Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghèo đói là hiện tượng kinh tế – xã hội tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới và trải qua nhiều giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia. Hiện nay, ở Việt Nam, giải quyết vấn đề nghèo đói là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân ta. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan luôn tồn tại một bộ phận người có thu nhập thấp, có mức sống dưới ngưỡng nghèo trong xã hội, trong đó có huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa là một trong những huyện miền núi đặc biệt khó khăn của cả nước có tỷ lệ người nghèo cao. Chính vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ để xây dựng các chính sách giảm nghèo thực sự hiệu quả, giảm tỷ lệ nghèo hằng năm và hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.
Ảnh minh họa (thanhnien.vn).
Đặt vấn dề

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, có địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, sông suối và các hợp thủy, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ còn chậm phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ còn 18,42%. Tuy nhiên, cuối năm 2021, điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn ở mức rất cao, toàn huyện tỷ lệ hộ nghèo 47,43%1. Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Khánh Sơn là một trong những huyện nghèo của cả nước được hưởng hỗ trợ các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2018/NQ-CP ngày 27/12/2018 của Chính phủ.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030… và các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện Khánh Sơn đã giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì Chương trình và tham mưu UBND huyện Khánh Sơn ban hành Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 về việc thành lập tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững huyện Khánh Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thành lập tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thực trạng thực hiện chính sách giảm ngèo của huyện Khánh Sơn

Những năm qua, để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện đời sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, qua đó đã đạt được một số kết quả cụ thể:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành: các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện. Đến nay, chương trình giảm nghèo của địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Huyện Khánh Sơn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho các hộ nghèo, người nghèo, các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội được giải quyết đầy đủ và kịp thời đã giúp cho người nghèo giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, các cơ quan đơn vị được giao chủ trì dự án, tiểu dự án đã xây dựng kế hoạch triển khai các dự án, tiểu dự án đầy đủ.

Thứ hai, thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế: đến nay, 100% người nghèo (người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn) được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; người nghèo đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí trong phạm vi; được hưởng với mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Trong năm 2022, đã thực hiện khám, chữa bệnh cho 4.322 lượt người thuộc hộ nghèo, 7 lượt người thuộc hộ cận nghèo. Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo nằm viện với số tiền 73.354.200 đồng2.

Thứ ba, đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục: có 2.721 học sinh được miễn giảm học phí cho với số tiền trên 330 triệu đồng; 6.524 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với số tiền gần 4,7 tỷ đồng; 21.715 học sinh dân tộc thiểu số bán trú được trợ cấp tiền ăn cho với số tiền 2,011 triệu đồng.Hiện nay, các em học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã được hưởng một số chính sách ưu đãi, như: miễn giảm 100% học phí, các cháu mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 290.000 đồng/tháng/cháu. Ngoài ra, còn có các chế độ hỗ trợ khác cho học sinh người dân tộc thiểu số như chế độ hỗ trợ học bổng cho học sinh tiểu học có ăn trưa tại trường học 2 buổi/ngày với mức 260.000 đồng/tháng/học sinh; hỗ trợ học bổng cho học sinh tiểu học không ăn trưa tại trường với mức 160.000 đồng/tháng/học sinh, học sinh trung học cơ sở với mức 230.000 đồng/tháng/học sinh3.

Thứ tư, về thực hiện chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi: Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Khánh Sơn đã thực hiện cho các đối tượng vay. Trong đó: cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo: 398 hộ với tổng số tiền được vay 18.740 triệu đồng; cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo 258 hộ, với tổng số tiền được vay 13.070 triệu đồng; cho vay tín dụng học sinh – sinh viên: 2 hộ với tổng số tiền 15 triệu đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến: 10 hộ số tiền 100 triệu đồng; cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn: 253 hộ với tổng số tiền 13.304 triệu đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn: 186 hộ với tổng số tiền 3.636 triệu đồng; cho vay giải quyết việc làm: 114 hộ với tổng số tiền 9.810 triệu đồng4

Thứ năm, triển khai chính sách hỗ trợ về nhà ở: hỗ trợ xây dựng 72 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện; soát và lập danh sách 6 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo đề nghị hỗ trợ, hiện nay, đã xây dựng xong và đã được Câu lạc bộ doanh nhân Khánh Hòa – Sài Gòn bàn giao cho các hộ gia đình; lập danh sách 5 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở5.

Thứ sáu, chính sách trợ giúp pháp lý: công tác trợ giúp pháp lý cho người dân, trong đó có trợ giúp pháp lý miễn phí cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai từ nhiều năm qua, mang lại hiệu quả nhất định, không chỉ tạo ra cơ chế bảo đảm mọi côngdân dù giàu hay nghèo đều được tiếp cận với dịch vụ pháp lý mà còn góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền thông tin pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thành cở sở được khai thác, sử dụng triệt để phục vụ tốt cho việc truyển tải thông tin pháp luật đến người dân về các hoạt động về giảm nghèo, các chế độ, chính sách; giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng…

Thứ bảy, công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên lĩnh vực công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững. Vận động, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện cũng còn gặp một số khó khăn.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn huyện vẫn còn 3.062 hộ nghèo với tỷ lệ 40,6%. Việc tham mưu, thẩm định nguồn vốn và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm6.

Nhận thức một số cấp chính quyền cơ sở và cộng đồng về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều còn chưa rõ, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện, chưa thực hiện phân công cán bộ, đảng viên hỗ trợ người dân nghèo thoát nghèo.

Một số hộ nghèo còn chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng chính sách; vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh hưởng phong tục tập quán lạc hậu nên còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Một số hộ nghèo còn thiếu đất để canh tác.

Việc bồi dưỡng, dạy tiếng dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc và người đồng bào dân tộc Raglai chưa được đầu tư đúng mức. Sinh kế việc làm chưa bền vững, các mô hình thoát nghèo còn hạn chế, nhân lực làm công tác giảm nghèo còn thiếu, cán bộ cấp huyện, cấp xã kiêm nhiệm, thiếu ổn định đã ảnh hưởng đến kết quả công tác giảm nghèo ở cơ sở.

Một số giải pháp

Vấn đề giảm nghèo bền vững trong thời gian tới là những thách thức mới đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huyện Khánh Sơn, do đó, yêu cầu việc xây dựng chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2022 – 2025 cần có những giải pháp tổng thể, tích cực, phù hợp mới giải quyết tốt mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025, huyện Khánh Sơn cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án, vận động thực hiện giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở; thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vượt nghèo của mọi người dân; tiếp tục nghiên cứu tạo thêm các chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là ở các xã nghèo, vùng nghèo và từng hộ nghèo.

Hai là, tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp; đặc biệt là ở xã có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực và mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý tại cơ sở, bảo đảm người nghèo khi có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý miễn phí, giúp nâng cao nhận thức pháp luật, tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Ba là, cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo thông qua các chính sách, chương trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh; từng bước thu hẹp dần chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thị tứ và nông thôn.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo.

Chú thích:
1. Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn. Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn giai đoạn 2022 – 2025, ngày 30/11/2022.
2, 3, 4, 5. Báo cáo số 4346/ BC-UBND ngày 13/12/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2022.
6. Quyết định số 3349/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn giai đoạn 2022 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 3349/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn giai đoạn 2022 – 2025.
2. Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn. Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Khánh Sơn, năm 2021.
ThS. Nguyễn Thị Lệ Hằng
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa