Xu hướng công nghệ trên thế giới và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

PGS.TS. Đinh Thị Nga
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Công nghệ hiện nay đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và mọi nền kinh tế. Ngày nay, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Để ứng dụng và phát triển công nghệ hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng và hội nhập quốc tế, Việt Nam cần có những chiến lược, lộ trình và bước đi hiệu quả, bảo đảm môi trường và động lực cho phát triển và ứng dụng công nghệ để lĩnh vực công nghệ của Việt Nam sánh ngang với công nghệ của các nước phát triển.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Công nghệ là việc sử dụng các kiến thức và công cụ để thiết kế, tạo ra và ứng dụng trong thực tiễn các giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề và cải thiện cuộc sống của con người. Công nghệ liên quan đến việc áp dụng khoa học và kiến thức kỹ thuật để phát triển các sản phẩm, quy trình và dịch vụ mới và đã đạt được sự phát triển đáng kể trong thời gian gần đây, đưa đến cuộc cách mạng kỹ thuật số và thay đổi cách mà chúng ta sống, giao tiếp và làm việc.

Trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và khai phá dữ liệu (Data Mining) đã tạo ra những đột phá đáng kể trong việc phân tích dữ liệu và ra quyết định thông minh. Kết nối vạn vật (IoT) đã tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các thiết bị, từ điện thoại thông minh cho đến các thiết bị gia đình và hạ tầng đô thị thông minh. Mạng dữ liệu 5G đang được triển khai, đem lại tốc độ trao đổi dữ liệu nhanh chóng, an toàn và khả năng kết nối đồng thời cho nhiều thiết bị. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) được ứng dụng và tạo ra sự minh bạch và an toàn trong các giao dịch tài chính và chuỗi cung ứng. Công nghệ 3D và in 3D đã đem lại sự sáng tạo và tiện ích trong việc tạo ra các đối tượng vật lý. Công nghệ sinh học và y tế tiên tiến đã được cải thiện, góp phần chăm sóc sức khỏe và phát triển các phương pháp điều trị mới. Ngoài ra, công nghệ tự động hóa và robot hợp tác ngày càng trở nên phổ biến, gia tăng hiệu suất và hiệu quả trong các quy trình sản xuất và dịch vụ. Công nghệ trên thế giới vẫn đang tiếp tục phát triển với triển vọng và tiềm năng không ngừng, tạo ra những cơ hội mới và thay đổi đáng kể cách con người sống và làm việc.

Một số lĩnh vực công nghệ quan trọng có thể được kể đến, như: công nghệ thông tin và truyền thông (bao gồm: phần cứng và phần mềm, mạng máy tính, internet, truyền thông di động, AI, Machine Learning, Big Data và Cloud Computing; công nghệ thông tin và truyền thông đã thúc đẩy quá trình trao đổi dữ liệu, chia sẻ thông tin và kết nối trên toàn cầu); công nghệ xanh và bền vững (liên quan đến các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững, bao gồm các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên, đô thị thông minh, vật liệu tái chế và các công nghệ xử lý nước thải); công nghệ y tế (bao gồm các ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị và quản lý sức khỏe, điển hình là các thiết bị y tế thông minh, hồ sơ điện tử, AI trong y tế, dịch vụ chăm sóc tại nhà và y tế từ xa); công nghệ ô tô điện và tự hành thông minh (bao gồm phương tiện tự lái, xe ô tô điện và các công nghệ liên quan đến giao thông thông minh); công nghệ chuỗi khối (Blockchain đã tạo ra sự quan tâm và tiềm năng cho việc tạo ra các hệ thống phi tập trung, an toàn và minh bạch. Blockchain có thể được áp dụng trong các lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, bỏ phiếu điện tử và giao dịch quốc tế).

Công nghệ góp phần quan trọng phát triển các lĩnh vực đời sống, kinh tế – xã hội của Việt Nam

Đối với Việt Nam, công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra cơ hội việc làm. Việc ứng dụng hiệu quả và đổi mới sang tạo trong công nghệ sẽ giúp Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên số và thông minh. Có thể điểm qua một vài ý nghĩa của công nghệ đối với Việt Nam như sau:

(1) Phát triển kinh tế: công nghệ đóng góp quan trọng vào nâng cao năng suất và cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. Các công nghệ hiện đại giúp cải thiện quy trình sản xuất, tăng cường đổi mới sang tạo và tạo ra giá trị gia tăng. Việc áp dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp trọng điểm, như: sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch dự kiến đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

(2) Giáo dục và đào tạo: công nghệ đóng góp quan trọng trong cải tiến giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua. Sự phổ biến của internet và công nghệ di động đã mở ra cơ hội học tập trực tuyến, cung cấp lượng tri thức phong phú và khổng lồ cho mọi người. Công nghệ trong giáo dục góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường khả năng học tập, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

(3) Cải thiện chất lượng cuộc sống: công nghệ mang lại các giải pháp và dịch vụ thông minh cho người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế, giao thông, nhà thông minh và quản lý tài nguyên giúp tăng cường sự tiện ích, an toàn và tiết kiệm thời gian và tài nguyên.

(4) Tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập: công nghệ đã và đang tạo ra cơ hội việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người dân. Việt Nam có thể sử dụng công nghệ để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.

(5) Nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế: công nghệ giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế và tham gia hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Các công nghệ mới như: AI, Big Data và IoT có thể được áp dụng trong các ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam, như: sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ để cải thiện hiệu suất và tạo ra sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Những xu hướng công nghệ trên thế giới

Một là, trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (Machine Learning): đây là hai lĩnh vực công nghệ chủ chốt, thúc đẩy sự tiến bộ và thay đổi đáng kể trong nhiều ngành công nghiệp. Công nghệ AI đang được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như tự động hóa, quản lý dữ liệu, phân tích dữ liệu và tư duy máy móc. Machine Learning giúp máy tính tự học và cải thiện hiệu suất dựa trên dữ liệu, mở ra cơ hội mới trong việc tìm hiểu và khám phá thông tin từ nguồn dữ liệu khổng lồ.

Hai là, Internet of Things (IoT): là một xu hướng công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ, IoT kết nối các thiết bị thông minh, từ điện thoại di động và đồng hồ thông minh cho đến các thiết bị gia đình và hạ tầng đô thị thông minh. Sự kết nối thông qua IoT mang lại khả năng thu thập và chia sẻ dữ liệu, tạo ra sự thông minh và hiệu quả trong việc quản lý và điều khiển các hệ thống.

Ba là, truyền thông 5: mạng truyền thông 5G đã trở thành một xu hướng đột phá, mang lại tốc độ truyền thông nhanh chóng và khả năng kết nối đồng thời cho nhiều thiết bị. Công nghệ 5G tạo ra một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ cho các ứng dụng công nghệ tiên tiến, như: truyền hình trực tuyến, xe tự lái, thực tế ảo và thực tế tăng cường. Công nghệ 5G cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các thành phố thông minh và hệ thống giao thông hiện đại.

Bốn là, công nghệ chuỗi khối (Blockchain): công nghệ Blockchain đã tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực tài chính và chuỗi cung ứng. Blockchain cung cấp một cơ chế an toàn và minh bạch cho việc ghi nhận và xác nhận giao dịch. Blockchain bảo đảm tính toàn vẹn và không thể thay đổi của dữ liệu, tạo ra niềm tin và giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch tài chính và thương mại điện tử.

Năm là, công nghệ sinh học và y tế: công nghệ sinh học và y tế đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh. Các tiến bộ trong công nghệ di truyền, dược phẩm và y tế điện tử đã mở ra cơ hội mới trong việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Công nghệ sinh học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn tài nguyên sạch và năng lượng tái tạo.

Sáu là, công nghệ 3D và in 3D: công nghệ này đang tạo ra sự sáng tạo và tiện ích trong việc tạo ra sản phẩm vật lý. In 3D cho phép sản xuất các đồ vật phức tạp và tùy biến, từ mô hình xây dựng cho đến sản phẩm y tế và trang sức. Công nghệ này có tiềm năng trong việc tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu lượng lượng chất thải trong quá trình sản xuất.

Bảy là, tự động hóa và robot: tự động hóa và robot đang ngày càng trở nên phổ biến trong các quy trình sản xuất và dịch vụ. Công nghệ này gia tăng hiệu suất và hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và nguy hiểm. Robot hợp tác cùng con người để thực hiện các công việc từ sản xuất công nghiệp cho đến dịch vụ khách hàng.

Công nghệ đang điều chỉnh và thay đổi cuộc sống và kinh tế toàn cầu. AI, IoT, truyền thông 5G, Blockchain, công nghệ sinh học, công nghệ 3D và in 3D, tự động hóa và robot là những xu hướng công nghệ quan trọng trong thời đại hiện nay. Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác, cần định hướng và đầu tư vào những xu hướng này để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Dự báo xu hướng phát triển của công nghệ

Sau cách mạng công nghiệp 4.0, dự báo sẽ có một giai đoạn tiếp theo (gọi là cách mạng công nghiệp 5.0). Tuy nhiên, đây vẫn là một khái niệm đang được thảo luận và chưa có định nghĩa chính thức. Tác giả đưa ra một số ý kiến dựa trên thảo luận và dự báo phát triển công nghệ trên thế giới trong tương lai.

Cách mạng công nghiệp 5.0: giai đoạn tiếp theo sau cách mạng công nghiệp 4.0 có thể được gọi là cách mạng công nghiệp 5.0. Trong giai đoạn này, công nghệ sẽ không chỉ tập trung vào sự tự động và kết nối thông minh, mà còn tập trung vào vai trò của con người trong quá trình sản xuất và dịch vụ. Công nghệ sẽ hỗ trợ con người trong việc thực hiện các công việc phức tạp hơn và tạo ra một môi trường làm việc sáng tạo và linh hoạt.

AI nâng cao: AI sẽ tiếp tục phát triển và trở nên thông minh và tự học hơn. Các hệ thống AI sẽ có khả năng tự động học và thích nghi với môi trường, và có khả năng tương tác với con người một cách tự nhiên.

Công nghệ mở rộng: công nghệ sẽ tiếp tục mở rộng vào các lĩnh vực mới và không chỉ giới hạn trong sản xuất công nghiệp. Công nghệ sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, giáo dục, y tế, dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác.

Sự kết hợp và tương tác giữa người và máy móc: cách mạng công nghiệp 5.0 có thể mang lại sư kết hợp mạnh mẽ và hiệu quả giữa con người và máy móc. Công nghệ sẽ tạo ra các giao diện tương tác thông minh và tự nhiên giữa con người và máy móc, tạo ra các tác nghiệp dễ dàng và hiệu quả.

Dù cho xu hướng của cách mạng công nghiệp 5.0 vẫn đang được thảo luận và phát triển. Hiện nay, chưa có một định nghĩa chính thức và rõ ràng, thì việc tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy nội lực, hợp tác và gắn công nghệ với với các nhu cầu, bài toán thực tiễn của từng quốc gia là mấu chốt để phát triển và ứng dụng các công nghệ mới và hiện đại.

Việt Nam cần làm gì trong xu hướng công nghệ hiện nay

Thứ nhất, các nhà xây dựng chính sách cần đưa ra các chính sách và quy định xây dựng môi trường làm việc có động lực và thuận lợi cho sự phát triển công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực công nghệ. Điều này bao gồm việc hình thành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ. Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn như: AI, IoT, Blockchain và truyền thông 5G. Hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp sẽ tăng cường khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

Thứ ba, khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Chính phủ và các tổ chức cần hỗ trợ môi trường khởi nghiệp công nghệ, bằng cách hỗ trợ vốn đầu tư, tư vấn kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ khuyến khích sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Thứ tư, đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ chất lượng cao. Việt Nam cần đào tạo và phát triển lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng về công nghệ; bao gồm xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, áp dụng các chương trình học tập và đổi mới liên quan đến công nghệ và khuyến khích học tập suốt đời để cập nhật với xu hướng công nghệ mới.

Thứ năm, xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và hiện đại. Việt Nam cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm mạng lưới kết nối ổn định và tốc độ truyền thông cao. Hạ tầng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ sáu, đẩy mạng ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng. Việt Nam có thể tập trung vào ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực như: nông nghiệp thông minh, y tế điện tử, giáo dục trực tuyến, giao thông thông minh và du lịch công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng trong các ngành này.

Kết luận

Công nghệ đã và đang thể hiện vai trò ngày càng rõ nét tại các quốc gia, đóng góp tích cực và hiệu quả vào quá trình phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, tạo dựng và duy trì vị thế trên thế giới. Thực tế cho thấy, các quốc gia có nền kinh tế mạnh, vị trí cao trên thế giới đều sở hữu và có nền tảng khoa học và công nghệ vững mạnh. Trong bối cảnh kinh tế, chính trị phức tạp và đan xen trên thế giới hiện nay, công nghệ càng thể hiện rõ vai trò của mình. Như vậy, để ứng dụng và phát triển công nghệ hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng và hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng như các nước khác cần có những chiến lược, lộ trình và bước đi hiệu quả, bảo đảm môi trường và động lực cho phát triển và ứng dụng công nghệ, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ, đầu tư và ứng dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin và tập trung vào ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng, nhất là đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các nhà quản lý và chuyên gia công nghệ hàng đầu.