Giải pháp phát triển đô thị du lịch thông minh tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

TS. Phan Thị Tuyết Minh
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang
(Quanlynhanuoc.vn) – Mô hình đô thị du lịch thông minh đang được coi là xu thế của thời đại khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão. Nhờ tận dụng các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương cũng như nắm bắt những cơ hội từ xu thế và thời đại, thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) đã, đang nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng đô thị du lịch thông minh.
Ảnh minh họa (internet).
Quan niệm về đô thị du lịch thông minh

Những năm gần đây, thị trường du lịch thông minh đã được nhiều quốc gia quan tâm phát triển trên cơ sở tận dụng các lợi thế đi trước, đón đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều thành phố lớn tại các nước trên thế giới đã tiên phong trong việc phát huy các thế mạnh của mình và áp dụng các thành tựu của công nghệ để phát triển trở thành các đô thị thông minh, hiện đại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu du lịch và trải nghiệm của du khách, từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển ngành Du lịch của địa phương cũng như đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Có nhiều lợi thế là vậy, song việc định nghĩa đô thị du lịch thông minh với các tiêu chí rõ ràng hiện nay vẫn chưa có một quan điểm chung thống nhất mà tùy thuộc vào đặc thù của mỗi quốc gia, mỗi khu vực tự đưa ra các tiêu chuẩn riêng, từng bước áp dụng và dần hoàn thiện. Tuy nhiên, dù dưới góc độ nào thì một đô thị du lịch được coi là thông minh khi các điểm đến, điểm du lịch và du lịch ở đô thị đó phải thích ứng, luôn đổi mới và tận dụng nền tảng công nghệ vào thực tiễn phát triển. Hay nói cách khác, việc sử dụng công nghệ phải là trọng tâm của khái niệm du lịch thông minh, quản lý tài nguyên, hệ sinh thái phát triển hiệu quả, bền vững và có khả năng cạnh tranh. Đô thị du lịch được coi là thông minh còn phải được cộng đồng thiết kế và cam kết gắn kết phát triển xã hội, bao gồm các mô hình tham gia và quản trị mới. Việc phát triển các điểm du lịch thông minh của đô thị phải có sự tham gia của người dân và tạo thành động lực thúc đẩy nền kinh tế địa phương, tránh khoảng cách giữa các thành phố trực thuộc trung ương hoặc giữa các tổ chức công và tư.

Tại Việt Nam, chủ đề về phát triển các đô thị du lịch thông minh cũng đã được bàn luận sôi nổi tại nhiều diễn đàn khoa học và thực tiễn, gắn với chiến lược phát triển tổng thể kinh tế – xã hội cũng như chiến lược và kế hoạch phát triển của ngành Du lịch nói riêng. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau với nhiều tiêu chí đa dạng, song nhìn chung, các đô thị du lịch thông minh cần đáp ứng được các tiêu chí cơ bản, như: (1) Sở hữu tài nguyên du lịch hấp dẫn nằm trong đô thị hoặc trong ranh giới đô thị và các khu vực liền kề; (2) Có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và kỹ thuật du lịch đồng bộ đáp ứng yêu cầu của mô hình đô thị du lịch thông minh và nhu cầu của khách du lịch, cơ cấu lao động thích hợp với yêu cầu phát triển du lịch tại địa phương; (3) Ngành Du lịch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đạt tỷ lệ thu nhập trên tổng doanh thu các ngành dịch vụ theo quy định hiện hành; (4) Môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thông thoáng, tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính.

Trên thực tế, cũng có nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã và đang xây dựng theo mô hình này, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, đã có những chuyển biến tích cực và là mô hình tiêu biểu để các tỉnh, thành phố khác tham khảo áp dụng, trong đó có thành phố Châu Đốc của tỉnh An Giang.

Tiềm năng phát triển đô thị du lịch theo hướng thông minh tại thành phố Châu Đốc

Châu Đốc – thành phố du lịch tâm linh

Hằng năm, thành phố đón hàng triệu lượt khách đến tham quan. Với vị trí địa lý đặc biệt “Tiền tam giang, hậu thất lĩnh”, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Cam-pu-chia, là đầu mối đến 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia (Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng, Châu Đốc được xác định là trung tâm giao thương kinh tế của tỉnh An Giang, rất thuận lợi cho việc phát triển dự án và các tour du lịch.

Châu Đốc là một trong những thành phố đáp ứng được các yêu cầu của một đô thị du lịch và có nhiều tiềm năng, cơ sở để phát triển trở thành đô thị du lịch thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 theo các tiêu chí kể trên, cụ thể:

Thứ nhất, sở hữu tài nguyên du lịch hấp dẫn nằm trong đô thị hoặc trong ranh giới đô thị và các khu vực liền kề.

Châu Đốc có nhiều di tích văn hóa – lịch sử phong phú, đa dạng với bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. Thành phố có thế mạnh về du lịch tâm linh; cảnh quan sông núi, thiên nhiên, hoạt động lễ hội; du lịch trải nghiệm, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề thủ công truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân gian để hấp dẫn du khách. Tại đây, ngoài các quần thể di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang… Một trong những khu, điểm góp phần vào sự phát triển của du lịch Châu Đốc nói riêng, của tỉnh nói chung là Khu du lịch quốc gia núi Sam. Với địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng trù phú, liền kề hệ thống kênh, rạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo cho vùng đất này. Mỗi năm, có hàng triệu du khách đến Khu du lịch quốc gia núi Sam, bởi nơi đây nổi tiếng về giá trị tâm linh tín ngưỡng của lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ.

Du khách đến với Châu Đốc quanh năm nhưng tập trung đông nhất vào dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, tháng 7, 10 và đặc biệt là tháng 4 (Âm lịch), thời gian diễn ra Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ của thành phố diễn ra rất sôi động. Hoạt động của ngành Du lịch, nhất là số lượng và tổng doanh thu từ du khách đến tham quan du lịch theo dạng tín ngưỡng tại Khu du lịch quốc gia núi Sam năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ đó, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố và sự phát triển chung của tỉnh An Giang.

Những năm gần đây, thành phố Châu Đốc đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội thường niên, với nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước, như: đua thuyền rồng, thả diều, thả đèn hoa đăng trên ngã ba sông Châu Đốc; nâng chất, tái dựng lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống chân núi… Bên cạnh đó, các điểm di tích lịch sử – văn hóa từng bước được trùng tu tôn tạo1.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và kỹ thuật du lịch đồng bộ, từng bước đáp ứng được yêu cầu của mô hình đô thị du lịch thông minh và nhu cầu của du khách.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, thành phố Châu Đốc đã tập trung xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Theo đó, địa phương tiến hành khảo sát, đầu tư, cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng và xây mới các hạng mục hạ tầng du lịch. Đồng thời, chú trọng kết nối các điểm du lịch, khai thác du lịch tâm linh và du lịch trải nghiệm, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương. Các công trình, dự án đầu tư, xây dựng được quan tâm, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Đến năm 2022, thành phố đã có 77 công trình được thực hiện đầu tư và đã đưa vào khai thác sử dụng, trị giá hơn 820,965 tỷ đồng; mời gọi được 60 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào 28 dự án, với tổng mức đầu tư trên 4.785 tỷ đồng, trong đó đã triển khai thực hiện 13 dự án với tổng giá trị đầu tư là hơn 1.053 tỷ đồng. Qua đó, góp phần đưa diện mạo đô thị thành phố Châu Đốc ngày càng khang trang, hướng gần đến đô thị văn minh, xanh – sạch – đẹp, an toàn2.

Mới đây, công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư tiếp tục được tỉnh An Giang và thành phố Châu Đốc quan tâm chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hoạt động và giải pháp. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố, như: đường nối khu dân cư chợ Vĩnh Đông đến đường tránh Quốc lộ 91, đường Phan Đình Phùng nối dài, mở rộng đường Trưng Nữ Vương, đường đê Hòa Bình, Công viên văn hóa Núi Sam với tượng Phật Thích Ca cao 81m…, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, tăng mỹ quan đô thị và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, một số quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt làm cơ sở mời gọi đầu tư như: tuyến đường vòng công viên văn hóa Núi Sam, đường nối khu dân cư chợ Vĩnh Đông đến đường tránh Quốc lộ 91, Khu du lịch Bắc Miếu Bà, Khu dân cư Nam Sông Hậu, Cụm công nghiệp Vĩnh Tế, Khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Ngươn3

Thứ ba, ngành Du lịch của Châu Đốc đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đạt tỷ lệ thu nhập trên tổng thu nhập trên tổng các ngành dịch vụ theo quy định hiện hành.

Theo thống kê cho thấy, lượng khách du lịch đến thành phố Châu Đốc tăng hằng năm. Tính riêng trong năm 2022, lượt khách tham quan ước đạt 4.035.000 lượt khách, tăng 3,31 lần (tương đương tăng 2.815.532 lượt khách) so với cùng kỳ, đạt 100,88% so với kế hoạch năm (chỉ tiêu kế hoạch 4.000.000 lượt khách). Tỷ lệ khách lưu trú so lượt khách tham quan: lượt khách lưu trú ước thực hiện năm 2022 là 539.870 lượt khách, đạt 13,38% (chỉ tiêu kế hoạch 12%), so với kế hoạch đạt 111,5%. Chi tiêu bình quân của 1 khách tham quan lưu trú là 722.000 đồng, đạt 103,14% so với kế hoạch4.

Theo báo cáo của UBND thành phố Châu Đốc, riêng trong quý I/2023, kinh tế – xã hội thành phố Châu Đốc tiếp tục phát triển. Đặc biệt, hoạt động du lịch nhiều khởi sắc, tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, thành phố đón 2,45 triệu lượt du khách (tăng 41,86% so cùng kỳ, đạt 59,76% kế hoạch năm 2023). Lượt khách lưu trú ước đạt 13,5% so lượt khách tham quan (đạt 112,5% kế hoạch). Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt trên 166,7 tỷ đồng (đạt 34,48% so dự toán tỉnh giao, đạt 33,78% so dự toán thành phố giao, đạt 92,53% so cùng kỳ)5.

Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thông thoáng, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính.

Thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Châu Đốc giai đoạn 2020 – 2025, tạo nền tảng để phát triển đô thị du lịch thông minh, thành phố đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để triển khai nhanh các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; tiếp tục thực hiện đề án văn minh thương mại, phát triển du lịch – dịch vụ. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt công tác lập lại trật tự đô thị, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, nhất là tại những điểm du lịch trọng điểm được quan tâm thực hiện.

Trong năm 2022, các hoạt động quảng bá du lịch cũng được triển khai với nhiều hình thức như: đăng bài viết lên Facebook, Zalo, các fanpage, sưu tầm, cung cấp thông tin bài viết, hình ảnh, pano tuyên truyền, cảnh quan du lịch thiên nhiên, thông tin và giới thiệu đến du khách những điểm đến hấp dẫn tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam.

Xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố trên nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0 và triển khai kế hoạch phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái và kế hoạch thực hiện chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn thành phố Châu Đốc năm 2022. Thành phố cũng đã trình Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định hồ sơ đề cử quốc gia “Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam” đệ trình UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hoàn chỉnh hồ sơ Quần thể di tích Núi Sam đề nghị xếp hạng Khu di tích quốc gia đặc biệt.

Ngoài ra, để tạo nguồn lực phục vụ cho hoạt động du lịch trên địa bàn, trong năm vừa qua, thành phố Châu Đốc cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn về du lịch có 130 học viên tham dự. Nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng (50 người); nâng cao năng lực và kiểm tra đánh giá hướng dẫn viên du lịch tại điểm (30 người); quản lý nhà nước về du lịch hậu Covid-19 và truyền thông du lịch (50 người). Cùng với đó, tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam, các chợ trên địa bàn… Đồng thời, tăng cường công tác, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với các cơ sở dịch vụ du lịch, quán ăn, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh karaoke…6.

Giải pháp phát triển đô thị du lịch thông minh tại thành phố Châu Đốc

Một là, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa du lịch của địa phương cho cán bộ và nhân dân địa phương.

Theo đó, thành phố Châu Đốc cần tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về việc gìn giữ, nâng cao chất lượng, phát triển các sản phẩm du lịch; tuyên truyền các tài liệu về: truyền thuyết và giai thoại vùng biên thùy Châu Đốc; bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tại các trường học, khu dân cư phường, xã. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực xã hội phục vụ du lịch; tổ chức hội thi tìm hiểu về lịch sử và du lịch thành phố.

Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội thường niên, với nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước; tái dựng lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống chân núi…, để lưu giữ và phát huy các giá trị du lịch văn hóa tâm linh của địa phương. Đây chính là thế mạnh và giá trị cốt lõi của du lịch địa phương. Bảo tồn và phát huy được các giá trị này sẽ là cơ sở để thu hút khách du lịch đến với Châu Đốc và phát triển bền vững du lịch của thành phố nói chung và đô thị du lịch thông minh nói riêng. Thành phố Châu Đốc cũng cần đẩy mạnh quảng bá trên các website, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp đem lại nhiều tiện ích và thuận tiện cho việc cung cấp tham quan du lịch của du khách…

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phục vụ phát triển du lịch.

Thành phố Châu Đốc cần tập trung đầu tư bài bản và lâu dài cho các ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ khách du lịch được tốt hơn. Về điểm này có thể tham khảo kinh nghiệm tại các thành phố du lịch lớn đã áp dụng, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng.

Thành phố Châu Đốc có thể nghiên cứu triển khai phần mềm ứng dụng bằng tiếng Anh và tiếng Việt chạy trên hai hệ điều hành iOS và Android với mục đích hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin về các điểm đến, tour du lịch gợi ý, nhà hàng, khách sạn, phương tiện giao thông… Ứng dụng này cũng cần có tiện ích cho phép du khách kiểm tra số lượng phòng khách sạn còn trống tại thành phố và có thể thực hiện việc đặt phòng nhanh nhờ chức năng “quick booking”, nhờ ứng cứu khi gặp sự cố hoặc để lại những nhận xét về các chuyến đi của mình đến trung tâm du lịch lớn nhất cả nước này. Hoặc có thể nghiên cứu, phát triển phần mềm có chức năng “du lịch ảo” cung cấp cho du khách có những gợi ý về các điểm tham quan gần chỗ họ đang ở. Hay có thể tham khảo triển khai thí điểm thực hiện quét mã QR cho các điểm tham quan tại thành phố, chủ yếu là những điểm không thu phí để cung cấp cho du khách thông tin, hình ảnh và đoạn phim ngắn giới thiệu những điều du khách muốn biết.

Ba là, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thông minh.

Thành phố Châu Đốc vẫn cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện nhiều hơn về hệ thống cơ sở hạ tầng mới có thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách đến với Châu Đốc ngày càng đông như hiện nay và yêu cầu phát triển của mô hình đô thị du lịch thông minh. Thành phố Châu Đốc sẽ không thể phát triển được mô hình đô thị du lịch thông minh một cách toàn diện nếu hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, đặc biệt là hạ tầng du lịch và hạ tầng công nghệ thông tin. Do vậy, trong thời gian tới, chính quyền thành phố cần tập trung xây dựng và triển khai các dự án, chương trình đầu tư, cấp kinh phí cho việc duy trì và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, các phần mềm ứng dụng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch thông minh và đáp ứng nhu cầu của trải nghiệm của du khách.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương.

Thành phố nên khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp hợp tác để nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ, trong đó nghiên cứu kết hợp du lịch thông minh với các giá trị truyền thống (du lịch tâm linh) vốn là thế mạnh của du lịch của Châu Đốc.  Bên cạnh đó, các đơn vị công – tư có thể hợp tác tạo ra các ứng dụng và dịch vụ thông minh nhằm gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho du khách như: các tiện ích, cổng thông tin du lịch thông minh tại nhiều đô thị du lịch trên thế giới và Việt Nam đã áp dụng. Theo đó, các ứng dụng này không chỉ cung cấp thông tin mà còn đem đến những sự trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của địa phương. Qua đó, du khách cũng sẽ được tiếp cận kho dữ liệu lớn về những điểm đến gồm các video giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc của từng vùng, địa phương, đồng thời được tư vấn thông tin theo địa lý dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm thông qua định vị. Khách du lịch cũng có thể nghe những lời tư vấn về lịch trình, chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các sự kiện nổi bật thông qua chức năng gọi nghe nội dung tự động…

Năm là, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp.

Thành phố Châu Đốc cần đổi mới phương thức, nội dung công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố, cụ thể: tập trung tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch, thương mại và dịch vụ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố các lĩnh vực phục vụ định hướng phát triển địa phương, thích ứng tốt với xu hướng hội nhập như: quản lý đất đai, tài chính kế toán, quy hoạch và quản lý đô thị, kiến trúc, hoạch định chính sách, xây dựng đô thị thông minh, công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, chuyển đổi số…

Chú thích:
1. Châu Đốc phát triển du lịch theo hướng bền vững. https://baoangiang.com.vn, ngày 02/12/2019.
2. Châu Đốc – quyết tâm xây dựng thành phố du lịch thông minh, hiện đại. https://www.angiang.dcs.vn, ngày 22/12/2022.
3. Phát triển Châu Đốc thành đô thị du lịch thông minh. https://baodautu.vn, ngày 01/4/2021.
4, 6. Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc (2023). Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 thành phố Châu Đốc.
5. Phát triển thành phố Châu Đốc trở thành đô thị du lịch thông minh. https://angiang.gov.vn, ngày 04/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
2. Phạm Vũ Tuân. Kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh thời 4.0 và bài học cho tỉnh Nam Định. Tạp chí Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (tháng 5/2020).
3. Phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 25/12/2022.
4. Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh. https://baochinhphu.vn, ngày 23/12/2022.