Quản trị tốt ở Xinh-ga-po và những gợi mở cho Việt Nam   

(Quanlynhanuoc.vn) – Lịch sử kinh tế sau độc lập của Xinh-ga-po là câu chuyện về sự phát triển thần kỳ trong phát triển kinh tế. Trong những thập kỷ gần đây, thế giới đã chứng kiến ​​sự thay đổi đáng kể trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục của Xinh-ga-po. Thành công trong quản trị của Xinh-ga-po có thể là những gợi mở trong việc thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (facebook.com/LLISG)
Thành công trong quản trị của Xinh-ga-po

Xinh-ga-po có tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người khá cao. Cùng với đó, đất nước này cũng có các chỉ số kinh tế và chỉ số chất lượng cuộc sống cao (năm 2019, người Xinh-ga-po có tuổi thọ trung bình ước tính là 83,5 tuổi). Một trong những bài học lớn từ Xinh-ga-po là họ luôn nỗ lực để đạt được những điều cơ bản đúng đắn. Xinh-ga-po nuôi dưỡng một loạt các yếu tố tạo nền tảng cho sự thành công và phát triển lâu dài. Chính phủ Xinh-ga-po đã đặt ra một chính sách phát triển chiến lược và thực hiện những nỗ lực thông qua các biện pháp can thiệp về kinh tế của Chính phủ để đạt được các kế hoạch. Những bài học thành công trong quản trị của Xinh-ga-po có thể liệt kê gồm:

Thứ nhất, xây dựng một hệ thống pháp luật hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu.

Một hệ thống pháp luật ổn định, các quy định mang tính thống nhất, áp dụng được trong thực tiễn cuộc sống có mối quan hệ chặt chẽ với sự thúc đẩy phát triển nền kinh tế và tạo ra sự phát triển thịnh vượng lâu dài cho quốc gia. Xinh-ga-po được xếp hạng thứ 3 trong Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về bảo vệ quyền sở hữu1. Hơn nữa, Xinh-ga-po được xếp hạng số 1 thế giới về mức độ dễ dàng giải quyết tranh chấp hợp đồng có thể được giải quyết trong bảng xếp hạng Mức độ thuận lợi kinh doanh mới nhất của Ngân hàng Thế giới.2

Xinh-ga-po đã đạt được vị thế vượt trội của mình, không chỉ thông qua việc tiếp tục sử dụng hệ thống thông luật và những lợi thế như đối với quy định pháp luật về thương mại, mà còn thông qua việc áp dụng công nghệ vào quản lý hành chính hành chính, việc thành lập các tòa án chuyên trách và mở rộng việc giải quyết tranh chấp thay thế (ADR). Trên cơ sở đó, Singapore đã có được một hệ thống pháp luật phù hợp trong lĩnh vực thương mại,  các quy trình ra quyết định nhanh chóng và có chất lượng cao.

Thứ hai, giảm thiểu rào cản đối với hoạt động kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Việc đăng ký thành lập mới các doanh nghiệp và sự cạnh tranh mang tính lành mạnh là một trong những nguyên nhân quan trọng để góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và thịnh vượng. Xinh-ga-po đã xóa bỏ những rào cản không cần thiết đối với hoạt động kinh doanh thông qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính, như việc giảm bớt thủ tục không cần thiết liên quan đến việc đăng ký kinh doanh và các thủ tục liên quan đến việc nộp thuế trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, Xinh-ga-po quy định các thủ tục hành chính tối thiểu để giúp người dân khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thuận lợi, bao gồm nhiều kế hoạch khác nhau nhằm giúp các doanh nhân tiếp cận nguồn tài chính mà họ cần để thành lập và mở rộng quy mô.

Thứ ba, tối đa hóa chất lượng nguồn nhân lực với sự đầu tư thỏa đáng vào giáo dục thế hệ trẻ và học tập suốt đời.

Nguồn nhân lực đã và đang tiếp tục là một yếu tố quan trọng góp phần cho sự tăng trưởng thần kỳ của Xinh-ga-po. Theo thời gian, việc trau dồi trình độ học vấn và kỹ năng của lực lượng lao động có tác động tích cực sâu sắc đến sự phát triển của một quốc gia. Tầm quan trọng của nguồn nhân lực cao đối với “mô hình Xinh-ga-po” được phản ánh qua các nguồn lực mà Chính phủ dành cho giáo dục. Xinh-ga-po đã chi khoảng 17% ngân sách quốc gia cho giáo dục vào năm 2017 và gần 20% vào năm 2019.3 Chính phủ đã chi 11.531 đô la Xinh-ga-po cho mỗi học sinh tiểu học vào năm 20194. Hơn nữa, Xinh-ga-po còn nỗ lực đặc biệt để cung cấp hỗ trợ thêm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Thành quả của khoản chi này được thể hiện rõ qua một số chỉ số quốc tế của Xinh-ga-po, như: đứng đầu về Chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Ngân hàng Thế giới; đứng thứ 3 về chất lượng trình độ kỹ năng của “lực lượng lao động hiện tại’”; đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng PISA mới nhất của OECD.

Ngoài nguồn tài trợ, giáo dục Xinh-ga-po còn có một số đặc điểm đáng chú ý góp phần vào sự thành công của nó. Các trường học của Xinh-ga-po áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, như: đồng phục, bài tập về nhà được chú trọng; có chương trình giảng dạy cứng nhắc, tập trung vào các môn học thuộc khối ngành khoa học, kỹ thuật (STEM); các kỳ thi nghiêm ngặt và không khoan dung với học sinh có chất lượng học kém… Ngoài ra, sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động của nhà trường ở mức độ cao và học sinh thường xuyên được tham gia học tập ngoại khóa. Việc học thêm được tăng cường thông qua các tài khoản Edusave của Xinh-ga-po, trong đó quỹ được Bộ Giáo dục gửi vào hằng năm để giúp trang trải chi phí cho các “chương trình bồi dưỡng” do trường tổ chức.

Giáo dục sau trung học ở Xinh-ga-po có yếu tố dạy nghề rất mạnh. Mạng lưới các trường bách khoa và Viện Giáo dục Kỹ thuật cung cấp phần lớn những chương trình dạy nghề. Tỷ lệ khoảng gần 2/3 số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đã tham gia các khóa học nghề.5 Để hỗ trợ phát triển các kỹ năng sau trung học phổ thông, mỗi người dân có một tài khoản giáo dục sau trung học phổ thông (đây là tài khoản tiết kiệm để tài trợ cho việc học tập và đào tạo nâng cao cho đến tuổi 31). Đáng chú ý, chúng được tích hợp vào các phương tiện tiết kiệm khác của Xinh-ga-po với số tiền chưa sử dụng được chuyển vào tài khoản thông thường của người dân.

Ngoài sự chú trọng lâu dài vào hệ thống giáo dục và sau trung học phổ thông, học tập suốt đời đã trở thành một trọng tâm quan trọng của Bộ Giáo dục Xinh-ga-po kể từ năm 2015. Một số hoạt động chi tiêu trong lĩnh vực giáo dục hiện tại đã được chuyển hướng sang các sáng kiến ​​hàng đầu, như: chương trình SkillsFuture vốn đã được thành lập để khuyến khích và cung cấp hỗ trợ kinh tế cũng như các hỗ trợ khác cho người trưởng thành ở Xinh-ga-po để nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp hoặc tiếp thu các kỹ năng mới trong suốt cuộc đời của họ6.

SkillsFuture đang tìm cách tiến xa hơn, chuyên nghiệp hóa và củng cố lĩnh vực giáo dục dành cho người lớn bằng các biện pháp, như: bản đồ chuyển đổi giáo dục – đào tạo và giáo dục dành cho người lớn (TAE). Mục đích của chương trình này là bảo đảm ngành Giáo dục người lớn có thể cung cấp các loại dịch vụ cần thiết khi sự chuyển đổi công nghệ sẽ thay đổi các ngành nghề và mô hình việc làm hiện tại trong những thập kỷ tới.

Một khía cạnh đáng chú ý trong nỗ lực của Xinh-ga-po nhằm cung cấp và tăng khả năng tiếp cận các cơ hội học tập suốt đời là cách nó được thiết kế để phù hợp với các nỗ lực chính sách khác. Các chính sách giáo dục và kỹ năng được thiết kế để bổ sung cho những nỗ lực trong chính sách công nghiệp hoặc công nghệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong một lĩnh vực cụ thể hoặc thành lập một ngành công nghiệp mới. Cuối cùng, sự kết hợp chính sách củng cố lẫn nhau giúp bảo đảm Xinh-ga-po tiếp tục đáp ứng các mục tiêu “phát triển” chiến lược nhằm duy trì thành công trong các ngành công nghiệp có giá trị cao ngày nay và giành được vị trí dẫn đầu trong các ngành công nghiệp trong tương lai.

Thứ tư, có hoạt động đầu tư nhà nước hiệu quả, có mục tiêu và bền vững vào công nghiệp.               Xinh-ga-po có hai Quỹ đầu tư có chủ quyền (SIF)7. Trong khi cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong “mô hình Xinh-ga-po”, Temasek Holdings đặc biệt quan trọng vì nó hỗ trợ một cách rõ ràng, mang tính chiến lược cho ngành công nghiệp có trụ sở tại Xinh-ga-po. Quỹ được thành lập vào đầu những năm 1970 để quản lý cổ phần của Chính phủ trong các doanh nghiệp Xinh-ga-po. Đến năm 2019, quỹ đã phát triển vượt xa sự khởi đầu hạn chế để trở thành một quỹ đầu tư toàn cầu và nắm giữ tài sản ròng trị giá khoảng 313 tỷ đô la. Bất chấp phạm vi hoạt động toàn cầu, quỹ vẫn nắm giữ cổ phần chính trong các công ty và tập trung mạnh vào việc “phát triển” nền kinh tế Xinh-ga-po.

Một minh họa rõ ràng về vai trò chiến lược mà Temasek tiếp tục thể hiện trong việc củng cố nền kinh tế Xinh-ga-po phát triển, có thể thấy qua việc gần đây họ liên doanh với Quỹ Nghiên cứu Quốc gia trị giá 100 triệu đô la Xinh-ga-po để cố gắng giải quyết một trong những điểm yếu đã được thừa nhận từ lâu trong nền kinh tế Xinh-ga-po; thương mại hóa nghiên cứu cơ bản8.

Thứ năm, xây dựng và duy trì một hệ thống hành chính công có năng lực cao, ban hành và thực hiện chính sách một cách hiệu quả.

Lịch sử kinh tế thời hậu chiến của Xinh-ga-po là nhà nước đã hoạt động tích cực, không phải thụ động. Các nhiệm kỳ Chính phủ, dưới thời Lý Quang Diệu và những người kế nhiệm đã quan tâm sâu sắc đến nền kinh tế và định hình quỹ đạo phát triển của nó.

Điều quan trọng là, để cho phép các nhiệm kỳ Chính phủ kế tiếp của Xinh-ga-po can thiệp một cách hiệu quả (thường xuyên hơn) như họ đã làm, chính quyền đã đầu tư vào việc bảo đảm mình có năng lực hành chính chất lượng cao. Điều này, được phản ánh trong thước đo “Hiệu quả Chính phủ” của Ngân hàng Thế giới cho thấy Xinh-ga-po hoạt động hiệu quả trong quản lý hành chính trên phạm vi toàn cầu.

“Mô hình” của Xinh-ga-po khó có thể thành công nếu nước này không có một bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu quả để có thể đạt được các mục tiêu phát triển. Đầu tư của Xinh-ga-po vào một bộ máy hành chính nhà nước chất lượng cao đã tạo điều kiện cho việc phát triển chính sách có tính liên kết một cách linh hoạt trong các đòn bẩy chính sách mà nước này “kéo” và (quan trọng không kém) đã bảo đảm và tiếp tục bảo đảm các biện pháp chính sách được thực thi thành thạo.

Một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng quản trị nhà nước tốt

Một là, xây dựng đội ngũ công chức mạnh và liêm chính.

Đây là một trong những điểm chung của các quốc gia có quản trị nhà nước tốt. Đội ngũ công chức trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương chính là những người trực tiếp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quản trị tốt.

Kinh nghiệm của Xinh-ga-po cho thấy, khi xây dựng và củng cố đội ngũ công chức đều nhấn mạnh đến năng lực chuyên môn và nghiệp vụ. Để có được điều này, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, và phân công cần dựa trên những đánh giá về năng lực cá nhân của công chức. Năng lực của công chức cũng cần được tích lũy và củng cốthường xuyên thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, chuyên môn, và nghiệp vụ.

Thứ hai, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ – thông tin mạnh mẽ, tiến tới xây dựng chính phủ số là tiền đề và bảo đảm quản trị tốt.

Trong giai đoạn hiện nay, cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 một cách đồng bộ, thống nhấtvà hiệu quả. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, đặc biệt cần cắt giảm các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ số không chỉ phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước mà còn hỗ trợ đắc lực, tăng kết nối giữa Nhà nước và công dân. Việt Nam cũng xác định được vai trò của việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Ngày 14/10/2015 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, gần đâynhất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Với việc triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) được ban hành theo Quyết định 06/QĐ-TTgngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và bước đầu mang lại nhiều tiện ích cho dân cư và cả các cơ quan nhà nước.

Với năm bài học quản trị tốt của Xinh-ga-po có thể là những gợi mở cho Việt Nam trong quá trình đổi mới  quản trị tốt và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để đáp ứng ngày một tốt hơn các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, và giáo dục.

Chú thích:
1, 2. The Global Competitiveness Report 2019, Klaus Schwab, World Economic Forum. https://www3.weforum.org/docs, truy cập ngày 08/9/2023.
3, 8. Economic Outlook for Southeast Asia, China and India 2019. Towards Smart Urban Transportation, OECD Report. https://www.oecd.org, truy cập ngày 08/9/2023.
4. Singapore in Figures 2019, Department of Statistics Singapore https://www.singstat.gov.sg, truy cậpngày 08/9/2023.
5. Singapore: Innovation Technical Education, Vivien Stewart. https://asiasociety.org, truy cập ngày 08/9/2023.
6. Educating the developmental state: policy integration and mechanism redesign in Singapore’s SkillsFuture scheme, Journal of Asian Public Policy. https://www.tandfonline.com, truy cập ngày 08/9/2023.
7. The time has come: a UK Sovereign Investment Fund. https://www.smf.co.uk, truy cập ngày 08/9/2023.
TS. Nguyễn Thị Kim Chung
Học viện Hành chính Quốc gia