Giải pháp nâng cao ý thức học tập của sinh viên hiện nay

TS. Đào Thị Kim Biên
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu phân tích thực trạng ý thức học tập của sinh viên trên cơ sở khảo sát 200 sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên các mặt nhận thức học tập của sinh viên ở mức trung bình, thái độ học tập, cảm xúc tích cực ở mức trung bình và cảm xúc tiêu cực ở mức cao, các mặt hành động học tập của sinh viên ở mức trung bình. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất năm nhóm giải pháp tác động cải thiện ý thức học tập của sinh viên từ phía bản thân sinh viên, nhà trường, giảng viên, gia đình và xã hội.
Đặt vấn đề

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực giỏi nghiệp vụ, vững kỹ năng với khẩu hiệu truyền thống: “Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn”, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam với tầm nhìn chiến lược phát triển đến năm 2025 xây dựng Học viện trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học về thanh thiếu niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên có uy tín hàng đầu ở Việt Nam.

Tầm nhìn đến năm 2030 của Học viện phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học chất lượng cao ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về công tác thanh thiếu niên. Với phương châm học đi đôi với hành, nhà trường luôn tạo cho sinh viên môi trường với những trải nghiệm thực tế, bảo đảm sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay với công việc thực tế của đơn vị công tác; là nơi nuôi dưỡng những sáng tạo của tuổi trẻ. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có ý thức tự giác trong học tập, có rất nhiều sinh viên vì lý do khách quan và chủ quan mà ngày càng trở nên lười biếng, chểnh mảng, dẫn tới kết quả học tập sa sút, chệch hướng với mục tiêu ban đầu. Từ thực tiễn trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu, phân tích thực trạng ý thức học tập của sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tác động cải thiện ý thức học tập của sinh viên.

Những nội dung nghiên cứu

(1) Hoạt động học tập của sinh viên. Dựa trên những khái niệm và đặc điểm hoạt động học tập, cho thấy cơ sở về hoạt động học tập của sinh viên là một hoạt động đặc thù của sinh viên, được điều khiển bởi mục đích tự giác lĩnh hội các nội dung học tập một cách khoa học và có hệ thống. Hoạt động học tập của sinh viên có các biểu hiện thông qua nhận thức, thái độ và hành động khi họ tham gia một cách tích cực, chủ động và sáng tạo vào các hoạt động học tập nhằm đạt được các mục đích học tập một cách hiệu quả.

(2) Ý thức học tập của sinh viên. Ý thức học tập của sinh viên được hiểu là sự phản ánh ý thức của sinhviên về các nội dung liên quan đến nhà trường bao gồm: tầm nhìn, sứ mệnh, khung chương trình đào tạo… các nội dung học tập như tri thức môn học, phương pháp, kỹ năng học tập… thái độ học tập (cảm xúc tích cực và tiêu cực) và tính tích cực trong hành động của sinh viên đối với việc học.

(3) Tiêu chí đánh giá ý thức học tập của sinh viên. Dựa trên cấu trúc ý thức, ý thức học tập của sinh viên được biểu hiện ở ba mặt sau:

Thứ nhất, mặt nhận thức học tập, là cơ sở cho thái độ và hành động học tập cho sinh viên. Nhận thức học tập bao hàm mức độ về sự hiểu biết các nội dung học tập, động cơ, mục đích, phương tiện… để từ đó sinh viên có thái độ phù hợp trong hoạt động học tập của bản thân. Sinh viên có chiến lược học tập, kế hoạch học tập, điều khiển và điều chỉnh các thao tác học tập nhằm đạt được kết quả học tập cao nhất. Biểu hiện quan trọng nhất của mặt nhận thức đó chính là sinh viên nhận thức được tri thức liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình học tập của sinh viên. Các nội dung nhận thức có ảnh hưởng gián tiếp bao gồm: tầm nhìn, sứ mệnh của trường, khung chương trình đào tạo, chiến lược đào tạo… Các nội dung nhận thức ảnh hưởng trực tiếp bao gồm: động cơ, mục đích, kiến thức, kỹ năng…

Thứ hai, mặt thái độ học tập, được biểu hiện dưới dạng cảm xúc và tâm thế trong học tập. Nhóm nghiên cứu đã chuẩn hóa thang đo 8 loại cảm xúc (thích thú, hy vọng, tự hào, giận dữ, lo lắng, xấu hổ, tuyệt vọng và buồn chán) đối với lớp học, việc học, thi cử trong ba trạng thái (trước, trong và sau khi học). Tâm thế là một dạng hành động của thái độ. Tâm thế thể hiện tính sẵn sàng học tập của sinh viên.

Thứ ba, mặt năng động của hành động học tập, thể hiện tính tích cực của chủ thể trong quá trình tham gia hoạt động học tập. Mặt năng động này gắn liền với động cơ học tập. Khi cá nhân có hứng thú học tập thì họ sẽ trở nên tự giác, tích cực và chủ động trong hoạt động học tập. Tính tích cực được biểu hiện ra nhiều mức độ khác nhau, như: bắt chước, tìm tòi và sáng tạo. Mặt năng động dựa theo mức độ thể hiện ở việc sinh viên tích cực tìm kiếm cơ hội trong học tập. Các đặc điểm về tính tích cực của sinh viên trong hoạt động học tập được biểu hiện những đặc điểm sau: sinh viên chủ động, độc lập, nỗ lực trong việc tiếp cận và đưa ra cách thức giải quyết nhiệm vụ; sinh viên tích cực trong quá trình giải quyết các vấn đề trong học tập; sinh viên có sự nỗ lực để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập; sinh viên có nhu cầu học tập và chuyển hóa thành động cơ học tập, hứng thú học tập; sinh viên có biểu hiện cảm xúc tích cực khi tiếp cận giải quyết nhiệm vụ học tập; sinh viên tập trung chú ý đến bài học, nội dung, nhiệm vụ học tập; vận dụng các tri thức học tập vào thực tiễn đề giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống.

(4) Sơ đồ chỉ báo nghiên cứu về ý thức học tập của sinh viên. Dựa trên cơ sở lý luận về ý thức học tập của sinh viên, tiêu chí đánh giá ý thức học tập của sinh viên để xây dựng sơ đồ chỉ báo nghiên cứu về biểu hiện ý thức học tập của sinh viên (xem hình 1).

(5) Mức độ biểu hiện ý thức học tập của sinh viên. Thang đo mức độ về nhận thức học tập gồm: “không biết”, “ít biết”, “phân vân”, “biết rõ”, “biết rất rõ”. Thang đo mức độ thái độ học tập: “rất không đồng ý”, “không đồng ý”, “phân vân”, “đồng ý”, “hoàn toàn không đồng ý”. Mức độ thường xuyên thực hiện các hành động học tập tích cực: “không bao giờ”, “hiếm khi”, “thỉnh thoảng”, “thường xuyên”, “rất thường xuyên”. Dựa trên sự tổ hợp các mức độ biểu hiện của từng mặt thành phần để xây dựng năm mức độ biểu hiện ý thức học tập của sinh viên, như sau: Mức độ 1 – Rất thấp; Mức độ 2 – Thấp; Mức độ 3 – Trung bình; Mức độ 4 – Cao; Mức độ 5 – Rất cao.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu kết hợp cả phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, trong đó phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp nghiên cứu chính của đề tài. Mục đích nhằm thu thập thông tin về các mặt biểu hiện của ý thức học tập của sinh viên. Cách thức xây dựng bảng hỏi và bảng khảo sát về tính cần thiết và tính khả thi của việc triển khai các biện pháp đề xuất dành cho sinh viên nhằm để thu thập thông tin.

Bảng hỏi được chia làm ba phần. Phần thứ nhất gồm các câu hỏi thu thập các mặt biểu hiện cụ thể của ý thức học tập (nhận thức, thái độ, hành động). Phần thứ hai khảo sát về các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức học tập ở góc độ tự đánh giá của sinh viên. Phần thứ ba khảo sát về tính cần thiết và tính khả thi của việc triển khai các biện pháp đề xuất. Khảo sát 200 phiếu, đối tượng là sinh viên đang theo học ở khắp các ngành đào tạo của nhà trường.

Phương pháp phỏng vấn sâu nhằm mục đích làm rõ kết quả về mức độ biểu hiện ý thức học tập. Sau khi có kết quả nghiên cứu, quan sát các số liệu có tính “vấn đề” để xây dựng 5 bảng phỏng vấn sâu riêng biệt dành cho các sinh viên; lựa chọn có chủ đích 5 sinh viên để xác định phân tích số liệu ở bước 3 của bảng hỏi nhằm làm sáng tỏ kết quả liên quan đến các nội dung biểu hiện ý thức học tập của sinh viên. Kết quả tổng hợp, sử dụng ý kiến thu được vào việc giải thích kết quả phân tích từ phần mềm SPSS và xây dựng cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp tác động cải thiện ý thức học tập cho sinh viên.

Phương pháp sử dụng thuật toán thống kê nhằm mục đích xử lý, phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứuthông qua sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 20 cho Window để xử lý số liệu thu được.

Kết quả nghiên cứu

(1) Mặt nhận thức học tập. Phần lớn sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã nắm bắt được về khái niệm của ý thức học tập. Bên cạnh đó, có một số sinh viên hiểu khái niệm một cách đơn giản, như: đồng nhất ý thức học tập với nhận thức học tập; coi ý thức học tập như là khả năng học tập của cá nhân, được đánh giá bởi người khác. Có 17% sinh viên hiểu gần đúng với khái niệm ý thức học tập. Nhìn chung, tỷ lệ % sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Na cho rằng, ý thức học tập có vai trò quan trọng đối với việc học của bản thân họ rất cao, chiếm 97%. Bên cạnh đó, vẫn có một số sinh viên cảm thấy phân vân khi đánh giá về tầm quan trọng của ý thức học tập. Chỉ có 1 sinh viên trên tổng số 200 sinh viên được hỏi đánh giá ý thức học tập ít quan trọng và không quan trọng đối với việc học của họ.

Mặt nhận thức học tập của sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ở mức trung bình. Nhìn chung, nhận thức của sinh viên đối với các vấn đề về nhà trường còn thấp, cụ thể với các vấn đề: sứ mệnh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; tiêu chí đánh giá xếp loại sinh viên, tổng số tín chỉ của khung chương trình đào tạo, phân loại của từng môn học. Đa số sinh viên “không biết” hoặc “biết ít” do cảm thấy các vấn đề đó là “không quan trọng” nên “không cần phải nhớ”. Trong khi đó, mặt nhận thức của sinh viên ở mức cao về các vấn đề liên quan trực tiếp đến cá nhân ở mức cao, như: “Nhận biết được năng lực nghề nghiệp”; Nhận biết được động cơ học tập”; “Nhận biết mục đích học tập”; “Biết khái niệm của từng bài học”; “Nhận biết các phương tiện học tập”; “Biết những kỹ năng của mỗi bài học”; “Biết hình thức đánh giá của mỗi môn học”; “Biết được phẩm chất nghề”.

Phần lớn sinh viên chỉ quan tâm đến các vấn đề học tập có tác động trực tiếp đến kết quả học tập của bản thân. Đối với những vấn đề mang mức độ vĩ mô, hầu hết sinh viên không để ý đến vì nghĩ không liên quan hoặc không quan trọng. Vì thế muốn xây dựng thương hiệu của trường một cách vững mạnh, nhà trường phải chú ý đến nội dung và cách thức nhằm phổ biến một cách hiệu quả các vấn đề liên quan đến nhà trường đến với sinh viên.

(2) Về mặt thái độ học tập. Phần thái độ học tập chỉ được nghiên cứu hai khía cạnh là cảm xúc tích cực và tiêu cực của sinh viên đối với việc học. Kết quả cho thấy, cảm xúc tích cực ở mức trung bình và cảm xúc tiêu cực ở mức cao. Dựa trên cơ sở của nghiên cứu định tính, dữ liệu trên đủ cho phép chúng tôi kết luận rằng, thái độ học tập của sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ở mức trung bình.

(3) Về hành động học tậpKết quả khảo sát cho thấy, tất cả các mặt hành động học tập của sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được xếp ở mức trung bình. Trong đó, nhóm hành động có điểm trung bình cao nhất là nhóm hành động trước khi học, bao gồm: chuẩn bị dụng cụ học tập đầy đủ; tìm kiếm thông tin trước khi học, vào lớp học trước giờ học; tìm kiếm thêm thông tin; tìm hiểu phù hợp phương pháp học; lập thời khóa biểu từ đầu; chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Tiếp theo là nhóm hành động sau khi học, bao gồm: tự đánh giá khả năng giải bài tập; tự kiểm tra cách giải quyết vấn đề; giúp đỡ bạn với kiến thức mới học; tự kiểm tra kết quả học được; tìm cách để hiểu khái niệm mới; làm thêm bài tập; đánh giá lại kết quả quá trình học. Và mức điểm đánh giá thấp nhất là nhóm hành động trong lúc học, bao gồm: chép bài đầy đủ; hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; tích cực tham gia hoạt động nhóm; tích cực phát biểu xây dựng bài; vận dụng phương pháp học tập; mã hóa lại nội dung bài học.

(4) Về các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức học tập của sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Nhìn chung, các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức học tập của sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ở mức khá. Trong đó, nhóm yếu tố thuộc về bản thân sinh viên, như: ý chí, lòng quyết tâm của bản thân; sự nắm bắt các phương pháp học tập; khả năng nhận thức của bản thân; khả năng tự tạo hứng thú cho bản thân; lòng tự trọng của cá nhân; mục tiêu học tập của từng cá nhân; khả năng tự đánh giá bản thân được xác định là nhóm yếu tố ảnh hưởng cao nhất đến ý thức học tập của sinh viên; nhóm yếu tố ảnh hưởng ít nhất là nhóm nhà trường. Các yếu tố còn lại ảnh hưởng thấp hơn và đều tập trung ở mức trung bình.

Đề xuất một số giải pháp tác động cải thiện ý thức học tập của sinh viên học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Ý thức học tập là phạm trù cơ bản có vai trò quyết định kết quả học tập của người học nói chung và của sinh viên nói riêng. Sinh viên không thể có thành tích học tập tốt trong khi ý thức học tập ở các mức độ thấp. Để tác động cải thiện ý thức học tập một cách hiệu quả, cần phải dựa trên nền tảng cấu trúc ý thức học tập. Bao gồm 3 thành tố: nhận thức các vấn đề học tập; thái độ đối với việc học và hành động mang tính tích cực, tự chủ của người học.

Thứ nhất, sinh viên phải có nhận thức học tập về các vấn đề liên quan đến nhà trường, như: tầm nhìn của trường, khung chương trình đào tạo, ngành học, liên quan đến các yếu tố cá nhân, như: yêu cầu môn học, phương pháp học tập, kỹ năng học tập, nội dung học tập…

Thứ hai, sinh viên cần có thái độ học tập tích cực. Biết nhận diện và điều khiển cảm xúc cá nhân cho phù hợp với bầu không khí của lớp học.

Thứ ba, sinh viên cần thực hiện nhiều hành động mang tính tích cực và tự chủ nhằm chuẩn bị và rèn luyện các nội dung học tập để đạt mục tiêu mà chính cá nhân đã xác định trước khi vào học một nội dung học tập cụ thể.

Ý thức học tập không tồn tại độc lập mà nó được đặt trong một hệ thống môi trường sư phạm. Ngoài việc chịu tác động của các yếu tố trong môi trường nhà trường, như: nội quy, tầm nhìn sứ mệnh của trường, các yếu tố thuộc giảng viên, bạn bè… Ý thức học tập còn chịu sự tác động của yếu tố: bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi yếu tố đều có vị trí, vai trò và mức độ tác động nhất định đến ý thức học tập. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng bổ sung và tương hỗ nhau trong sự tồn tại và tác động lên ý thức học tập của sinh viên. Vì thế, muốn tác động cải thiện ý thức học tập của sinh viên hiệu quả, ta phải tác động đồng bộ các yếu tố đã được chỉ ra.

Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng về ý thức học tập của 200 sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy, điểm trung bình về ý thức học tập của sinh viên ở mức trung bình. Cụ thể, điểm trung bình nhận thức các yếu tố nhà trường là 2,45 tương ứng với mức thấp, điểm trung bình mặt nhận thức 3,23 (mức trung bình). Mặt thái độ ở mức trung bình. Mặt hành động học tập 2,72 (mức trung bình). Nhìn từ góc độ của nhà giáo dục, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là phải tìm giải pháp để cải thiện mức độ ý thức học tập cho sinh viên. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín của trường trong thời kỳ hội nhập cạnh tranh và bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Kết quả phân tích mối tương quan giữa các yếu tố thành phần cho thấy, có sự tương quan thuận từ mức trung bình đến mức cao giữa ba mặt: nhận thức, thái độ, hành động đối với ý thức học tập của sinh viên. Trong đó yếu tố hành động có mối tương quan đến ý thức học tập cao nhất, xếp vị trí thứ hai chính là nhận thức và cuối cùng là thái độ. Như vậy, để tác động có hiệu quả cần phải tác động đồng bộ các mặt trên nhưng không dàn trải mà phải phân phối tập trung vào các yếu tố có tương quan cao hơn.

Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức học tập bao gồm các yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng theo thứ tự từ cao đến thấp là: bản thân sinh viên, bạn bè, xã hội, giảng viên, gia đình, nhà trường. Yếu tố bản thân sinh viên là yếu tố giữ vai trò ảnh hưởng cao nhất đến ý thức học tập của bản thân sinh viên. Trong môi trường đại học, ý thức học tập của sinh viên vẫn còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố bạn bè và xã hội. Những yếu tố: giảng viên, gia đình và nhà trường cùng có mức tác động khá hạn chế lên ý thức học tập của sinh viên. Mặc dù kết quả theo sự tự đánh giá của sinh viên ở yếu tố nhà trường, giảng viên và gia đình là chưa cao nhưng đây vẫn là ba lực lượng nòng cốt nắm vai trò chủ đạo trong việc là tác nhân tác động lên ý thức học tập cho sinh viên.

Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn, các biện pháp tác động được chia thành các nhóm liên quan đến tổ chức quản lý của nhà trường, hoạt động mang tính giáo dục, giảng viên, gia đình và bản thân sinh viên.

(1) Giải pháp tác động từ phía nhà trường.

Nhà trường nên chú ý đến việc nâng cao mặt nhận thức của sinh viên về các vấn đề liên quan đến nhà trường. Đặc biệt, nên chú trọng đến việc tuyên truyền các nội dung về tầm nhìn, sứ mệnh của trường, chú ý đến nội dung và cách truyền tải nội dung một cách hiệu quả. Nhà trường có thể tác động đến mặt nhận thức học tập của sinh viên bằng cách nâng cao ý thức cho sinh viên, giảng viên về tầm nhìn, sứ mệnh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thông qua kênh truyền thông.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyên viên và cán bộ quản lý, cần tuyển chọn và chắt lọc đội ngũ giảng viên vững về kiến thức, chắc về phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, nhà trường phải chú trọng kỹ năng giao tiếp sư phạm của cán bộ, giảng viên với sinh viên. Ngoài ra, nhà trường cần mở những lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giảng viên, tích cực tạo điều kiện cho giảng viên học tập nâng cao khả năng giảng dạy bằng cách khuyến khích, hỗ trợ giảng viên học nghiên cứu sinh, nghiên cứu khoa học, tăng cường các hoạt động sinh hoạt trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng và phát động phong trào thi đua. Tổ chức lịch học, công tác hỗ trợ sinh viên, thiết bị dạy học.

(2) Giải pháp tác động từ phía giảng viên.

Về phía giảng viên, cần giúp sinh viên tự xác định được mục tiêu, động cơ học tập của bản than, giúp sinh viên bồi đắp kỹ năng tạo hứng thú trong học tập. Bằng việc xây dựng bầu không khí lớp học thân thiện, hạnh phúc và tổ chức hoạt động lồng ghép phù hợp, giảng viên sẽ tạo được động cơ, nguồn hứng thú tích cực cho sinh viên. Từ đó, sinh viên có tâm thế thoải mái và hạnh phúc khi học tập tại trường.

(3) Giải pháp tác động từ phía gia đình và xã hội.

Cha mẹ cần nêu gương, khuyến khích và phát huy tính tích cực học tập của sinh viên. Những hiện tượng sinh viên sống xa gia đình, lười học, bỏ học, sa đà vào tệ nạn xã hội, lựa chọn các xu hướng lối sống tiêu cực, như: buông thả bản thân, nghiện game online, ích kỷ, thờ ơ vô cảm, hành xử bạo lực… đều là do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình. Gia đình cần quan tâm sát sao, tôn trọng năng lực, sở thích của con, để cho con tự tìm hiểu các ngành nghề và lựa chọn ngành nghề mà bản thân sinh viên thích và muốn học. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên động viên, khuyến khích, ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể về vật chất lẫn tinh thần để sinh viên không bị áp lực thành tích học tập hay phải lo lắng những vấn đề khác ngoài việc học. Các bậc cha mẹ dù ở đâu, công việc bận đến mấy cũng nên dành khoảng thời gian nhất định để quan tâm, hỏi han con em mình để nắm bắt tâm lý, tình cảm, nhận thức của con và có những uốn nắn, chỉ bảo kịp thời.       

Cơ quan truyền thông tuyên truyền về lợi ích của việc học tập rộng rãi và liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cần tuyên dương các tấm gương học tốt, vượt khó trong học tập. Các cơ quan quản lý chất lượng giáo dục cần rà soát, kiểm tra về tính hiệu quả của các chương trình đào tạo, các lớp học trực tuyến. Cần có những biện pháp ngăn chặn việc học để có tấm bằng, đến lớp chỉ để điểm danh. Các chính sách xã hội luôn quan tâm, khuyến học, khuyến tài bằng cách cấp học bổng khuyến học, vay vốn học tập dài hạn…

(4) Giải pháp tác động từ phía bản thân sinh viên.

Thành công của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào thái độ sống của người đó. Vì thế, xác định một thái độ học tập đúng đắn, tích cực sẽ có tác động quan trọng đến kết quả học tập của mỗi cá nhân sinh viên. Và khi bản thân mỗi sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc học, không chỉ là các môn học để thi mà còn gồm cả học những kỹ năng trong cuộc sống bạn sẽ thấy rằng bản thân còn rất nhiều điều cần học, bởi nếu lười biếng thì bản thân người đó sẽ bị thụt lùi lại phía sau. Một thái độ tích cực khi học tập là rất cần thiết. Khi bản thân sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc tự học và nghiên cứu thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Thứ nhất, để chống lại căn bệnh lười biếng, ngại học, mỗi sinh viên cần trang bị cho mình những kế hoạch mà mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện chúng một cách nghiêm túc. Học tập mà không rõ mục tiêu cũng giống như bắn một mũi tên mà chưa xác định được đích. Đã đến lúc sinh viên cần nhìn lại chính mình để thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, để chấn chỉnh lại quá trình học tập, chính sinh viên mới có thể tự điều trị căn bệnh lười của mình.

Thứ hai, trong học tập, sinh viên cần xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó… sinh viên phải có một động lực rõ ràng để thúc ép bản thân mỗi khi nhiệt huyết giảm và không muốn nỗ lực nữa. Khi học phải nghiêm túc, kiên trì và đi học đầy đủ. Việc đi học chuyên cần giúp sinh viên vừa không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng trên lớp, vừa không bị quên những yêu cầu, bài tập mà giảng viên giao cho. Sinh viên cần tích cực, chủ động trong học tập, mạnh dạn trao đổi thắc mắc với bạn bè và thầy cô, nêu lên quan điểm của mình. Hình thành và duy trì thói quen tự học tại nhà, việc tự học đều đặn sẽ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức nhanh và học tập hiệu quả hơn.

Thứ ba, sinh viên tự giác tạo dựng cho bản thân một phương pháp học tập hiệu quả và hợp lý, rèn luyện các kỹ năng cơ bản (đọc hiểu bài giảng, chủ động tìm nguồn tài liệu tham khảo liên quan đến môn học, lập thời gian biểu cho việc học tập, tư duy sáng tạo…). Trước giờ lên lớp sinh viên nên đọc trước bài ở nhà, chuẩn bị trước những câu hỏi có liên quan đến bài học mới. Do khối lượng kiến thức đối với sinh viên đại học yêu cầu cao, nếu sinh viênkhông tích cực tìm tòi tri thức, tư liệu học tập thì sẽ không thể tiếp thu hiệu quả.

Thứ tư, sinh viên cũng cần phải học các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp… vì các kỹ năng này sẽ giúp ích cho sinh viên trong quá trình tương tác làm việc với nhau.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về ý thức, hoạt động học tập của sinh viên; ý thức học tập của sinh viên; biểu hiện và mức độ ý thức học tập của sinh viên; các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức học tập của sinh viên.

Trên cơ sở điều tra thực trạng về ý thức học tập của sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ở mức trung bình, thông qua các phương pháp nghiên cứu bằng phỏng vấn sâu và kiểm nghiệm tất cả các giả thuyết đã đề ra, so sánh về sự khác biệt của các yếu tố cấu thành sinh viên xét theo giới tính, vùng miền, ngành học và học lực để đề xuất các biện pháp tác động đến ý thức học tập của sinh viên.

Với những kết quả nghiên cứu tốt, khách quan và xác đáng về mặt lý luận và thực tiễn như trên, nhiệm vụ nghiên cứu đã được hoàn thành, giả thuyết đã được kiểm chứng.

* Bài báo công bố kết quả sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, tác giả là chủ nhiệm đề tài, mã số KXHVTTN.23-06.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Dục Anh, Nguyễn Thị Tứ. Xây dựng thang đo ý thức học tập dành cho sinh viên. Tạp chí Giáo dục và Xã hội, 2020.
2. Trần Thị Hương, Nguyễn Đức Danh. Tổ chức hoạt động dạy học Đại học. NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
3. Trần Thị Thu Mai. Tâm lý học người trưởng thành. NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2013.
4. Dương Thị Kim Oanh. Một số hướng tiếp cận nghiên cứu động cơ học tập. Tạp chí Tâm lý học, số 50 (1/2013).
5. Huỳnh Mai Trang, Mai Hồng Đào. Cảm xúc trong học tập của sinh viên. Tạp chí khoa học trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 17 (2/2020).