Phát triển chương trình đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động – nghiên cứu trường hợp tại Đại học Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tại các trường đại học phải hoàn thiện mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng tham gia thị trường lao động và hướng tới đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (dhthainguyen.edu.vn).
Đặt vấn đề

Chương trình đào tạo đóng vai trò vừa là một công cụ, vừa là thước đo trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Không có chương trình đào tạo sẽ không có các căn cứ để xem xét đánh giá bậc đào tạo của các đối tượng tham gia đào tạo, như vậy, việc đào tạo sẽ diễn ra tự phát, lao động đã qua đào tạo sẽ không có một tiêu chuẩn thống nhất đo lường về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp.

Việc xây dựng chương trình đào tạo phụ thuộc vào “tầm nhìn” và “sứ mệnh” của các cơ sở giáo dục trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Vì vậy, các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà trường đều có nhận thức và hiểu rõ bản chất của chương trình đào tạo.

Phát triển các chương trình đào tạo là một yêu cầu tất yếu, mang tính cấp thiết đối với đối với ngành giáo dục. Đây là một quá trình chuyển đổi từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn; từ thực học, thực hành đến thực nghiệp. Phát triển các chương trình đào tạo tránh “đào tạo cái nhà trường có” mà phải thực hiện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” phải được thị trường lao động công nhận chất lượng của lao động, với mục tiêu góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng miền và đất nước.

Thực trạng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tại Đại học Thái Nguyên

Căn cứ vào Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định về chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học nhằm mục tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp, Đại học Thái Nguyên đã chủ động xây dựng các chương trình đào tạo trên cơ sở khối tín chỉ tối thiểu bắt buộc theo từng trình độ đào tạo, từng khóa học. Đến năm 2018, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã quy định rõ hơn về chương trình đào tạo, bao gồm: mục tiêu khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với các môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam (Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Thực hiện các quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành luật, Đại học Thái Nguyên thiết kế và phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng. Việc phát triển chương trình đào tạo cả về số lượng và chất lượng tại các cơ sở giáo dục đã được đẩy mạnh, nhiều ngành học truyền thống được cải tiến, nâng cấp và có nhiều ngành học mới xuất hiện, trong đó có ngành học cập nhật chương trình đào tạo tiên tiến, gắn với định hướng phát triển năng lực người học và tăng cường ứng dụng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đại học Thái Nguyên sau gần 30 năm thành lập, có 11 đơn vị đào tạo, trong đó có 7 đại học, 1 trường cao đẳng, 2 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu tại tỉnh Lào Cai, 1 phân hiệu tại tỉnh Hà Giang. Năm 2018, Đại học Thái Nguyên có 141 chương trình đào tạo trình độ đại học, 25 chương trình đào tạo cao đẳng, 24 chương trình trung cấp, dạy nghề và 115 chương trình đào tạo sau đại học. Đến năm 2022, có 156 ngành đào tạo đại học, 26 ngành đào tạo cao đẳng, 24 chương trình trung cấp, dạy nghề và 121 chương trình đào tạo sau đại học1.

Đại học Thái Nguyên rất chú trọng đến công tác đánh giá, kiểm định chất lượng, các chương trình đào tạo trên đều phải thực hiện theo các bước phù hợp các yêu cầu kiểm định chất lượng trong nước, tiệm cận với các yêu cầu của Hệ thống Bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).

Theo Báo cáo tổng kết công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng năm 2021 – 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Đại học Thái Nguyên đã có 4 chương trình đào tạo (chương trình đào tạo kỹ thuật phần mềm, chương trình đào tạo tự động hóa, chương trình đào tạo quản trị kinh doanh, chương trình đào tạo sư phạm Tiếng Anh) được công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA; 22 chương trình đào tạo đã được đánh giá ngoài đang chờ kết quả, trong đó có 18 chương trình đào tạođánh giá theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 4 chương trình đào tạo đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của của AUN-QA; 4 chương trình đào tạo đã hoàn thiện báo cáo tự đánh giá và được xếp lịch đánh giá ngoài trong tháng 12/2022; 18 chương trình đào tạo đang triển khai tự đánh giá2.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chương trình đào tạo hiện nay các chương trình còn dàn trải, chưa phát huy được tính đặc thù hay thế mạnh của Đại học Thái Nguyên cũng như ngành trọng tâm, trọng điểm để đáp ứng yêu cầu của xã hội và thị trường lao động. Do đó, giai đoạn 2015 – 2020, 19 chương trình đào tạo trình độ đại học đã không còn phù hợp, dừng tuyển sinh3. Sự gắn kết giữa các nhóm ngành đào tạo của các trường đại học thành viên còn rời rạc. Một số chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được kỳ vọng của người học, phụ huynh. Nhiều chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo chuẩn; cấu trúc chương trình đào tạo còn bất hợp lý; chưa phân hóa yếu tố hàn lâm và ứng dụng, do đó chuẩn đầu ra chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập.

Một số giải pháp.

Thứ nhất, Đại học Thái Nguyên cần đẩy mạnh công tác xây dựng chương trình đào tạo trọng tâm, trọng điểm gắn với thương hiệu của nhà trường. Gắn liền với sự phát triển về số lượng các trường thành viên, số lượng sinh viên, học sinh, Đại học Thái Nguyên cần hết sức chú trọng đến việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, các chương trình đào tạo, các chương trình liên kết và hợp tác về mở rộng chuyên ngành đào tạo. Nội dung chương trình đào tạo được xây dựng phải thiết thực với phương châm “đại học vùng đào tạo nhân lực cho vùng” đồng thời luôn đổi mới gắn với yêu cầu cải cách và cạnh tranh của ngành giáo dục.

Đại học Thái Nguyên cần tăng cường rà soát, cơ cấu lại các chương trình đào tạo trong hệ thống các trường đại học thành viên ở một số chương trình đào tạo còn tồn tại hạn chế, như: các chương trình nào chưa tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên và các yêu cầu của kiểm định chất lượng, trong nước và khu vực; các chương trình đào tạo kém thu hút người học, không tuyển sinh được trong những năm gần đây.

Việc xây dựng chương trình đào tạo trọng tâm, trọng điểm gắn với thương hiệu, ngoài khắc phục sự chia sẻ hay cạnh tranh thu hút đầu vào tuyển sinh, cũng được tránh tình trạng đào tạo quá mức đồng thời sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đại học Thái Nguyên lựa chọn phát triển các chương trình đào tạo không phải là sự từ bỏ các ngành truyền thống, mà là phù hợp với nhu cầu của xã hội để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên, của vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng như đòi hỏi của thị trường lao động.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển chương trình đào tạo tập trung hướng thị trường lao động, nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế. Trên cơ sở xây dựng các triết lý giáo dục, với tinh thần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội, Đại học Thái Nguyên cần có tầm nhìn chiến lược trong hoạch định, rà soát, bổ sung, phát triển các chương trình, ngành nghề đào tạo.

Để phát triển các chương trình đào tạo hiện nay, cần căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo (đào tạo đáp ứng nhu cầu từ phía nhà nước, tư nhân, quốc tế), từ đó, phân tích các yếu tố ảnh hưởng (yếu tố xã hội, yếu tố cơ sở đào tạo, yếu tố người dạy, yếu tố người học…), xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên yêu cầu của thực tiễn và chương trình cốt lõi mang đặc trưng riêng gắn với nhu cầu của đại phương, của đơn vị sử dụng người lao động đã qua đào tạo.

Tích cực mời chuyên gia, doanh nghiệp tham gia xây dựng, góp ý, phản biện chương trình đào tạo, đồng thời các nhà trường cần nhất quán quan điểm điều chỉnh linh hoạt để hoàn thiện chương trình đào tạo. Phát triển chương trình đào tạo hướng tới hình thành năng lực cho người học (năng lực thích ứng với sự thay đổi; năng động hành động, ứng dụng; năng lực tự học, tự nghiên cứu; năng lực quốc tế) dù ở loại hình đào tạo nào4.

Vì vậy, nhà trường cần chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học, hình thức đánh giá, đặc biệt hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người học; đồng thời có những chính sách ưu đãi và phát triển, tôn vinh giá trị của đội ngũ giảng viên, ghi nhận giá trị của đội ngũ phục vụ và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan để thiết lập một môi trường giáo dục thân thiện, năng động, hiện đại, sáng tạo và chất lượng.

Thứ ba, tăng cường đổi mới phương thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp.Sự gắn kết truyền thống giữa doanh nghiệp và Đại học Thái Nguyên chủ yếu thông qua các hoạt động như: tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực tế, thực tập; tư vấn và giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo; ngoài ra còn một số hoạt động hỗ trợ tài chính, học bổng, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị phục vụ giảng dạy của doanh nghiệp. Các hoạt động trên đã mang những ý nghĩa nhất định nhưng còn khó khăn trong chia sẻ tầm nhìn và nhiều khác biệt trong hoạt động.

Đổi mới phương thức gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong bối cảnh mới, để phát triển chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động thì cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động hợp tác trong xây dựng nội dung chương trình đào tạo, đánh giá các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo… Từ đó tạo ra cơ sở pháp lý cho việc đổi mới các loại hình đào tạo như: “đào tạo định hướng”,“đào tạo kép”. Hợp tác giữa Đại học Thái Nguyên với doanh nghiệp, nhiệm vụ cần đặt lên hàng đầu là sự kết hợp hiệu quả giữa cung ứng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững.

Dưới sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thị trường lao động có những biến đổi liên tục, nhiều ngành, nghề mới ra đời cũng như nhiều ngành, nghề sẽ mất đi. Việc định hướng phát triển nghề nghiệp, dự báo cung – cầu lao động đã và đang là nhiệm vụ của của các quốc gia trên thế giới. Như vậy, phát triển chương trình đại học đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thích ứng với sự thay đổi của xã hội đồng thời giúp người học sau tốt nghiệp có thể tham gia vào thị trường lao động thành công.

Chú thích:
1. Các ngành đào tạo đại học, cao đẳng tại Đại học Thái Nguyên. https://tnu.edu.vn, ngày 12/02/2023.
2. Báo cáo tổng kết công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng năm 2021 – 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Đại học Thái Nguyên.
3. Nghị quyết số 50/NQ-HĐĐHTN ngày 21/12/2021 của Hội đồng Đại học Thái Nguyên ban hành Chiến lược phát triển Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
4. Phát triển chương trình đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Kỷ yếu hội thảo khoa học Đại học Thái Nguyên – 25 năm xây dựng và phát triển (04/4/1994 – 04/4/2019).
ThS. Đào Thị Tân
Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên