài chính sẽ lập dự toán thu chi hàng năm, thu các khoản niên liễm từ tự viện, tiền từ thiện của phật tử, các khoản thu từ hoạt động kinh doanh… để chi trả các khoản phí hoạt động thường xuyên cho Văn phòng Trung ương Giáo hội.

Nhìn chung, với những hoạt động trọng tâm và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động, Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định được vị thế và vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, nguồn lực tài chính dồi dào chính là động lực để Giáo hội duy trì và mở rộng các Phật sự, góp phần làm rạng rỡ thêm hình ảnh đạo Phật tại Việt Nam.

Đóng góp của Ban Kinh tế – Tài chính đối với sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Ban Kinh tế – Tài chính chính là một trong những đơn vị giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, có điều kiện hoằng dương chính pháp, đem lại lợi lạc cho Nhân dân.

Một là, tạo nguồn tài chính ổn định cho các hoạt động thường xuyên và sự kiện lớn của Giáo hội. Các nguồn thu chính bao gồm: tiền niên liễm từ các tự viện, tịnh tài cúng dường từ phật tử, thu nhập từ các cơ sở kinh doanh của Giáo hội, lợi nhuận từ các dự án đầu tư… Dựa trên các nguồn thu này, Ban Kinh tế – Tài chính đã chủ động chi trả các khoản phí hoạt động thường xuyên như: lương, cơ sở vật chất, điện nước… cho Văn phòng Trung ương Giáo hội. Ngoài ra, mỗi khi Giáo hội tổ chức các sự kiện quan trọng như: kỷ niệm ngày thành lập, Đại lễ Vesak, đại hội các ban, ngành… Ban Kinh tế – Tài chính là đơn vị chủ chốt trong việc huy động tài trợ thông qua các phương thức, như: vận động phật tử, doanh nghiệp trong và ngoài nước, chẩn tế từ các tự viện.

Trong năm 2019, Ban Kinh tế – Tài chính tiếp tục cúng dàng sinh hoạt phí cho Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội và Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội mỗi tháng 50.000.000 đồng; cúng dường Đại lễ Vesak 2019; cúng dàng Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2019 số tiền 200.000.000 đồng, Hội nghị Kỳ 4 (Khóa VIII) Hội đồng Trị sự số tiền 400.000.000 đồng, cúng dường xây dựng, trùng tu, thăm và tặng quà đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai và nhiều công tác khác1. Nhờ nguồn tài chính ổn định do Ban Kinh tế – Tài chính tạo ra, các hoạt động thường niên và sự kiện lớn của Giáo hội luôn được tổ chức một cách trang nghiêm, thành công tốt đẹp. Đặc biệt trong những năm gần đây, các hoạt động tổ chức ngày càng quy mô, chuyên nghiệp và hiện đại hơn.

Hai là, đóng góp cho công tác đào tạo tăng tài, xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động thường xuyên và các sự kiện lớn của Giáo hội, Ban Kinh tế – Tài chính còn có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác đào tạo tăng tài và xây dựng cơ sở vật chất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian hoạt động, Ban đã dành một phần ngân sách để tài trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường đào tạo Phật giáo, như: Học viện Phật giáo, trường Trung cấp Phật học. Cụ thể, Ban Kinh tế – Tài chính đã tài trợ xây dựng thư viện, ký túc xá, giảng đường cho các trường; trang bị máy tính phục vụ giảng dạy và học tập; xây nhà khách đón tiếp khách quốc tế… Những đóng góp này giúp các cơ sở đào tạo có thêm cơ sở vật chất hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, theo báo cáo tổng kết Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Kinh tế – Tài chính Trung ương đã hỗ trợ kinh phí đào tạo tăng tài, xây dựng chùa, tự viện cho các tỉnh, thành phố. Cụ thể, Ban Kinh tế – Tài chính đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình, hạng mục tâm linh, như: xây dựng các hạng mục cơ sở II tại xã Lê Minh Xuân của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer … và nhiều công trình của các tự viện đang trùng tu xây dựng. Các công trình xây dựng khi thực hiện đều bảo đảm được nét kiến trúc đặc thù văn hóa Phật giáo Việt Nam và văn hóa dân tộc khơmer…2

Ngoài việc trực tiếp đóng góp, Ban Kinh tế – Tài chính còn kêu gọi vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ xây dựng chùa, trường học. Theo thống kê, trong 5 năm qua, Ban Kinh tế – Tài chính đã vận động quyên góp được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hàng trăm ngôi chùa mới theo lối kiến trúc hiện đại tại nhiều địa phương. Qua đó, Giáo hội có thêm nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đồng thời có thêm cơ sở vật chất khang trang để tổ chức các hoạt động Phật sự. Đây chính là nền tảng quan trọng để Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển.

Ba là, thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội. Ban Kinh tế – Tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội với sự tận tâm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một xã hội vững mạnh và nhân văn. Quá trình thực hiện các hoạt động từ thiện này đã góp phần hoàn thiện và định hình lại tầm nhìn về vai trò của Giáo hội Phật giáo trong cuộc sống cộng đồng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban Kinh tế – Tài chính là quản lý và phân phối các quỹ từ thiện. Từ những số tiền quyên góp của các tín đồ và những đóng góp từ các tổ chức, Ban đã thành lập và duy trì một loạt các quỹ, như: Quỹ Hỗ trợ người nghèo, Quỹ Học bổng, Quỹ Y tế và Quỹ Xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội. Đặc biệt, chương trình học bổng của Ban Kinh tế – Tài chính đã thay đổi cuộc sống của nhiều học sinh tài năng nhưng có khó khăn tài chính. Các dữ liệu thống kê cho thấy, có hàng nghìn học sinh đã nhận được học bổng trong suốt thời gian hoạt động của chương trình này, không chỉ giúp các em có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao mà còn thúc đẩy đam mê học tập và khao khát thành công.

Ban Kinh tế – Tài chính đã đầu tư đáng kể vào xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội. Các dự án như xây dựng bệnh viện, trường học, chùa và nhà ở cho người nghèo đã mang lại lợi ích rõ rệt cho cộng đồng. Các con số thống kê cho thấy, đã có hàng trăm dự án được triển khai và hoàn thành, tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương và cải thiện điều kiện sống của họ. Hoạt động của Ban Kinh tế – Tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều thể hiện tinh thần từ bi, nhân ái với cộng đồng xã hội, đã có sự tác động lớn đóng góp vào sự phát triển và hạnh phúc của người dân, thúc đẩy sự tốt lành và đoàn kết trong xã hội.

Bốn là, thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế tại các cơ sở tự viện. Một trong những cách chính mà Ban Kinh tế – Tài chính đã hỗ trợ sự phát triển kinh tế tại các tự viện là thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính cần thiết để xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các tự viện thường phụ thuộc vào sự đóng góp của tín đồ và người ủng hộ để duy trì và phát triển cơ sở của họ. Ban Kinh tế – Tài chính đã hỗ trợ một loạt các dự án xây dựng và cải thiện cơ sở tự viện, bao gồm việc xây dựng hoặc sửa chữa các khuôn viên tự viện, chùa chiền và các cơ sở học tập. Công trình này không chỉ giúp cải thiện môi trường sống cho tăng ni và phật tử mà còn tạo ra việc làm cho người dân địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Sự hỗ trợ tài chính từ Ban Kinh tế – Tài chính cũng đã giúp các tự viện phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh. Nhiều tự viện đã sáng tạo và quản lý các doanh nghiệp như trang trại, nhà hàng, cửa hàng thời trang và thậm chí cả các công ty sản xuất đồ thủ công. Nhờ có nguồn tài chính khởi đầu từ Ban Tài chính, những dự án này đã tạo ra thu nhập ổn định cho tự viện và giúp duy trì các hoạt động tôn giáo cũng như hỗ trợ các hoạt động từ thiện của họ. Sự đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các tự viện đã đem lại kết quả tích cực, tăng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh đã giúp tự viện tự trang trải chi phí vận hành và duy trì cơ sở, giảm bớt áp lực tài chính đối với Ban Kinh tế – Tài chính và tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục hỗ trợ các dự án từ thiện và xã hội. Thông qua việc hỗ trợ tài chính, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khuyến khích các hoạt động kinh doanh và sản xuất, Ban đã giúp tự viện phát triển kinh tế, duy trì các hoạt động tôn giáo, hỗ trợ cộng đồng và xây dựng ảnh hưởng tích cực của Ban Kinh tế – Tài chính đối với xã hội.

Năm là, góp phần nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc tạo dựng các cơ sở vật chất, Ban Kinh tế – Tài chính cũng đã tài trợ và hỗ trợ nhiều hoạt động tôn giáo và văn hóa. Các lễ hội Phật giáo, hội thảo tôn giáo và các sự kiện văn hóa đã nhận được sự hỗ trợ về nguồn lực và tài chính từ Ban, tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển các hoạt động này. Điều này đã làm cho Phật giáo Việt Nam trở thành một phần quan trọng của cuộc sống xã hội và văn hóa, giữ vững giá trị tôn giáo và đạo đức.

Ban đã thiết lập và quản lý các quỹ từ thiện với mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật và các đối tượng khó khăn khác trong xã hội với số tiền quyên góp vào các quỹ này đã đạt đến hàng tỷ đồng và đã giúp hàng nghìn người cải thiện cuộc sống của họ. Hơn nữa, Ban Kinh tế – Tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án từ thiện và xã hội, hỗ trợ trong việc quy hoạch và triển khai các dự án như xây dựng nhà ở cho người nghèo, cung cấp dịch vụ y tế miễn phí, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những dự án này đã tạo ra lợi ích lớn cho cộng đồng và giúp nâng cao vị thế của Phật giáo trong lòng xã hội.

Một số khuyến nghị, giải pháp

Thứ nhất, tăng cường quản lý tài chính chuyên nghiệp hơn; theo đó cần xây dựng quy trình chính sách thực hiện ngân sách tài chính và một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài chính giúp Ban phân tích, theo dõi và quản lý các nguồn kinh phí của Giáo hội; giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tài chính bằng cách xác định các kế hoạch đầu tư có lợi nhuận, bảo đảm tính bền vững và tăng cường khả năng sinh lời từ các nguồn tài sản của Giáo hội; bảo đảm tính minh bạch của hoạt động tài chính của Giáo hội thông qua các biện pháp kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa rủi ro của các giao dịch tài chính…

Thứ hai, chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là việc đào tạo và phát triển nhân lực trong Ban Kinh tế – Tài chính để bảo đảm hoạt động tài chính của Giáo hội được thực hiện một cách hiệu quả và chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng vững vàng trong lĩnh vực quản lý tài chính sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Giáo hội. Việc đào tạo và phát triển nhân lực trong Ban Kinh tế – Tài chính sẽ giúp cán bộ và nhân viên nắm vững các nguyên tắc quản lý tài chính, hiểu rõ về luật pháp liên quan và biết cách ứng phó với các tình huống khó khăn. Ngoài ra, việc đầu tư vào sự phát triển cá nhân và chuyên môn của nhân lực sẽ giúp tạo ra một đội ngũ cán bộ có khả năng thích nghi và đối phó với những thay đổi trong môi trường tài chính và kinh tế. Họ có thể đưa ra các quyết định tài chính chiến lược và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn kinh phí, giúp Giáo hội duy trì tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài sản và tài chính.

Thứ ba, phát triển nguồn tài trợ đa dạng là một yếu tố then chốt để bảo đảm sự bền vững của hoạt động tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc khuyến khích và thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau là cách hiệu quả để đa dạng hóa nguồn kinh phí và giảm áp lực lên nguồn tài chính từ các Phật tử và Nhà nước.

Thứ , tận dụng công nghệ thông tin là một bước quan trọng trong việc tối ưu hóa quản lý tài chính và bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả trong việc theo dõi và quản lý nguồn kinh phí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý tài chính không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và báo cáo, mà còn cải thiện quy trình và hiệu suất làm việc. Việc sử dụng phần mềm quản lý tài chính và hệ thống thông tin tài chính cho phép Ban Kinh tế – Tài chính thực hiện các nhiệm vụ quản lý một cách chính xác và nhanh chóng. Các ứng dụng và công cụ tài chính giúp tự động hóa quy trình ghi chép, tính toán và theo dõi các giao dịch tài chính, từ đó giảm thiểu sai sót và tăng tính chính xác trong quản lý tài sản và tài chính. Các công cụ và ứng dụng kỹ thuật số giúp tối ưu hóa quy trình công việc, từ đó tiết kiệm thời gian và năng lực của nhân viên. Điều này cho phép họ tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng hơn như phân tích dữ liệu tài chính và đưa ra chiến lược quản lý tài chính bền vững.

Thứ năm, phát triển dự án tài chính là một khía cạnh quan trọng trong việc bảo đảm sự bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc phát triển các dự án từ thiện có thể thu hút tài trợ từ cộng đồng và doanh nghiệp. Những dự án này có thể bao gồm việc xây dựng các trung tâm cộng đồng, nhà ở cho người nghèo hoặc các chương trình hỗ trợ giáo dục và y tế miễn phí. Việc đầu tư vào các dự án từ thiện này không chỉ làm tốt cho cộng đồng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tài trợ từ các cá nhân và doanh nghiệp nhạy bén xã hội. Điều này giúp đa dạng hóa nguồn tài trợ của Giáo hội và tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía cộng đồng.

Thứ sáu, tăng cường quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một yếu tố then chốt để bảo đảm tính minh bạch và bền vững của nguồn tài chính. Điều này bao gồm việc thiết lập các quy tắc và quy trình cụ thể để kiểm soát nguồn kinh phí, theo dõi giao dịch tài chính và báo cáo về tình hình tài chính định kỳ. Hệ thống này giúp giám sát sử dụng nguồn kinh phí và nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, Ban cần thực hiện việc đánh giá rủi ro tài chính định kỳ và xác định các biện pháp phòng ngừa và ứng phó.

Kết luận

Trong hành trình phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Kinh tế – Tài chính đóng một vai trò then chốt không thể thiếu, không chỉ bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và bền vững trong quản lý nguồn kinh phí của Giáo hội mà còn đóng góp đáng kể vào việc xây dựng và duy trì cơ sở vật chất, hoạt động tôn giáo từ thiện, đồng thời giúp nâng cao vị thế của Phật giáo trong xã hội. Sự đổi mới và chuyên nghiệp trong quản lý tài chính, đầu tư vào nguồn nhân lực, đa dạng hóa nguồn tài trợ và tận dụng công nghệ thông tin là những hướng đi cần được thúc đẩy. Ngoài ra, tăng cường quản lý rủi ro và xác định biện pháp phòng ngừa sẽ giúp đảm bảo tính ổn định và an toàn cho nguồn kinh phí của Giáo hội trong mọi tình huống. Ban Kinh tế – Tài chính với trách nhiệm của mình, không chỉ là người gìn giữ và bảo vệ nguồn tài chính của Giáo hội mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Toàn văn Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://www.phatgiaotiengiang.org.
2. Báo cáo Tổng kết năm 2019 của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
3. Dương Quang Điện. 40 năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021). H. NXB Khoa học xã hội, 2021.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng
Phó Giám đốc Công ty TNHH Văn hoá phẩm Phật giáo Tản Viên
Nguyễn Thị Bích Hạnh (Thích Ánh Nghiêm)
Chùa Khai Nguyên, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội