Kết quả thực hiện mô hình chính quyền số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay

ThS. Võ Nguyễn Nam Anh
ThS. Nguyễn Dương Thanh Thủy
Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng chính quyền số là mục tiêu lớn của tỉnh Tiền Giang nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa các khoản chi phí, thủ tục không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình chính quyền số, tỉnh Tiền Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo sự kết nối ngày càng thuận lợi giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở khái quát kết quả thực hiện mô hình chính quyền số, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tỉnh Tiền Giang xây dựng và triển khai mô hình này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (ictvietnam.vn).
Tạo nền tảng vững chắc triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình Chính quyền số

Xây dựng chính quyền số là một chủ trương lớn, được cụ thể hóa trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới”1; “phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”2.

Trên cơ sở đó, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 18/12/2021 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung: phát triển chính quyền số theo hướng tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả, góp phần hiện đại hóa hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, như: 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 90%; 80% người dân doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó3.

Quyết định số 650/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó:

Mục tiêu chung: phát triển chính quyền số theo hướng chính quyền tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: chính quyền số tỉnh Tiền Giang hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ một cách chủ động theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách tối ưu dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.

Những quy định trên đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình chính quyền số, như:

(1) Xây dựng hạ tầng cho chính quyền số.

UBND tỉnh Tiền Giang hợp tác với Tập đoàn VNPT để xây dựng chính quyền điện tử, hoàn chỉnh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nền tảng chính quyền số của tỉnh chính thức được khai trương và là nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam với một hệ sinh thái thống nhất, có tính liên kết, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kiến trúc mở cho phép các doanh nghiệp công nghệ số có thể cùng tham gia chung tay kiến tạo. Nhờ đó, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số xếp hạng ICT Index, đặc biệt trong lĩnh lực an toàn, an ninh chính quyền số, hạ tầng Viễn thông – Công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin4.

Hệ sinh thái chính quyền số tỉnh Tiền Giang đã được hoàn thiện với App di động dành cho Công dân (TienGiangS), App dành cho chính quyền (TienGiangG), hệ thống quản lý và điều hành nghiệp vụ chính quyền số (iOffice, iGate, ISO điện tử, tổng đài 1022,…). Với nền tảng mở, các ứng dụng TienGiangS, TienGiangG và hệ thống quản lý điều hành nghiệp vụ chính quyền số có thể kết nối với các ứng dụng của bên thứ ba một cách dễ dàng hình thành nên một hệ sinh thái chính quyền số mở5.

Hơn 200 camera an ninh và camera giao thông được lắp đặt để giám sát và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông; hệ thống wifi thông minh phục vụ du lịch; xây dựng các lớp bản đồ số hóa các lĩnh vực cần quản lý, như: giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp,…6.

Toàn tỉnh hiện có 1.959 trạm thu phát sóng thông tin di động; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đạt 100%; internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% xã, phường, thị trấn; internet di động băng rộng phủ sóng 100% địa bàn. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành; liên thông với Văn phòng chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia và tích hợp chữ ký số7.

(2) Nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh tăng cao, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu long và hình thành khu vực công nghệ thông tin tập trung với hơn 200 kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc8.

Kết quả thực hiện mô hình chính quyền số

Thứ nhất, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 9/2022, Tiền Giang có 98% số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, trước hạn và 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4. Đồng thời, có 100% các thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị được thực hiện thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông và 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng điện tử9.

Tất cả các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp có phiếu hẹn đều được số hóa lên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, giúp việc xử lý, quản lý, thống kê, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ; tra cứu hồ sơ của cán bộ, công chức cũng như tra cứu trạng thái hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch… 10

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành phủ rộng đến các sở/ngành, huyện, thị, thành phố và 172 xã/phường/ thị trấn giúp tiết kiệm chi phí trên 40 tỷ đồng. 100% bộ thủ tục hành chính đạt từ mức độ 2 trở lên, trên 90% thủ tục hành chính đạt mức độ 3 và 4. Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành với gần 60 cổng vệ tinh kết nối. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh với 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử; kết nối khoảng 280 điểm cầu trực tuyến phục vụ hội nghị truyền hình từ Trung ương, tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện… 11. Tổng số văn bản trao đổi trên hệ thống trong năm 2022 là hơn 2,4 triệu văn bản (chiếm 21%); tỷ lệ văn bản ký số đạt trên 90%; tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 65%. Hệ thống họp trực tuyến hai chiều đã triển khai đồng bộ cho 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và kết nối liên thông với hệ thống họp trực tuyến của Chính phủ…12.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Những nỗ lực xây dựng chính quyền số đã tạo ra bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Tiền Giang. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thu hút được 13 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.163,5 tỷ đồng, tăng 8 dự án và vốn đầu tư gấp 8,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trên địa bàn tỉnh có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn 1.045 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút mới 9 tháng đạt 5.209 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang đã trao 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 19.421 tỷ đồng. Để có được kết quả trên,  những năm gần đây, Tiền Giang đã nỗ lực cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số nhằm tạo ra bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh13.

Thứ ba, các ngành, lĩnh vực triển khai toàn diện có hiệu quả.

Trong lĩnh vực giáo dục, hệ thống VnEdu cũng đã được triển khai toàn diện cho 163 trường học với trên 9.000 giáo viên các cấp sử dụng14. Đặc biệt, giai đoạn 2014 – 2020 còn đánh dấu sự phát triển mạnh của ngành Y tế với hơn 200 bệnh viện, trung tâm, trạm y tế và các phòng khám triển khai hệ thống quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS. Hệ thống được kết nối liên thông dữ liệu và thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế trực tuyến 15.

Bên cạnh ngành Giáo dục, ngành Y tế, hệ thống quản lý đầu tư công, báo cáo kinh tế xã hội; quản lý hồ sơ công chức và chứng thực; bản đồ du lịch điện tử; cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; hệ thống sàn giao dịch điện tử cũng được ứng dụng rộng khắp. Các phần mềm chuyên ngành được ứng dụng rộng rãi bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh16.

Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả trong thực hiện mô hình chính quyền số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Một là, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chính, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện nhiệm vụ triển khai mô hình chính quyền số trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Hai là, lập tổ công nghệ số cộng đồng các cấp (thành phố, huyện, trị trấn, xã, thôn) để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số với mục đích hướng dẫn kỹ năng số cho người dân. Đồng thời, tổ công nghệ số cộng đồng sẽ cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về triển khai mô hình chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tương tác với chính quyền qua các nền tảng số, ứng dụng số trong hoạt động kinh doanh, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt,…

Ba là, có chính sách trợ giá các sản phẩm điện tử, như: điện thoại thông minh, máy tính cho người dân. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận các ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt là biết cách giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ đó, nâng cao tỷ lệ người dân biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử.

Bốn là, Sở Giáo dục và đào tạo của Tỉnh cần biên soạn tài liệu về chuyển đổi số để đưa vào trường học, nhằm tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Năm là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về bảo đảm an toàn thông tin mạng, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.

Chú thích:
1, 2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
3. Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 18/12/2021 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
4, 5, 6, 8, 11, 14, 15, 16. Tiền Giang ra mắt nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam. https://ictvietnam.vn, ngày 18/12/2021.
7, 12. Tiền Giang: Tổng kết công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. https://tiengiang.gov.vn, ngày 27/02/2023.
9, 10, 13. Tiền Giang xây dựng chính quyền số. https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 06/10/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông. Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2021.
2. Xây dựng chính quyền số: Cần sự đầu tư đồng bộ. https://moc.gov.vn, ngày 25/3/2022.
3. Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và xã hội số. https://egov.chinhphu.vn, ngày truy cập 15/10/2023.