Một số giải pháp giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2023 ở tỉnh Đồng Tháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh. Bài viết đánh giá những kết quả đạt được và một số hạn chế, khó khăn trong công tác giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 20212023, qua đó, gợi ý một số nội dung nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Ảnh minh hoạ: baodantoc.vn.
Đặt vấn đề

Đồng Tháp là tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, là 1 trong 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng diện tích toàn tỉnh là 3.283km2, địa giới của tỉnh được chia thành hai phần rõ rệt là vùng Đồng Tháp Mười và vùng đất phù sa nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Tỉnh Đồng Tháp có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 3 thành phố trực thuộc tỉnh (thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc và thành phố Hồng Ngự) và 9 huyện (huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, Tháp Mười).

Hiện nay, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh là 143, trong đó có 8 xã có đường biên giới quốc gia giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Tính đến cuối năm 2022, dân số toàn tỉnh đạt 1.624.100 người, trong đó có 9.701 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,17%) và 14.442 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,23%)1 theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo bình quân giai giai đoạn 2021- 2023 là 0,64%, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,3 lần so với cuối năm 20202.

Kết quả giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 – 2023 ở tỉnh Đồng Tháp

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 – 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ (2020 – 2025) xác định.

Về thực hiện mục tiêu giảm nghèo: Theo đánh giá, dự kiến đến cuối năm 2023 tỷ lệ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2021- 2023 là 0,64% và thu nhập bình quân hộ nghèo tăng so với cuối năm 2020 là 1,3 lần. Cụ thể: năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,86% đầu năm xuống còn 1,29%, giảm 0,57%, đạt vượt 114% kế hoạch (chuẩn theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020)3. Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng từ 1.432.017 đồng/người/tháng (17.184.204 đồng/người/năm) năm 2020 lên 1.451.747 đồng/người/tháng (17.420.964 đồng/người/năm), tăng 1,01 lần so với năm 20204.

Năm 2022 là năm áp dụng thực hiện Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,13% đầu năm xuống còn 2,17%, giảm 0,96%, đạt vượt so với chỉ tiêu Chính phủ giao hộ nghèo giảm 0,4%/năm5. Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng từ 1.432.017 đồng/người/tháng (17.184.204 đồng/người/năm) năm 2020 lên 1.710.484 đồng/người/tháng (20.525.808 đồng/người/năm), tăng 1,19 lần so với năm 20206. Năm 2023, dự kiến giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,17% xuống còn 1,77%, giảm 0,4%7. Thu nhập bình quân, nếu bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định, thì mức thu nhập hộ nghèo sẽ tăng 1,3 lần so với cuối năm 20208.

Về thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của Chương tình: tổng dự án là 7, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đối với 5 dự án (2, 3, 4, 6, 7), riêng đối với dự án 1 và dự án 5, tỉnh không có huyện nghèo, cũng như không có các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Cụ thể:

(1) Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh đã triển khai thực hiện trên 60 dự án, hỗ trợ cho 847 hộ tham gia dự án mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí thực hiện là 47.001 triệu đồng (trong đó, ngân sách trung ương là 30.716 triệu đồng, ngân sách địa phương là 2.833 triệu đồng và 13.452 triệu đồng huy động từ cộng đồng)9.

(2) Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Đã bố trí 17.478 triệu đồng triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (trong đó, ngân sách trung ương là 16.043 triệu đồng, ngân sách địa phương là 1.435 triệu đồng)10.

(3) Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2021 – 2023, đã tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 836 học viên tham gia học nghề; tổ chức điều tra thông tin người lao động và tổ chức các hoạt động hỗ trợ giao dịch việc làm và hỗ trợ kết nối việc làm thành công, với tổng kinh phí thực hiện là 27.795 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp (trong đó, ngân sách trung ương là 25.507 triệu đồng, ngân sách địa phương là 2.288 triệu đồng)11. Phân khai nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện dự án hỗ trợ việc làm bền vững giai đoạn 2022- 2025 với tổng kinh phí thực hiện là 15.700 triệu đồng (trong đó, ngân sách trung ương là 14.257 triệu đồng, ngân sách cấp tỉnh đối ứng là 1.443 triệu đồng, phân kỳ thực hiện trong từng giai đoạn năm 2022 là 1.236 triệu đồng và giai đoạn từ 2023 – 2025 là 14.464 triệu đồng)12. Kết quả huy động nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện giai đoạn 2021- 2023 là 6.577 triệu đồng, giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021- 2023 là 100%13.

(4) Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 3 lớp tập huấn cho trên 600 cán bộ truyền thông, xuất bản các ấn phẩm, tin, bài, phóng sự tuyên truyền giảm nghèo về thông tin; Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội phối hợp với Báo Đồng Tháp tổ chức xây dựng chuyên trang về giảm nghèo phát hành 24 kỳ, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện “Chương trình vượt dốc” phát sóng 60 số (kỳ), kịp thời khen thưởng và động viên những cá nhân tiêu biểu có phương án, kế hoạch sản xuất, làm dịch vụ, kinh doanh vươn lên khá giả và thoát nghèo bền vững; phát hành 12.765 cuốn sổ tay tuyên truyền chính sách giảm nghèo và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn; các địa phương tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo, tổ chức trên 190 cuộc đối thoại với trên 10.518 người tham gia14. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động là 4.073 triệu đồng (trong đó, ngân sách trung ương là 3.675 triệu đồng và 398 triệu đồng từ ngân sách địa phương)15.

(5) Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Giai đoạn 2021- 2023 đã tổ chức 25 lớp tập huấn cho trên 5.237 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và cộng đồng; tổ chức thực hiện công tác rà soát, đánh giá biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện trên 470 lượt giám sát cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã với tổng kinh phí thực hiện là 10.349 triệu đồng (trong đó, ngân sách trung ương là 9.449 triệu đồng và 900 triệu đồng từ ngân sách địa phương)16.

Về thực hiện các chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2021- 2023, tỉnh đã hỗ trợ cho vay 1.722.708 triệu đồng cho 44.607 hộ vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, tổng dư nợ đến cuối năm 2023 ước đạt 2.178.052 triệu đồng; đã mua và cấp 272.333 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 89.776 lượt học sinh; hỗ trợ xây mới 3.119 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ dạy nghề cho 1.759 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo17.

Bên cạnh kết quả đạt được giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều, tỉnh Đồng Tháp còn có một số hạn chế nhất định về nhận thức và tổ chức thực hiện. Cụ thể: việc phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình giảm nghèo vẫn còn chậm, năm 2022 nguồn vốn trung ương để thực hiện chương trình phân bổ chậm đã làm cho công tác triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn đến các đối tượng gặp khó khăn, tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo kế hoạch của năm; nguồn lực chủ yếu được đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong khi khả năng huy động nguồn vốn từ xã hội hóa vẫn còn khá khiêm tốn, chưa cao, từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đạt được.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: (1) Tình hình dịch bệnh năm 2021 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo của các ngành, các cấp chính quyền, không triển khai được công tác đối thoại chính sách giảm nghèo tại cơ sở, điều tra viên không thể trực tiếp đến hộ gia đình để ghi phiếu rà soát,… (2) Một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa chủ động, còn trong chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, không chủ động tháo gỡ để giải quyết các vướng mắc, khó khăn; một số nơi chưa nghiêm túc, quyết liệt trong công tác triển khai thực hiện; chưa tìm giải pháp để phát huy sức mạnh của cộng đồng, huy động các nguồn lực từ xã hội. (3) Vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu hết về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học nghề cũng như các chế độ chính sách, công tác đào tạo và lợi ích về việc làm sau đào tạo. (4) Một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không tham gia học nghề để tìm kiếm việc làm cải thiện cuộc sống. (5) Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ nghèo chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để thoát nghèo bền vững,…

Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ở tỉnh Đồng Tháp

Thứ nhất, đổi mới, đa dạng nội dung, phương thức và hình thức tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo về các chính sách và mục tiêu về giảm nghèo bền vững. Thông qua tuyên truyền, nhằm khơi dậy ý chí chủ động, nỗ lực vươn lên của người nghèo, tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Công tác tuyên truyền cần bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn gắn với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần tạo không khí thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về giảm nghèo, tách bạch, tránh chồng chéo giữa “chính sách hỗ trợ việc làm, giảm nghèo” với “chính sách trợ giúp xã hội”, giữa “đối tượng có thể giảm nghèo” với “đối tượng cần nhận trợ cấp xã hội”. Việc phân định rõ các chính sách này sẽ giúp phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác giảm nghèo, tránh được tình trạng chính sách kém hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn, giảm thiểu đáng kể trường hợp người dân ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tích cực, chưa chủ động trong vươn lên thoát nghèo.

Với nhóm người nghèo do điều kiện sức khỏe, do năng lực không thể tự bảo đảm nguồn thu… thì đây là đối tượng cần sự trợ giúp của xã hội. Nhưng với đối tượng người nghèo là do thiếu kiến thức, thiếu các nguồn lực cần thiết để phát triển kinh tế… thì đây là đối tượng có thể hỗ trợ để phát triển sinh kế và vươn lên thoát nghèo. Với 2 nhóm đối tượng này, ở nhóm thứ nhất, là thuộc nhóm người nghèo “không” hoặc “ít” có khả năng thoát nghèo, cần phải chuyển sang đối tượng của chính sách trợ giúp xã hội, thay vì đối tượng của chính sách giảm nghèo. Ở nhóm thứ hai, đây là nhóm mà các chính sách giảm nghèo nên tập trung vào, bởi đây là nhóm có thể và có khả năng thoát nghèo nhưng họ bị thiếu nguồn lực sinh kế, thiếu kiến thức để vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, cần phân loại các nhóm hộ nghèo theo từng loại thiếu hụt cụ thể, để từ đó sẽ có giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng cụ thể, nhằm giúp các đối tượng tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ thiếu hụt theo từng lĩnh vực về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Thứ ba, khuyến khích, huy động sự tham gia vào cuộc của mọi thành phần kinh tế trong thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tại địa phương, coi đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của cả xã hội và của cả cộng đồng vì sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của quốc gia. Đây là vấn đề căn cốt, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau của con người Việt Nam, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh cùng chung tay, góp sức vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều một cách ổn định, bền vững. Bên cạnh việc khuyến khích, huy động các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cần có những điều khoản quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với cộng đồng thông qua những hình thức cụ thể, như: “Quỹ vì người nghèo” hay “Quỹ xóa đói, giảm nghèo” để tạo nguồn vốn trong giảm nghèo đa chiều tại địa phương.

Đẩy mạnh sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, nhất là doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng tham gia vào xoá đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Cần có sự rà soát, đánh giá căn cơ, đầy đủ, toàn diện để có những tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế hành chính, hay cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo còn chậm, chưa sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ trong đánh giá về tỷ lệ giảm nghèo, từ đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, đem lại kết quả cao trong thực tế.

Thứ tư, hưởng ứng cuộc vận động: “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tại Đồng Tháp. Tiếp tục nhân rộng mô hình “đảng viên bám cơ sở, giúp đỡ hộ nghèo” ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), lan toả mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quần chúng nhân dân về giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo trong toàn xã hội; mỗi hộ gia đình lấy đó làm tấm gương, động lực mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, có cách nghĩ, cách làm mới sáng tạo, phù hợp với điều kiện gia đình, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường sống.

Thứ năm, làm tốt công tác, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chính sách giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tại địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động giảm nghèo tại địa phương, kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những bất hợp lý về chính sách và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Phải có sơ kết, tổng kết nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo, những tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo; phổ biến, nhân rộng những mô hình, sáng kiến giảm nghèo hiệu quả và khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo ở tỉnh Đồng Tháp.

Công tác sơ kết, tổng kết cần thực chất, khách quan, tránh phô trương, hình thức, chạy theo thành tích, trong khi tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo vẫn còn nhiều; đánh giá đúng thực tiễn tình hình mọi mặt đời sống của nhân dân, có những phương án giúp đỡ, hỗ trợ trong cuộc sống kịp thời, đem lại cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng xã hội. Theo đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong phát hiện, bồi dưỡng gia đình vươn lên thoát nghèo, có hình thức, biện pháp động viên, khen thưởng xứng đáng, tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong cuộc sống, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của tất cả mọi người trong xã hội.

Kết luận

Giảm nghèo đa chiều là cách tiếp cận nhằm hướng đến hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các lĩnh vực, khía cạnh khác. Nếu trước đây, thay vì xem xét hộ nghèo là thiếu hụt về thu nhập thì hiện nay những ai thiếu hụt, không được tiếp cận về thông tin, không được khám bệnh, chữa bệnh, không được đến trường cũng được xem là nghèo. Ở tỉnh Đồng Tháp, việc thực hiện giảm nghèo theo cách tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo các huyện, xã, đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo nói riêng và người dân nói chung không ngừng được nâng lên.

Với những kết quả đạt được, đã đem lại ý nghĩa quan trọng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Để hộ nghèo được thoát nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng với sự chung tay của cả cộng đồng, hơn hết vẫn cần có sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo, đây có thể xem là yếu tố then chốt mang tính chất quyết định trong công tác giảm nghèo. Chỉ khi nào người nghèo nhận thức được cần phải nỗ lực vươn lên thì khi đó các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của địa phương mới mang lại hiệu quả thiết thực, việc thoát nghèo mới thực sự vững chắc, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Tháp ngày càng phát triển.

Chú thích:
1. Báo cáo số 352/BC-SLĐTBXH ngày 27/12/2022 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
2,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14,15,16,17. Báo cáo số 121/BC-SLĐTBXH ngày 08/5/2023 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp về sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026 -2030.
3. Báo cáo số 346/BC-SLĐTBXH ngày 15/11/2021 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Nguyễn Thanh Tuấn
Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp