Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam

                                                                Trần Anh Quân
 Cục Đường bộ Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cục; thực hiện tốt quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Quảng Ninh, tháng 8/2022. Ảnh: Lê Tân
Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam được thực hiện thường xuyên, liên tục qua các năm. Cục Đường bộ Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được cấp ủy và lãnh đạo Cục quan tâm, chỉ đạo sâu sát, đặc biệt là việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức nên nhận thức về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức có sự chuyển biến tích cực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tích cực. Cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiên công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định trong việc phát hiện, ngăn chặn, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Cục đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và xử lý hành vi vi phạm bằng nhiều biện pháp triển khai đồng bộ, như: công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao năng lực quản lý để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực; công tác công khai, minh bạch, cải cách hành chính để tạo điều kiện người dân và doanh nghiệp được tham gia kiểm tra, giám sát; hoàn thiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn làm cơ sở quản lý chi phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và thực hiện chi tiêu không dùng tiền mặt.

Việc triển khai các biện pháp quản lý tại Cục Đường bộ Việt Nam được tổ chức và thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Trong các năm, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện tốt và có hiệu quả các biện pháp quản lý nhằm phòng, chống các biểu hiện tham nhũng xuất hiện như: công tác cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật; công khai, minh bạch trong việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện công khai các quy chế: chi tiêu nội bộ, quy chế chấm công, trả lương, định mức, tiêu chuẩn trong sử dụng xe ô tô công vụ; tổ chức đấu thầu qua mạng… nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác được giao và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Cục Đường bộ Việt Nam luôn xác định việc công khai, minh bạch là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện dưới nhiều hình thức để công khai các hoạt động, như: công tác quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh các nguồn vốn, công khai dự toán thu, chi ngân sách, các hoạt động thu chi tài chính, công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Để nâng cao tính minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát trong quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, các địa phương để triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020; hiện đang phối hợp với Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam để triển khai thu tiền ra vào sân bay tại các cảng hàng không.

Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam. Đây là biện pháp đặc biệt quan trọng nhằm ngăn chặn, phòng ngừa từ xa có hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan đơn vị tại Cục. Cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-CĐBVN ngày 01/10/2022 về ban hành quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động Cục Đường bộ Việt Nam trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; 100% người có chức vụ quyền hạn của Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện đúng nguyên tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, như năm 2022: tổng số người thuộc diện phải chuyển đổi vị trí công tác theo kế hoạch: 107 (công chức: 84, viên chức: 23); tổng số người thuộc diện phải chuyển đổi đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác: 76 (công chức: 65, viên chức: 11).

Công tác thanh tra được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, kiểm tra và xử lý hành vi tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam được triển khai và tiến hành thường xuyên. Hàng năm, Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Cục và các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ và tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Cục Đường bộ Việt Nam chủ động tự kiểm tra nội bộ nhằm nắm bắt để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý các tồn tại trong phạm vi quản lý của mình. Đến thời điểm báo cáo, qua kết quả tự kiểm tra, các đơn vị chưa phát hiện có trường hợp nào tham nhũng. Xây dựng kế hoạh và triển khai thực hiện kiểm tra theo 08 chuyên đề gồm về công tác bảo vệ môi trường các dự án, bến xe; công tác quản lý cầu lớn trên quốc lộ; công tác lựa chọn nhà thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ năm 2021, 2022; công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; công tác quản lý vận tải đường bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác cải cách hành chính; và công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Qua công tác kiểm tra, đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của các đơn vị.

Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện hoàn thành 18/18 cuộc thanh tra theo kế hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt gồm: 8 cuộc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe ô tô khách; 5 cuộc thanh tra công tác quản lý, khai thác, bảo trì dự án BOT; 6 cuộc thanh tra công tác quản lý, bảo trì hệ thống giao thông. Qua công tác thanh tra, đã kịp thời chấn chỉnh một số tồn tại trong công tác quản lý, bảo trì, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công; công tác quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; giảm trừ giá trị thanh toán 213.000.000 đồng đối với công tác quản lý, bảo trì hệ thống giao thông.

Về công tác thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính: năm 2022 Cục đã phê duyệt kế hoạch thanh tra cho các khu quản lý đường bộ thực hiện 1.400 cuộc thanh tra độc lập về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, an toàn giao thông, thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Kết quả, đã phát hiện 1.626 trường hợp vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 524 trường hợp, với số tiền 4,183 triệu đồng; chuyển địa phương 1.102 trường hợp vi phạm.

Một số hạn chế công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam: công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị trực thuộc chưa được thực hiện thường xuyên; hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Việc thực hiện quy chế nội bộ và quy chế dân chủ ở một số cơ quan, đơn vị thuộc Cục Đường bộ Việt Nam chưa nghiêm, thiếu công khai, minh bạch, dân chủ. Người đứng đầu một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thuộc Cục Đường bộ Việt Nam chưa chủ động tự phát hiện, xử lý các sai phạm mà hầu hết các vụ việc sai phạm được phát hiện qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp hoặc từ sự phản ảnh của cơ quan báo chí, truyền thông, dư luận xã hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra tại một số cơ quan đơn vị còn thực hiện chưa nghiêm, nhiều khi không đúng kế hoạch, công tác kiểm tra nội bộ chưa được tiến hành thường xuyên, chế tài chưa đủ sức răn đe. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Chất lượng đội ngũ công chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, còn dàn trải, chưa tập trung; việc kiểm soát tài sản thu nhập chưa đầy đủ; hệ thống thanh toán chi tiêu không dùng tiền mặt chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng về công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Giải pháp nâng cao hiệu quả về phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam

Một là, tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tại Cục Đường bộ Việt Nam; tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng kết hợp tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức tại Cục Đường bộ Việt Nam; tập trung vào các điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; chú trọng các hiện tượng, vấn đề liên quan đến tham nhũng và phòng, chống tham nhũng mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận. Các hình thức tuyên truyền phải bảo đảm tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; chú trọng đối tượng đặc thù; đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội để tạo đồng thuận trong thực hiện.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt quy chế nội bộ và quy chế dân chủ, tiếp tục công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tổ chức thực hiện nội quy, quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện nội duy, quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Xác định trách nhiệm, hiệu quả công tác thực hiện nội quy, quy chế dân chủ ở cơ sở, việc nêu gương, tổ chức thực hiện nội quy, quy chế ở cơ sở là do thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu cấp ủy; trực tiếp chịu trách nhiệm về hiệu quả việc thực hiện nội quy, quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị thuộc Cục Đường bộ Việt Nam.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, giải quyết công việc; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và trong nội bộ cơ quan, đơn vị; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thực hiện dân chủ, xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và của công chức, viên chức, người lao động.

Ba là, quy trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ quan đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam.

Cần phát huy và đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền đối với công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại Cục Đường bộ Việt Nam. Người đứng đầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam cần thực hiện tốt công tác này theo quy định của Luật Phòngchống tham nhũng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bản thân người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc phòng, chống tham nhũng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ tại Cục Đường bộ Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, cơ quan, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng, chống tham nhũng. Gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng Đảng bộ, cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm đối với cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; từng bước đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam. Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền, thông tin phản ảnh tố cáo về tham nhũng trong nội bộ cơ quan (nếu có); kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng theo quy định.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam.

Cục Đường bộ Việt Nam cử công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức. Mục tiêu của việc đào tạo, bồi dưỡng đó là mỗi công chức phải là một chuyên gia trong lĩnh vực được phân công phụ trách, góp phần triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có chính sách đãi ngộ hợp lý, bảo đảm cho những người làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yên tâm công tác, vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ.

Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng, rà soát, tinh gọn bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng tại Cục Đường bộ Việt Nam; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý bảo đảm minh bạch và trách nhiệm cao, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước tại Cục Đường bộ Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2012.
2. Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới. H. NXB Chính trị quốc gia, 2020.
3. Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Cục Đường bộ Việt Nam năm 2020, 2021, 2022.
4. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
5. Luật Thanh tra năm 2015.
6. Phan Xuân Sơn. Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam. H. NXB chính trị Quốc gia, 2010.
7. Nguyễn Quốc Sửu. Phòng. Chống tham nhũng trong hoạt động công vụ ở Việt Nam. Lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2013.