Tình hình tội phạm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và các biện pháp phòng ngừa của lực lượng cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng

Nguyễn Xuân Vinh
Công an thành phố Đà Nẵng
(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình, đặc điểm của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bài viết đề xuất một số giải pháp lực lượng Cảnh sát môi trường cần tiến hành để làm tốt hoạt động phòng ngừa trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ: tuoitrethudo.com.vn.
Đặt vấn đề

Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng giữa nước ta với các nước trên thế giới. Những năm qua, kinh tế của thành phố Đà Nẵng luôn khởi sắc với mức độ tăng trưởng cao, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tình hình an ninh trật tự giữ vững và tạo được môi trường ổn định cho việc đầu tư, phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, thành phố Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với một số nguy cơ, thách thức lớn, nổi lên là sự diễn biến phức tạp của tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Tình hình tội phạm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua

Theo số liệu thống kê của Văn phòng cơ quan điều tra Công an thành phố Đà Nẵng, từ năm 2019 -2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.090 vụ phạm pháp hình sự (trung bình 418 vụ/năm), bắt giữ 3.766 đối tượng; đã điều tra khám phá 1.795 vụ (chiếm 85,9%), bắt giữ 3.244 đối tượng. Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường cũng có diễn biến phức tạp, số liệu thống kê từ năm 2019 – 2023 cho thấy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 1.451 vụ (trong đó có 6 vụ có hình thức là xử lý hình sự, 1.445 có hình thức là xử lý hành chính) với 1.489 đối tượng bị phát hiện. Số vụ phạm tội về môi trường chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số vụ phạm pháp hình sự: 06/2.090 vụ (chiếm tỷ lệ 0,3%) nhưng số vụ vi phạm hành chính chiếm số lượng lớn1. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gây ra nhiều thiệt hại về môi trường.

Qua phân tích cho thấy, từ năm 2019 – 2023, số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có xu hướng tăng, giảm không theo quy luật.

Trong 5 năm (2019 – 2023), lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng đã phát hiện tổng cộng 145 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ, chiếm 9,9% tổng số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường, với tổng số tiền phạt 10.333.072.400 đồng.

Trung bình mỗi năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phát hiện 29 vụ, 30 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ. Qua so sánh cho thấy, số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường. Có thể khẳng định, thành phố Đà Nẵng đang là địa bàn rất “nóng”, phức tạp về tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ, do đó công tác phòng ngừa và điều tra khám phá đã được tiến hành một cách đồng bộ nhằm kiềm chế tối đa thiệt hại về môi trường trên địa bàn.

Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn biến với tính chất nghiêm trọng, có nhiều thủ đoạn tinh vi, gây nhiều bức xức trong quần chúng nhân dân và tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Qua nghiên cứu cho thấy, 148 đối tượng vi phạm pháp luật về lĩnh vực du lịch dịch vụ bị lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Thành phố Đà Nẵng phát hiện từ năm 2019 – 2023 có những đặc điểm sau: (1) Về giới tính: nam giới có 102 người, chiếm tỷ lệ 68,9%; nữ giới có 46 người, chiếm tỷ lệ 31,1%. (2) Về tiền án, tiền sự: số phạm tội lần đầu là 148 người, chiếm tỷ lệ 100%. (3) Về độ tuổi: từ đủ 18 đến 30 tuổi: 61 người, chiếm tỷ lệ 41,2%; trên 30 tuổi: 87 người, chiếm tỷ lệ 58,8%. (4) Trình độ văn hoá: toàn bộ đều có trình độ trên trung học phổ thông, chiếm tỷ lệ 100%. (5) Về nghề nghiệp: có nghề nghiệp ổn định chiếm 100%. (6) Quốc tịch của người phạm tội: tất cả đều có quốc tịch Việt Nam2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2019-2023 có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau. Trong đó, có thể rút ra một số phương thức thủ đoạn phổ biến sau:

Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực du lịch dịch vụ lợi dụng sơ hở của những văn bản pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực du lịch dịch vụ, lợi dụng chính sách ưu tiên phát triển kinh tế đối với các hoạt động du lịch dịch vụ nên đã không thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục bảo vệ môi trường như đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng quy định,không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không lập hồ sơ và đăng ký quản lý nguồn thải với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, không lập hoặc không thực hiện các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.

Các sân golf trên địa bàn thành phố phát triển mạnh, với quy mô lớn nhưng khi đưa vào hoạt động không có đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định, sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, quá liều lượng cho phép trong việc trồng, chăm sóc, bảo quản mặt sân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch tổng thể trong khu vực. Qua nghiên cứu cho thấy có 52 vụ (chiếm 35,9%) có thủ đoạn nêu trên.

Thứ hai, các tổ chức, cá nhân hoạt động ở lĩnh vực du lịch dịch vụ lợi dụng địa hình gần các sông, biển, hồ để xây dựng hệ thống ống ngầm, đặt máy bơm di động để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó khi có thanh tra, kiểm tra, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom chất thải không đúng quy định; làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Qua nghiên cứu cho thấy có 39 vụ (chiếm 26,9%) có thủ đoạn nêu trên.

Thứ ba, để tránh sự giám sát, kiểm tra, giảm chi phí trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, một số tổ chức, cá nhân đã tiến hành xả thải vượt quá quy chuẩn ra môi trường. Đây là thủ đoạn khá phổ biến mà các tổ chức, cá nhân lợi dụng để vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực du lịch dịch vụ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được cấp phép cũng có nhiều sai phạm do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã cam kết. Sử dụng thủ đoạn mua chuộc, cấu kết đối với một số cán bộ thuộc các cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường để chủ động đối phó khi có thanh kiểm tra. Qua nghiên cứu cho thấy có 33 vụ (chiếm 22,7%) có thủ đoạn nêu trên.

Thứ tư, các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ, nhà hàng nhập lậu các loại thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, thủy sản, nội tạng động vật… không qua kiểm dịch, không được phép đưa vào chế biến thực phẩm để tiêu thụ cho các cơ sở chế biến thực phẩm. Đồng thời họ còn vi phạm các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở chế biến, cung cấp dịch vụ ăn uống tại các điểm du lịch… diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch biển xanh, sạch của thành phố Đà Nẵng. Thậm chí các đối tượng còn thu mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, bị ôi thiu với giá rẻ để chế biến trong điều kiện bếp ăn, nguồn nước, vệ sinh không bảo đảm. Qua nghiên cứu cho thấy có 11 vụ (chiếm 7,6%) có thủ đoạn nêu trên.

Thứ năm, một số thủ đoạn khác như không xử lý, phân loại chất thải mà chôn lấp tất cả nhằm giảm chi phí, đưa nước thải xuống tầng nước ngầm bằng giếng khoan, lén lút đổ chất thải ra các nơi hoang vắng, ký hợp đồng liên doanh với đơn vị có chức năng thu gom vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại dưới hình thức trá hình… nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, khó khăn cho công tác kiểm soát xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Qua nghiên cứu cho thấy có 10 vụ (chiếm 6,9%) có các thủ đoạn này3.

Dự báo tình hình tội phạm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và một số biện pháp đề xuất phòng ngừa toàn diện, hiệu quả ở thành phố Đà Nẵng thời gian tới

Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tình hình và diễn biến của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này, có thể dự báo như sau: số vụ, số đối tượng hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng những năm tới sẽ vẫn tiếp tục tăng, chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường.

Về tính chất tội phạm, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi. Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động phạm tội trở nên ngoan cố và nhiều kinh nghiệm, tinh vi hơn trong việc đối phó với Cơ quan điều tra, đồng thời cũng luôn tìm cách móc nối với cán bộ điều tra nhằm được bao che và chạy tội cho mình.

Tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường ở lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố sẽ tập trung chủ yếu ở các quận, huyện có nhiều khu du lịch, gần bãi biển, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ trong thời gian tới sẽ tinh vi, xảo quyệt và phức tạp hơn, gây khó khăn cho việc phát hiện và điều tra.

Đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ ngày càng đa dạng. Các đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tiếp tay cho các đối tượng trong nước để vi phạm pháp luật. Pháp nhân cũng là đối tượng vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này.

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ đã, đang và sẽ diễn ra phức tạp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thời gian tới, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng cần có chủ trương và nghiêm túc tiến hành các biện pháp phòng ngừa một cách toàn diện, hiệu quả hơn.

Một là, đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng, nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ tiến hành nhiệm vụ. Cần tập trung đào tạo, nâng cao trình độ trinh sát viên cho lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng. Bảo đảm đủ trinh sát quản lý được địa bàn, tăng cường việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức, nghiệp vụ chuyên môn phục vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ cho lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng.

Tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn hay các buổi hội thảo chuyên sâu về công tác phòng ngừa tội phạm với các nội dung trọng tâm, như: xác định đối tượng cần phòng ngừa, đấu tranh theo phân công, phân cấp, phương pháp thu thập, phân tích, đánh giá, xử lý thông tin, tài liệu khi tiến hành phát hiện nghi vấn; cách thức khai thác, sử dụng kết quả từ công tác điều tra, nắm tình hình, cách thức triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội và nghiệp vụ theo quy định…

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc tiến hành công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc tiến hành công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ hàng năm, cần phải có nhiều đợt kiểm tra đột xuất, trong đó cần phải có kế hoạch kiểm tra cụ thể, xác định những nội dung cần kiểm tra, thời gian thực hiện, hình thức kiểm tra.

Kết thúc kiểm tra phải có những nhận xét về ưu, nhược điểm và đưa ra được những phương hướng khắc phục trong thời gian tới. Định kỳ tổ chức thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, thiếu sót nhằm đưa công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ đi vào nề nếp, thực hiện thường xuyên, phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Ba là, tiến hành rà soát lại tuyến, địa bàn đang quản lý, tập trung xác định đầy đủ các đối tượng cần tiến hành phòng ngừa. Căn cứ vào các văn bản của Bộ Công an, hướng dẫn của Cục Cảnh sát môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Đà Nẵng cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào nằm trong diện có nguy cơ vi phạm về lĩnh vực du lịch dịch vụ, gắn với đặc thù của thành phố Đà Nẵng và phổ biến đến các lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an các quận, huyện để cán bộ trinh sát nắm và làm cơ sở tiến hành công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Để xác định được chính xác đối tượng, cán bộ trinh sát quản lý địa bàn phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có kế hoạch với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn để nắm tình hình trên địa bàn một cách sâu sát nhằm thu thập các thông tin, tài liệu, số liệu có liên quan. Khi xác định đối tượng cần phòng ngừa, cán bộ trinh sát phải chỉ rõ đối tượng đó phức tạp như thế nào để có định hướng trong quá trình tiến hành các mặt công tác tiếp theo.

Bốn là, tiến hành đồng bộ các mặt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về lĩnh vực du lịch dịch vụ theo chức năng của lực lượng Cảnh sát môi trường. Triển khai công tác nghiên cứu, nắm tình hình phục vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ, xác định những vấn đề cần thiết liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, nắm rõ những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý và công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, đưa ra các biện pháp kịp thời và xây dựng kế hoạch cụ thể trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Năm là, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về lĩnh vực du lịch dịch vụ. Phối hợp chặt chẽ với lực công an các xã, phường, thị trấn trong việc nắm tình hình nhằm tạo cơ sở thực tiễn để tiến hành phòng ngừa hiệu quả. Chú ý mối quan hệ phối hợp với lực lượng Cảnh sát kinh tế để phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Phối hợp với ngành thanh tra trong việc nắm và kiểm tra định kì các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ. Thông qua các tổ chức này, tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật đến rộng rãi quần chúng nhân dân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này để chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật có liên quan.

Chú thích:
1,2,3. Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng. Báo cáo tổng kết công tác năm từ năm 20192023.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 155/2016/NĐCP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
2. Phan Tiến Dũng. Công tác điều tra cơ bản của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Luận án tiến sĩ, Học viện Cảnh sát nhân dân. Hà Nội, 2013.
3. Nguyễn Phùng Hồng. Phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới. H. NXB Công an nhân dân, 2001.