Quản lý và phát triển bền vững cộng đồng buôn làng Tây Nguyên

TS. Nguyễn Thị Mộng Tuyền
Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh
TS. Phú Văn Hẳn

Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
(Quanlynhanuoc.vn) – Cộng đồng buôn làng có vị trí quan trọng trong bảo tồn, phát triển và quản lý nhà nước về dân tộc, đặc biệt trong cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên khi đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Nghiên cứu làm rõ bản chất cộng đồng và đề xuất các biện pháp quản lý nhà nước, phát triển giá trị cộng đồng buôn làng các dân tộc Tây nguyên hiện nay.

Đặt vấn đề

Trong tiến trình lịch sử dân tộc từ xưa đến nay, Việt Nam cơ bản là nước nông nghiệp, do vậy, nông thôn và nông dân là một trong những địa bàn quan trọng, đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế – xã hội. Với vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì làng, xã là môi trường, là tổ chức xã hội truyền thống cơ bản. Qua mỗi thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt là hiện nay, nước ta đang phát triển theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì làng, buôn là điểm “nối” giữa người dân và các thiết chế quản lý nhà nước. Nét riêng của các dân tộc Tây Nguyên, dù là chưa cao về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, nhưng các quan hệ xã hội khu vực này đậm nét cộng đồng, là sức mạnh tiềm năng của đất nước.

Phát triển kinh tế – xã hội và quản lý buôn làng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đặt ra, vừa để năng động hóa, vừa bảo vệ các buôn làng trước các điều kiện phái sinh tự nhiên và xã hội, tạo tiền đề cần thiết để cơ cấu xã hội nơi đây từng bước hòa nhập dần với cơ chế thị trường vốn đang hình thành và phát triển. Với xu hướng phát triển chung thì công cụ quản lý và điều hòa các quan hệ xã hội cơ bản dựa trên tính cộng đồng, luật tục và pháp luật. Trong đó, coi trọng giá trị truyền thống của buôn làng nhằm phát triển quan hệ xã hội mới tiến bộ, làm tăng nội lực vốn có của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên, tạo động lực phát triển đất nước.

Sự phát triển của các cộng đồng buôn làng Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm có 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng). Phía Tây có đường biên giới tiếp giáp với Hạ Lào và Đông Bắc Cam – pu – chia, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và phía Nam giáp tỉnh Bình Phước.

Tây Nguyên là vùng văn hóa cổ, dấu tích con người có mặt ở đây từ thời đồ đá mới, có nền văn hóa đạt trình độ cao, với nhiều tộc người thiểu số sinh sống đan xen tạo nên tinh hoa văn hóa Tây Nguyên. Các tộc người tại chỗ Tây Nguyên có trình độ tư duy “hiện thực – huyền ảo”, hiện thực vì mọi cái đều được con người quy về các hiện tượng tự nhiên, quy về thế giới động vật, thực vật quanh mình, còn huyền ảo là vì tất cả các hiện tượng tự nhiên ấy đều mang trong nó cái “Yang” (hồn, thần), khiến thế giới bao quanh con người luôn là một thế giới vật chất có hồn, chứ không phải là vô tri vô giác…

Tinh hoa văn hóa Tây nguyên, trước hết là ngôn ngữ sử dụng, người Tây Nguyên dùng ngôn ngữ lời nối vần, là một hình thức dùng ngôn từ trung gian giữa ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ văn học, rất giàu hình ảnh và vần điệu. Cồng chiêng là loại hình ngôn ngữ giao tiếp, thể hiện mối quan hệ tư duy của con người với thần thánh và siêu nhiên. Ngày 15/11/2005, UNESCO đã công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Bên cạnh kho tàng dân gian phong phú, đồ sộ đó là những bộ luật tục bằng văn vần truyền miệng, nơi chứa đựng những tri thức về quản lý cộng đồng, về bản sắc căn hóa đậm đà từng dân tộc, lưu truyền song hành với trên 20 “Sử thi” của các bộ tộc khác nhau. Ngoài ra, còn là những kiệt tác điêu khắc tượng, nhà mồ, mỹ thuật quan, kiến trúc nhà ở, nhà công cộng (nhà rông, nhà gươi, nhà dài…) và có cả hệ thống tín ngưỡng, phong tục lễ hội đậm chất dân gian, vừa tự nhiên vừa nhân văn tạo nên môi trường duy nhất mà ở đó tất cả những tinh hoa trong văn hoá vật thể và phi vật thể của từng tộc người, từng nhóm địa phương, từng làng được thể hiện.

Hiện nay, cùng với xu hướng chung của thời đại, Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì làng, buôn là điểm “nối giữa”. Nét riêng của các dân tộc Tây Nguyên, dù là chưa cao về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, nhưng các quan hệ xã hội khu vực này đậm nét cộng đồng, vốn là sức mạnh tiềm năng của đất nước. Phát triển kinh tế – xã hội và quản lý buôn làng luôn là trọng tâm, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra nhiệm vụ vừa năng động hóa, vừa bảo vệ các buôn làng trước các điều kiện phái sinh tự nhiên, tạo tiền đề cần thiết để cơ cấu xã hội nơi đây từng bước hòa nhập dần với cơ chế thị trường vốn đang hình thành và phát triển.

Thực trạng quản lý và phát triển cộng đồng buôn làng các dân tộc ở Tây Nguyên

Tính cộng đồng của buôn làng các dân tộc ở Tây Nguyên.

(1) Tính cố kết cộng đồng: Kết cấu xã hội nông nghiệp là làng – nơi tụ cư – hoạt động trong môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đơn giản. Cơ cấu buôn làng và sự cố kết cộng đồng của các tộc người Tây Nguyên dựa trên một số yếu tố cơ bản như sau:

Buôn làng của các tộc người Tây Nguyên là một cộng đồng về cư trú, tức là các gia đình. Điều kiện môi trường, đất đai canh tác đã hấp dẫn một cách tự nhiên các gia đình lớn, nhỏ sống riêng lẻ hoặc trong nhà dài – ngôi nhà công cộng. Danh xưng buôn làng của các tộc người Tây Nguyên đã sử dụng một cách tự nhiên, thân thuộc. Gia đình sống theo huyết thống mẫu hệ hay phụ hệ, cư trú theo hình thái mật tập hình vành khuyên bên trong hoặc xung quanh ngôi nhà công cộng. Đó là dấu vết của công xã gia tộc huyết thống ngày xưa, mà nay hiếm hoi còn sót lại. Xét về hình thái cư trú cũng như các quan hệ xã hội thì từ lâu đã chuyển sang hình thái công xã láng giềng. Sự cố kết cộng đồng còn phụ thuộc vào thổ cư, rừng, đất rừng-rừng đầu nguồn, sông suối cũng là đầu nguồn. Điều kiện tự nhiên đã ban tặng và ưu đãi nhiều yếu tố có lợi cho buôn làng Tây Nguyên. Tuy nhiên, do chiến tranh và sau đó là tăng dân số cơ học từ chủ trương di dân xây dựng khu kinh tế mới đã làm buôn làng cùng các thiết chế về buôn làng cũng biến đổi, bị xáo trộn, thu hẹp…

(2) Tính sở hữu và lợi ích: Sở hữu công cộng của buôn làng có quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời với rừng, đất rừng tự nhiên, mỗi cư dân đều có quyền chiếm dụng trong thời hạn canh tác.

Trong xã hội cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên chưa xuất hiện hình thức tư hữu về đất đai và các nguồn tài nguyên, chưa có hiện tượng mua bán, chuyển nhượng các tư liệu sản xuất tư bản, việc xâm canh, tranh giành đất, rừng rất hiếm hoi, nếu có cũng được giải quyết bằng luật tục. Ví dụ, một gia đình khai hoang, canh tác một mảnh rừng trong thời hạn một hay hai vụ, sau đó bỏ hoang theo kiểu hưu canh để đất, rừng phục hồi, thì trong thời gian đó, người chủ khai thác đầu tiên có quyền nhất định đối với mảnh nương rẫy đó, người khác muốn canh tác hay khai thác trên mảnh đất đang để hoang đó đều phải được sự đồng ý của chủ khai thác đầu tiên. Đây là một dạng của cộng đồng trong việc chiếm dụng đất đai canh tác, do vậy giữa sở hữu công cộng dần đan xen chiếm dụng tư nhân, trong lòng xã hội nông nghiệp cổ truyền dần phát sinh nhiều mâu thuẫn.

Từ sau năm 1986, Nhà nước chuyển đổi mô hình sản xuất tập thể, hợp tác xã, đất và rừng được trả về cho người dân sản xuất theo cơ chế thị trường và giao khoán. Ở Tây Nguyên, rừng bắt đầu được giao cho nhiều cá nhân, hộ gia đình và tư nhân quản lý, sử dụng. Kinh tế thị trường ở Tây Nguyên phát triển mạnh. Đi kèm với sự thay đổi này là làn sóng di dân tự phát. Làn sóng di cư này không chỉ là người Kinh mà còn nhiều dân tộc thiểu số phía Bắc như Tày, Nùng, Mông, Thái, Dao… Hiện nay, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt ở Tây Nguyên là ưu thế về dân số của người Kinh và ảnh hưởng văn hóa của họ, sự phát triển của các dân tộc tại chỗ đã cơ bản ổn định, trình độ dân trí của đồng bào được nâng cao, đời sống từng bước được cải thiện.

(3) Tính tâm linh trong cộng đồng: Điều này thể hiện trên các phương diện sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, nghi lễ, kiêng cữ… đây là mối dây liên kết, quy tụ con người hướng vọng về các biểu tượng linh thiêng mang tính tâm linh, một lực lượng siêu nhiên tỏa ra như một “sức mạnh mềm” của con người trước những đe dọa, rủi ro trong đời sống hiện thực và điều này là điểm tương đồng với lý luận hiện đại: chủ nghĩa dân tộc chân chính sẽ là động lực lớn của đất nước. Điều này có thể giải thích rằng con người Tây Nguyên từng sống trong bao bọc của thế giới thần linh, linh hồn tạo nên cảm giác huyền ảo, ở mức độ nào đó thì cái đó hạn chế tính chủ động sáng tạo của con người.

(4) Tính văn hóa cộng đồng: Buôn làng xuất phát là một cộng đồng về cư trú, cộng đồng về sở hữu và lợi ích sau đó dần trở thành một cộng đồng về văn hóa, thể hiện sự thống nhất trên hàng loạt các nghi lễ, phong tục, kiêng cữ, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các mối quan hệ mang tính dân chủ, bình đẳng… Cũng như cộng đồng về tâm linh, cộng đồng về văn hóa là sự cố kết bằng những ràng buộc vô hình, nhưng nó vô cùng bền chặt từ thế hệ này sang thế hệ khác, người ta trao quyền cho nhau như một thói quen, phong tục nhiều khi trở thành bản năng và vô thức, ai không thống nhất đều bị dư luận và cộng đồng phê phán, thậm chí bị luật tục kết tội.

Cùng với các bước phát triển kinh tế – xã hội, đời sống văn hóa làng buôn Tây Nguyên đã thay đổi theo hướng tiến bộ, hiện đại, nhiều hủ tục như Malai, tục nối nòi (chuê nuê), tục chôn chung dần bị loại bỏ. Sinh hoạt văn hóa mới đã hình thành trên cơ sở giao lưu học hỏi văn hóa giữa các dân tộc, tuy nhiên, truyền thống văn hóa lâu đời vẫn được lưu giữ giữa các dân tộc. Hình thức vận động buôn làng văn hóa chính là nhằm tạo nên một cộng đồng văn hóa theo hướng vừa truyền thống,  vừa hiện đại

Tính cộng đồng của làng buôn các dân tộc Tây Nguyên biểu hiện rất rõ nét và đa dạng, từ đó hình thành tâm lý cộng đồng. Những nền tảng cơ bản để hình thành tính cộng đồng về cư trú (cộng cư), cộng đồng về sở hữu và lợi ích (cộng lợi), cộng đồng về tâm linh (cộng mệnh) và cộng đồng văn hóa (cộng cảm). Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên hai sức mạnh “sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng” của quốc gia, dân tộc.

Luật tục, hương ước và quản lý cộng đồng buôn làng ở Tây Nguyên.

Thứ nhất, về luật tục: là một trong những di sản văn hóa cổ truyền, kho tàng tri thức dân gian về quản lý cộng đồng của các tộc người ở Tây Nguyên. Phần lớn các tộc người bản địa đều có luật tục, như: luật tục Ê-đê, Mnông, Gia-rai, Ba Na, Xtiêng, Mạ, Srê… Luật tục vùng Tây Nguyên tồn tại dưới dạng thể truyền miệng, giàu hình ảnh, hiếm có dưới dạng văn bản, đề cập tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: thủ lĩnh và quan hệ giữa thủ lĩnh và cộng đồng, hôn nhân gia đình và quan hệ gia đình, phong tục tập quán và các quan hệ xã hội trong làng buôn, sở hữu đất đai và tài nguyên, việc xâm phạm tới cá nhân (mắng, đánh, giết người…) nghi lễ và tín ngưỡng… bên cạnh đó còn đan xen hương ước của người Kinh nên luật tục các dân tộc ở Tây Nguyên có vị trí và vai trò đặc biệt như là công cụ quản lý buôn, làng từ xưa đến nay.

Luật tục Tây Nguyên có những điểm riêng biệt so với luật pháp Nhà nước:  Là hình thức trung gian giữa phong tục tập quán hay là hình thức tiền pháp luật, phù hợp với các cộng đồng dân cư nhỏ hẹp, có trình độ phát triển xã hội thấp; là một trong những bộ phận hữu cơ của hệ thống xã hội văn hóa, khiến con người tự giác thực hiện luật tục như là một hành vi văn hóa. Đó chính là văn hóa pháp luật, tạo nên sức mạnh của luật tục; mang đặc thù địa phương, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của địa phương và tộc người, đó là sự đồng thuận của nội bộ cộng đồng về các chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử xã hội sao cho phù hợp với lợi ích và sự cố kết cộng đồng, do vậy, nó cùng biến đổi với sự biến đổi xã hội. Chính trong biến đổi xã hội mang yếu tố toàn cầu hóa hiện nay, luật tục các tộc người Tây Nguyên cũng đang điều chỉnh; trong thực hành luật tục, nguyên tắc cơ bản là làm sao bảo đảm được tính thống nhất và tính cố kết của cộng đồng, chứ không thuần túy chỉ là sự công bằng giữa hai bên có sự xung đột như khi thực thi pháp luật Nhà nước.

Sự kết hợp giữa luật tục và luật pháp trong quản lý cộng đồng hiện nay ở Tây Nguyên vẫn chưa được điều hòa giữa cái chung và cái riêng, cái khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Điều này dẫn đến hiện trạng tính đa dạng trong nhận thức và hành vi pháp luật trong cộng đồng Tây Nguyên.

Thứ hai, về hương ước: Hương ước, quy ước ở Tây Nguyên được điều chỉnh và thực hiện theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và được cụ thể hóa theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước mới nhất. Theo đó, hương ước, quy ước phải thực hiện theo các nguyên tắc như sau: (1) Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; (2) Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư; (3) Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư; (4) Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới; (5) Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.

Giải pháp quản lý và phát triển cộng đồng buôn làng các dân tộc Tây Nguyên

Một là, gìn giữ và phát triển các giá trị cộng đồng buôn làng của các dân tộc Tây Nguyên dựa trên  luật tục và hương ước.

Buôn làng là cơ cấu xã hội cơ bản của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Buôn làng ngày nay là sợi chỉ nối giữa truyền thống và đổi mới, hiện đại, quá khứ và hiện tại – tương lai, thế nên trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và quốc phòng, an ninh ở Tây Nguyên giữ vai trò nòng cốt, là xuất phát điểm của quá trình phát triển.

Vì vậy, tính cộng đồng buôn làng các dân tộc dựa trên cơ sở cộng đồng cư trú, cộng đồng về sở hữu và lợi ích, cộng đồng về tâm linh và cộng đồng về văn hóa. Tuy trải qua quá trình phát triển lâu dài nhưng cơ sở tính cộng đồng này đã có nhiều biến đổi và cho tới nay, sự cố kết cộng đồng vẫn là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển và cũng có thể làm kìm hãm sự phát triển xã hội trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa.

Tuy cơ sở xã hội các tộc người ở Tây Nguyên có nhiều thay đổi, luật pháp cũng đã từng bước điều chỉnh và phát huy tác dụng trong đời sống buôn làng, nhưng vai trò của luật tục vẫn phát huy tác dụng lớn trong quản lý cộng đồng, nhất là trên quan niệm quan hệ xã hội và xây dựng văn hóa lành mạnh, giữ gìn thuần phong mỹ tục.

Trong đó, việc tái lập luật tục ở các buôn làng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Thực tế, trong quá trình thực hiện hương ước mới nên kế thừa những tri thức quản lý cộng đồng truyền thống trên các phương diện: quan hệ sở hữu và việc quản lý khai thác, xử lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng các quan hệ xã hội hài hòa và lành mạnh, nhất là quan hệ gia đình và quan hệ láng giềng; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng làng văn hóa mới và làm phong phú đời sống văn hóa ở cơ sở.

Trong việc xây dựng, thực thi các hương ước cần nghiên cứu kỹ và từ đó kế thừa những tri thức quản lý cộng đồng của luật tục cổ truyền, đưa các nhân tố mới vào cuộc sống một cách thích hợp, bảo đảm tính dân tộc về hình thức và dân chủ về nội dung nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền dân chủ của nhân dân, tránh nôn nóng áp đặt, luật pháp hóa hương ước và luật tục. Trong tổ chức thực hiện phải phối hợp, liên tịch các ban, ngành liên quan, tránh cục bộ, chồng chéo, trùng lặp chương trình, cơ chế, chính sách.

Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển cộng đồng buôn làng các dân tộc Tây Nguyên.

(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phát triển cho vùng Tây Nguyên: một trong những yếu tố nền móng, ảnh hưởng đến mục tiêu lớn và tầm nhìn chiến lược cho cả nước là phải phân cấp, phân quyền cụ thể để bảo đảm thực hiện quản lý hiệu quả các mặt hành chính, kinh tế – xã hội từngđịa bàn cụ thể.

Triển khai thực hiện tốt Luật Đất đai, Luật Tài nguyên và môi trường ở vùng núi, biên giới; tích cực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng núi, biên giới. Hoàn chỉnh các chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; thu hút ngoại kiều; xuất, nhập khẩu…

(2) Thực hiện đề án phát triển đường giao thông đô thị theo chuẩn quốc tế: về giao thông đường bộ, Tây Nguyên cần không gian và tài nguyên để bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong tương lai thì lãnh đạo địa phương nói riêng và Chính phủ nói chung cần thiết lập đề án, khảo sát, quy hoạch kiến trúc nâng cấp thôn, huyện thành khu đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông theo chuẩn quốc tế để thu hút du khách tham quan cảnh đẹp tự nhiên và hoạt động nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Mặt khác, trục chính giao thông đường, nơi đi qua các địa hình phức tạp như đèo núi phải thực hiện hệ thống đường hầm xuyên núi, bên trong hoặc bên dưới, tránh rủi ro cho những địa hình đèo dốc, nguy hiểm.

Mở rộng, nâng cấp đường vành đai, đặt tên đường, nhóm đường trong mạng lưới giao thông từng tỉnh lỵ nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung và đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch sinh thái trên từng địa phận nói riêng.

Hiện nay, giao thông khó khăn, cách trở nên các tuyến đường mòn, nhỏ trong khu cư dân, đường buôn làng cũng phải được ưu tiên nâng cấp hoặc xây mới tạo điều kiện giao thông liền mạch, thuận lợi. Khi xây dựng giao thông liền mạch sẽ giảm cách trở giao thông, người dân có thể dễ dàng giao lưu, mua bán, phát triển kinh tế. Hằng năm, các tỉnh cần tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch (kỹ năng, thương mại…) cho cán bộ và cả người dân trên địa bàn.

Định hướng những năm tới, các tỉnh Tây Nguyên cần nghiên cứu phát triển đường sắt, đường cao tốc nối liền điểm giữa của hai miền Nam – Bắc để mở rộng giao thương, buôn bán giữa các vùng.

(3) Tự chủ trong công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên: để đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Tây Nguyên thì điều cần nhất là phải có một cơ chế tự chủ, được phép chủ động lập đề án và thực hiện các chính sách đặc thù về  đầu tư giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển vùng kinh tế kinh tế vùng xứng tầm khu vực.

(4) Quy hoạch và phát triển đồng bộ du lịch – dịch vụ: Cần thiết tập trung đầu tư, khai thác đồng bộ các thế mạnh dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cao nguyên đặc thù. Trước hết, phát triển công viên cây xanh, bảo vệ và tôn tạo và phát triển khu rừng sinh thái hiện đại để phát triển du lịch, biên khảo, nghiên cứu khoa học, hội thảo quốc tế…

Xây dựng và khai thác các khu di tích văn hóa nguyên cổ “cồng chiêng”, nhà dài,… Xác định việc kết hợp làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và là nơi tham quan có cảnh quan thiên nhiên đẹp cho du khách trong và ngoài nước.

Xây dựng khu vui chơi, giải trí phục vụ các hoạt động dịch vụ. Các hoạt động dịch vụ, tham quan nghỉ mát, nghỉ dưỡng dài hạn sẽ tăng lên đáng kể trên cơ sở hình thành các khu du lịch sinh thái cao nguyên.

(5) Cải tạo nông nghiệp và đô thị hóa vùng nông thôn: Ngoài việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, Tây Nguyên cần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, bền vững; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập của Nhân dân, giảm nghèo bền vững; phát huy các giá trị văn hóa tinh thần, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng Tây Nguyên văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nghiên cứu, chuyển giao hoặc đầu tư các ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại để xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, cải tạo môi trường sống cho nền nông nghiệp bền vững. Tích cực đưa ra đề án khảo sát thực địa tiềm năng, khẩn trương lập đề án dành riêng cho các hoạt động giải trí cao cấp như lễ hội văn hóa “cồng chiêng” quốc tế, triển lãm văn hóa bản địa… góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam.

Mặt khác, sớm thực hiện các dự án cụ thể cho các khu: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, du lịch tâm linh, biển tạo sóng nhân tạo, khu giải trí về đêm, tái hiện không gian văn hóa cao nguyên xưa; phim trường thực cảnh điện ảnh, với ý tưởng đào tạo và sử dụng người dân lao động tại địa phương…

Xây dựng khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, vì đây là đô thị gắn liền với đất rừng, tài nguyên quốc gia. Vậy, cần thiết phải xây dựng, quy hoạch đô thị đặc biệt có tầm nhìn xa để Tây Nguyên vẫn cổ kính trong phối cảnh đẹp, hiện đại, bảo đảm tính dân tộc cả về nội dung và hình thức.

Đã đến lúc cần thiết đánh thức tiềm năng chiến lược và đề xuất nhiều giải pháp hơn nữa cho việc xây dựng nền kinh tế – xã hội Tây Nguyên. Các quan điểm và các đề xuất nêu trên cùng với các giải pháp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khác sẽ phát huy thế mạnh Tây Nguyên, góp thêm chuyển biến trong việc thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Rà soát, nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước, thống kê dân số lao động, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực du lịch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển. Thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân Tây Nguyên là một trong những điều kiện hết sức quan trọng nhằm đánh thức tiềm năng chiến lược của Tây Nguyên nói riêng và cho cả nước nói chung trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Bính. Thực trạng đời sống văn hoá của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Văn hoá các dân tộc Tây Nguyên – Thực trạng và những vấn đề đặt ra. H. NXB. Chính trị Quốc gia. 2013;
2. Trương Minh Dục. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên. H. NXB. Chính trị Quốc Gia. 2004.
3. Trương Minh Dục. Xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Sách chuyên khảo). H. NXB. Chính trị Quốc Gia Sự thật. 2020.
4. Lương Thị Thu Hằng, Phan Triều Giang, Trương Quang Hoàng. Nghiên cứu về luật tục của các dân tộc thiểu số và chính sách đất rừng ở Việt Nam. https://data.opendevelopmentmekong.net. Truy cập 15/11/2023.
5. Trình Quang Phú. Văn hóa Tây Nguyên và sự phát triển bền vững. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 18/02/2015.
6. Kết luận số 148-KL/TVV ngày 16/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tình hình, nhiệm vụ và giải pháp phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững.
7. Đào Quang Huy, Giảng tập văn hóa Việt Nam, 1969 (Cao học hành chính khóa III).
8. Lịch sử Tây Nguyên phần 3. https://dulichtaynguyen.org.
9. Luật tục của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên trong phát triển bền vững.http://lapphap.vn, ngày 01/10/2015.
10. Một số nhiệm vụ và giải pháp để kinh tế vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững. https://vioit.org.vn, ngày 13/4/2023.
11. Sức mạnh của hương ước trong đời sống ngày nay, https://baodaklak.vn, ngày 27/3/2014.
12. Tổng cục Thống kê. Dân số và lao động năm 2016. https://www.gso.gov.vn.
13. Nguyễn Thế Trung. Một số quan điểm cơ bản về phát triển kinh tế Tây Nguyên. Một số vấn đề kinh tế xã hội Tây Nguyên. H. NXB. Khoa học xã hội. 1986.
14. Nguyễn Đình Tư. Tây Nguyên xưa và nay. Tạp chí Xưa và nay, số 61B (năm 1999).
15.Ủy ban Dân tộc. Danh mục phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2012 – 2015, Hà Nội, 2013.
16. Đặng Nghiêm Vạn. Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về kinh tế-xã hội Tây Nguyên trên chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Một số vấn đề kinh tế xã hội Tây Nguyên. H. Nxb. Khoa học xã hội. 1986.