Phát triển chuỗi giá trị toàn cầu dưới góc nhìn của kinh tế chính trị Mác – Lênin cho hàng hóa nông sản

(Quanlynhanuoc.vn) – Sản xuất và thương mại hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, đối với hàng nông sản thường có sự biến động lớn về giá gây ra sự biến động về thu nhập, do đó, nông dân khó đạt được tăng trưởng thu nhập bền vững. Chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain – GVC) cho nông sản được khởi xướng gần 2 thập niên qua mà được xem là cách tiếp cận phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cho các quốc gia đang phát triển. Nghiên cứu này làm rõ cơ sở lý luận của phát triển chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản nhằm nâng cao thu nhập hộ nông dân dưới lăng kính của kinh tế chính trị Mác – Lênin, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ảnh minh họa (internet).
Các lý thuyết về chuỗi giá trị và chuỗi giá trị toàn cầu

(1) Lý thuyết chuỗi giá trị của Micheal Porter.

Michael Eugene Porter – Giáo sư của Đại học Harvard (Hoa Kỳ), nhà tư tưởng chiến lược và là một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới cho rằng, giải bài toán làm thế nào để quốc gia trở nên phát triển thịnh vượng thì cách tiếp cận quan tâm vào thể chế và các chính sách vĩ mô là chưa đủ. Thay vào đó, chìa khóa nằm ở lợi thế cạnh tranh cấp độ doanh nghiệp. Ông cho rằng, có hai kiểu lợi thế cạnh tranh cơ bản mà doanh nghiệp theo đuổi là chiến lược chi phí thấp và chiến lược khác biệt hóa. Lợi thế chi phí thấp sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế về giá sản phầm so với đối thủ, còn lợi thế khác biệt hóa là khả năng mang đến giá trị độc đáo cho khách hàng, giúp doanh nghiệp bán được giá cao. Công cụ phán đoán để tìm ra và củng cố lợi thế cạnh tranh chính là chuỗi giá trị; để giành được lợi thế cạnh tranh cần phụ thuộc vào sự hiểu biết về cả chuỗi giá trị lẫn phương pháp mà doanh nghiệp đáp ứng hệ thống giá trị tổng thể.

(2) Lý thuyết chuỗi giá trị “đường cong mỉm cười”.

Stan Shih – đồng sáng lập và là Chủ tịch danh dự của Acer Inc, Đài Loan, Trung Quốc đã đưa ra lý thuyết “đường cong mỉm cười” để mô tả chuỗi giá trị gia tăng được tạo ra ở những công đoạn của sản phẩm từ đầu vào của sản xuất cho đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Theo ông, hàng hóa của ngành điện tử phải trải qua nhiều công đoạn từ thiết kế, marketing, phân phối, lắp ráp, bán hàng và dịch vụ sau bán hàng. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã thúc đẩy sự phân công lao động quốc tế; đồng thời, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và thách thức lớn hơn, vì vậy, trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, lợi thế do quy mô là chưa đủ, các công ty phải xác định lợi nhuận ở đâu để có kế hoạch thích hợp, từ đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào các công đoạn cốt lõi mà mình có lợi thế để tìm vị trí của mình trên “đường cong mỉm cười”.

(3) Lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Gereffi – Giáo sư Xã hội học, Giám đốc Trung tâm về Toàn cầu hóa, Quản trị và cạnh tranh, Đại học Duke, Hoa Kỳ, chuỗi giá trị toàn cầu được sử dụng thay cho chuỗi hàng hóa toàn cầu bởi những lý do, như: các công ty đầu mối, nhà cung cấp và trung gian có sự phát triển ngày càng tập trung hơn; tầm quan trọng ngày càng tăng bởi thương mại định giá và chuyển đổi thị trường cuối cùng; thu hút sự chú ý của các cơ quan phát triển cũng như các nhà tài trợ quốc tế.

Các chuỗi giá trị toàn cầu do người sản xuất chi phối và người mua định hướng được xem là hai cực tương phản, nhưng không loại trừ lẫn nhau trong việc tổ chức, định hướng các hoạt động sản xuất toàn cầu. Năm 2005, Gereffi và cộng sự cho rằng, quản trị là vấn đề trọng tâm của phân tích chuỗi giá trị toàn cầu, nó cho thấy quyền lực của doanh nghiệp có thể chủ động việc định hình phân phối lợi nhuận và rủi ro trong ngành và xác định tác nhân nào sẽ làm công việc đó. Trong chuỗi do người sản xuất điều khiển, quyền lực do các nhà sản xuất thành phẩm nắm giữ gắn với các ngành thâm dụng vốn, công nghệ hoặc kỹ năng; do người mua định hướng, quyền lực thuộc về các nhà bán lẻ và tiếp thị sản phẩm cuối cùng. Nâng cấp chuỗi giá trị là khái niệm để chỉ quản trị chuỗi giá trị do người mua định hướng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển chuỗi giá trị, từ đó cải thiện thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi.

Chuỗi giá trị nông sản dưới góc độ kinh tế chính trị Mác – Lênin

Mác nghiên cứu sự vận động và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa như là sự hoạt động của các chuỗi giá trị do người sản xuất chi phối. Những người chi phối trong các chuỗi giá trị là những nhà tư bản sản xuất bỏ vốn ra mua tư liệu sản xuất (c) và hàng hóa là sức lao động (v) quy mô lớn và kết hợp chúng lại với nhau để sản xuất ra hàng hóa mới (H’), giá trị của H’ có chứa giá trị thặng dư (m). Nhà tư bản bán hàng hóa H’ thu được một khoản lợi nhuận. Để bảo đảm nguồn lực cho hoạt động sản xuất diễn ra không bị gián đoạn, các nhà tư bản sản xuất liên kết với các nhà tư bản cho vay để được hỗ trợ vốn và liên kết với các nhà tư bản thương nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Giá trị mới được tạo ra do bán H’ được phân phối cho tiền lương công nhân (v), lợi tức nhà tư bản cho vay (z), lợi nhuận thương nghiệp (PTN) và cuối cùng là thu nhập cho nhà tư bản sản xuất (PCN, PNN). Trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, nhà tư bản còn phải chi cho địa chủ một khoản bằng địa tô (r) do phải thuê đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Khác với quan điểm lợi nhuận được tạo ra từ việc mua rẻ bán đắt của chủ nghĩa trọng thương, Mác chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá nhưng vẫn thu được giá trị thặng dư, lưu thông chỉ là điều kiện cần cho sản xuất hoạt động. Mác phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa giai đoạn tự do cạnh tranh thống trị, cạnh tranh giữa các ngành sẽ hình thành lợi nhuận bình quân bất kể cấu tạo hữu cơ ra sao. Bên cạnh đó, việc mua tư liệu sản xuất – các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất hàng hóa, nhà tư bản công nghiệp với vai trò là người mua, cũng đã đóng góp vào chuỗi giá trị của các nhà tư bản khác.

Như vậy, Mác mô tả quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự hoạt động của các chuỗi giá trị trong nền kinh tế. Nhà tư bản công nghiệp muốn tiến hành sản xuất phải có sự liên kết với nhiều tác nhân khác, gồm: người lao động, nhà tư bản cung cấp đầu vào, nhà tư bản cho vay, nhà tư bản thương nghiệp, địa chủ để sản xuất và đưa hàng hóa từ lúc hình thành cho đến tay người tiêu dùng. Các chuỗi giá trị trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được Mác mô tả do người sản xuất chi phối và tương đối ngắn (nhà tư bản sản xuất – tư bản thương nghiệp – công nhân – tư bản cho vay – địa chủ), chưa xuất hiện các xí nghiệp độc quyền hoặc các tác nhân nước ngoài. Trong các chuỗi giá trị này, các nhà tư bản sản xuất có vai trò là nhà điều hành chuỗi.

Lênin phát triển học thuyết kinh tế chính trị của Mác trong thời kỳ mới – thời kỳ chủ nghĩa tư bản giai đoạn độc quyền thống trị. Trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản, Lênin cho rằng, chủ nghĩa tư bản phát triển đến một giai đoạn nhất định, các điều kiện mới xuất hiện đầy đủ sẽ hình thành độc quyền ở các ngành, các lĩnh vực. Sự kết hợp giữa các nhà tư bản độc quyền công nghiệp và độc quyền ngân hàng hình thành nên các nhà tư bản tài chính. Tư bản tài chính mang bộ mặt thống trị từ kinh tế đến chính trị, từ trong nước đến quốc tế, khi tư bản tài chính phát triển, chủ nghĩa tư bản độc quyền sẽ có tên gọi là chủ nghĩa đế quốc tư bản chủ nghĩa.

Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn độc quyền thống trị. Những tổ chức độc quyền hình thành và phát triển bằng các hình thức liên kết ngang – dọc khác nhau tạo thành các chuỗi giá trị khác nhau, như: Cartel, Syndicat, Trust, Consortium. Các tổ chức độc quyền hình thành và phát triển nhằm thao túng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với đích đến là thu được lợi nhuận cao. Giá cả độc quyền bị đẩy lên cao hơn giá cả cạnh tranh nên phải hạn chế sản lượng. Để giải quyết mâu thuẫn thừa vốn nhưng bị hạn chế về sản lượng, các tổ chức độc quyền tư bản chủ nghĩa xuất khẩu tư bản ra nước ngoài nhằm khai thác giá trị thặng dư ở phạm vi quốc tế. Như vậy, việc đưa sản xuất ra nước ngoài thông qua hình thức xuất khẩu tư bản đã đưa hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa trở nên quốc tế hóa. Trong mô tả của Lênin, các chuỗi giá trị do người bán là các tổ chức độc quyền chi phối.

(1) Những mặt tích cực.

Thứ nhất, cách tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu chỉ ra cách thức sản xuất và thương mại ở các mức độ được định hình và bị chi phối bởi các công ty xuyên quốc gia, điều này làm phát sinh các hình thức tổ chức, thương mại và liên kết khác nhau. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự phát triển chuỗi giá trị toàn cầu do người mua định hướng, nên việc tổ chức sản xuất phải lấy thị trường tiêu dùng cuối cùng làm điểm khởi đầu, từ đó định hình lại cách thức, phương pháp sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường thay cho phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Thứ hai, phương pháp chuỗi giá trị toàn cầu giúp hiểu về cách thức cạnh tranh. Việc chia chuỗi giá trị toàn cầu thành nhiều công đoạn khác nhau và phân tích hiệu suất của chúng giúp nhà quản trị chuỗi xác định được điểm mạnh và điểm yếu trong cạnh tranh, từ đó xác định chiến lược nâng cấp phù hợp.

Thứ ba, phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu làm rõ được giá trị mới được tạo ra ở đâu và thuộc về ai trong các giai đoạn khác nhau của chuỗi. Bên cạnh đó, phương pháp chuỗi giá trị toàn cầu còn cho thấy luồng thông tin, kiến thức và nguồn lực được chia sẻ cho các tác nhân dọc theo chuỗi.

Thứ tư, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu giúp thúc đẩy hội nhập của nông nghiệp, nông dân vào nền kinh tế quốc tế. Chuỗi giá trị toàn cầu làm thay đổi cách thức sản xuất, phương thức tiếp cận các thị trường, hạn chế những rủi ro do giá cả và biến động thị trường gây ra, từ đó, tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, giảm tình trạng di cư của lao động nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy bình đẳng giới, các giá trị và bản sắc văn hóa địa phương được gìn giữ và phát huy, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Thứ năm, phương pháp chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế trong nông nghiệp theo hướng hội nhập và cung cấp một khuôn khổ mới cho việc thiết kế và can thiệp về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu nông sản tạo ra những cơ hội cũng như nhiều thách thức to lớn cho việc gia nhập chuỗi của các nhà sản xuất – kinh doanh nhỏ ở địa phương. Do đó, sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu nhận được sự quan tâm lớn của chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cũng như các cơ quan phát triển quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách tìm cách cân bằng giữa lợi ích công và lợi ích tư được tạo ra từ chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ có thể cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công, hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng hội nhập, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực thi các chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và người sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó thúc đẩy các mối liên kết của kinh tế địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các chuỗi giá trị toàn cầu nông nghiệp hoạt động và phát triển. Các tổ chức phát triển quốc tế tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu để chọn các điểm đòn bẩy tài trợ và xúc tiến chuỗi giá trị cho các mục tiêu phát triển.

(2) Những hạn chế

Một là, phương pháp chuỗi giá trị toàn cầu phải lập sơ đồ chuỗi để phân tích,  nhưng đây là công việc không hề đơn giản, trên thực tế, các chuỗi tồn tại liên kết, đan xen và chồng chéo lên nhau. Lợi nhuận được tạo ra trong từng hoạt động chuỗi rất khó đo lường do các công ty không muốn chia sẻ; các biến số chính như mức độ phức tạp của giao dịch, hiệu quả của tuyền tải thông tin, khả năng của các nhà cung cấp tiềm năng chưa được hiểu biết đầy đủ. Do đó, việc xác định các cơ hội và đe dọa từ đó đề ra các chiến lược nâng cấp khó đạt được hiệu quả. Mặt khác, một số công ty dẫn đầu coi trọng trách nhiệm xã hội hơn các công ty khác cho nên việc lựa chọn các nhà cung cấp khác nhau, dẫn đến sự khác biệt về luồng kiến thức và cơ hội học hỏi cho các nhà cung cấp địa phương.

Hai là, phương pháp chuỗi giá trị toàn cầu áp dụng trong nông nghiệp khó đạt hiệu quả so với các ngành, lĩnh vực khác. Việc phát triển chuỗi giá trị toàn cầu sẽ làm cho phần lớn nông hộ sản xuất nhỏ khó có thể tham gia vào hệ thống sản xuất và thương mại toàn cầu do các điều kiện, tiêu chuẩn đặt ra từ các công ty dẫn đầu vượt quá khả năng của các nhà sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhỏ. Hoặc, nếu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các mối liên kết giữa nông hộ với các công ty thu gom có lòng tin thấp do nông dân thường phá vỡ hợp đồng khi nông sản được giá.

Ba là, phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu hướng sự quan tâm đến việc ngành nông nghiệp tham gia vào sản xuất và thương mại nông sản toàn cầu. Các cơ quan tài trợ quốc tế cũng như chính sách của chính phủ sẽ hướng về sản xuất và kinh doanh nông nghiệp định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, sẽ luôn có một bộ phận lớn nông hộ sản xuất nhỏ ở các quốc gia đang phát triển thường không đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, chính phủ và các nhà tài trợ cần quan tâm và hỗ trợ các kênh sản xuất địa phương phát triển bênh cạnh các kênh chuỗi giá trị toàn cầu mới đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Gereffi, G. (2001). Beyond the producerdriven/buyerdriven dichotomy the evolution of global value chains in the internet era. IDS Bulletin, 32(3), tr. 30 – 40.
2. Gereffi, G., Humphrey, J., & Sturgeon, T. (2005). The governance of global value chains. Review of International Political Economy, 12(1), tr. 78 – 104.
3. Gereffi, G. (2014). Global value chains in a post-Washington Consensus world. Review of International Political Economy, 21(1), tr. 9 – 37.
4. Lenin, V. I. i. (1927). Imperialism, the Highest Stage of Capitalism: Vanguard Press.
5. Porter, M. E. (2008a). On competition. Harvard Business Press.
6. Porter, M. E. (2008b). The five competitive forces that shape strategyHarvard business review86(1), tr. 78.
7. Shih, S. (1996). Me-too is not my style: Challenge difficulties, break through bottlenecks, create values: ASIAN Institute OF MANAGE.
NCS. Lê Văn Thông
Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh