Một số kinh nghiệm lãnh đạo phát triển công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Hà Tĩnh là một trong 6 tỉnh thuộc khu vực trọng điểm Bắc Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Sau khi được tái lập tỉnh (năm 1991), Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề ra chủ trương phát triển công nghiệp nhằm đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Quá trình phát triển công nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm và bài học ý nghĩa trong lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Tĩnh, trên cơ sở đó vận dụng vào quá trình đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh những năm tiếp theo.
Một góc Fomosa Hà Tĩnh.
Một số kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong lãnh đạo phát triển công nghiệp

Hà Tĩnh thuộc vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có diện tích tự nhiên là 5.990,7 km, gồm 12 đơn vị hành chính (trong đó có 01 thành phố Hà Tĩnh, 01 thị xã Hồng Lĩnh và 10 đơn vị hành chính cấp huyện); có tài nguyên đất khá đa dạng, bao gồm 9 nhóm đất: đất có diện tích lớn nhất là đất xám có tỷ trọng 64,72% diện tích tự nhiên; đất phù sa 16,98% diện tích tự nhiên; đất cát 6,47% diện tích tự nhiên; đất tầng mỏng 5,25% diện tích tự nhiên, còn lại các nhóm đất khác có diện tích không đáng kể, phân bố rải rác trên toàn tỉnh; là tỉnh có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, một số khoáng sản có trữ lượng lớn, trong đó có các khoáng sản, như: than, vàng, sắt, mangan, titan, ziricon, thiếc, kaolin, thạch anh sạch, sericit, đá xây dựng, sét, cát, cuội sỏi… Các khoáng sản này là nguồn lực quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Những năm đầu tái lập tỉnh (1991), Hà Tĩnh là một tỉnh thuần nông, giá trị sản xuất chỉ đạt hơn 29 tỷ đồng, chiếm vỏn vẹn hơn 7,5% cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh chủ trương tập trung nguồn vốn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đầu tư các ngành công nghiệp phù hợp với địa phương, xúc tiến lập các dự án thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Vũng Áng,1 đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp2; do đó công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh từng bước được những kết quả quan trọng, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Giai đoạn 5 năm 2005 – 2010, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh, sản xuất công nghiệp có bước chuyển tích cực trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp – xây dựng từ 25,56% tăng lên 32,4%, giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 18,7%. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng từ 24,4% giảm xuống còn 19,5%, công nghiệp chế biến tăng từ 75,6% lên 78,3%3. Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, cụm công nghiệp, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất đã được quan tâm phát triển; chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường thu hút đầu tư. Đã thu hút 133 dự án với tổng vốn đăng ký 192.247 tỷ đồng,trong đó nhiều dự án công nghiệp có mức đầu tư lớn, như: khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I và II…

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động trong các ngành công nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 22,5% (năm 2005) lên 35% (năm 2010), trong đó đào tạo nghề tăng từ 20% lên 31%, tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp – xây dựng là 13,05%5. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh phát triển.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: đẩy mạnh phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợđưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, trong đó: phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh quy hoạch phát triển công nghiệp, xây dựng đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo theo hướng bền vững, hiện đại; ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; chỉ đạo đẩy mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch phát triển công nghiệp chưa mang tính tổng thể, chưa hình thành được các khu, cụm công nghiệp sản xuất quy mô lớn. Giai đoạn 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân chỉ đạt 18,7% (đến năm 2010 là 33%)7, tốc độ tăng trưởng GRDP của khu vực công nghiệp đạt 9,29%, thấp nhất trong vòng 30 năm sau khi tái lập tỉnh (1991 – 2020), do ngành khai khoáng giảm mạnh và ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 20108; sản phẩm ngành công nghiệp chỉ đạt 20,27% thấp nhất trong tổng sản phẩm kinh tế của tỉnh9.

Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp, sản phẩm chủ yếu đang ở dạng thô chế, giá trị gia tăng thấp chưa có các sản phẩm chủ lực làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho phát triển công nghiệp còn hạn chế, thiếu đồng bộ; sản xuất công nghiệp và công nghiệp chế biến chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ thấp; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo chưa được khắc phục triệt để, ở những vùng trũng, thấp chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, công nghiệp chưa thật sự phát triển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Một số kinh nghiệm từ quá trình Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển công nghiệp

Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương phát triển công nghiệp phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Đây là bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn sau gần 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trường, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đảng bộ tỉnh cụ thể hoá, thể chế hoá vào từng lĩnh vực cụ thể, đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về thể chế, luật pháp, tạo ra hành lang thông thoáng để các địa phương khai thác những tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, có khả năng thu hút nhiều lao động, nguồn lực ở bên trong và bên ngoài, xây dựng nhà máy, xí nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm môi trường, phát triển bền vững ở mỗi khu vực, địa bàn.

Thực tiễn trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành đã tổ chức những buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn tư nhân lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng và mong muốn của họ. Từ đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo bước đột phá về kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, đưa Hà Tĩnh phát triển trong tương lai.

Hai là, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân để tập trung phát triển công nghiệp.

Để phát triển công nghiệp ở tỉnh Hà Tĩnh, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắt trong phát triển công nghiệp. Giao nhiệm vụ cho các sở, trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trưởng, Sở Tài chính khảo sát, đánh giá một cách căn cơ, toàn diện, khách quan những ưu điểm, nhược điểm khi cho xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác, thăm dò các nguồn khoáng sản…

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc quan điểm lấy dân làm “gốc”; giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; không đánh đổi kinh tế bằng bất cứ giá nào để làm tổn hại đến bản sắc văn hoá dân tộc; từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, chính sách cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình phát triển công nghiệp. Rà soát, đánh giá, có sự phân định giữa các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, các làng nghề thủ công truyền thống, từ đó kêu gọi đầu tư, có kế hoạch khôi phục, phát triển và giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống cho người dân; đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Ba là, chú trọng công tác quy hoạch, tập trung vào các ngành công nghiệp có lợi thế ở các địa phương.

Công tác quy hoạch có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng để phát triển công nghiệp, mỗi địa phương đều có những đặc điểm, lợi thế riêng trong khai thác, sử dụng phát triển công nghiệp. Đối với những vùng trũng, ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt thường xuyên cần có những phương án gì để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do ngập úng gây ra, xây dựng hệ thống đê điều, bờ kè, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ở khu vực cao, khai thác thế mạnh của địa phương; đối với khu vực nông thôn, đồng bằng tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo đảm đủ nguồn cung cấp cho nhà máy trong sản xuất; bảo đảm chất lượng cuộc sống, quyền lợi cho người lao động.

Hà Tĩnh có rất nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nhẹ đã trở thành mũi nhọn, thế mạnh trong duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đem lại lợi nhuận cao, như: bia lon sản lượng đạt 60,371 triệu lít tăng 3,4%; sợi đạt 7.986 tấn, tăng 54,5%; tổng sản lượng điện sản xuất tiêu thụ đạt 6,24 tỷ KWh tăng 23,8%; các ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 37,69%; ngành khai khoáng tăng trở lại sau thời gian dài giảm, tăng mức 5%.10

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp.

Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, điều đó có nghĩa là, không chờ cho đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần11. Hà Tĩnh đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đầy đủ các mặt hoạt động công tác của các sở, ban, ngành, địa phương trong phát triển công nghiệp. Các cơ quan, chức năng tăng cường rà soát, đánh giá hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ở các địa phương bảo đảm chấp hành nghiêm quy định pháp luật, hướng dẫn của Phòng Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm quá trình phát triển sản xuất được diễn ra thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, môi trường và sức khoẻ, sự an toàn của người dân.

Kết luận

Phát triển công nghiệp là hướng đi đúng đắn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Hà Tĩnh hiện nay. Vì vậy, quá trình lãnh đạo phát triển công nghiệp của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể để đánh thức, khơi dậy các nguồn lực tự nhiên, xã hội, bên trong và bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp khắc phục hạn chế, tồn tại trong phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phát triển những ngành, lĩnh vực của công nghiệp đã trở thành thế mạnh của tỉnh.

Thực hiện đồng bộ những kinh nghiệm nêu trên, giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh từng bước hiện thực hoá quan điểm, đường lối của Đảng và của Đảng bộ Tỉnh vào thực tiễn cuộc sống, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững trận địa chính trị tư tưởng, củng cố quốc phòng, an ninh, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Chú thích:
1,2. Ban chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, tập III (1975-2010). H. NXB Chính trị quốc gia, 1999, tr.333, 384.
3,4,5,7. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015), lưu Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, 2010, tr.21, 20, 35, 53.
6. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020), lưu Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, 2015, tr.55.
8,9. Tổng cục Thống kê. Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam mười năm (2001-2010). H. NXB Thống kê, 2011, tr.55, 22.
10. Phát triển công nghiệp bền vững, xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. https://socongthuong.hatinh.gov.vn.
11. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.27.
Nguyễn Đình Luận
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng