Giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đạo đức là nền tảng, là “cái gốc” của người cách mạng, trong đó “cần, kiệm, liêm, chính” là nội dung cốt lõi, là phẩm chất cốt lõi. Trước sự phát triển của công tác hậu cần quân đội, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới của đất nước.
Ảnh minh họa (nguồn: tư liệu).

1. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Người coi bốn đức tính này là những phẩm chất cần có của con người, giống như quy luật của tự nhiên: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”1.

Đối với đội ngũ cán bộ hậu cần, Người nhấn mạnh: “cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính”2. Do tính chất công việc, nhiều người hiểu chưa đúng, cho rằng cán bộ hậu cần thường tham ô, hủ hóa. Người đã phê phán quan điểm trên: “Nói như vậy là lầm, lầm to. Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, đồng thời vì các cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình. Thiếu những điều đó thì bất kỳ làm công tác gì cũng dễ hủ hóa”3. Trên cơ sở đó, Người yêu cầu cán bộ hậu cần phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Người đã luận giải nội dung cũng như mối liên hệ của những phẩm chất này một cách giản dị, khúc chiết.

“Cần”, theo Người, tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai; biết làm việc có kế hoạch, có sự phân công, tính toán một cách khoa học; biết cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Đồng thời, cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Ngoài ra, cần không phải là làm xổi, cần là phải luôn cố gắng, chăm chỉ cả năm, cả đời nhưng không làm quá trớn, phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình… Với cán bộ hậu cần, theo Người, cần là làm việc “Phải có kế hoạch đầy đủ, sổ sách rành mạch. Phải thấy trước, lo trước. Phải có sáng kiến và phải tháo vát”4.

“Kiệm” tức là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tuy nhiên, tiết kiệm không phải là bủn xỉn; “Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”5. Cùng với đó, muốn tiết kiệm tốt thì phải kiên quyết không xa xỉ; phải khéo tổ chức, vì không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm. Người căn dặn cán bộ hậu cần: “Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”6; “Mục đích tiết kiệm không phải là bớt ăn, mà là thêm ăn, làm cho bộ đội no”7.

“Liêm” là trong sạch, không tham lam, không tham tiền của, địa vị, danh lợi, không tham ăn ngon, mặc đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ, ngược lại với chữ liêm là tham ô, là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân…; do đó, muốn liêm thật sự thì phải chống tham ô. Người nhắc nhở cán bộ hậu cần phải tự mình chống tham ô, lãng phí, gây thành một phong trào làm cho mọi người thấy tham ô, lãng phí là tội ác xấu xa, cần phải đấu tranh loại bỏ.

“Chính” nghĩa là không tà, ngay thẳng, đứng đắn. Người giữ được chữ “chính”, dù làm bất cứ việc gì, ở địa vị nào đều phải giải quyết ba mối quan hệ. Đối với mình: không tự kiêu, tự đại, không tự cho mình là người giỏi nhất; sống độ lượng, có chí tiến thủ; biết tự phê bình, tự kiểm điểm… Đối với người: phải thực sự yêu quý, kính trọng nhân dân; sống chân thành, không “thiên tư, thiên vị”; khiêm tốn học hỏi, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ… Đối với việc: phải tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; biết đặt việc chung, lợi ích chung của tập thể, của Đảng lên trên hết… Riêng với cán bộ hậu cần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đại đa số bộ đội tức là người binh nhì, phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”8 . Người yêu cầu cán bộ hậu cần phải nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề, vẻ vang của mình; “phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”9.

2. “Cần, kiệm, liêm, chính” có mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhau, tạo nên sự thống nhất trong phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Hiện nay, nhiệm vụ quân sự quốc phòng, nhiệm vụ công tác hậu cần hết sức nặng nề, khẩn trương, đặc biệt, trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, một số quân binh chủng, lực lượng tiến lên hiện đại, phương thức bảo đảm hậu cần có sự phát triển mới… đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ hậu cần về phẩm chất, năng lực. Cùng với đó, mặt trái của kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ hậu cần. Trước tình hình đó, để giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần.

Đây là biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần. Bởi lẽ, nhận thức là cơ sở của hành động, chỉ đạo, định hướng cho hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”10. Do đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần là việc làm cần thiết.

Để làm được điều đó, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp hậu cần cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Điển hình như Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân… Trên cơ sở đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cũng như sự cần thiết phải giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần. Mỗi cấp ủy viên, đảng viên cần nhận thức rõ “cần, kiệm, liêm, chính” là bốn đức tính nền tảng của con người, của cán bộ, đảng viên, là giá trị cốt lõi của đạo đức cách mạng; giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” là nội dung, biện pháp quan trọng góp phần hình thành nhân cách người cán bộ hậu cần, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua của ngành Hậu cần Quân đội.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tuyên truyền, như: thông qua các buổi sinh hoạt, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, xem phim tư liệu; tổ chức tọa đàm, hội thi kể chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh…; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng; tổ chức học tập “Mỗi ngày một lời Bác Hồ dạy” bằng pano, áp phích, bảng điện tử… Đặc biệt, kết hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhất là Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Ngoài ra, kết hợp với phong trào thi đua của từng ngành, như: “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”; “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt”; “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”; “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”… Trong đó, chú trọng xây dựng, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Ba là, phát huy vai trò tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” của đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội.

Đây là biện pháp quan trọng, quyết định trực tiếp đến giáo dục, rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần. Để phát huy nỗ lực chủ quan, mỗi cán bộ hậu cần phải nhận thức được vị trí, vai trò cũng như những khó khăn, phức tạp của việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Xây dựng cho bản thân động cơ, thái độ, trách nhiệm đúng đắn, ý chí kiên cường, khắc phục khó khăn, biến quá trình giáo dục, rèn luyện thành hoạt động tự giác, thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày và thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện một cách cụ thể, tỉ mỉ, tập trung vào những hạn chế, khuyết điểm. Tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ hậu cần.

Bốn là, tích cực đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội.

Muốn vậy, trước hết, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong đó, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể, rõ ràng để cán bộ đăng ký quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, coi tự phê bình và phê bình là “vũ khí” hữu hiệu trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cho đội ngũ cán bộ hậu cần. Kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp với tự bồi dưỡng của cán bộ hậu cần. Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện những quy định, quy chế về phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nhất là quy chế, quy định trong quản lý, sử dụng, bảo quản, cấp phát vật chất, tài chính, phương tiện hậu cần. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phát hiện, đấu tranh với hành vi tham ô, lãng phí; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính” là tài sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ hậu cần quân đội nói riêng. Do đó, mỗi cán bộ hậu cần phải tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, ngành Hậu cần quân đội trong giai đoạn mới.

Chú thích:
1, 5, 10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr.117, tr.123, tr. 360.
2, 3, 4, 6, 7, 8, 9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr.180, 180, 180, 482, 432, 180, 433.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
3. Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân.
4. Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Hải Sinh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng