Phát huy vai trò của Bộ đội biên phòng trong xây dựng thế trận lòng dân ở khu vực biên giới nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, vấn đề chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia càng được nhiều quốc gia quan tâm. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là vinh dự, trách nhiệm không chỉ của Bộ đội biên phòng mà còn của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Bài viết đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát huy vai trò của Bộ đội biên phòng tham gia xây dựng thế trận lòng dân khu vực biên giới, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Ảnh minh họa (qdnd.vn).
Nhận thức chung về thế trận lòng dân và các thách thức an ninh phi truyền thống

Thế trận lòng dân hình thành, phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là một bộ phận không thể tách rời của thế trận toàn dân bảo vệ Tổ quốc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử và hiện tại. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”1. Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia cũng nhấn mạnh: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; Bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững Biên giới quốc gia”2.

Thế trận lòng dân là trạng thái chính trị – tinh thần của toàn dân (lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, ý chí quyết tâm…) được tổ chức, xây dựng, khơi dậy, quy tụ, định hướng, tạo môi trường chính trị – xã hội để huy động tiềm lực và phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng lấy dân làm gốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Dân là gốc nước… Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”3;“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được. Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”4; “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”5, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”6. Nhờ quy tụ được sức mạnh lòng dân xung quanh Đảng mà Đảng ta đã vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới biến động phức tạp, khó lường. Các quốc gia phải đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. An ninh phi truyền thống là loại hình mới của an ninh quốc gia, bao gồm sự bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc trước các thách thức phi quân sự, mở rộng tới nhiều lĩnh vực khác, như: kinh tế – xã hội, con người, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, sự ổn định văn hóa, sự hài hòa và ổn định quan hệ dân tộc…

Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có mối liên kết chặt chẽ với an ninh truyền thống, là đối tượng quan trọng của chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, không gian mạng làm cho quan niệm về biên giới quốc gia của các nước rộng mở hơn. Theo đó, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống cũng đa dạng và phức tạp hơn, thông qua các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện tự nhiên, như: tội phạm ma túy; mua bán người; buôn lậu qua biên giới;rửa tiền; xuất, nhập cảnh trái phép; di, dịch cư trái phép; sự chuyển đổi giá trị văn hóa các cộng đồng người; vấn đề dân tộc, tôn giáo; dịch bệnh cộng đồng (SARS, cúm gia cầm H5N1, Covid-19); thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; khủng bố xuyên quốc gia… Các mối đe dọa đó tuy không trực tiếp tác động tới độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nhưng chúng đan xen nhau, tác động đến sự ổn định và phát triển trên mọi mặt đời sống xã hội của quốc gia dân tộc. Các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia, có khả năng lan rộng đến các khu vực và chuyển hóa thành an ninh truyền thống, từ đó đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ mới bao gồm cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, bởi chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia không chỉ bị tác động bởi các yếu tố chính trị hay quân sự truyền thống mà còn chịu sức ép của các yếu tố kinh tế – xã hội, sắc tộc, tôn giáo, thiên tai, dịch bệnh; không chỉ trên phạm vi lãnh thổ đất nước mà còn mở rộng ra bên ngoài. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phòng ngừa và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống”7.

Với vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh và đối ngoại, khuvực biên giới nước ta những năm qua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đời sống củaNhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, do địa hình khó khăn, phức tạp, kinh tế – xã hội kém phát triển, dân trí thấp, nhiều hủ tục lạc còn tồn tại. Tình hình tội phạm nhất là tội phạm xuyên biên giới, tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán người gia tăng; tình trạng di dịch cư tự do, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó kiểm soát đã và đang trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn, phát triển bền vững của khu vực biên giới, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Trước bối cảnh đó, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác, đề ra các đối sách phù hợp; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; không để bị động, bất ngờ.

Vai trò của Bộ đội biên phòng trong tham gia xây dựng thế trận lòng dân khu vực biên giới

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia sẽ không thể hoàn thành nếu không dựa vào sức mạnh của thế trận lòng dân mà trực tiếp là sức mạnh lòng dân ở khu vực biên giới. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của Nhân dân các dân tộc khu vực biên giới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện khu vực biên giới với nhiều chính sách mang tính đặc thù, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế – xã hội, đời sống của Nhân dân khu vực biên giới ngày càng được cải thiện, dân chủ được phát huy, mối quan hệ Đảng, chính quyền với Nhân dân và lực lượng vũ trang được củng cố, tăng cường.

Với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Bộ đội biên phòng đã triển khai các tổ, đội công tác thường xuyên bám địa bàn, bám dân, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các lực lượng trên địa bàn khu vực biên giới về những nội dung liên quan đến an ninh phi truyền thống; nhận diện các biểu hiện, hậu quả, tác động tiêu cực của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Bộ đội biên phòng đã thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị – bám địa bàn – bám chủ trương, chính sách; cùng ăn – cùng ở – cùng làm – cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào, khích lệ đồng bào ra sức sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự – an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Qua đó, củng cố đoàn kết quân – dân; tăng cường niềm tin vào Bộ đội biên phòng, vào Đảng ngày càng lớn mạnh; làm cho thế trận lòng dân biên giới thêm vững chắc.

Từ năm 2015 – 2020, Bộ đội biên phòng đã tăng cường 332 cán bộ cho các xã biên giới, phân công 2.096 đảng viên đồn biên phòng về sinh hoạt tại 1.877 chi bộ thôn, bản biên giới; 9.661 cán bộ, đảng viên đồn biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới; nhận đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có gần 200 cháu của Lào, Cam-pu-chia), nhận nuôi 355 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (258 cháu nhận nuôi tại đồn, 97 cháu nhận nuôi tại gia đình)8. Chỉ tính riêng năm 2022, Bộ đội biên phòng đã phân công 9.402 đảng viên phụ trách 40.893 hộ gia đình ở khu vực biên giới; giới thiệu 2.388 đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới (tăng 292 đảng viên so với cùng kỳ năm 2021). Tiếp tục duy trì có hiệu quả 311 cán bộ tăng cường về xã, trong đó có 1 đồng chí tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, 4 đồng chí làm bí thư đảng ủy xã; 238 đồng chí làm phó bí thư đảng ủy xã9.

Các chương trình, phong trào, mô hình tiêu biểu phát triển kinh tế – xã hội gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được triển khai rộng khắp, hiệu quả trên các tuyến biên giới, hải đảo, như: Chương trình 135 về phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” và các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Lá cờ Đảng soi sáng biên cương”, “Đường cờ Tổ quốc”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Vì những con tàu xa khơi”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới và tham gia xoá đói giảm nghèo ở khu vực biên giới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Tháng ba biên giới”… Các chương trình, phong trào đó đã, đang phát huy hiệu quả thiết thực, củng cố thế trận lòng dân ở khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.

Thông qua hoạt động công tác xây dựng thế trận lòng dân khu vực biên giới đã khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức cảnh giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp của các chủ thể, đặc biệt là cư dân biên giới vào công tác phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới. Tình cảm, lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Bộ đội biên phòng ngày càng tăng, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng thế trận lòng dân nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống vẫn còn những hạn chế nhất định, như: công tác phối hợp giữa các tổ chức, lực lượng và người dân có lúc, có nơi chưa thật tốt; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của các chủ thể ở một số khu vực biên giới chưa cao; hiệu quả ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là trong bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố thiên tai, đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, chống truyền đạo trái pháp luật còn hạn chế.

Một số giải pháp

Một là, tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an ninh phi truyền thống và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Thông qua tuyên truyền, giáo dục làm cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội;xây dựng khu vực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới trong mọi tình huống. Trong đó,tập trung nâng cao nhận thức chính trị, trình độ hiểu biết và thực thi pháp luật; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, vai trò trách nhiệm của tổ chức, công dân trong chấp hành pháp luật và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Xác định các lĩnh vực an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giớivà những biểu hiện, tác hại của các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống gây ra, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực, chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các thách thức an ninh phi truyền thống. Trên cơ sở đó, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm trong phòng, chống, khắc phục hậu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực từ an ninh phi truyền thống, giữ vững sự ổn định để phát triển đất nước và khu vực biên giới. Bên cạnh đó, giáo dục nhằm củng cố, xây dựng lòng tin với Đảng, với chế độ, với quân đội, với thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận cao giữa quần chúng nhân dân với Đảng, với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Hai là, tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh.

Việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là nhân tố quyết định thành công cho xây dựng thế trận lòng dân, đồng thời, cũng bảo đảm cho công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thắng lợi. Trong củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giớicần chú trọng công tác xây dựng đảng, nhất là bồi dưỡng phát triển đảng viên, đào tạo cán bộ là con em đồng bào dân tộc; củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở cơ sở, như: Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… thực hiện phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin, dân theo” để trở thành chỗ dựa tin cậy cho đồng bào.

Ba là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ở khu vực biên giới về chính sách phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt, tạo tiềm lực vật chất và tinh thần cho người dân.

Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch dân cư, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới, gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh với các loại tội phạm xuyên biên giới. Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng biên giới, thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đấu tranh bài trừ các hủ tục, ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa xấu độc; đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các điểm nóng nảy sinh ở khu vực biên giới; đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực biên giới thì ý thức người dân cũng như công tác phòng ngừa, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống mới thực sự hiệu quả, thiết thực.

Bốn là, đổi mới công tác vận động quần chúng.

Để củng cố, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Bộ đội biên phòng và đồng bào các dân tộc, một trong những biện pháp quan trọng là phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng của Bộ đội biên phòng phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bộ đội biên phòng phải ra sức phấn đấu, làm tròn vai trò nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững mạnh; đổi mới hình thức, phương pháp tiến hành công tác xây dựng khối đoàn kết quân dân, thực hiện hiệu quả chức năng đội quân công tác, đội quân chiến đấu và đội quân lao động – sản xuất.

Đẩy mạnh tổ chức các phong trào hành động cách mạng thiết thực, cụ thể để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân ở khu vực biên giới tham gia xây dựng thế trận lòng dân;phát huy vai trò to lớn của quần chúng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, bồi đắp tình cảm, niềm tin, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tạo khí thế cách mạng sôi nổi trong quần chúng, không để khoảng trống cho kẻ địch lợi dụng lôi kéo. Trước hết, cần đẩy mạnh các chương trình, các phong trào hành động cách mạng đã và đang phát huy hiệu quả ở khu vực biên giới, đặc biệt thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; triển khai thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” (03/3 hằng năm), qua đó củng cố thế trận lòng dân ở khu vực biên giới vững mạnh.

Năm là, chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới.

Tăng cường trách nhiệm, tỉnh táo trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, xây dựng cơ chế để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và người dân tham gia ứng phó với các nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống một cách tự giác, chủ động, trách nhiệm. Đồng thời, hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước ta về hội nhập quốc tế nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác vì sự ổn định, phát triển thịnh vượng chung của khu vực và của mỗi nước. Tăng cường các hoạt động đối ngoại biên phòng, hoạt động ngoại giao nhân dân ở khu vực biên giới, như: “kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, “giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị”, “tuần tra song phương”, “hội đàm song phương” thường xuyên theo định kỳ và đột xuất khi có vụ việc… 

Chú thích:
1, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 156-157, 69.
2. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 501 – 502.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 163.
5, 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 142, 280.
8. Đảng ủy Bộ đội biên phòng. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 – 2025 (lưu hành nội bộ).
9. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Báo cáo tổng kết công tác biên phòng năm 2022 (lưu hành nội bộ).
ThS. Phạm Quốc Khánh
ThS. Hoàng Trọng Thiết

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng