Định hướng dư luận xã hội thông qua mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Kết quả nghiên cứu dư luận xã hội là cơ sở cho việc định hướng dư luận xã hội nhằm thúc đẩy dư luận xã hội lành mạnh, tích cực, tạo nên sự đồng thuận xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin giả và các luận điệu xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, đặc biệt trên không gian mạng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, công tác định hướng dư luận xã hội đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải đổi mới. Định hướng dư luận xã hội thông qua mạng xã hội chính là một hoạt động đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn này.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề          

Trong công tác tư tưởng, nghiên cứu, sử dụng, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dư luận xã hội là thái độ, quan điểm, ý kiến của các tầng lớp nhân dân về những vấn đề có tính thời sự, có động chạm đến lợi ích của các nhóm xã hội hay của toàn xã hội. Kết quả nghiên cứu dư luận xã hội không chỉ là một trong những căn cứ để xây dựng chủ trương, xác định giải pháp công tác tư tưởng mà còn là nguồn phản biện xã hội có uy tín đối với các nhà lãnh đạo, quản lý xã hội; là cơ sở cho việc định hướng dư luận xã hội, nhằm thúc đẩy dư luận xã hội lành mạnh, tích cực, tạo nên sự đồng thuận xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin giả và các luận điệu xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch.

Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý là phải chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác, qua đó nhận diện được những “điểm nóng” về tư tưởng, kịp thời định hướng dư luận xã hội bằng những phương pháp phù hợp để giải tỏa những căng thẳng và xung đột xã hội tiềm tàng. Sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đến công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội không chỉ được đề cập trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” mà còn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”1.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với công tác tư tưởng nói chung và công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nói riêng. Sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dẫn đến sự hình thành xã hội thông tin mà một trong những biểu hiện của sự hình thành xã hội thông tin đó chính là sự phát triển vô cùng nhanh chóng của mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Mạng xã hội là một thành tựu khoa học – công nghệ của nhân loại, một kênh truyền thông mới quan trọng giúp con người có thêm không gian để giao lưu, chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác với nhau trên phạm vi toàn cầu. Điều này cho thấy, mạng xã hội đã trở thành một trong những kênh cung cấp và chia sẻ thông tin quan trọng của xã hội hiện đại.

Trên mạng xã hội, bên cạnh những thông tin chính thống, đúng, tích cực thì có không ít những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, thù địch, phản động, kích động bạo lực…, được gọi chung là thông tin xấu, độc mà chúng ta khó kiểm soát đầy đủ. Vì vậy, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Mạng xã hội với ưu thế cập nhật thông tin liên tục, là không gian công cộng để người dân bày tỏ ý kiến, quan điểm, từ đó giúp cho dư luận xã hội hình thành, biến đổi và phổ biến nhanh hơn. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ bằng một thông tin chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý, lôi kéo sự quan tâm của cả cộng đồng, tạo ra sự đồng cảm, lây lan tâm lý và cảm xúc, làm nảy sinh dư luận xã hội tích cực hoặc tiêu cực. Thực trạng này có tác động không nhỏ tới tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chính vì vậy mà công tác nắm bắt dư luận xã hội phải được đi trước, định hướng và xử lý kịp thời.

Sự phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam

Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng tài khoản đăng ký mạng xã hội ở Việt Nam cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số, tuy nhiên, không phải mỗi tài khoản người dùng mạng xã hội đều tương ứng với một cá nhân duy nhất2.

Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến với nhiều mô hình, tính năng, công dụng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và kết nối, là nơi mọi người có thể giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ thông tin, hình ảnh, âm thanh hay thiết lập các mối quan hệ dựa trên những điểm chung như sở thích, thói quen, nghề nghiệp… Ngày nay, mọi người đều có thể dễ dàng truy cập mạng xã hội thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ các câu chuyện, bài báo, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video cũng như các hoạt động và sự kiện trực tuyến.

Mạng xã hội giúp người dùng có thể kết nối với nhau dù sống ở các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Sự phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu chững lại. Trong số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, tỷ lệ nữ cao hơn nam, với 50,6% là nữ và 49,4% là nam. Thời gian trung bình người Việt sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 28 phút mỗi ngày. Dữ liệu này cho thấy, Việt Nam có tổng số người dùng internet và mạng xã hội đáng kể, cùng với số lượng kết nối di động vượt quá tổng dân số. Độ tuổi trung bình sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 33,3, trong đó nhóm tuổi từ 25 – 34, 35 – 44 chiếm tỷ trọng lớn3. Đây là hai nhóm tuổi nằm trong độ tuổi lao động chính của xã hội và là đối tượng hướng đến của phần lớn các chính sách. Các số liệu trên cho thấy, mạng xã hội ở Việt Nam là môi trường thuận lợi cho hoạt động định hướng dư luận xã hội ở nước ta.

Việt Nam đang là một trong những thị trường sôi động và tiềm năng nhất châu Á đối với các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Có hai loại mạng xã hội đang tồn tại ở nước ta:

(1) Mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, như: Tầm Tay, Zing Me, Zalo, Mocha, Biztime, Gapo, Lotus… Các mạng xã hội này đều được xây dựng từ nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân theo cơ chế thị trường, không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng số lượng người dùng không đáng kể.

(2) Các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam), việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam rất hạn chế. Các mạng xã hội  nước ngoài có số lượng người sử dụng cao hơn nhiều so với các mạng xã hội  trong nước.

Theo tính toán của DecisonLab – công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến và đo lường truyền thông kỹ thuật số hàng đầu tại Việt Nam, trung bình mỗi người Việt dùng từ 4 – 5 nền tảng mạng xã hội4. Có 6 mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu hiện tại gồm Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và Youtube. Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Xinh-ga-po), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới – Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 95. Những nền tảng mạng xã hội được ưa chuộng nhất Việt Nam hiện nay gồm: Facebook (66,20 triệu người dùng), Zalo (75 triệu), Tiktok (50,6 triệu), Instagram (10,35 triệu) và Youtube (63 triệu)… Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhiều người dùng Internet tại Việt Nam thường xuyên sử dụng YouTube như một công cụ giải trí, xem phim, nghe nhạc hoặc cập nhật tin tức6. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng hướng tiếp cận đối tượng đích trên nhiều nền tảng mạng xã hội là yêu cầu cơ bản đối với hoạt động định hướng dư luận xã hội trong thời kỳ mới.

Những ưu thế của mạng xã hội trong truyền tải thông tin

Thứ nhất, mạng xã hội cung cấp thông tin nhanh chóng và miễn phí, cho phép truyền tải, trao đổi, lưu trữ một khối lượng kiến thức và thông tin khổng lồ, với thời lượng không hạn chế, thời gian lưu trữ vô hạn.

Sự phát triển của khoa học – công nghệ đã mang lại cho các phương tiện truyền thông xã hội ưu thế vượt trội so với các phương tiện truyền thông truyền thống. Nền tảng hiện đại, băng thông rộng, kết nối nhanh (4G, 5G), điện toán đám mây…, mang lại cho mạng xã hội những ưu thế vượt trội trong việc dễ dàng tìm kiếm thông tin, lưu giữ, truyền tải và lan tỏa thông tin nhanh chóng, lôi cuốn sự quan tâm, tham gia bàn luận của đông đảo công chúng. Nền tảng mạng xã hội còn cho phép người dùng tương tác đa chiều (livestream…) và có thể truy cập thông tin bất cứ lúc nào (miễn là họ có phương tiện), chia sẻ ý kiến, thông tin về nhiều vấn đề của đời sống chính trị xã hội một cách rộng rãi. Những ưu thế trên khiến mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông lý tưởng để các chủ thể làm công tác tư tưởng cung cấp thông tin chính thống cho người dân và định hướng kịp thời dư luận xã hội về những vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị – xã hội đến đông đảo đối tượng tuyên truyền.

Thứ hai, mạng xã hội cho phép đổi mới, sáng tạo nội dung, phương thức truyền tải thông tinsinh động, hấp dẫn và có khả năng tiếp cận nhanh đến nhiều nhóm đối tượng.

Mỗi nền tảng mạng xã hội có những đặc điểm riêng về nội dung, phương thức với những thuật toán nhằm tối ưu khả năng hiển thị và tiếp cận đến đối tượng. Chẳng hạn, Facebook cho phép đăng tải nhiều hình thức như văn bản, đường link, hình ảnh, video, story (hiển thị trong vòng 24h) trong đó có thuật toán mới của Facebook năm 2022 cá nhân hóa nội dung hiển thị trên dòng thời gian (Feed) của người dùng dựa theo các yếu tố: nguồn (người đăng tải), loại nội dung (hình ảnh, video) và tương tác với bài đăng. Ngoài ra, Facebook cũng đưa ra một số gợi ý liên quan đến nội dung, như tính hữu ích và ý nghĩa, tính chính xác, tính chính chủ… Tiktok lại có các ưu  điểm là một nền tảng chia sẻ video trên mạng xã hội đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng và thân thiện với người dùng. Kể cả là người không thành thạo công nghệ cũng có thể sử dụng và vận hành nền tảng này. Chỉ cần tiếp tục cuộn lên và nó sẽ tiếp tục hiển thị các video xếp hạng cao nhất, nó cũng sẽ tiếp tục (gợi ý) hiển thị cho người dùng những video có liên quan hơn, tạo trend (xu hướng) và bắt trend một cách dễ dàng, dễ tìm kiếm video clip theo chủ đề.

Hiện nay, các mạng xã hội nước ngoài như: Facebook, Youtube, Instagram…, liên tục cập nhật, bổ sung các tính năng mới, trong đó đáng chú ý nhất là các tính năng: Suggest (gợi ý nội dung tương tự nội dung người dùng quan tâm hoặc thích xem trên Youtube); tính năng tài trợ quảng cáo “Sponsored” của Facebook (hiển thị nội dung theo mối quan tâm của từng nhóm đối tượng cụ thể); Live stream (truyền hình trực tiếp); Instant Article” của Facebook (đọc tin nhanh); messenger (tích hợp đầy đủ các tính năng quay phim, chụp ảnh, gọi thoại, gọi video, nhắn tin bằng chữ hoặc âm thanh, gửi tài liệu, hình ảnh…); tạo nhóm kín để trao đổi; hastag (có cả trên Facebook, Youtube, công cụ giúp nhóm nhiều thông tin lại với nhau, khi người dùng nhấn vào một hastag thì có thể xem được tất cả những thông điệp chứa hastag đó); chia sẻ lợi nhuận quảng cáo đối với các video clip có nhiều lượt xem (Youtube) … Đây là những tính năng vượt trội, giúp cho việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa người dùng mạng xã hội trở nên rất tiện lợi và dễ dàng hơn, đồng thời giúp cho các thông điệp mà người dùng mạng xã hội muốn chuyển tải đến những người khác vô cùng sinh động và có độ chính xác cao theo từng nhóm đối tượng về độ tuổi, giới tính, quan điểm chính trị, tôn giáo, sở thích, mối quan tâm chung, công việc, khu vực, địa điểm7… Đây là những đặc điểm hữu ích giúp chủ thể định hướng dư luận xã hội có thể áp dụng để tối ưu hiệu quả định hướng dư luận xã hội phù hợp với từng đối tượng.

Thứ ba, tính tương tác đa chiều trên không gian mạng tạo điều kiện hình thành một không gian công cộng giúp phát huy dân chủ, thu hút công chúng tham gia rộng rãi vào các cuộc trao đổi, thảo luận ý kiến công khai, giúp hình thành dư luận xã hội.

Không gian công cộng chính là môi trường, là khoảng không gian vô hình để công chúng tự do trình bày quan điểm, nguyện vọng của mình. Tương tự như vậy, mạng xã hội là môi trường trung gian giữa xã hội dân sự và Nhà nước, là nơi tất cả mọi công dân đều có thể tiếp cận, nơi mà mọi người tụ tập, gặp nhau để đưa ra ý kiến công khai. Những trao đổi mang tính tranh luận về các vấn đề lợi ích chung và cho phép đưa ra những ý kiến công khai8. Trong trường hợp này, mạng xã hội chính là kênh tương tác hiệu quả với công chúng, giúp thu nhận thông tin phản hồi để nắm bắt và định hướng dư luận xã hội.

Thứ , mạng xã hội có khả năng định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội trên diện rộng, nhanh chóng, kịp thời về những sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội diễn ra trong nước và trên thế giới.

Mạng xã hội, với ưu thế lan tỏa thông tin nhanh chóng, trên diện rộng, giao diện sinh động, trình bày nội dung đa dạng, hấp dẫn, dễ tiếp cận…, nên có thể tác động nhanh đến quá trình hình thành và biến đổi dư luận xã hội không kém các loại hình phương tiện truyền thông truyền thống. Nền tảng mạng xã hội cho phép chủ thể làm công tác định hướng dư luận xã hội có thể phối kết hợp nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Bằng cách chia sẻ nhanh chóng, kịp thời những thông tin chính thống qua mạng xã hội, người làm công tác định hướng dư luận xã hội có thể nhanh chóng dập tắt tin đồn, tin giả, xác lập nhận thức đúng đắn cho công chúng, từ đó có những thái độ phù hợp và hành vi phát ngôn hợp lý.

Định hướng dư luận xã hội thông qua mạng xã hội

Với những ưu thế kể trên, định hướng dư luận xã hội thông qua mạng xã hội là phương pháp có tác dụng lớn trong hướng dẫn dư luận ở cấp độ nhóm xã hội và cộng đồng. Để thực hiện phương pháp định hướng dư luận xã hội này, cần thực hiện các hướng sau:

(1) Các cơ quan chuyên trách công tác định hướng dư luận xã hội (cơ quan làm công tác tuyên giáo của cấp ủy, cơ quan chính trị, cơ quan đảng, các cơ quan báo chí, xuất bản…) cần nhanh chóng đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội để phổ biến nhanh chóng, kịp thời các thông tin chính thống về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các địa phương, các thông tin về sự kiện, quá trình chính trị đang diễn ra trong nước và trên thế giới, thu nhận và phản hồi thông tin với công chúng, qua đó nắm bắt và định hướng dư luận xã hội.

Qua khảo sát cho thấy, rất nhiều cơ quan báo chí đã có tài khoản, không chỉ trên một mà nhiều mạng xã hội ở Việt Nam, như: báo Nhân Dân, Tuổi trẻ, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Sài Gòn giải phóng… Báo Nhân dân là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong việc lập tài khoản trên mạng xã hội. Báo mở tài khoản trên Facebook từ năm 2016, mở tài khoản kênh Truyền hình Nhân dân (Nhân dân TV) trên Youtube năm 2018, mở tài khoản trên Tiktok năm 2021 và trên Zalo năm 2022 với lượng người theo dõi và truy cập rất cao.

Với quan điểm “Ở đâu có bạn đọc, ở đó có Báo Quân đội nhân dân”, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tại Đề án “Đầu tư phát triển Báo Quân đội nhân dân theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đến năm 2025”. Từ tháng 01/2018, tài khoản Báo Quân đội nhân dân trên mạng xã hội Youtube đã chính thức mở. Tháng 7/2020, Báo mở tài khoản trên Facebook, tháng 7/2021 mở tài khoản trên Zalo và đến tháng 8/2021 mở tài khoản trên Tiktok. Đến nay, Báo Quân đội nhân dân là một trong những cơ quan báo chí ở Việt Nam có nhiều nền tảng mạng xã hội nhất với 5 nền tảng gồm: Facebook (283 nghìn người theo dõi), Youtube (80,1 nghìn người đăng ký), Zalo, TikTok (546,2 nghìn người theo dõi), Lotus tập hợp gần 1 triệu bạn đọc đăng ký, theo dõi thường xuyên. Trong đó Fanpage Facebook Báo Quân đội nhân dân Điện tử có tick xanh giúp cho công tác tuyên truyền chính trị đạt hiệu quả tốt. Đầu tháng 8/2021, Báo Quân đội nhân dân Điện tử cho ra mắt chuyên mục phát thanh Podcast trên chuyên trang https://media.qdnd.vn và trên các nền tảng như: Google Podcast, Apple Podcast, Facebook Podcast, Spotify…

Ngoài ra, Báo Quân đội Nhân dân còn mở Fanpage Diễn đàn Quân sự – Vũ khí và Army Games chuyên về quân sự, quốc phòng, vũ khí (đạt 12.000 người theo dõi). Lượng tương tác trên 4 nền tảng mạng xã hội của báo Quân đội nhân dân hiện không dừng lại mà tiếp tục tăng lên cho thấy các nội dung được Báo Quân đội nhân dân chọn lọc đăng tải trên nền tảng mạng xã hội được cộng đồng mạng xã hội quan tâm, hưởng ứng.          Tháng 10/2015, Chính phủ đã lập 2 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia”. Việc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và mạng xã hội Facebook hợp tác cung cấp thông tin chính thức về chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đến đông đảo nhân dân và doanh nghiệp một cách nhanh nhất, chính xác nhất thông qua các nền tảng mạng xã hội. Theo đó, người dân tiếp cận kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế – xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc này vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, năng lực giám sát của người dân, vừa góp phần thiết thực định hướng dư luận trên mạng xã hội. Từ năm 2020 – 2022, lượng người truy cập và theo dõi trang Thông tin điện tử Chính phủ trên mạng xã hội Facebook đã tăng gấp hơn 10 lần, trở thành một trong những địa chỉ cung cấp thông tin uy tín nhất, hoạt động hiệu quả nhất trong số những fanpage chính thống của các cơ quan nhà nước. Trang Fanpage Thông tin Chính phủ hoạt động 24/7, là kênh thông tin hữu hiệu của người dân, doanh nghiệp và kiều bào ta ở nước ngoài trong việc tiếp cận thông tin chính thống của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 11/6/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Viettel triển khai mạng xã hội VCNet với phương châm “Tuyên giáo đi trước, đi cùng”, “Hướng mạnh về cơ sở”. Mạng xã hội này dựa trên ý tưởng kết nối trong ngành tuyên giáo và kết nối giữa ngành tuyên giáo với cán bộ, đảng viên, người dân, hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo.

Hương sen Việt là tài khoản được mở trên Facebook từ tháng 3/2019, hiện có 96,5 nghìn người theo dõi, do Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý. Fanpage ra đời trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đây là Fanpage tập hợp các bài viết, video clips, hình ảnh của các Facebooker phản bác các thông tin xấu, độc, các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch đối với Đảng và Nhà nước ta.

(2) Phát huy vai trò định hướng dư luận xã hội của những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (nhà báo, KOLs, influencers, Vbloger, Youtubers). Đó là các trí thức lớn, nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ, các vận động viên nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội, chuyên gia trong những lĩnh vực chuyên môn, am hiểu sâu sắc vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội…

Nếu những người này có các tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi, tương tác lớn, nguồn thông tin, quan điểm của những người này sẽ có ảnh hưởng lớn tới nhóm  đông đảo công chúng. Phát huy vai trò của những người có uy tín trên mạng xã hội theo hướng tích cực sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới cộng đồng mạng, thậm chí trong những trường hợp cụ thể hiệu quả hơn rất nhiều những thông tin trên báo chí chính thống. Do vậy, những người này cũng là chủ thể quan trọng trong hoạt động định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội9. Lý thuyết dòng chảy hai bước trong truyền thông (do 2 nhà xã hội học Lazarsfeld và Katz xây dựng) dựa trên một nghiên cứu năm 1940 về ảnh hưởng xã hội chỉ ra rằng: hầu hết mọi người hình thành quan điểm của họ dưới sự ảnh hưởng của những người dẫn dắt ý kiến (opinion leaders) và  có một hiệu ứng truyền thông được thiết lập gián tiếp thông qua sự ảnh hưởng của những người dẫn dắt ý kiến. Những người này tiếp nhận thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng (Mass Media) và truyền tải những thông tin đó dựa trên quan điểm của họ đến công chúng rộng hơn. Theo Lazarsfeld và Katz, thông tin truyền thông đại chúng được truyền tới “quần chúng” thông qua sự lãnh đạo ý kiến.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ở nước ta, vai trò định hướng dư luận xã hội của các chuyên gia, của những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội là rất rõ rệt. Công tác phòng, chống dịch có rất nhiều lĩnh vực, với công việc rất lớn và thay đổi phương án điều hành liên tục, do vậy, không tránh khỏi những lúc khiến người dân hoang mang, lo lắng, hiểu chưa đúng về công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong những tình huống ấy, công tác tuyên truyền, định hướng thông tin cần được đặc biệt quan tâm để chuyển tải thông tin một cách chính xác và nhanh nhất đến với người dân. Nhờ sự tham gia, góp sức của các chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ, các y, bác sĩ trong việc chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực về công tác phòng, chống dịch Covid-19; cảnh báo tin giả, tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các trang, hội/nhóm trên mạng xã hội; vạch trần các phương thức, thủ đoạn, luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam, đã khơi dậy được sự tin tưởng của người dân, chúng ta mới huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, có sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân để cùng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

(3) Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội cho phép người dùng tương tác đa chiều để tạo lập các diễn đàn, các nhóm công khai. Bên cạnh tài khoản của các cơ quan báo chí, cơ quan làm công tác tuyên giáo, các diễn đàn, các hội nhóm này là chính là môi trường, là khoảng không gian vô hình để công chúng bày tỏ quan điểm, thái độ, mong muốn, nguyện vọng của mình với những vấn đề nóng bỏng của địa phương, của đất nước. Các diễn đàn, hội nhóm – trong trường hợp này là môi trường trung gian giữa người dân và Nhà nước, là nơi tất cả mọi công dân đều có thể tiếp cận thông tin chính thống, nơi mà mọi người tụ tập, gặp nhau để đưa ra những trao đổi mang tính tranh luận về các vấn đề lợi ích chung và cho phép đưa ra những ý kiến công khai. Trong trường hợp này, mạng xã hội chính là kênh tương tác hiệu quả với công chúng, giúp thu nhận thông tin phản hồi để nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Khi tạo lập các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, cần thiết phải có sự tham gia quản lý của các Admin (quản trị viên) và sự dẫn dắt ý kiến của những người có hiểu biết pháp luật, có trình độ lý luận chính trị, là chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, là các thủ lĩnh ý kiến, người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội… để tham gia định hướng thông tin, định hướng vấn đề trong quá trình trao đổi, thảo luận ý kiến.

(4) Để định hướng dư luận xã hội thông qua mạng xã hội phát huy được hiệu quả tốt nhất, cần thiết phải trang bị cho chủ thể – những người trực tiếp định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội kiến thức và kỹ năng phù hợp. Bên cạnh trình độ lý luận chính trị, sự am hiểu các vấn đề xã hội thì trình độ ngoại ngữ và khả năng sử dụng công nghệ cũng rất quan trọng. Chủ thể định hướng dư luận xã hội  trên mạng xã hội cần có kỹ năng xây dựng các nội dung trực quan như: hình ảnh, infographic, video, audio, video trực tiếp (Live streaming video), Audio (Podcast), soạn thảo văn bản…

Kết luận

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, nắm bắt, sử dụng và định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận xã hội trên mạng xã hội. Mạng xã hội càng phát triển thì càng không được coi nhẹ công tác này. Sử dụng mạng xã hội để mở rộng và kết nối thông tin giữa các cơ quan chính quyền với người dân đang là xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng. Chính vì vậy,định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội trở thành phương thức trong công tác chính trị tư tưởng, góp phần giải tỏa những căng thẳng và xung đột xã hội tiềm tàng, mang lại sự ổn định, bình yên cho đất nước.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 181.
2, 3. Internet Việt Nam 2023: Số liệu mới nhất và xu hướng phát triển. https://www.vnetwork.vn, ngày 12/8/2023.
4. Are Vietnamese tweeting more? A review of social media use in Q1 2022. https://www.decisionlab.co/blog/are-vietnamese-tweeting-more, access at 3 Oct, 2023.
5. “Choáng” với lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam – Báo Người lao động. https://nld.com.vn, ngày 09/6/2023.
6. Social, digital and mobile in Vietnam. https://https://wearesocial.com, 30 Oct, 2012.
7. Mạng xã hội VCNet với việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo. https://tuyengiao.vn, 20/12/2021.
8, 9. Trần Văn Phòng. Chủ thể, nội dung, phương thức tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. Kỷ yếu Hội thảo Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay. Hà Nội, tháng 8/2022.
ThS. Lưu Thị Thu Phương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền