Một số yêu cầu nâng cao chất lượng công tác tuyển quân ở tỉnh Lâm Đồng

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tuyển quân có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng lực lượng cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trong Quân đội. Thực tiễn ở tỉnh Lâm Đồng thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển quân của tỉnh. Bài viết đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển quân ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Các tân binh lên đường nhập ngũ. Ảnh: baolamdong.vn.
Đặt vấn đề

Công tác tuyển quân ở tỉnh Lâm Đồng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng trong công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hiện nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì nhiệm vụ tuyển quân còn gặp những bất cập về việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Quán triệt, thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyển quân ở địa phương mà trọng tâm là đề cao trách nhiệm, huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức, lực lượng trên địa bàn trong công tác tuyển quân.

Thực hiện công tác tuyển quân của tỉnh Lâm Đồng

Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyển quân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh, các đơn vị nhận quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyển quân, bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, công bằng, tạo điều kiện cho công dân hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc.

Nổi bật là, các địa phương đã thực hiện tốt việc quản lý, đăng ký công dân trong độ tuổi nhập ngũ; công khai danh sách khám tuyển, xét duyệt hồ sơ sức khỏe, bảo đảm đúng Luật Nghĩa vụ quân sự và các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng trong Nhân dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng, nhất là thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ được triển khai với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp đã phát huy vai trò là cơ quan thường trực, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyển quân.

Phương thức tiến hành công tác tuyển quân có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu năm 2023, công tác tuyển quân ở Lâm Đồng trong trạng thái bình thường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nên thời gian qua các địa phương tổ chức khá toàn diện các mặt tuyển quân. Trong đó, tập trung thực hiện đúng quy trình tuyển quân, theo phương châm: giao quân đủ, chất lượng cao, gọi người nào chắc người đó, không có loại trả. Bên cạnh đó, Hội đồng nghĩa vụ quân sự cũng chuẩn bị cho hội trại tòng quân, tổ chức thăm hỏi, làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành công tác khám, tuyển chọn công dân nhập ngũ trong tổng số 1.150 chỉ tiêu giao. Cùng với đó, chất lượng công dân nhập ngũ năm 2023 của Lâm Đồng tương đối cao, trong đó các tiêu chí về sức khỏe loại 1, loại 2 chiếm gần 60%; tỷ lệ thanh niên trình độ Trung học phổ thông đạt 30%; cao đẳng và trung cấp:3,5%; đại học: 0,7%. Các thanh niên có tuổi đời từ 18 – 27, trong đó có 768 thanh niên độ tuổi từ 18 – 20, chiếm hơn 66,7% và tỷ lệ đảng viên nhập ngũ đợt này là 1,9%. Trong tổng số tân binh nhập ngũ đợt này, có 528 thanh niên con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh1. Năm 2023, các tân binh của Lâm Đồng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Học viện Lục quân; Lữ đoàn tác chiến Điện tử 98, Bộ Tổng tham mưu; Lữ đoàn Công binh 293, Bộ Tư lệnh Công binh và các sư đoàn, lữ đoàn, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Việc tổ chức lễ giao nhận quân diễn ra trang trọng, có ý nghĩa giáo dục, bảo đảm tiết kiệm, đúng quy định của Bộ Quốc phòng. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chú trọng tiến hành các hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, như: kể chuyện truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; giao lưu giữa quân nhân, đảng viên vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự với thanh niên chuẩn bị nhập ngũ; các đoàn thể động viên, tổ chức tặng quà cho tân binh,… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khích lệ tình yêu quê hương đối với thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đó, công tác tuyển quân vẫn còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục có nội dung còn đơn giản, chưa kết hợp tuyên truyền với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về Luật Nghĩa vụ quân sự chưa đầy đủ. Ở một số địa phương, sự phối hợp giữa cơ quan quân sự và các ban, ngành chức năng trong việc tham mưu, đôn đốc, kiểm tra tổ chức thực hiện chưa tốt. Việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi nhập ngũ ở một số địa phương chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân của những hạn chế trên có nhiều, đáng chú ý là sự bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự chậm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đối tượng tạm hoãn nhập ngũ (quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự) hiện nay không còn phù hợp, gây khó khăn cho việc tuyển chọn công dân có trình độ vào phục vụ quân đội. Các chế tài xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm luật nghĩa vụ quân sự chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (quy định tại Nghị định số 151/2003/NĐ-CP của Chính phủ) chưa đủ mạnh; tính giáo dục, răn đe chưa cao. Những vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến chất lượng công tác tuyển quân của tỉnh trong thời gian qua.

Một số yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng công tác tuyển quân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với công tác tuyển quân, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác tuyển quânnói riêng. Đây là nội dung quan trọng, quyết định đến chất lượng công tác tuyển quân hằng năm của các địa phương. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quân sự các cấp làm tốt việc đăng ký, quản lý nguồn ngay từ cơ sở; đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 21/01/2013 của Bộ Quốc phòng – Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT về việc tạm hoãn gọi công dân nhập ngũ.

Nội dung tuyên truyền cần đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể; trong đó, cần làm rõ những vấn đề cơ bản về quyền và nghĩa vụ của công dân, nhất là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc đối với thanh niên trong độ tuổi theo luật định; tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan,… Phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục cần đổi mới theo hướng đa dạng, phù hợp và hiệu quả, coi trọng đối tượng là công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ và địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Cùng với công tác giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tăng cường các hình thức: tọa đàm, nói chuyện truyền thống; trực tiếp gặp gỡ động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng của thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ và gia đình, giải thích các vấn đề liên quan; tặng quà, sổ tiết tiệm đối với các hộ nghèo và gia đình thuộc diện chính sách,… Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quân sự, các ban, ngành, đoàn thể trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tuyển quân. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần thấy rõ công tác tuyển quân là một trong những nội dung quan trọng, khâu then chốt để lựa chọn những công dân có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và năng lực vào phục vụ trong quân đội; là cơ sở để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quân đội. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, cơ quan quân sự, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các địa phương cần thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các khâu, các bước trong quá trình tuyển quân. Đồng thời, phát huy vai trò trung tâm hiệp đồng với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thực hiện theo quyền hạn, nhiệm vụ, bảo đảm đúng nguyên tắc, công khai, dân chủ, công bằng trong công tác tuyển quân.

Cơ quan quân sự các cấp cần quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ; thực hiện tốt việc sơ tuyển, khám tuyển, xét duyệt và phát lệnh gọi nhập ngũ, bảo đảm đúng quy trình, thời gian và chất lượng. Bên cạnh đó, phải thường xuyên sâu sát, nắm chắc cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, giải quyết kịp thời mặt yếu, khâu yếu ở từng thôn (làng, bản, tổ dân phố), xã (phường, thị trấn), không để hiện tượng tiêu cực nảy sinh.

Mặt khác, hội đồng khám sức khỏe các cấp thường xuyên được kiện toàn; tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn về quy trình kiểm tra sức khỏe, yêu cầu đặc thù sức khỏe công dân đối với từng địa phương; tổ chức điều hành các điểm khám tuyển phù hợp; bảo đảm đầy đủ máy móc trang thiết bị, đội ngũ chuyên môn khám tuyển nghĩa vụ quân sự; làm tốt công tác rút kinh nghiệm sau mỗi đợt khám, kết luận sức khỏe công dân đúng quy định; sau khám tuyển Hội đồng nghĩa vụ quân sựcác cấp xét duyệt các tiêu chuẩn gọi nhập ngũ bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật. Tổ chức Lễ giao, nhận quân cho các đơn vị Quân đội và Công an cùng một ngày, cùng địa điểm để tạo khí thế của ngày hội Tòng quân và Lễ tiếp đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đúng quy định, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đạt hiệu quả, thực sự là ngày hội của tuổi trẻ thanh niên Lâm Đồng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về côngtác tuyển quân và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Với phương châm “Làm tốt chính sách hậu phương Quân đội là cánh tay nối dài góp phần nâng cao chất lượng tuyển quân”, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, như: tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình và thanh niên trúng tuyển an tâm tư tưởng, sẵn sàng lên đường nhập ngũ; đồng thời, phối hợp với đơn vị làm tốt công tác đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của quân nhân đúng quy định; các đơn vị chủ động phối hợp với địa phương phân loại hoàn cảnh từng quân nhân, có kế hoạch giúp đỡ các gia đình có con em đang tại ngũ gặp hoàn cảnh khó khăn, từ đó giúp quân nhân yên tâm công tác phấn đấu, rèn luyện.

Trong năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho 301 bộ đội xuất ngũ, nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên chưa có bộ đội xuất ngũ nào đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, có 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho bộ đội, công an xuất ngũ. Năm 2022, đã giải quyết hỗ trợ kinh phí học nghề cho 132 học viên đã được đào tạo năm 2020 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng2.

Thứ , làm tốt công tác hiệp đồng giữa địa phương giao quân và đơn vị nhận quân cả trước, trong và sau lễ giao nhận quân. Các địa phương trong tỉnh cần hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị nhận quân để hoàn tất các thủ tục cần thiết, bàn giao đầy đủ về số lượng, chất lượng công dân nhập ngũ cho đơn vị. Các đơn vị nhận quân làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm tốt nhất nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập,… để quân nhân yên tâm, gắn bó với đơn vị ngay từ những ngày đầu. Đội ngũ cán bộ khung trực tiếp quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới phải thực sự làm chỗ dựa tinh thần cho bộ đội, định hướng để họ xác định trách nhiệm xây dựng quân đội. Tăng cường phối hợp, bám sát đơn vị, tích cực, chủ động chỉ đạo chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh theo chức trách, thẩm quyền được giao.

Kết luận

Công tác tuyển quân hằng năm, có vị trí, vai trò, tầm quan trọng hết sức to lớn; là cuộc vận động chính trị sâu rộng, liên quan đến mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, mọi thành phần kinh tế – xã hội, nhất là sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng ở các địa phương. Tỉnh Lâm Đồng đã quántriệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ công tác tuyển quân hằng năm, đạt được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp quân sự, quốc phòng của địa phương, trực tiếp góp phần làm cho công tác tuyển quân đi theo đúng đường lối quân sự quốc phòng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chú thích:
1. Thanh niên Lâm Đồng lên đường thực hiện nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo Nhân dân, ngày 08/02/2023.
2. Tỉnh Lâm Đồng thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Báo Quân khu 7, ngày 07/01/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 (khóa X).
2. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
3. Luật Quốc phòng năm 2018.
4. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 30/7/1987 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng địa phương trong giai đoạn cách mạng mới.
5. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
6. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 12/3/2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Lê Hoa Khương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng