Nâng cao chất lượng phục vụ của Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương

(Quanlynhanuoc.vn) –  Trung tâm Hành chính công là mô hình hoạt động quan trọng thực hiện chức năng phục vụ của Nhà nước, phục vụ tốt cho người dân và tổ chức, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Những năm qua, Bình Dương luôn đổi mới mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó có việc thành lập và phát huy hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm hành chính công theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại vì Nhân dân phục vụ. Đánh giá thực trạng để từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công là cần thiết trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hiện nay.
Ảnh minh họa (baobinhduong.vn).
Kết quả đạt được của Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương

Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương là đơn vị hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Chức năng, nhiệm vụ của trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương gồm hai nhóm lĩnh vực: (1) Tham mưu công tác quản lý nhà nước về tổ chức triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp tỉnh, huyện, xã theo thẩm quyền của tỉnh; (2) Quản lý, vận hành hoạt động một cửa, một cửa liên thông cấp tỉnh theo mô hình Trung tâm Hành chính công; quản lý, vận hành, điều phối hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của các sở, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý, giám sát hành vi, thái độ, lề lối làm việc của các công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, mô hình Trung tâm Hành chính công đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch giải quyết các thủ tục hành chính, làm tăng sự hài lòng cho người dân. Tất cả thủ tục hành chính, quy trình thực hiện tại trung tâm hành chính công  đều được công khai tại địa điểm giải quyết, trên Cổng thông tin Dịch vụ công của tỉnh. Nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm mạnh, đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Các thủ tục hành chính đều được rà soát, cập nhật, công bố và niêm yết công khai, minh bạch về nội dung, quy trình giải quyết. Theo đó, tại Trung tâm Hành chính công thực hiện công khai thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai bằng hình thức đóng quyển thủ tục hành chính, niêm yết tại các bảng thông tin và sử dụng trang thông tin điện tử, tổng đài để tư vấn, hỗ trợ.

Tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu và đang cung cấp 1.932 dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh, huyện, xã, trong đó có 1.196 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 148 dịch vụ công trực tuyên mức độ 3. Tính đến ngày 01/3/2023, số lượng tài khoản được tạo trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh là 139.525 tài khoản1. Kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn qua các năm tại tỉnh đạt rất cao, không có hồ sơ quá hạn chưa giải quyết.

Thứ hai, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân một cách hiệu quả. Nhiều giải pháp được thực hiện, như: phát huy tối đa năng lực của đội ngũ công chức, viên chức tại Trung tâm Hành chính công; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao năng suất làm việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ tình nguyện viên; đa dạng các kênh tư vấn về thủ tục hành chính; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp… Kết quả khảo sát trực tuyến người dân, kết quả cho thấy: 92,9% đánh giá từ “bình thường” đến “rất tốt” về mức độ thuận tiện trong việc tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính tại địa phương. Đối với câu hỏi: “Ông/bà biết được các thông tin về thủ tục hành chính từ đâu?”, kết quả cho thấy: 54,1% là hỏi trực tiếp công chức, viên chức; 32,4% là từ trang web của chính quyền địa phương; 30,8% thông qua truyền hình, phát thanh, báo đài2.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm hành chính công đã chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết theo hướng xác định cụ thể, công khai trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, có báo cáo định kỳ và đề xuất hướng xử lý đối với các hồ sơ quá hạn và công khai tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn để người dân giám sát, theo dõi. Về kết quả triển khai rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, đến tháng 6/2023, đã tổ chức rà soát 2.930 thủ tục hành chính trên 19 lĩnh vực tương ứng với thẩm quyền tham mưu của các sở, ban, ngành có liên quan, với 331 thủ tục hành chính được đề nghị phân cấp và 2.599 thủ tục hành chính không đề nghị phân cấp3.

Thứ tư, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua đánh giá, nhận xét, thống kê tỷ lệ giải quyết hồ sơ đến lãnh đạo tỉnh. Trung tâm hành chính công đã phối hợp thống kê, tổng hợp báo cáo nhanh hằng ngày về tình hình hồ sơ trễ hạn chưa giải quyết của các cấp trên địa bàn tỉnh thông qua nhóm Zalo của lãnh đạo tỉnh. Tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hồ sơ trễ hẹn của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã vào nhóm Zalo lãnh đạo các cấp để theo dõi, chỉ đạo xử lý, giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp và gửi thông tin đến hộp thư điện tử công vụ của lãnh đạo địa phương để nắm tình hình, chỉ đạo xử lý đối với các địa phương có nhiều hồ sơ trễ hạn.

Ngoài ra, ban hành văn bản chỉ đạo việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, trễ hạn chưa giải quyết và hồ sơ gần đến hạn giải quyết cho cá nhân, tổ chức và nhắc nhở, chấn chỉnh bằng văn bản đối các sở, ngành về xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn và thông báo tình trạng giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát công chức, viên chức, người làm nhiệm vụ tại Trung tâm hành chính công được theo dõi thường xuyên và liên tục thông qua màn hình camera, phiếu ý kiến tại các hòm thư, kiểm tra trực tiếp nhằm kịp thời phối hợp, nhắc nhở nhân sự một cửa tại Trung tâm Hành chính công, bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc.

Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên giám sát về cải cách hành chính, kịp thời có kiến nghị, giải pháp về cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng, từ đó giúp cho các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện cải cách hành chính được các tổ chức và người dân đánh giá cao. Do được kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, trực tiếp và trực tuyến thông qua hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử, đã làm tăng tính chủ động, trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp.

Thứ năm, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử và các dịch vụ tiện ích trong giải quyết thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, tăng tính kết nối và công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, xây dựng và phát triển hệ thống các ứng dụng, dữ liệu, dịch vụ nền tảng trong giải quyết trực tuyến các công việc nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước và trong phục vụ người dân. Thành lập Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC) vào tháng 4/2022, đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, nơi tổng hợp, phân tích tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các tài sản, dịch vụ thông minh trên các lĩnh vực, địa phương, giúp lãnh đạo các cấp giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do bộ, ngành, địa phương cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời,  tiếp tục duy trì, bố trí các dịch vụ, tiện ích phục vụ người dân tại tầng 1 – Trung tâm hành chính công (máy nước nóng lạnh, căn tin, ATM, photocopy, bưu chính,…). Bố trí nước rửa tay khử khuẩn, các loại báo (Nhân Dân, Bình Dương, Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật) để cung cấp thêm tiện ích phục vụ người dân trong thời gian chờ thực hiện thủ tục hành chính.

Một số vấn đề còn tồn tại

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, mô hình Trung tâm hành chính công  trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại cần được giải quyết, cụ thể:

Một là, pháp lý cho mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện chưa hoàn thiện (chưa có quy định về cơ sở pháp lý cho Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện; chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng về quy mô, tổ chức, con người, điều kiện, chính sách đặc thù giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, dẫn đến bố trí nguồn lực hiện nay giữa các địa phương chưa có sự khác biệt.

Trách nhiệm pháp lý trong giao dịch điện tử các dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa chặt chẽ, việc số hóa hồ sơ thủ tục hành chính còn thấp so với yêu cầu. Tính tiện ích, tiện lợi của dịch vụ công trực tuyến chưa cao do phải thực hiện nhiều bước, nhiều thủ tục phức tạp so với kiến thức, trình độ của một bộ phận nhân dân; phát sinh nhiều việc cho công chức, viên chức vì chưa rõ ràng về pháp lý của hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và có nhiều phần mềm; đội ngũ tình nguyện viên hầu như phải hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Điều này, phù hợp với kết quả khảo sát có đến 70,7% người dân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa các cấp với lý do thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng bổ sung hồ sơ trong trường hợp còn thiếu và được công chức, viên chức hướng dẫn kỹ lưỡng; trong khi chỉ có 23,2% chọn hình thức nộp trực tuyến và 1,8% chọn nộp qua bưu điện vì lo thất lạc hồ sơ cũng như cự ly từ nhà đến cơ quan nhà nước gần hơn các bưu điện4.

Hai là, việc kết nối cơ sở dữ liệu của tỉnh với Chính phủ, bộ, ngành còn chậm. Công tác triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng còn khó khăn, chưa đủ điều kiện bảo đảm đáp ứng đồng bộ hạ tầng công nghệ để triển khai ngay. Hiện nay, dữ liệu dân cư chưa được phân quyền đến bộ phận một cửa các cấp, dữ liệu đăng ký kinh doanh chưa kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối và thanh toán trực tuyến còn thấp…

Một số thủ tục hành chính không thể triển khai thực hiện trực tuyến toàn trình do quy định luật chuyên ngành dẫn đến người dân, tổ chức phải đến cơ quan nhà nước thực hiện trực tiếp (xây dựng, tư pháp…). Việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa phần mềm một cửa điện tử với các phần mềm chuyên môn, chuyên ngành của các sở, ban, ngành và các bộ, ngành (như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính…) với cơ sở dữ liệu dân cư chưa đồng bộ, thống nhất; yêu cầu về bảo mật, lưu trữ thông tin chưa bảo đảm, phần nào ảnh hưởng chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công.

Ba là, hạ tầng, trang thiết bị tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính chưa thống nhất; tốc độ đường truyền internet còn chậm, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn mạng gây khó khăn cho người dân trong tra cứu, ảnh hưởng việc xử lý hồ sơ trực tuyến; phần mềm một cửa thường xuyên bị lỗi trong việc luân chuyển dẫn đến trễ hạn hồ sơ điện tử; chưa hình thành được kho dữ liệu cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính lần đầu đã được số hóa để thực hiện cho lần tiếp theo; việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho bộ phận một cửa các cấp chưa kịp thời.

Bốn là, áp lực cao trong giải quyết thủ tục hành chính và thiếu nhân lực. Bình Dương là tỉnh công nghiệp với dân số đông, tốc độ đô thị hóa, quy mô kinh tế lớn, nhu cầu giải quyết hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp là rất cao. Tuy nhiên, số lượng công chức, viên chức của tỉnh lại không tương xứng, biên chế tại các cơ quan luôn ở khung tối thiểu, thấp so với các tỉnh, thành phố khác. Bình quân công chức tại bộ phận một cửa của tỉnh phải làm nhiệm vụ gấp đôi so với mức tối thiểu chung của cả nước (riêng tại Trung tâm hành chính công tỉnh là gấp 4 – 5 lần). Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, 1 công chức của tỉnh tiếp nhận và trả kết quả 3.432 hồ sơ/năm (cao gấp 2,1 lần so với mức tối thiểu 1.600 hồ sơ/người/năm theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Riêng 7 phường thuộc thành phố Dĩ An trung bình 1 công chức phải tiếp nhận và trả kết quả 10.247 hồ sơ/năm (cao gấp 6,4 lần so với mức tối thiểu theo Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ)5, chưa có định mức kinh tế – kỹ thuật cho việc số hóa hồ sơ thủ tục hành chính. Ngoài ra, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều (từ tháng 7/2022 – 4/2023 là 623 người)6, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực cho các hoạt động về cải cách hành chính nói chung và hoạt động của Trung tâm hành chính công nói riêng.

Qua giám sát cho thấy nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, công nghệ thông tin của bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế, ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả hoạt động cải cách hành chính, nhân lực chuyên ngành về công nghệ – thông tin chưa được bảo đảm, cụ thể: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An… chỉ có một cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Tại các phường, xã có nơi không có cán bộ công nghệ thông tin, ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng chính quyền điện tử7.

Một số kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, với Chính phủ

Chỉ đạo các bộ, ngành trung ương tham mưu, quy định rõ pháp lý về mô hình Trung tâm hành chính công cấp huyện; hướng dẫn về quy mô tổ chức, con người và điều kiện hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh phù hợp với quy mô dân số, quy mô kinh tế và phát triển đô thị; xem xét, đơn giản hóa thủ tục thanh toán trực tuyến trên Cổng thanh toán quốc gia; đẩy nhanh việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu và phân quyền truy cập dữ liệu dân cư và dữ liệu cần thiết khác cho chính quyền địa phương, quy định rõ giá trị pháp lý trong lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử.

Thứ hai, với tỉnh Bình Dương

(1) Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, hệ thống trang thiết bị. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, đầu tư hiện đại, đủ điều kiện kết nối với hạ tầng, dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội; nghiên cứu mua sắm công kịp thời, bổ sung trang thiết bị cần thiết cho bộ máy hành chính các cấp. Nâng cấp phần mềm “một cửa, một cửa liên thông”, tốc độ đường truyền, hệ thống máy tính hiện đại, đồng bộ, bảo đảm hoạt động thông suốt.

(2) Về nhân lực. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về công nghệ thông tin, có đề án tuyển dụng và bố trí nhân lực này tại chính quyền các cấp, nâng cao trình độ chuyển đổi số cho đội ngũ công chức, viên chức các cấp gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ cho công chức, viên chức. Cùng với đó, cần nghiên cứu Thông tư số 106/2021/TT-BTC ngày 26/11/2021 của sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để ban hành chính sách ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy xã hội sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.

(3) Tuyên truyền về thủ tục hành chính một cách bài bản, sâu rộng, đa dạng các hình thức, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ thực hiện đến từng đối tượng. Chính quyền chủ động phối hợp tốt với các tổ chức chính trị – xã hội và sử dụng hiệu quả đội ngũ tình nguyện viên, tập trung tuyên truyền để người dân, tổ chức về dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán không sử dụng tiền mặt nhằm tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại.

(4) Tiếp tục lấy tiêu chí cải cách, giải quyết thủ tục hành chính làm căn cứ đánh giá hằng năm cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu. Định kỳ công khai danh sách cơ quan, đơn vị, công chức trễ hạn và thực hiện báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân khi để xảy ra chậm muộn trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường kiểm tra, giám sát hằng ngày, hằng tháng và rõ trách nhiệm giải trình; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, kịp thời xử lý các khó khăn, bất cập cho người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý, kéo dài thời gian xử lý, hoặc né tránh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Kết luận

Xác định việc nâng cao chất lượng dịch vụ Trung tâm hành chính công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải tiến chất lượng cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục quan tâm giải quyết căn cơ những khó khăn, vướng mắc nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, kiến tạo, phát triển, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh, hiện đại, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước.

Chú thích:
1, 3. Bình Dương phấn đấu giải quyết 100% thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. https://vpcp.chinhphu.vn, truy cập ngày 25/8/2023.
2, 4, 7. Báo cáo số 224/BC-ĐGS ngày 06/9/2022 của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương về kết quả giám sát “việc thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh.
5. Báo cáo số 1454/BC-VPUB ngày 20/7/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11 – HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
6. Công văn số 849/SNV- CCVC ngày 18/5/2023 của Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương về việc báo cáo tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Xuân
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương