Đổi mới phương thức hoạt động của Đảng ủy Quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự trên địa bàn Quân khu 7

ThS. Vương Bá Thành
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Đổi mới phương thức hoạt động của đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự trên địa bàn Quân khu 7 là quá trình nghiên cứu, kế thừa, cải tiến, bổ sung, phát triển, vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách thức, phương pháp hoạt động mới nhằm bảo đảm cho Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong phòng thủ dân sự, góp phần nâng cao chất lượng phòng thủ dân sự ở địa phương.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Đặt vấn đề

Phong thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trở lại bình thường. Phòng thủ dân sự được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; ở các địa phương, phòng thủ dân sự đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp, trước hết, là cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) với sự nghiên cứu đề xuất, tham mưu đề xuất nội dung lãnh đạo, giúp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn… thực hiện của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh theo những phương thức hoạt động phù hợp.

Phương thức hoạt động phòng thủ dân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 thời gian qua

Phòng thủ dân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 giữ vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ đất nước, phòng thủ dân sự chung của cả nước. Kết quả phòng thủ dân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 chịu ảnh hưởng bởi hoạt động của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự trên địa bàn. Đảng ủy quân sự cấp tỉnh với tư cách là cơ quan lãnh đạo của cơ quan quân sự cấp tỉnh – cơ quan thường trực của ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh. Đảng ủy quân sự cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng trong quán triệt, thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng thủ dân sự ở địa phương; đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự ở địa phương; lãnh đạo cơ quan quân sự cấp tỉnh và lực lượng vũ trang thuộc quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự và các nhiệm vụ khác được giao… Cùng với các hoạt động trên.

Trong thời gian qua, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 đã thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức hoạt động của mình trong phòng thủ dân sự; từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự ở địa phương. Tuy nhiên, so với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự ở địa phương, trước yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương cho thấy, phương thức hoạt động của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự trên địa bàn Quân khu 7 còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, vướng mắc; từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự.

Đổi mới và hoàn thiện phương thức hoạt động trong phòng thủ dân sự trên địa bàn Quân khu 7

Để phát huy tốt những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế về phương thức hoạt động của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự, đồng thời, góp phần tích cực vào phòng, chống, khắc phục một cách có hiệu quả hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục có hiệu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh ở địa phương, trong những năm tới, cần tập trung vào những vấn đề sau:

Một là, đổi mới phương thức tham mưu với cấp ủy cấp tỉnh nội dung lãnh đạo, chỉ đạo phòng thủ dân sự ở địa phương.

Để chuẩn bị tốt nội dung tham mưu đề xuất phương hướng lãnh đạo phòng thủ dân sự ở địa phương, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho phòng chính trị của cơ quan quân sự cấp tỉnh chủ trì trao đổi, phối hợp với phòng tham mưu và các cơ quan chức năng của cơ quan quân sự cấp tỉnh chuẩn bị và báo cáo với đồng chí chính ủy cơ quan quân sự sự cấp tỉnh – phó bí thư thường trực Đảng ủy quân sự cấp tỉnh. Đối với văn kiện nhiệm kỳ, những nội dung đề xuất cần được thảo luận, thông qua ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp tỉnh, lấy ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp trong đảng bộ cấp tỉnh; thảo luận và thông qua tại đại hội đại biểu đảng bộ cấp tỉnh, chính thức được đưa vào nghị quyết của đại hội đại biểu đảng bộ cấp tỉnh. Đối với nghị quyết năm, hoặc chuyên đề, những nội dung đề xuất của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh được trao đổi, xin ý kiến của văn phòng cấp ủy cấp tỉnh, sau đó trình thường trực cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh cấp ủy cấp tỉnh thảo luận quyết định.

Đổi mới phương thức đề xuất, tham mưu với cấp ủy cấp tỉnh ban hành các chỉ thị, quy chế, quy định về lãnh đạo, chỉ đạo phòng thủ dân sự ở địa phương. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình nhiệm vụ địa phương, các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng thủ dân sự, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh xây dựng bản thảo chỉ thị, quy chế, quy định về lãnh đạo, chỉ đạo phòng thủ dân sự ở địa phương của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh. Trong quá trình chuẩn bị, phòng chính trị cần thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của chính ủy – phó bí thư thường trực Đảng ủy quân sự cấp tỉnh để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Đảng ủy quân sự cấp tỉnh tổ chức hội nghị để thảo luận bản thảo, trên cơ sở ý kiến của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh, phòng chính trị giúp Đảng ủy hoàn thiện bản thảo báo cáo trình cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh thảo luận thông qua. Khi được cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh thông qua, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh hoàn thiện các chỉ thị, quy chế, quy định để cấp ủy, ban thường vụ cấp tỉnh quyết định ban hành.

Đối với việc đổi mới phương thức đề xuất, tham mưu với cấp ủy cấp tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án, phương án lãnh đạo phòng thủ dân sự ở địa phương cần được thực hiện theo nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các kế hoạch, chương trình, đề án phương án về phòng thủ dân sự của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh được phổ biến đến cơ quan quân sự cấp tỉnh, lực lượng vũ trang theo phân cấp. Các kế hoạch, chương trình, đề án, phương án của cấp ủy cấp tỉnh về phòng thủ dân sự được phổ biến đến mọi cấp ủy, tổ chức đảng trong đảng bộ cấp tỉnh.

Hai là, đổi mới phương thức kiểm tra, hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương.

Được sự chỉ đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh về phòng thủ dân sự ở địa phương. Hội nghị này có thể tổ chức riêng hoặc trong hội nghị triển khai nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh địa phương (theo hằng năm, ba tháng hoặc hằng tháng). Trường hợp không tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai trực tiếp, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh gửi văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và công văn hướng dẫn theo cổng thông tin điện tử của cấp ủy, của chính quyền cấp tỉnh, đường quân bưu, đường bưu điện đang được Đảng ủy quân sự, cơ quan quân sự cấp tỉnh sử dụng. Trước khi gửi, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh nghiên cứu kỹ tài liệu, chuẩn bị kỹ công văn hướng dẫn thực hiện trình ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh phê duyệt.

Căn cứ vào nhiệm vụ được cấp ủy cấp tỉnh giao, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh lập đoàn kiểm tra hoặc cử đảng ủy viên tham gia các đoàn công tác, đoàn kiểm tra của cấp ủy cấp tỉnh hoặc các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; hoặc tiếp nhận báo cáo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự của các cấp, các ngành; kiểm tra, tổng hợp và chuẩn bị các văn bản báo cáo theo quy định, quy chế làm việc, kế hoạch, chương trình đã được cấp ủy cấp tỉnh, Đảng ủy Quân khu 7 xác định. Để bảo đảm kết quả kiểm tra chính xác, Đảng ủy Quân khu 7 cần phát huy tốt vai trò của cơ quan tham mưu, giúp việc, như: cơ quan chính trị, ủy ban kiểm tra đảng ủy trong nhận, rà soát, thẩm định các văn bản báo cáo, soạn thảo theo quy cách, mẫu biểu đúng quy định báo cáo để tiến hành kiểm tra và trình cấp ủy, ban thường vụ cấp tỉnh quyết định.

Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương.

(1) Đổi mới cách thức ra nghị quyết lãnh đạo: trên cơ sở nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ, nghị quyết của cấp ủy cấp tỉnh, nghị quyết của Đảng ủy Quân khu 7  lãnh đạo phòng thủ dân sự, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương. Khi cần thiết, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh ra nghị quyết chuyên đề lãnh nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Nghị quyết xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; chủ trương, biện pháp lãnh đạo rõ ràng để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới dễ quán triệt và tổ chức thực hiện; nếu nghị quyết trước còn giá trị thực tiễn, thì đảng ủy ra kết luận tiếp tục triển khai thực hiện.

(2) Đổi mới cách thức tổ chức thực hiện nghị quyết: sau khi có nghị quyết, ban thường vụ đảng ủy chỉ thị cho cấp ủy, chi bộ trực thuộc tiến hành quán triệt đầy đủ, nghiêm túc đến mọi cán bộ, đảng viên và các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan, trên cơ sở đó triển khai thực hiện hiệu quả. Đảng ủy quân sự cấp tỉnh triệu tập hội nghị bí thư cấp ủy hoặc hội nghị quân chính cơ quan quân sự cấp tỉnh để quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ phòng thủ dân sự đến mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị.

(3) Chỉ huy trưởng, chính ủy cơ quan quân sự cấp tỉnh cụ thể hóa nghị quyết thành kế hoạch, chương trình, chỉ thị, mệnh lệnh tổ chức thực hiện: quán triệt nghị quyết của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh về phòng thủ dân sự, chỉ huy trưởng, chính ủy cơ quan quân sự cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình, phương án, đề án, quyết định, chỉ thị thực hiện phù hợp với thực tiễn; kế hoạch, chương trình, phương án, đề án, quyết định, chỉ thị phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đạt được; nội dung, biện pháp thực hiện; người phụ trách, lực lượng tham gia, thời gian hoàn thành; quá trình tổ chức thực hiện cần bổ sung cho phù hợp với diễn biến của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

(4) Lãnh đạo tổ chức tốt các phong trào cách mạng của quần chúng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng thủ dân sự: Đảng ủy quân sự cấp tỉnh tập trung lãnh đạo các tổ chức quần chúng tổ chức tốt phong trào cách mạng của quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, coi đây là “nhiệm vụ chiến đấu” của mình. Trong khi tổ chức thực hiện, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải linh hoạt, sáng tạo, quyết đoán, trên cơ sở nguyên tắc, quy chế lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ; phát huy vai trò xung kích của các tổ chức quần chúng, tạo nên một phong trào sôi nổi, rộng khắp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng thủ dân sự được giao.

(5) Thường xuyên đổi mới công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, chi bộ, cán bộ, đảng viên: trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thỉ của cấp ủy cấp tỉnh, Đảng ủy Quân khu 7…; tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương.

Bốn là, đổi mới phương thức phối hợp, hiệp đồng của Đảng ủy quân sự với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội.

(1) Đổi mới phương thức tổ chức hội nghị nhằm phối hợp, hiệp đồng: Đảng ủy quân sự cấp tỉnh cần chủ động tổ chức hội nghị phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị và lực lượng có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự ở địa phương trước khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Để hội nghị có chất lượng tốt, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh làm tốt công tác chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm, mời đại biểu tham dự, công tác bảo đảm cho hội nghị, phân công người chủ trì, hiệp đồng nội dung phát biểu, thảo luận, gửi tài liệu cho đại biểu nghiên cứu trước. Trong hội nghị, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, thảo luận đúng trọng tâm, trọng điểm, kết luận chính xác, rõ ràng, phân công, phân nhiệm cụ thể. Sau hội nghị, trên cơ sở các nội dung đã thống nhất, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh chủ động liên hệ, đôn đốc, nhắc nhở, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, công việc, xử lý các vấn đề nảy sinh, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

(2) Đổi mới phương thức phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương: Đảng ủy quân sự cấp tỉnh lựa chọn cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm, năng lực giao tiếp tốt, phân công đảng ủy viên hoặc phó bí thư thường trực phối hợp, hiệp đồng với cơ quan, đơn vị có liên quan. Nội dung liên hệ bao gồm: xin ý kiến tư vấn, đóng góp vào các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, đề án, kế hoạch, chương trình, phương án hoạt động của cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo về phòng thủ dân sự ở địa phương; thống nhất phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; giải quyết các các vấn đề nảy sinh, tồn đọng trong quá trình triển khai thực hiện.

(3) Ứng dụng công nghệ thông tin để phối hợp, hợp đồng: đây là một phương thức được ứng dụng rộng rãi, để triển khai thực hiện tốt phương thức này, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là, cán bộ chủ trì các cấp về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động của Đảng ủy trong phòng thủ dân sự, nhất là, trong tiếp nhận thông tin báo cáo, cảnh báo thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự ở địa phương. Xây dựng bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin phục vụ cho quản trị mạng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của Đảng ủy quân sự trong phòng thủ dân sự.

Đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, vững chắc trong triển khai sử dụng công nghệ thông tin và mạng thông tin phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, điều hành phòng thủ dân sự ở địa phương. Tích cực xây dựng, nâng cấp hệ thống mạng máy tính nội bộ của các cơ quan quân sựcấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7, bảo đảm có thể kết nối với mạng truyền số liệu quân sự thông suốt, thuận lợi trong toàn tỉnh, thành phố, toàn Quân khu, toàn quân, toàn quốc. Chấp hành nghiêm Chỉ thị số 897/CT-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 83/CT-BQP ngà 08/11/2022 của Bộ trưởng Quốc phòng về tăng cường triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin số để tăng cường khả năng phòng, chống các nguy cơ bị tấn công, xâm nhập hệ thống.

Năm là, đổi mới phương thức tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự.

Lồng ghép hội nghị sơ kết, tổng kết hoạt động phòng thủ dân sự với sơ kết, tổng kết hoạt động lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở địa phương của cấp ủy cấp tỉnh; lồng ghép sơ kết, tổng kết hoạt động của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự với sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của Đảng ủy Quân khu 7, cấp ủy cấp tỉnh ủy lãnh đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Đảng ủy quân sự cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng đảm nhiệm, trong đó phòng chính trị chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan của cơ quan quân sự cấp tỉnh trong chuẩn bị mọi mặt. Đảng ủy quân sự cấp tỉnh phải thẩm định kế hoạch, nội dung, chương trình, nhất là, báo cáo sơ kết, tổng kết, trình với ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh phê duyệt trước khi tổ chức hội nghị. Sau hội nghị, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh đề xuất, tham mưu cho cấp ủy cấp tỉnh kết luận nội dung sơ kết, tổng kết và ban hành chỉ thị chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận của hội nghị sơ kết, tổng kết.

Kết luận

Phòng thủ dân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 luôn đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cấp tỉnh; các cơ quan, ban, ngành tham mưu, đề xuất nội dung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương, trong đó Đảng ủy quân sự cấp tỉnh là nòng cốt với các phương thức hoạt động khá phù hợp trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 cần phải tiếp tục đổi mới phương thức nghiên cứu đề xuất, tham mưu và phương thức giúp cấp ủy cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện; đổi mới phương thức lãnh đạo cơ quân quân sự cấp tỉnh, lực lượng vũ trang thuộc quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở địa phương; đổi mới phương thức phối hợp, hiệp đồng của Đảng ủy quân sự với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội đứng chân trên địa bàn trong phòng thủ dân sự; đổi mới phương thức tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động của Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trong phòng thủ dân sự. Từ đó, Đảng ủy quân sự cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 phát huy tốt vị trí, vai trò và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong phòng thủ dân sự; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự ở các địa phương.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự.
3. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
4. Quyết định số 2169/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
5. Quyết định số 1343/QĐ-TTg, ngày 14/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.