Giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Trị

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển du lịch bền vững là một trong những nội dung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mang lại những lợi ích thiết thực bền vững cho người dân. Song thực tiễn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay, các sản phẩm du lịch của tỉnh nhìn chung còn thiếu tính bền vững, ảnh hưởng không nhỏ đến kế sinh nhai của người dân trong khu vực. Bài viết khái quát những vấn đề lý luận có liên quan, phân tích để làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững, đồng thời có những đề xuất giải pháp nhằm góp phần nâng cao hơn nữa phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ảnh: baodautu.vn.
Đặt vấn đề

Phát triển du lịch bền vững không chỉ là vấn đề riêng của bất cứ đất nước nào mà là của tất cả các quốc gia, là xu hướng chung mà các quốc gia, các vùng, miền, địa phương hướng đến nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho Nhân dân. Phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế cũng như văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường được lâu dài, giữ vững được các thành quả và phát huy chúng cho các thế hệ mai sau. Phát triển du lịch bền vững được xem là ngành công nghiệp không khói, sẽ góp phần làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, giảm thiếu việc khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như góp phần hạn chế các ngành, nghề độc hại mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Tuy có nhiều lợi ích như vậy, nhưng, phát triển bền vững các sản phẩm du lịch ở tỉnh Quảng Trị hiện nay việc còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Khái niệm du lịch và phát triển du lịch bền vững

Theo Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê chủ biên, du lịch được hiểu là: “đi xa cho biết xứ lạ khác với nơi mình ở”1. Còn theo Luật Du lịch năm 2017, thì du lịch được định nghĩa: “là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”2. Như vậy, du lịch là hoạt động của con người đi tham quan, nghỉ mát hoặc kết hợp công việc với mục đích giải trí, tìm hiểu, khám phá… những điểm khác lạ so với nơi mình ở.

Du lịch là một ngành kinh tế có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác từ kinh tế đến xã hội, cho đến tài nguyên môi trường, văn hóa, hệ thống chính trị của địa phương,… giữa các yếu tố này có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Việc phát triển du lịch sẽ tác động đến kinh tế – xã hội và môi trường xung quanh, ngược lại, phát triển kinh tế – xã hội và môi trường cũng có ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Do vậy, phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần phát triển kinh tế – văn hóa xã hội và môi trường tại địa phương được bền vững.

Khái niệm du lịch bền vững (Sustainable Tourism) được đề cập tại World Conservation Union năm 1996 và được nhiều quốc gia và hiệp hội du lịch lớn trên thế giới đồng tình ủng hộ: du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên, các đặc điểm văn hóa kèm theo (có thể là cả trong quá khứ và hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế – xã hội của cộng đồng địa phương3.

Khái niệm phát triển du lịch bền vững được khẳng định trong Luật Du lịch năm 2017: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”4. Việc nhận thức đúng đắn phát triển du lịch bền vững có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Do đó, các nhà quản lý, các công ty phải có kế hoạch phát triển du lịch trong tương lai, nhằm mang lại lợi ích bền vững, hài hoà cho Nhân dân địa phương cũng như nhà đầu tư du lịch.

Một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Trị hiện nay

Tỉnh Quảng Trị thuộc Bắc Trung Bộ, trong những năm qua, chính quyền và người dân trong tỉnh đã có nhiều thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng dần các ngành dịch vụ, du lịch để tăng thêm thu nhập cho Nhân dân. Song, thực tiễn phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Trước hết, nguồn tài nguyên du lịch của Quảng Trị hiện nay còn hạn chế so với các địa phương khác, một số cảnh quan như rừng nguyên sinh Rú Lịnh, bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt chủ yếu cung cấp dịch vụ, du lịch vào những tháng hè, các tháng còn lại khá ít khách du lịch.

Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch văn hóa ở tỉnh Quảng Trị mặc dù có nhiều khu du lịch tâm linh, nhiều lễ hội cách mạng tiêu biểu, hằng năm thu hút được hàng vạn lượt khách và tín đồ tham quan hành lễ, song những hình thức này cũng mang tính mùa vụ, không phải xuyên suốt quanh năm nên thu nhập của người dân và chính quyền tại địa phương không ổn định quanh năm mà theo thời điểm. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch mang tính lịch sử, như: Thành cổ Quảng trị, Đường 9 Khe Sanh; Địa đạo Vĩnh Mốc, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… Những địa điểm này có những dấu ấn riêng biệt, có giá trị văn hóa, giá trị giáo dục. Tuy nhiên, khách du lịch thường ít lưu trú lâu ngày tại những địa điểm này nên các dịch vụ đi kèm như cho thuê khách sạn, nhà nghỉ, các dịch vụ khác thường gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, năm 2019, Quảng Trị đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 176.000 lượt, tổng doanh thu kinh doanh du lịch ước tính đạt 1.782 tỷ đồng5. Trong khi đó lượng khách nội địa và quốc tế của cả nước năm 2019 đạt 103 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng6. Như vậy, lượng khách du lịch đến Quảng Trị tham quan chiếm khoảng 2% so với cả nước. Đến năm 2022 tổng lượng khách du lịch đến địa phương này ước đạt 1.550.000 lượt (tăng 301,5% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 198,7% so với kế hoạch đầu năm); khách lưu trú chuyên ngành ước đạt 565.000 lượt; tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.475 tỷ đồng7, so với năm 2019 thì lượng khách đến và doanh thu của ngành du lịch giảm. Từ số liệu trên có thể thấy tài nguyên du lịch là một trong những nhân tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thu hút khách du lịch đến tham quan và sử dụng các dịch vụ.

Thứ hai, về hạ tầng cơ sở. Quảng Trị có hạ tầng cơ sở khá phát triển, thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường sắt và đường biển, còn đường hàng không cách khá xa khoảng 80 – 90km so với sân bay Phú Bài và sân bay Đồng Hới. Hiện nay, về cơ bản hệ thống giao thông đường bộ được bê tông hóa hoặc nhựa hóa hầu hết các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, giao thông từ huyện đến các xã khá thuận lợi. Đặc biệt tỉnh Quảng Trị có giao thông kết nối với các nước Lào, Thái Lan và My-an-ma thông qua cửa khấu quốc tế Lao Bảo. Đây là một trong những tuyến đường giao thông quan trọng mang lại lợi thế cho Quảng Trị thu hút du khách sang tham quan. Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du khách nhìn chung được chú trọng đầu tư, hiện nay Quảng Trị có 2 khách sạn 4 sao và hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ,…

Thứ ba, nguồn nhân lực. Đây là một trong những nhân tố có những ảnh hưởng nhất định đến phát triển du lịch bền vững. Sự hài lòng của du khách có nhiều yếu tố trong đó cơ sở vật chất, kỹ thuật và chất lượng nhân lực làm du lịch là những yếu tố rất quan trọng. Do tài nguyên du lịch của tỉnh Quảng Trị có những thế mạnh song cũng có những hạn chế nhất định so với các địa phương khác nên việc các công ty du lịch ít đầu tư bài bản cho nhân viên của mình do lợi ích thu được từ du lịch nhìn chung chưa cao, nhiều sản phẩm du lịch theo mùa vụ. Mặt khác, do thu nhập thấp và không ổn định, thiếu tính bền vững nên khó giữ chân được nhân viên phục vụ lâu dài.

Thứ tư, trình độ tổ chức và chất lượng dịch vụ du lịch. Khâu tổ chức có tác động đến hiệu quả hoạt động du lịch, ảnh hưởng đến du khách tham quan, cũng như sự đầu tư của các công ty, doanh nghiệp. Việc tổ chức du lịch trước hết thể hiện ở việc quy hoạch du lịch, cần nhìn ra được sản phẩm du lịch nào là trọng tâm, trọng điểm thu hút được đông khách tham quan để có chiến lược đầu tư đúng đắn và bài bản, phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, việc quản lý, điều hành hệ thống hỗ trợ, từ cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ, chính sách thu hút, quảng bá, tuyên truyền cũng có ý nghĩa quan trọng. Nếu những khâu dịch vụ này có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bền vững của du lịch của tỉnh hiện nay.

Thứ năm, sự tham gia tích cực của người dân địa phương, du khách và các cơ sở kinh doanh dịch vụ.Bất kỳ hình thức du lịch nào cũng đều gắn liền với địa phương, phát triển du lịch tại địa phương thì trước hết phải mang lại lợi ích cho chính người dân tại địa phương rồi mới tính đến lợi ích của doanh nghiệp. Do đó, người dân tại địa phương sẽ đóng góp một phần rất quan trọng trong khai thác du lịch, họ là người có khả năng bảo vệ, bảo tồn những nét văn hóa, những nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có.

Bên cạnh người dân địa phương thì khách du lịch cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, so với cả nước, du khách đến tỉnh Quảng Trị (tính cả khách nội địa và khách quốc tế) chỉ khoảng 2 triệu lượt khách, chỉ bằng 2% so với cả nước. Đây là một con số tương đối thấp nên nguồn thu từ khách du lịch ở tỉnh Quảng Trị còn hạn chế. Khi du khách đến địa phương du lịch không nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, doanh nghiệp, điều đó sẽ dẫn đến du lịch phát triển thiếu bền vững là điều khó tránh khỏi.

Thứ sáu, đặc trưng thời tiết của tỉnh cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Quảng Trị là một trong những tỉnh thuộc khu vực phía Bắc miền Trung Việt Nam, nơi đây chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, mùa hè thì nắng nóng gay gắt và gió Lào nên rất nóng, nhiệt độ có lúc lên đến 40oC; mùa mưa kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 1 năm sau và thường xuất hiện nhiều cơn bão. Thông thường vào mùa mưa rét ít khách đi du lịch. Chính những tác động ngoại cảnh này đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vào du lịch, cũng như ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển rất ít, do đó, việc sử dụng các dịch vụ cũng ít nên nguồn thu bị giảm đáng kể. Do vậy, những người làm dịch vụ du lịch và cả người dân địa phương được huy động phục vụ du lịch thường làm việc theo mùa vụ, ảnh hưởng đến thu nhập, nên họ phải tìm các công việc khác trong mùa mưa để bảo đảm cuộc sống của mình,…

Giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Trị hiện nay

Một là, xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch với tầm nhìn xa, phát triển bền vững. Đặc biệt chú trọng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử,… Về du lịch sinh thái, các doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền và người dân địa phương để cùng nhau bảo vệ và phát triển lâu dài địa phương, vừa thu được lợi ích kinh tế, vừa giữ được môi trường trong sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên. Chủ trọng chia sẻ hài hòa lợi ích, tránh hiện tượng lợi ích chỉ chảy về túi của doanh nghiệp, còn người dân thì mất kế sinh nhai, điều đó sẽ dẫn đến thiếu bền vững. Bên cạnh quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, việc quy hoạch phát triển du lịch văn hóa, lịch sử cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng của tỉnh. Bởi vì, một số điểm lịch sử, văn hóa của tỉnh là điểm nhấn, như nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Địa đạo Vĩnh Mốc, Khe Sanh, bờ Hiền Lương,… là những sản phẩm du lịch không nơi nào có được. Những nơi này cần phải tôn tạo, tạo thêm cảnh quan xanh, bảo vệ cây cổ thụ để tăng cường không khí mát mẻ về mùa hè, vừa giữ gìn môi trường sinh thái, vừa thu hút được khách tham quan. Bên cạnh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch thì tỉnh Quảng Trị cũng cần từng bước nâng cao cơ sở vật chất, từ giao thông cho đến hệ thống thông tin, liên lạc, các nhà nghỉ, nhà chờ; xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của địa phương. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch cần được thực hiện đồng bộ, tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa kịp thời để mang lại sự hài lòng cho khách tham quan, du lịch.

Hai là, tỉnh Quảng Trị cần có chính sách thu hút các công ty, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư cho du lịch của tỉnh, đây là những đơn vị có khả năng thực hiện được các dự án có quy mô lớn. Các chính sách, như, ưu đãi thuê đất, giảm trừ thuế hoặc các hình thức khuyến kích khác để nhà đầu tư yên tâm và thấy được lợi ích bền vững của nhà đầu tư, nhà nước và lợi ích của người dân.

Ba là, xây dựng các tour du lịch liên kết với các tỉnh lân cận đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Bình để thu hút du khách tham quan theo lộ trình nhanh nhất, có lợi nhất, thuận tiện nhất. Mỗi tour du lịch liên kết này phải có sự đã dạng về nội dung, làm nổi bật được đặc trưng của từng địa phương, tránh sự nhàm chán cho du khách, tăng thời gian lưu trú của du khách tại các địa phương. Sau mỗi năm cần đánh giá lại hiệu quả của các tour để có các giải pháp phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Do vậy, chúng ta cần phải tính toán để xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững, tạo ra thu nhập ngày càng cao cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Bốn là, cần kết hợp phát triển du lịch và các hình thức phát triển kinh tế khác. Du dịch của tỉnh Quảng Trị hiện nay nhìn chung vẫn theo mùa vụ, đặc biệt du khách đến tham quan nhiều hơn vào mùa hè, ít hơn vào mùa mưa, do vậy, những tháng mùa mưa công ty du lịch cũng như nhân viên và người dân địa phương ít có việc làm, thu nhập giảm. Do đó, để duy trì cuộc sống và chi phí sinh hoạt cho bản thân người lao động và doanh nghiệp có thể tạo ra các hình thức phát triển kinh tế khác để bổ trợ, như sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nghề thủ công nghiệp, nông nghiệp,…

Năm là, cần tăng cường quảng bá du lịch, hình ảnh đẹp, nội dung, ý nghĩa du lịch của địa phương, đặc biệt về ý nghĩa lịch sử, nhân văn đối với các di tích lịch sử để du khách trong và ngoài nước có điều kiện tìm hiểu trước khi quyết định đi tham quan, du lịch tại những điểm này. Các hình ảnh quảng bá phải chân thực, tránh thổi phồng gây khác biệt quá lớn khiến du khách thất vọng, nhất trong thời đại công nghệ, thông tin thì bất cứ thông tin tiêu cực nào cũng đều có sự lan tỏa rất nhanh mà khó có thể khắc phục. Do đó, việc quảng bá cần thận trọng, để ngày càng lan tỏa những giá trị tích cực đến với mọi người. Hình thức quảng bá có thể sử dụng các mạng xã hội, làm video các sản phẩm du lịch, các dịch vụ để giới thiệu đăng trên trên youtube, facebook,…

Kết luận

Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị hiện nay cần phải được thực hiện trên các mặt khác nhau, đó là phát triển kinh tế bền vững, phát triển văn hóa bền vững và duy trì phát triển môi trường bền vững, ba yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau tạo thành sự bền vững của du lịch. Mặc dù có nhiều nhân tố ảnh hưởng tích cực đến phát triển du lịch bền vững của tỉnh Quảng Trị nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực, như: nguồn tài nguyên du lịch đơn điệu, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để thực hiện các công trình mang điểm nhấn, trình độ tổ chức, các dịch vụ đi kèm còn hạn chế và thiếu thốn, điều kiện thời tiết bất lợi, lượng du khách chưa nhiều,… Tất cả những điều đó đã tác động cùng nhau gây ra những hạn chế để thực hiện phát triển du lịch bền vững của tỉnh Quảng Trị trong tương lai. Do vậy, việc nhận thức đúng đắn, có cái nhìn khái quát về những những tác động bất lợi cũng như có lợi đối với du lịch sẽ góp phần đưa ra những giải pháp thích hợp.

Chú thích
1. Hoàng Phê. Từ điển tiếng Việt. H. NXB Từ điển Bách khoa, 2010, tr. 348.
2, 4.  Luật Du lịch năm 2017.
3. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch. https://tapchicongthuong.vn, ngày 08/4/2022.
4. Hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan tại Quảng Trị trong năm 2019. https://tinhuyquangtri.vn ngày 12/12/2019.
6. Du lịch Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, đón 18 triệu lượt khách quốc tế. http://baochinhphu.vn ngày 27/12/2019.
7. Quảng Trị: Đề xuất giải pháp để ngành du lịch phát triển bền vững. http://daidoanket.vn ngày 12/04/2023.
TS. Tạ Thị Vân Hà
Trường Đại học Thương mại