Hoàn thiện quy định pháp luật đối với hoạt động phục vụ cộng đồng theo yêu cầu kiểm định chất lượng các trường đại học

TS. Nguyễn Thị Vân Hà
TS. Hoàng Thanh Sơn
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhiệm vụ kết nối, phục vụ cộng đồng của trường đại học được quy định tại Luật Giáo dục đại học. Bài viết hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan đến phục vụ cộng đồng của trường đại học đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực này tại Học viện Hành chính Quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Trụ sở Học viện Hành chính Quốc gia tại Hà Nội

Khái quát về nhiệm vụ phục vụ cộng đồng của trường đại học

Kết nối, phục vụ cộng đồng được coi là một trong những nhiệm vụ ngày càng quan trọng của cơ sở giáo dục hiện đại. Các trường đại học đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho người học mà còn phải tiên phong trong việc đóng góp trực tiếp vào sự tiến bộ và nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng xã hội.

Hoạt động phục vụ cộng đồng của các trường đại học trên thế giới ra đời trải qua quá trình nhận thức và hoạt động gắn liền với các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học. Ở giai đoạn đầu thế kỷ IX, X, phần lớn các cơ sở giáo dục trên thế giới đều coi nhiệm vụ trụ cột và duy nhất của trường đại học là đào tạo. Đến thế kỷ XIX, trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất thì nghiên cứu khoa học dần trở thành nhiệm vụ quan trọng tiếp theo. Phải đến giữa thế kỷ XX, sự ra đời của tư tưởng giáo dục qua cách tiếp cận “Học tập thông qua trải nghiệm” (Experiential learning)1 đã chứng minh giá trị và hiệu quả gắn kết giữa giáo dục, áp dụng kiến thức nhà trường với giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống thì hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng dần được coi là nhiệm vụ quan trọng và trở thành trụ cột thứ ba của trường đại học. Điều này có nghĩa, giáo dục đại học chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi dựa trên ba trụ cột: đào tạo; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng. Bởi đào tạo và nghiên cứu khoa học suy cho cùng là hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng, ngược lại, cộng đồng xã hội có nhiệm vụ hỗ trợ, kết nối giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học. Ba trụ cột này sẽ tạo nên sứ mệnh, bản sắc của một trường đại học hiện đại.

Kết nối, phục vụ cộng đồng là những hoạt động tình nguyện, phi lợi nhuận, được tiến hành bởi các cá nhân, nhóm, tổ chức nhất định, ở những quy mô khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Mục đích của kết nối, phục vụ cộng đồng là nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội của các cá nhân, nhóm, các tổ chức trong việc giải quyết các vấn đề chung và đóng góp cho lợi ích của cộng đồng và tổ chức, theo nguyên tắc các bên cùng có lợi.

Nhìn chung, các trường đại học thường căn cứ vào yêu cầu phát triển mà xây dựng triết lý giáo dục với tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ cũng như quy tắc hoạt động phục vụ cộng đồng theo mô hình phù hợp với nhu cầu xã hội, với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu mang đặc trưng của cơ sở giáo dục đại học. Tùy thuộc vào triết lý và sứ mạng của mỗi hệ thống giáo dục cũng như mỗi nhà trường mà hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng ở các trường được thiết kế và triển khai ở quy mô và loại hình khác nhau, có thể bao hàm những hoạt động sau:

Dạy học trong môi trường cộng đồng (dạy học dựa trên trải nghiệm): giúp sinh viên có cơ hội áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã có để giải quyết các vấn đề của cộng đồng, từ đó hiểu sâu hơn những điều được học, bao gồm một số chương trình, như: lồng ghép hoạt động khảo sát thực trạng ô nhiễm môi trường của một lĩnh vực nhất định vào học phần môi trường, kinh tế, văn hóa và phát triển bền vững hoặc sử dụng phương pháp dạy học dự án với nội hàm là giải quyết một vấn đề của cộng đồng.

Cung cấp dịch vụ và tư vấn: các trường đại học thường mở cửa cho cộng đồng xung quanh sử dụng các dịch vụ, như: thư viện, phòng học hay cơ sở hạ tầng cho hoạt động giáo dục, thể thao, văn hóa hoặc tư vấn về công nghệ, pháp luật, thủ tục hành chính… Các giảng viên và sinh viên có thể tham gia hỗ trợ đào tạo, cung cấp các khóa học và phát triển nghề nghiệp cho cộng đồng địa phương, giúp nâng cao kiến thức, năng lực của người dân trong việc tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp.

Hoạt động phát triển cộng đồng: nhà trường và các thành viên cùng hợp tác với các tổ chức và cộng đồng địa phương để thực hiện các dự án phát triển, có thể bao gồm việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các chương trình giáo dục cho người dân, tham gia vào các hoạt động xã hội, thể thao và văn hóa cộng đồng.

Các hoạt động gây quỹ, chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính: các trường đại học, các quỹ và các thành viên có thể thiết lập các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính nhằm giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, giúp mọi người có cơ hội tiếp cận giáo dục và phát triển bản thân.

Nghiên cứu khoa học dựa vào cộng đồng: các hoạt động nghiên cứu xuất phát từ các vấn đề cần giải quyết của cộng đồng; có sự tham gia, hợp tác của cộng đồng trong quá trình hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong cộng đồng; tạo ra các sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng, được thể hiện bằng các hoạt động, như: nghiên cứu các giải pháp về quản trị cộng đồng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe hoặc nâng cao thu nhập của một cộng đồng dân cư…

Các hoạt động tình nguyện khác: là các hoạt động mà trường đại học và các thành viên tham gia theo yêu cầu của cộng đồng nhằm góp phần giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho cộng đồng, như: bảo đảm bảo an ninh, trật tự chung; bảo vệ môi trường; dạy học cho trẻ em nghèo; khám bệnh miễn phí cho đồng bào các vùng núi, biên giới, hải đảo; hoạt động hỗ trợ các nhóm xã hội yếu thế,…

Một số tiêu chuẩn, quy định liên quan đến hoạt động phục vụ cộng đồng của trường đại học

Quá trình hội nhập quốc tế đối với giáo dục đại học đặt ra nhiệm vụ phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, ngày 14/3/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Tiếp đến là xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDÐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Những tiêu chuẩn có liên quan đến hoạt động phục vụ cộng đồng trong Bộ tiêu chuẩn này gồm tiêu chuẩn 5, 21 và 24 liên quan đến: các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; kết nối và phục vụ cộng đồng; kết quả phục vụ cộng đồng. Với 3/25 tiêu chuẩn, 12/111 tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn trên cho thấy, vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động này trong bức tranh chung về đánh giá chất lượng hoạt động của một trường đại học cần được quan tâm, triển khai một cách bài bản từ xây dựng chính sách, quy định đến triển khai, giám sát, rà soát, đối sánh và điều chỉnh, cải tiến.

Như vậy, trước năm 2017, do chưa thể chế hóa nhiệm vụ phục vụ cộng đồng đối với các trường đại học, do vậy, đa số các trường đại học mới đặt trọng tâm vào nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, còn phục vụ cộng đồng thường coi là hoạt động bổ trợ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học chứ chưa phải là nhiệm vụ chính. Các hoạt động phục vụ cộng đồng chủ yếu được giao cho các đoàn thể, như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức với các nội dung phổ biến như hiến máu tình nguyện, bảo vệ môi trường, thanh niên tình nguyện mùa hè xanh.

Có thể nói, sau khi Thông tư số 12/2017/TT-BGDÐT và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 được ban hành, nhận thức về nhiệm vụ phục vụ cộng đồng của các trường đại học đã có những thay đổi, nhiều trường đã quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng cả về chiều rộng và chiều sâu, gắn kết với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến phục vụ cộng đồng chưa được đầy đủ, đồng bộ và nhất quán. Chẳng hạn, từ Điều 4 – 7 Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập cho thấy, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của tất cả các chức danh trợ giảng đến giảng viên hạng 1, 2 và 3 đều chủ yếu gắn với các tiêu chí về đào tạo và nghiên cứu khoa học, còn tiêu chí về phục vụ cộng đồng rất mờ nhạt, khó nhận diện và thiếu cơ sở để xem xét.

Hoặc theo Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, tại Điều 3 về thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và định mức giờ chuẩn giảng dạy đã nêu đến nhiệm vụ phục vụ cộng đồng cùng với giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, song không có điều khoản nào cụ thể hoá nhiệm vụ phục vụ cộng đồng. Mặt khác, tại Điều 2 về nhiệm vụ của các chức danh giảng viên lại dẫn chiếu thực hiện theo Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Tuy nhiên, trong Thông tư số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV đề cập nhiệm vụ chủ yếu của các chức danh giảng viên gắn với giảng dạy và nghiên cứu khoa học, không có các tiêu chí về nhiệm vụ phục vụ cộng đồng.

Trong các văn bản pháp luật khác có liên quan như Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học hay Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05/4/2016 ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy cũng không có riêng các quy định gắn với nhiệm vụ phục vụ cộng đồng như đối với các quy định liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Như vậy, có thể nói, bộ khung tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học đã có, song những nhiệm vụ, tiêu chuẩn, tiêu chí về phục vụ cộng đồng còn thiếu hoặc chưa được đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp lý có liên quan. Những hạn chế về hành lang pháp lý sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc xác định và thống nhất các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và phát triển ba nhiệm vụ trọng tâm này của các cơ sở có đào tạo đại học.

Một số giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý và phát triển hoạt động phục vụ cộng đồng tại Học viện Hành chính Quốc gia

Nhìn chung, hoạt động phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Hành chính Quốc gia đã và đang mang lại những giá trị to lớn đối với nhà trường và xã hội, như: (1) Gắn kết nhà trường với xã hội, cộng đồng địa phương thông qua việc đóng góp giải quyết các vấn đề, nhu cầu thực tiễn; tăng cường vai trò, trách nhiệm xã hội của nhà trường. (2) Tạo cơ hội để sinh viên vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn; rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho sinh viên. (3) Xây dựng hình ảnh, nâng cao uy tín của nhà trường trong cộng đồng và xã hội; quảng bá thương hiệu nhà trường. (4) Mở rộng cơ hội hợp tác, trao đổi học thuật giữa nhà trường với các tổ chức, đối tác địa phương; tạo thêm nguồn lực, hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo. (5) Giúp nhà trường có cơ hội hiểu rõ hơn về các vấn đề thực tiễn để đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình đào tạo. (6) Hỗ trợ đào tạo công dân tích cực, có trách nhiệm, vì cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, vai trò, vị trí của hoạt động này gắn với hành lang pháp lý cũng như thực tiễn hoạt động phục vụ cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện các quy định có liên quan đến hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng. Trong khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ liên quan đến nhiệm vụ kết nối và phục vụ cộng đồng thì các trường đại học, trong đó có Học viện Hành chính Quốc gia cần chủ động xây dựng, ban hành các quy định có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng.

Sớm ban hành quy định về việc tham gia kết nối, phục vụ cộng đồng, trong đó cần xác định rõ phạm vi, nội dung, trách nhiệm của các đơn vị đối với nhiệm vụ này. Xây dựng khung tham chiếu các hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng để cụ thể hóa nội dung hoạt động, làm căn cứ cho các hoạt động khác của Học viện. Xây dựng kế hoạch triển khai công tác tổ chức phục vụ cộng đồng theo từng năm học, từng khoá học, cụ thể đến từng ngành đào tạo.

Đồng bộ hóa và cập nhật nhiệm vụ này trong các quy định liên quan quy định về tổ chức và hoạt động, trong quy chế về tuyển dụng viên chức, tuyển sinh; về chế độ làm việc của giảng viên, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế công tác sinh viên… để phục vụ cộng đồng trở thành một tiêu chí cơ bản trong phát triển và đánh giá năng lực, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, làm việc của sinh viên và của giảng viên, viên chức, người lao động.

Đối với công tác tuyển sinh đại học, nên tiếp cận theo khuynh hướng chung của các trường đại học lớn trên thế giới là đánh giá năng lực tổng hợp của người học, thêm các tiêu chí như hoạt động xã hội, văn thể mỹ, bài luận, phỏng vấn… để tuyển chọn sinh viên thay vì chỉ dựa vào điểm số và các chứng chỉ học thuật.

Hai là, quan tâm đến việc cập nhật triết lý giáo dục, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện gắn với nội hàm của hoạt động phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển các giá trị trong cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu và kỳ vọng của cộng đồng phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu của nhà trường.

Ba là, về tổ chức bộ máy: nên xây dựng đơn vị chịu trách nhiệm chính, liên quan phục vụ cộng đồng để tổ chức triển khai, đánh giá và cải tiến các hoạt động này. Ví dụ: giao trách nhiệm cho một đơn vị như Phòng Công tác sinh viên hoặc tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên; hoặc cũng có thể là một đơn vị nghiên cứu khoa học chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động này, đồng thời, cần xây dựng quy tắc để các đơn vị chức năng cùng phối hợp trong thực hiện hoạt động phục vụ cộng đồng.

Bốn là, xây dựng, ban hành danh mục các hoạt động hoặc đề án cho hoạt động phục vụ cộng đồng: có kế hoạch cụ thể, hằng năm về phục vụ cộng đồng và thường xuyên được triển khai, đánh giá theo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Có thể thiết lập các hoạt động phục vụ cộng đồng ở các quy mô khác nhau gắn với lĩnh vực đào tạo của Học viện. Chẳng hạn như xây dựng, giới thiệu danh mục các hoạt động, các dự án tiêu biểu về phục vụ cộng đồng để các sinh viên, giảng viên, các đơn vị, các nhóm có thể tham khảo2. Các hoạt động phục vụ cộng đồng này có thể được tổ chức trong phạm vi của địa phương nơi Học viện có trụ sở hoặc rộng hơn là mang tính quốc gia, khu vực hoặc có tính toàn cầu3.

Năm là, về phương thức triển khai: tri thức phải được áp dụng vào thực tiễn, do đó dạy học thông qua phục vụ cộng đồng, các dự án, nghiên cứu phục vụ cộng đồng, hoạt động tình nguyện và hoạt động vì cộng đồng cho sinh viên là rất cần thiết. Ngoài các hoạt động phục vụ cộng đồng mang tính truyền thống, có thể lồng ghép hoạt động phục vụ cộng đồng trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo. Ứng dụng các phương pháp giảng dạy trong môi trường cộng đồng. Phối hợp với cộng đồng địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp để cùng phát triển ý tưởng khoa học và công nghệ; hợp tác triển khai nghiên cứu và tư vấn, chuyển giao sản phẩm…

Trước thực tiễn không ngừng biến chuyển, việc học tập thông qua những trải nghiệm, ngoài những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, hoạt động đào tạo của Học viện cần giúp sinh viên có tư duy và phương pháp luận để giải quyết những vấn đề từ đời sống xã hội. Mặt khác, khi tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng, sinh viên có thể tạo dựng mối quan hệ với cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân, đồng thời lan tỏa tri thức và sự chia sẻ, tinh thần nhân văn giúp phát huy năng lực sáng tạo.

Quy trình phục vụ cộng đồng ở các cơ sở giáo dục đại học sẽ có nhiều điểm khác nhau, song để triển khai hiệu quả, Học viện có thể tham khảo kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo, đồng thời phải luôn có sự cập nhật, đổi mới. Cần định kỳ khảo sát sự hài lòng của các bên liên quan về công tác phục vụ cộng đồng để cải tiến.

Kết luận

Như vậy, thông qua các hoạt động hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng, góp phần vào sự phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Hành chính Quốc gia sẽ ngày nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín và giá trị của mình. Bằng việc tạo ra các liên kết và hợp tác với cộng đồng, thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng tiến bộ, văn minh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chú thích:
1. John Dewey (Phạm Anh Tuấn dịch). Kinh nghiệm và giáo dục. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2012, tr. 225.
2. University of Nebraska Lincoln: 366 Community Service Ideas for 4-H & Youth. https://lancaster.unl.edu, truy cập ngày 12/10/2023.
3. New York University: Local and Global Service. https://www.nyu.edu, truy cập ngày 12/10/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018.
2. Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
3. Thông tư số 12/2017/TT-BGDÐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
4. Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày26/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
5. Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học.
6. Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học.
7. Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05/4/2016 ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy.