Phối hợp trong bảo đảm an ninh, trật tự tại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thiếu tá, TS. Đỗ Hoàng Vương
Học viện An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giải quyết được nhu cầu lớn về chỗ ở của người dân, từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế thì quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư đã nảy sinh, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh, trật tự tại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua với những kết quả đạt được, từ đó phân tích những hạn chế và kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao công tác phối hợp.

Từ khóa: bảo đảm an ninh, trật tự, nhà chung cư, thành phố Hà Nội.

Thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, Nhà nước ta; trong thời gian qua diện mạo của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp; khang trang, văn minh, hiện đại hơn; các không gian hành chính, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là nhà chung cư theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại được đầu tư, xây dựng đã góp phần xây dựng diện mạo đô thị hiện đại, văn minh, giải quyết hiệu quả nhu cầu nhà ở cho người dân. Tính đến 12/2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.469 chung cư cao tầng đã đưa vào sử dụng (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành); trong đó, bao gồm 937 tòa chung cư cao tầng thương mại; 195 tòa chung cư cao tầng tái định cư; 170 tòa chung cư nhà ở xã hội; 79 tòa nhà chung cư các dạng khác1. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tại các nhà chung cư kể từ giai đoạn lập dự án, xây dựng đến vận hành, sử dụng đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. 

Đặc biệt công tác quản lý, vận hành chung cư cao tầng hiện nay đang nổi lên một số tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với hộ dân, giữa ban quản lý chung cư với hộ dân trong quá trình quản lý và sử dụng chung cư ngày càng gia tăng. Một số cư dân, khách hàng, chủ sở hữu thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết việc tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của pháp luật, như: gửi đơn thư khiếu kiện tập thể tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; treo băng rôn, khẩu hiệu có nội dung phản đối, “kêu cứu” tại các khu chung cư gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị; tập trung đông người tuần hành, diễu hành bằng ô tô (như: Chung cư Goldmark City – quận Bắc Từ Liêm; Chung cư Rice City – quận Hoàng Mai; Chung cư Anland Lakeview Dương Nội – quận Hà Đông; Chung cư Hateco Apolo – quận Nam Từ Liêm, Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 – huyện Thanh Oai, quận Hà Đông; Chung cư Hòa Bình Green City – quận Hai Bà Trưng…). 

Một số chung cư cao tầng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động, cho cư dân vào sinh sống đã dẫn đến tình trạng các vi phạm, tồn tại về phòng cháy, chữa cháy khó có khả năng khắc phục (do Chủ đầu tư điều chỉnh về kiến trúc, kết cấu, chuyển đổi công năng, vi phạm trật tự xây dựng…). Ngoài ra, tội phạm hình sự xảy ra tại các nhà chung cư cư trên địa bàn Thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp khó lường, đặc biệt tội phạm mua bán, sử dụng trái phép với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, lợi dụng nhà chung cư (đặc biệt là các chung cư cao cấp, có nhân viên an ninh, hệ thống camera, thẻ từ thang máy…) để che giấu hoạt động phạm tội, hạn chế sự phát hiện.   

Trước tình hình trên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, với vai trò chủ trì, nòng cốt trong bảo đảm an ninh trật tự đối với nhà chung cư, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động tổ chức, phối hợp lực lượng tiến hành các hoạt động cơ bản như sau:

Một là, phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng NCC trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, tham mưu Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành các văn bản quan trọng như: Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 28/8/2017 về việc tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 15/11/2019 về triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Thành ủy Hà Nội; Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Hai là, lực lượng Công an cơ sở thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cư dân, yêu cầu các cư dân chấp hành nghiêm Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, không để xảy ra các hành vi quá khích, manh động gây phức tạp tình hình tại các nhà chung cư trên địa bàn. Đặc biệt, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ đầu tư, Ban Quản trị các toà nhà chung cư chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư, kịp thời tiếp xúc, đối thoại, giải đáp các thắc mắc của cư dân không để phát sinh thành khiếu kiện phức tạp. Chủ động các biện pháp phòng ngừa, không để các đối tượng xấu đưa tin xuyên tạc, sai sự thật gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư. Quá trình thực hiện, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính…) và UBND các quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình quản lý và vận hành tại nhà chung cư. Phối hợp các sở, ban, ngành nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành đối với nhà chung cư kịp thời phát hiện tồn tại, bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tế; tham gia ý kiến dự thảo luật, nghị định, thông tư góp phần bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị tòa nhà… tổ chức diễn tập xử lý các tình huống gây rối, gây bạo loạn; bắt cóc con tin; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ… nhằm nâng cao năng lực, tránh bị động bất ngờ trong xử lý các tình huống phát sinh tại các khu đô thị mới, khu chung cư; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động chấp hành các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trên, thực tiễn công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự đối với hoạt động quản lý, vận hành chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như: công tác phối hợp giữa lực lượng Công an và các sở, ngành, chính quyền các cấp trong kiểm tra, xử lý vi phạm quản lý, vận hành nhà chung cư có lúc chưa đồng bộ, thống nhất; nhận thức về về tầm quan trọng của công tác phối hợp còn chưa đầy đủ; hoạt động phối trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn xem nhẹ… Những hạn chế, bất cập nêu trên đã làm giảm hiệu quả quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung vào những nguyên nhân cơ bản như sau: 

Các văn bản pháp luật chưa có chế tài xử lý vi phạm trong công tác phối hợp nên vẫn chưa có sự tự giác phối hợp, chỉ đến khi các tồn tại, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, cư dân phát sinh, diễn biễn phức tạp mới đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn trong quá trình phối hợp giải quyết, xử lý.

Cơ chế phối hợp trong thẩm định trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt kiểm tra điều kiện, năng lực hành nghề của đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công, lắp đặt còn yếu và thiếu, dẫn đến các chủ đầu tư thực hiện dự án có vi phạm trong quá trình xây dựng (xây dựng sai giấy phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng…) khi chưa được khắc phục triệt để các vi phạm thì đã bán hết các căn hộ và bàn giao nhà cho cư dân đưa vào sử dụng dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền.

Một số dự án nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội có nơi, có lúc cơ quan chức năng còn buông lỏng, lúng túng, đùn đẩy trong việc giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện tại các khu chung cư, như: việc kiểm tra, đôn đốc tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban Quản trị còn chậm so với quy định; một số nơi việc thành lập và kiện toàn chi bộ Đảng, tổ dân phố và các chi hội, đoàn thể còn chưa kịp thời

Hệ thống chính trị cơ sở tại các nhà chung cư mới thành lập, hoạt động còn nhiều hạn chế, khi xảy ra các vụ việc phức tạp, chưa thể hiện được vai trò giải quyết mâu thuẫn giữa các bên nên sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các các lực lượng, các cấp, các ngành có nơi có lúc còn chưa chặt chẽ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. 

Một là, các lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đề xuất xây dựng quy chế phối hợp với các đầu mối có liên quan, trọng tâm là các cơ quan, ban, ngành, như: Công an Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường… phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư. Nội dung quan hệ phối hợp không chỉ tập trung xác định cơ chế trao đổi thông tin, tài liệu mà còn xác định các nội dung phối hợp liên quan đến xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp. Qua đó, bảo đảm phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng tham gia phòng ngừa, giải quyết phức tạp tại nhà chung cư trên địa bàn, tránh tình trạng chồng chéo, thậm chí làm thay, làm hộ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, ban, ngành, lực lượng khác.

Hai là, xây dựng, triển khai, bổ sung cơ chế phối hợp trong thẩm định trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt kiểm tra điều kiện, năng lực hành nghề của đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công, lắp đặt… Trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật thì triển khai các Đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý để kết luận chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật đối với từng Dự án (làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, giải pháp, kiến nghị). Xây dựng kênh thông tin trao đổi (cơ sở dữ liệu dùng chung) giữa các đơn vị, sở, ban, ngành chức năng nhằm cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nhà chung cư đáp ứng kịp thời yêu cầu trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật.

Ba là, phối hợp kiểm tra, xử lý sai phạm từ ban đầu từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phát hiện kịp thời các vi phạm của chủ đầu tư ngay từ khâu giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, thẩm duyệt thiết kế quá trình thi công công trình và nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng, gắn liền trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án xây dựng nhà chung cư chậm tiến độ, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không có khả năng triển khai dự án, hoặc vi phạm pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, kịp thời đề xuất, xử lý. Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư dự án có sai phạm hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng, nghĩa vụ tài chính… để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án.

Bốn là, thường xuyên phối hợp sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả công tác phối hợp trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn. Thời gian tới, tình hình nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Quá trình tổ chức, phối hợp lực lượng có thể sẽ phát sinh những vướng mắc liên quan đến cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, lực lượng trong xử lý người nước ngoài; thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý các vụ, việc phức tạp về an ninh trật tự… Do vậy, đặt ra yêu cầu cần thiết phải thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả tổ chức phân công, phân cấp, phối hợp lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, trên cơ sở đó kiến nghị có biện pháp khắc phục kịp thời.

Năm là, tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư như: Tập huấn, tổ chức tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư (Luật Nhà ở năm 2014, các nghị định của Chính phủ, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, các bộ và UBND Thành phố…) cho cán bộ làm công tác quản lý, các chủ đầu tư, ban quản trị và các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tổ chức tập huấn phổ biến hướng dẫn các quy định, các kỹ năng, giải đáp, thống nhất các biện pháp giải quyết đơn thư, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý đến toàn bộ hệ thống chính trị, các thành viên ban quản trị, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành của nhà chung cư.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục có nhiều nhà chung cư được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vấn đề quản lý, vận hành tại các nhà chung cư sẽ còn phát sinh nhiều phức tạp, do đó, việc tăng cường phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh trật tự đối với nhà chung cư trên điạ bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học:“Công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu đô thị mới, khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”.