Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số trong đấu tranh phòng, chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng hiện nay

TS. Đặng Văn Luận
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, với nhiều thủ đoạn, nhất là xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc; kích động đồng bào các dân tộc tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định về chính trị – xã hội, làm hoang mang dư luận. Để vô hiệu hóa những âm mưu, thủ đoạn đó, trước hết, cần phải nhận diện được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phân tích được thực trạng và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm đấu tranh phòng, chống việc lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam.
Ảnh minh họa (dangcongsan.vn).
Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia nhiều dân tộc, với 54 dân tộc cùng sinh sống. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tổng dân số của Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó dân tộc Kinh hơn 82 triệu người, chiếm 85,3% dân số, 14,7% dân số còn lại thuộc về 53 dân tộc thiểu số, có những dân tộc thiểu số có dân số trên 1 triệu người, như: Tày, Thái, Mông, Khmer, Nùng…; nhưng cũng có những dân tộc dân số chưa đến 1.000 người, như: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, và Ơ Đu. Đồng bào các dân tộc sinh sống, phân bố và xen kẽ trên các địa bàn rộng lớn ở 52 tỉnh, thành, 548 huyện, 5.266 xã, phường, thị trấn (382 xã/phường/thị trấn biên giới, hơn 3000km), chủ yếu là miền núi, vùng cao, sâu, xa, biên giới, hải đảo, chiếm khoảng ¾ diện tích cả nước1. Quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc không giống nhau dẫn đến sự chênh lệch về kinh tế, xã hội, văn hóa song quan điểm của Đảng và Nhà nước “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số”2.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch lợi dụng sự phát phát triển không đồng đều về kinh tế, văn hóa – xã hội; đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa nông thôn với thành thị, miền xuôi và miền núi còn có sự chênh lệch khá cao để chống phá các mạng Việt Nam. Đặc biệt, các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hẻo lánh, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn, các thế lực thù địch, với nhiều thủ đoạn, nhất là xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, kích động đồng bào các dân tộc tham gia làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân, người dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tính thống nhất của quốc gia Việt Nam.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam

Với phương châm của các thế lực phản động là lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm hàng đầu, kinh tếlà mũi nhọn, ngoại giao làm hậu thuẫn, vấn đề dân tộc làm ngòi nổ, kết hợp với bạo loạn lật đổ, uy hiếp, răn đe, gây sức ép về quân sự. Chúng tập trung vào việc kích động đòi ly khai, tự trị, tấn công trực diện vào hệ thống chính trị ở cơ sở hòng làm suy yếu hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Trước hết, chúng lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong việc xây dựng và thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Điển hình và mới nhất là chúng kích động nhóm đối tượng trang bị vũ khí, tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023 làm 4 cán bộ Công an xã hy sinh, 2 cán bộ xã và 3 người dân thiệt mạng, 2 cán bộ Công an xã bị trọng thương, 3 người bị bắt làm con tin. “Đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động phun-rô lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề ga”, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung”3. Hành động của bọn chúng nhằm gây bức xúc, mâu thuẫn giữa đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với Đảng, Nhà nước ta; gây mâu thuẫn, thù hằn giữa các đồng bào dân tộc thiểu số; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng, Nhà nước, các cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vạch trần các thủ đoạn, phản bác hoạt động phá hoại của bọn chúng; hệ thống chính trị ở cơ sở đã tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của các thế lực phản động, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, sự tin tưởng của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền cơ sở vùng dân tộc thiểu số.

Hai là, lợi dụng một số phong tục, tập quán lạc hậu, trình độ còn hạn chế của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn chiến lược, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… để truyền bá tư tưởng phản động, trái pháp luật; dụ dỗ, lôi kéo những phần tử xấu, mua chuộc, kích động ly khai dân tộc, ép buộc đồng bào chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, tạo các “điểm nóng” gây mất ổn định về chính trị, an ninh, trật tự trong nội bộ các dân tộc, gây nên một số cuộc bạo loạn mang tính chất chính trị, hòng tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp. Đồng thời, các thế lực thù địch còn lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự hạn chế về nhận thức cũng như phong tục, tập quán của đồng bào ở một số vùng để truyền đạo trái pháp luật, khôi phục tập tục lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đồng bào, gây khó khăn cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đòi thành lập “nhà nước riêng”. Các thế lực thù địch và phần tử dân tộc cực đoan, nhất là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hiệp quốc 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia, ráo riết kích động đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước đứng lên đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”; “Nhà nước Đề-ga”, “Vương quốc Chămpa”, “Vương quốc Mông”, hướng tới ly khai, tự trị, độc lập với cộng đồng dân tộc Việt Nam4. Đồng thời, chúng lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ và xu thế toàn cầu hóa qua các phương tiện truyền thông, mạng internet để liên lạc, truyền bá, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tìm mọi cách để xây dựng, nuôi dưỡng các tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp, tài trợ, chỉ đạo lực lượng phản động trong các dân tộc, các tôn giáo ở trong nước hoạt động chống phá cách mạng nước ta, như: truyền đạo trái phép để “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc, lôi kéo, tranh giành đồng bào dân tộc thiểu số, gây đối trọng với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Chúng luôn tìm cách kích động một số đồng bào dân tộc thiểu số, có ngưỡng tôn giáo và chức sắc các tôn giáo chống lại chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đối lập các dân tộc thiểu số, các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số với sự lãnh đạo của Đảng, vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, gây mất ổn định chính trị – xã hội, nhất là vùng dân tộc, tôn giáo.

Bốn là, tìm cách tuyên truyền, xuyên tạc, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số đòi lại đất đai từ nhiều năm nay đã và đang phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, gây nên tình trạng phức tạp ở một số địa phương.

Năm là, mốt số tổ chức nhân quyền quốc tế đang có nhiều nội dung hiểu chưa đúng về Việt Nam mà nguyên nhân là các thế lực phản động, thù địch thường xuyên đưa ra những báo cáo, đánh giá xuyên tạc, vu cáo sự thật về dân chủ, nhân quyền ở nước ta; đòi đưa Việt Nam vào danh sách “những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Các đối tượng đã lợi dụng sự kiện của một số đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý để tung ra những luận điệu xuyên tạc dân chủ, gây chia rẽ dân tộc đa số với dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa đồng bào theo tín ngưỡng tôn giáo với không theo tín ngưỡng tôn giáo, hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong đấu tranh phòng, chống lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta

Nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyết của các thế lực thù địch, những năm qua, hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo đã tích cực đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam. Thể hiện ở:

Thứ nhất, hệ thống chính trị ở cơ sở đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong đó có những nội dung về vấn đề dân tộc đạt kết quả quan trọng. Các phong trào phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới… được thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, không còn tin vào những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của thế lực phản động.

Thứ hai, ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức các hội nghị đoàn viên, hội viên để vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc xuất hiện ở cơ sở và những nơi khác, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên trong tham gia chống âm mưu, thủ đoạn đó.

Thứ ba, thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân ở nhiều địa phương được xây dựng vững chắc, thể hiện rõ vai trò là lá chắn “thép” của địa phương trong giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội cơ sở ở vùng biên giới đã coi trọng triển khai các hoạt động phối hợp, kết nghĩa, liên doanh, liên kết với các đoàn kinh tế – quốc phòng, bộ đội biên phòng và các tổ chức, đơn vị hoạt động tại địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, chống lại luận điệu phản động; phát hiện, xử lý bọn phá hoại từ bên kia biên giới thâm nhập vào Việt Nam. Nhờ đó, an ninh, trật tự ở vùng biên giới được giữ vững.

Thứ năm, cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, công khai những kẻ lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại… Qua đó, góp phần phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Việt Nam.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch vẫn còn những hạn chế, yếu kém, như: lúng túng trong nội dung, phương thức phát huy vai trò của từng tổ chức thành viên hệ thống chính cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ này; vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở nhiều nơi chưa thể hiện rõ. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn bị động trong đấu tranh chống thủ đoạn của các thế lực thù địch tại địa phương, nên chưa có các giải pháp khả thi, đem lại hiệu quả cao. Việc phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở với các tổ chức, lực lượng ở địa phương trong đấu tranh phòng, chống thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, nhìn chung còn rời rạc, hiệu quả thấp…

Giải pháp tăng cường vai trò của hệ thống chính trị cơ sở

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở các cấp về phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Việt Nam.

Hệ thống chính trị ở cơ sở có “vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư”5. Thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch thường được thực hiện ở xã, thị trấn, trọng tâm là những xã vùng núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo một sô tín đồ tôn giáo. Hệ thống chính trị ở cơ sở những vùng này, hằng ngày, hằng giờ làm việc và trực tiếp tiếp xúc với đồng bào. Đây là thuận lợi lớn và ưu thế của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở để thực hiện hiệu quả việc đấu tranh phòng, chống thủ đoạn phá hoại của các thế lực phản động.

Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, cụ thể là cấp xã, nơi chính quyền nằm ngay trong lòng dân (cấp thấp nhất trong hệ thống chính trị 4 cấp (cùng với cấp huyện, tỉnh và Trung ương) và là hạt nhân của chế độ chính trị cũng như đời sống xã hội6; nơi diễn ra cuộc sống của đồng bào, “chính quyền và các đoàn thể tổ chức cuộc sống, hoạt động và các phong trào của cộng đồng dân cư để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ của chính mình”7. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cấp xã là cấp gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”8. Cùng với sự nỗ lực của cơ sở, hệ thống chính trị ở cơ sở cấp trên cần đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tạo thuận lợi cho hệ thống chính trị ở cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước trong vùng dân tộc thiểu số.

Trong tuyên truyền, cần tập trung vào những điểm cốt lõi, dễ hiểu, phương pháp tuyên truyền linh hoạt, phù hợp đặc điểm từng đối tượng để đồng bào dân tộc thiểu số dễ hiểu. Trước hết, tuyên truyền, giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho người có uy tín, già làng, trưởng bản. Đồng thời, lắng nghe ý kiến trực tiếp của đồng bào thiểu số; kịp thời phát hiện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.

Ba là, phát huy vai trò cá nhân và gia đình, dòng họ có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số trong đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò rất lớn, góp phần đắc lực giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao. Bản thân người có uy tín và gia đình gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào đồng thời vận động Nhân dân tại địa phương chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Nói một cách hình tượng, người có uy tín là nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân. Là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, ban thường vụ và bí thư cấp ủy cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là quá trình lan tỏa những mục tiêu cao đẹp của đất nước: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”9 đến từng người dân, nên quá trình phổ biến giá trị phải thực sự mang lại niềm cảm hứng, tính hiệu quả, gần gũi với đời sống đồng bào; do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”10,có tâm huyết, biết nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”11. Và “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”12. Do đó, cần “tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”13, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ sở, trong đó, có đấu tranh, phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp các lực lượng với hệ thống chính trị cơ sở để thực hiện.

Đảng, Nhà nước thường xuyên chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu thực tiễn, rà soát, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách về dân tộc thiểu số, vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở vùng dân tộc thiểu số; ban hành hướng dẫn thực hiện cụ thể, kịp thời “đúng đối tượng, đúng thể chế, đúng nguồn lực”. Qua đó, tạo thuận lợi cho hệ thống chính trị cơ sở thực hiện và đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Việt Nam.

Kết luận

Vấn đề dân tộc là một trong những vấn đề trọng yếu mà các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng, cùng với việc lợi dụng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng để chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; xóa vai trò lãnh đạo của Đảng với toàn xã hội, thực hiện âm mưu không đánh mà thắng”. Để vô hiệu hóa sự lợi dụng các vấn đề trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam của các thế lực thù địch thì giải pháp cơ bản nhất là tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. H. NXB Thống kê, 2020.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 170.
3. Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng gây ra vụ khủng bố ở Đắk Lắk. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 10/7/2023.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo trình Lý luận dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam. H. NXB Lý luận chính trị, 2021, tr. 213 – 214.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2006, tr. 166.
6, 7. Hoàng Chí Bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay. H. NXB Lý luận chính trị, 2005, tr. 171, 171.
8, 11, 12. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 460, 313, 46.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 70.
10. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc.
11. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.