Giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer trong bối cảnh suy giảm về kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh

ThS. Đặng Thanh Tuấn, ThS. Tôn Nữ Thị Sáu
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí. Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức mà nổi lên hiện nay là tình hình suy giảm về kinh tế. TP. Hồ Chí Minh chịu nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hầu hết các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân suy giảm, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng chịu tác động rõ nét. Đồng bào Khmer ở TP. Hồ Chí Minh là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng tác động sâu sắc, cần có những giải pháp, chính sách quan tâm hỗ trợ kịp thời. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào Khmer trong bối cảnh suy giảm về kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa: Đông đảo Phật tử và đồng bào Khmer đang sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh đã vân tập chùa tham dự lễ Sene Đônta truyền thống tại chùa Chantarangsay (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Tổng quan tình hình kinh tế – xã hội ở TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố) có diện tích 2.095,1 km2 gồm 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện với 312 phường, xã, thị trấn1. Thành phố nằm ở vị trí trung tâm của Nam bộ. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số khoảng 9 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế Thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước…

Thành phố là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. TP. Hồ Chí Minh thu hút đông đảo người lao động nhập cư, cũng vì thế mà người dân tộc thiểu số cũng tìm đến thành phố chọn làm nơi sinh kế, lao động, ngoài ra còn có bộ phận đến sinh hoạt học tập. Xu hướng này đã tăng lên và tiếp tục gia tăng trong thời gian đến. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, đồng bào các dân tộc ở thành phố có điều kiện phát triển, mở rộng quan hệ, giao lưu với bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, từ đó, vừa khẳng định vị trí của mình, vừa hoà nhập vào xu thế chung.

Tuy nhiên, hiện nay Thành phố còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế có thể kể đến như: tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, yếu kém.

Thành phố chịu nhiều tác động tiêu cực dẫn đến nhiều hoạt động suy giảm, theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh (GRDP) chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 56 trên tổng số 63 địa phương. Đồng thời, có 22% doanh nghiệp Thành phố ngưng hoạt động và 17,6% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong thời gian tới. Doanh nghiệp tại Thành phố gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp (41,2%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), thiếu vốn (17,6%), thiếu nguồn nhân lực phù hợp (11,2%). Bước sang quý II/2023, GRDP đạt 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù có sự cải thiện so với quý I nhưng vẫn ở mức thấp, nền kinh tế đối mặt nhiều rủi ro, dự báo tình hình kinh tế Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian đến.

Thực trạng đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở TP. Hồ Chí Minh

Người Khmer đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay có nguồn gốc là người nhập cư với mục đích tìm kiếm loại hình sinh kế mới, nhu cầu giải quyết việc làm vì nhiều nguyên nhân như gặp nhiều khó khăn trong cơ hội việc làm và sản xuất, nghèo đói, biến đổi khí hậu, hầu như không có sở hữu tư liệu sản xuất, trình độ dân trí hạn chế, cơ hội tiếp cận chính sách ở địa phương còn khó khăn. Theo kết quả điều tra dân số năm 2019 thì TP. Hồ Chí Minh có gần 9 triệu người, dân tộc thiểu số với 465.862 người, chiếm tỷ lệ 5,21% dân số Thành phố. Trong đó, đồng bào Khmer hiện đang sinh sống là 50.422 người (tỷ lệ 0,56% dân số của Thành phố), dân tộc Khmer tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 1/3 dân số Khmer của Đông Nam bộ và 4% của cả nước.

Mặc dù dân số ít hơn rất nhiều so với các cộng đồng tộc người khác tại TP. Hồ Chí Minh và chỉ đứng hàng thứ 3 sau người Kinh và người Hoa nhưng người Khmer lại sống rải rác và phân tán khắp Thành phố, có xu hướng gia tăng và dịch chuyển từ nội thành ra các quận vùng ngoại thành, chủ yếu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến làm ăn sinh sống ở Thành phố, đồng bào cư trú chưa ổn định, nghề nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông. Các địa bàn tập trung đông đồng bào Khmer như: thành phố Thủ Đức, Quận 3, Tân Bình, Bình Tân, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh.

Đa số đồng bào dân tộc Khmer tại Thành phố chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ, lao động tự do, lao động phổ thông. Một bộ phận đồng bào Khmer hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, thu nhập thấp. Đời sống văn hóa, nghệ thuật của người Khmer được duy trì và phát huy nhân các dịp lễ, Tết của đất nước và dân tộc Khmer như: ẩm thực, biểu diễn trang phục truyền thống, chương trình văn hóa văn nghệ. Người Khmer là tín đồ tôn sùng đạo Phật, theo hệ phái Phật giáo Nam Tông. Hầu hết chức sắc, tín đồ các tôn giáo là người Khmer an tâm sinh hoạt đạo, chấp hành pháp luật, tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội, vận động người Khmer thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị.

Hiện nay, đời sống của cộng đồng đồng bào Khmer cũng còn nhiều khó khăn và có một khoảng cách khá xa so với người Kinh, Hoa. Phần lớn đồng bào dân tộc Khmer sống tạm cư nên các chính sách dân tộc của thành phố chưa bao phủ được toàn bộ, toàn diện đối tượng này. Đời sống và thu nhập chưa cao; vấn đề lao động, việc làm của công nhân là người dân tộc Khmer còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất chung của các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đặc biệt là thời gian sau dịch, số lượng công nhân bị cắt giảm lao động ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến đời sống, tâm trạng của đồng bào dân tộc Khmer hiện nay.

Nhìn chung, tình hình đồng bào dân tộc Khmer tại Thành phố đa số tạm trú lâu năm (trên 5 năm) từ các tỉnh miền Tây đến làm ăn sinh sống ở Thành phố, đa phần trình độ văn hóa thấp, đi làm tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, thu nhập thấp, không ổn định, ít có điều kiện tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật.

Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Khmer tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua

Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc xây dựng, củng cố và huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo, thực hiện tốt các chính sách về kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình, dự án, chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ cho đồng bào được triển khai đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội. Căn cứ Thông tri số 24-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3531/QĐ-UB ngày 16/7/2014 về kế hoạch thực hiện Chương trình chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 1362/KH-UBND ngày 11/4/2023 về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Một số kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Khmer tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, cụ thể như sau:

Về chính sách đặc thù. Trong thời gian qua, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chính sách mang tính đặc thù góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.. Đó là: (1) Chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020; (2) Chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo giai đoạn 2014-2020 đang học tại các cơ sở giáo dục đại học; (3) Chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer trên địa bàn thành phố từ năm học 2013-2014 đến năm học 2019-2020; (4) Chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020; (5) Chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo tổng hợp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020; (6) Chính sách hỗ trợ cấp bù lãi suất vay vốn làm kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2018-2025.

Một số kết quả thực hiện đạt được tiêu biểu: miễn học phí cho 13.002 học sinh dân tộc Chăm, Khmer trên địa bàn thành phố (từ năm học 2013-2014 đến năm học 2019-2020), với số tiền là 11.653.688.000 đồng; hỗ trợ chi phí học tập đối với 901 sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (giai đoạn từ năm học 2016-2017 đến năm học 2021-2022) đang học đại học với số tiền 4.185.124.000 đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 18 học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số (giai đoạn 2016-2021), số tiền 52.480.000 đồng; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ 0.5 lần mức lương tối thiểu cho giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc, nhằm thực hiện tốt các giải pháp bảo tồn tiếng nói và chữ viết cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, có 70 lượt giáo viên người Khmer dạy tiếng Khmer được hỗ trợ với tổng số tiền: 625,8 triệu đồng.

Về chính sách về dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ lãi suất vay vốn, với đặc điểm và lợi thế Thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tư nhân nên cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số càng phong phú và đa dạng. Từ những cơ hội trên, trong thời gian qua, để tạo điều kiện và khuyến khích người dân yên tâm trong việc chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, trình độ văn hóa và phù hợp về tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc mình, Thành phố đã phê duyệt nhiều đề án, chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người lao động, trong đó có đồng bào Khmer.

Có thể kể đến một số chính sách cơ bản như sau: Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16/7/2012 của Uy ban nhân dân Thành phố về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020; Quyết định số 2675/QĐ-UBND ngày 24/5/2012 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong doanh nghiệp; Quyết định số 4140/QĐ-UBND ngày 14/8/2012 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012 – 2015; Kế hoạch số 1783/KH-UBND ngày 25/4/2014 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015; Quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 28/7/2016 của UBND Thành phố về Đề án đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020…

Kết quả thực hiện các chính sách trên, hàng năm đã có trên 700.000 lao động được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề miễn phí, trong đó có gần 1.000 lao động là người dân tộc Khmer; có khoảng 600 lao động người dân tộc Khmer được giải quyết việc làm hàng năm. Ngoài ra, với chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về lãi suất vay vốn đã giúp đồng bào có điều kiện làm kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong thời gian qua, đã thực hiện giải ngân cấp bù lãi suất cho 1.092 hộ người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí là 179.779.835 đồng, trong đó có 74 hộ người dân tộc Khmer được hỗ trợ với tổng số tiền 13.025.707 đồng.

Về chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, từ các chính sách về xóa đói giảm nghèo qua các giai đoạn của Thành phố, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn Thành phố đã động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào Khmer từng bước cải thiện, nâng cao đời sống, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo là người Khmer thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2021-2025, chuẩn hộ nghèo đa chiều Thành phố được xác định có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên, trong đó chỉ số thiếu hụt về thu nhập bình quân đầu người từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống; chuẩn hộ cận nghèo được xác định có 2 chỉ số thiếu hụt, trong đó chỉ số thiếu hụt về thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng/người/năm đến 46 triệu đồng/người/năm. Tính đến tháng 3/2023, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer có 164 hộ nghèo với 699 nhân khẩu, chiếm 0,77% so với hộ nghèo của Thành phố và 142 hộ cận nghèo với 573 nhân khẩu, chiếm 0,77% so với hộ cận nghèo Thành phố. Trong năm 2022, đã có 65 hộ với 254 nhân khẩu là người dân tộc Khmer thoát mức chuẩn hộ cận nghèo.

Về y tế, cấp sổ khám bệnh miễn phí các hộ nghèo; cấp bảo hiểm y tế học đường cho học sinh dân tộc Khmer tiểu học và trung học cơ sở; hỗ trợ bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế cho người già neo đơn; hỗ trợ dinh dưỡng cho các cháu học sinh mầm non và tiểu học để cải thiện tầm vóc, sức khỏe thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020; duy trì các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh thực hiện “Chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho các cháu nhà trẻ, mẫu giáo và học sinh tiểu học để cải thiện tầm vóc, sức khỏe thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020”; các cơ sở y tế phối hợp các Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Triều An tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 960 lượt người và các mạnh thường quân tặng 1.000 phần quà trị giá hơn 130 triệu cho đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn tại Quận 8, Bình Tân, Huyện Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ.

Về giáo dục, công tác phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và nguồn nhân lực được thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện. Các chính sách đặc thù về giáo dục được triển khai hiệu quả, qua đó khuyến khích, động viên con em đồng bào dân tộc Khmer học tập, nâng cao trình độ học vấn. Bên cạnh đó, Thành phố đã tập trung biên soạn 3 bộ tài liệu dạy và học tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức và đồng bào người Hoa, Khmer, Chăm tại thành phố.

Mặc dù đã nhận được quan tâm hỗ trợ nhưng đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn, điều kiện sống, học tập, làm việc và hội nhập vẫn chưa đảm bảo, nhất là những hộ có nhiều nhân khẩu nhưng diện tích nhà quá chật hẹp, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Dự báo đồng bào Khmer trong những năm tới sẽ tiếp tục là một trong những dân tộc thiểu số đông nhất ở Việt Nam (với khoảng 1,3 triệu người vào năm 2025) và xu hướng di cư của đồng bào Khmer đến TP. Hồ Chí Minh để tìm việc mưu sinh tiếp tục diễn ra về lâu dài, vì vậy thành phố cần xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào Khmer tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào Khmer ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Thành phố tiếp tục tập trung triển khai các chỉ đạo của trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các nghị quyết, kết luận của Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định số 2531/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 về kế hoạch triển khai chương trình hành động của Chính phủ, chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một là, quán triệt đến cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cơ sở và các tầng lớp nhân dân về vị trí và tầm quan trọng trong đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp tục thực hiện chương trình phát thanh, phát sóng bằng tiếng dân tộc Khmer nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chính sách dân tộc đến với đồng bào dân tộc Khmer. Cải tiến và nâng cao chất lượng trang tin điện tử của Ban Dân tộc Thành phố đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng. Nắm chắc mọi diễn biến tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc, kịp thời phát hiện ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, thực hiện tốt chính sách trong đồng bào dân tộc Khmer, xây dựng chính sách đặc thù của Thành phố. Phải bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người đồng bào dân tộc về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh, phúc lợi xã hội… Tạo điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng, tiềm năng kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer phát triển các ngành nghề, các thành phần kinh tế đúng pháp luật, động viên các doanh nhân, doanh nghiệp người dân tộc Khmer tích cực tham gia phát triển kinh tế thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện việc lồng ghép chính sách dân tộc trong quá trình triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Tập trung công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo; nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc Khmer.

Ba là, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách đặc thù để nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc Khmer, giúp đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc Khmer. Quan tâm đầu tư và có chính sách khuyến khích mở rộng việc dạy và học chữ Khmer; chăm lo tốt việc học của con em dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Khmer tại các cơ sở tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc Khmer.

Bốn là, xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao dân trí người dân tộc Khmer. Nghiên cứu cơ chế, chính sách định hướng đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên, học viên là người dân tộc Khmer ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp theo hướng tài trợ, trao học bổng, đào tạo theo địa chỉ sử dụng đối với các vị trí, lĩnh vực khó thu hút, các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống người. Đồng thời, tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức tự nguyện, tự giác và khơi gợi nhiệt huyết trong cộng đồng dân tộc Khmer trên địa bàn Thành phố, kịp thời động viên, phát hiện và giới thiệu các trường hợp có đủ điều kiện, năng lực, trình độ tham gia ứng tuyển; bồi dưỡng và phát huy nhân tài đối với con em đồng bào dân tộc Khmer. Thường xuyên theo dõi, phát hiện các gương điển hình người tốt, việc tốt để kịp thời khen thưởng, khuyến khích và động viên tinh thần nhiệt huyết, cống hiến người dân tộc Khmer.

Năm là, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong đồng bào dân tộc Khmer. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Khmer, bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, tập trung định hướng, hướng dẫn và phân công công tác phù hợp với năng lực, trình độ và đặc thù văn hóa, lối sống của cộng đồng dân tộc Khmer. Đồng thời, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các địa phương, đơn vị quan tâm, xem xét, ưu tiên bổ sung, đưa vào quy hoạch và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; bảo đảm tỷ lệ hợp lý, nâng cao tỷ lệ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; các lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội. 

Thứ sáu, xây dựng các chính sách trong việc phát triển du lịch gắn với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc thiểu số. Nhằm mục đích cải thiện sinh kế của cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua du lịch. Nhiều nghề truyền thống của các cộng đồng đang dần bị mai một, việc xây dựng các chính sách đầu tư giáo dục phát triển nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp du lịch. Từ đó, hướng đến điều hòa các mối quan hệ dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội và an ninh – quốc phòng. TP. Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan… trong thực hiện việc phát triển du lịch kết hợp với văn hóa du lịch tâm linh đối với các dân tộc Hoa, Chăm, Khmer hướng đến việc vừa phát triển văn hóa, đồng thời cũng vừa phát triển kinh tế cho cộng đồng. Văn hóa phải gắn với việc phát triển về mặt sinh kế và trong các hoạt động du lịch từ phía cộng đồng. 

Thứ bảy, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các dự án thiết thực, mô hình hay, chương trình thực hiện chính sách dân tộc. Nghiên cứu các mô hình hay có tính khả thi về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhân rộng mô hình làm kinh tế hiệu quả, nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường… Thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng, tiềm năng kinh tế của người Khmer phát triển các ngành nghề, các thành phần kinh tế đúng pháp luật.

Kết luận

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức đan xen Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm chăm lo thực hiện chính sách dân tộc với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer, tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 1111/2020/NQ-UBTVQH14 ngày 16/11/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh”.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Ban Dân tộc – Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh (2019). Thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thời điểm 00’ ngày 01/10/2019, TP. Hồ Chí Minh.
3. Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh. Tài liệu Hội thảo: Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào DTTS TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2035, tháng 5/2021.
4. Báo cáo số 101/BC-UBND ngày 14/7/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh sơ kết 05 năm  thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
5. Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 01/02/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.