Một số kinh nghiệm xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ

Đại tá, TS. Đoàn Khắc Mạnh
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng
Thiếu tá, NCS Nguyễn Đức Thuận
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và Nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm định hướng chính trị cho mọi tổ chức, cá nhân, tạo ra động lực to lớn phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp phòng thủ quốc gia. Bài viết trên cơ sở đánh giá khái quát thực trạng, rút ra những kinh nghiệm trong xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ. 
Ảnh minh họa (qdnd.vn)
Đặt vấn đề

Trước sự phát triển mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước tiếp tục xác định:“Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vững chắc là một chủ trương chiến lược quan trọng”1. Để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc đòi hỏi phải xây dựng đồng bộ cả về lực lượng, thế trận và tiềm lực ở các địa phương. Trong đó, tiềm lực chính trị, tinh thần là nhân tố cơ bản, giữ vai trò quan trọng định hướng chính trị cho mọi tổ chức, cá nhân, tạo ra động lực to lớn phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp phòng thủ quốc gia.

Chính vì vậy, việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm, tích cực chuẩn bị khả năng cao nhất về chính trị, tinh thần để huy động phục vụ cho chiến tranh và các nhiệm vụ khác ở địa phương, chủ động ứng phó với mọi tình huống quốc phòng, an ninh; đánh bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Vai trò của tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ

Nhận thức sâu sắc về tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ, những năm qua: “các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững và tăng cường vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng khu vực phòng thủ”2. Trong đó chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, đưa trí thức trẻ về công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đồng thời làm tốt công tác dân vận, dân chủ ở cơ sở, chính sách dân tộc, tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, nhân rộng điển hình kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị và Nhân dân trong khu vực phòng thủ góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ xa, từ sớm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Hội đồng giáo dục quốc phòng, an ninh các cấp được thành lập, kiện toàn chặt chẽ, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ. Các cơ quan thông tấn, báo chí, lực lượng chức năng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ. Chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, ngăn ngừa, triệt tiêu các nguy cơ nội sinh, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm và đầu tư đúng mức, tạo sự yên tâm cho đồng bào phát triển kinh tế – xã hội và tham gia các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục, đó là: còn có lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương và nhân dân nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của khu vực phòng thủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa thật đầy đủ, sâu sắc, còn chủ quan thiếu cảnh giác. Việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện còn chậm, chưa toàn diện, có lĩnh vực còn bất cập. Hệ thống chính trị ở cơ sở một số địa phương chưa thật sự vững mạnh, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi; thực hiện dân chủ chưa tốt, chưa nắm được tâm tư, nguyện vọng và chưa giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, “thế trận lòng dân” bị giảm sút, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Công tác chỉ đạo nắm, nhận định tình hình của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương có lúc, có nơi chưa kịp thời, thống nhất; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở còn hạn chế; chưa phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị trong xử lý các tình huống phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội xảy ra trên địa bàn. Hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng, an ninh có nơi còn hình thức, hiệu quả thấp; chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng 4, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Thực hiện chính sách xã hội, chính sách với người có công và thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ có nơi chưa chặt chẽ còn để xảy ra những tiêu cực; thực hiện đối ngoại nhân dân của một số địa phương còn hạn chế. Quản lý và khai thác các di sản văn hóa, lễ hội truyền thống và hoạt động tín ngưỡng, tôn giao một số nơi còn thiếu chặt chẽ, để xảy ra các vụ việc tiêu cực ảnh hưởng đến văn hóa địa phương và tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Một số kinh nghiệm xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng – an ninh và bám sát yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc để xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ vững mạnh.

Đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về quân sự, quốc phòng và an ninh là hệ thống các vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn cao, có ý nghĩa định hướng chính trị, bảo đảm cho mọi hoạt động của các cấp, các ngành đúng hướng và hiệu quả. Trong công tác xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ cũng như xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện kịp thời hệ thống các chỉ thị, nghị quyết, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương; nghị quyết của cấp ủy, chỉ thị, kế hoạch của chính quyền địa phương các cấp để cụ thể hóa vào giáo dục chính trị, định hướng nhận thức cho các tổ chức, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh ở khu vực phòng thủ.

Yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chịu sự tác động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài và bên trong nên luôn vận động và phát triển. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, quán triệt và vận dụng vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành công tác quân sự, quốc phòng, an ninh của cấp mình tạo sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương có tính chất, đặc thù riêng nên xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ cần chủ động nắm chắc tình hình, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vận dụng linh hoạt, sáng tạo sát với thực tiễn. Phát huy cao những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân, định hướng nhận thức, nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ quânsự, quốc phòng, an ninh. Thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém về chính trị, tinh thần trong địa bàn.

Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong khu vực phòng thủvững mạnh.

Do mỗi địa phương có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh gắn với những nét truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội; đặc điểm tâm lý của từng cá nhân, tổ chức có sự khác nhau nên khai thác, phát huy tốt khả năng của từng nhân tố đó sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn về chính trị, tinh thần, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Để phát huy tốt kinh nghiệm trên cần rà soát chặt chẽ, nắm chắc đặc điểm riêng, phân nhóm các đối tượng cụ thể, xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách phù hợp, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục kết hợp với tăng cường quản lý của địa phương, tạo môi trường thuận lợi, giúp cho mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức có điều kiện tốt nhất tham gia các hoạt động xây dựng khu vực phòng thủ nói chung và xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần nói riêng. Tập trung vào phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, tham mưu hướng dẫn và tuyên truyền vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để tập hợp, quy tụ sức mạnh tổng hợp, xây dựng nhân dân địa phương có nhận thức chính trị đúng đắn, phát huy cao tình yêu quê hương, đất nước, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tạo sự đồng thuận cao, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Thứ ba, khai thác có hiệu quả truyền thống lịch sử, văn hóa của từng địa phương.

Ở mỗi địa phương ngoài những nét truyền thống lịch sử, văn hóa chung đó lại có những giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự sinh động, phong phú của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là môi trường, nguồn lực nuôi dưỡng để hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người Việt Nam. Những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của các địa phương vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quân sự, quốc phòng, an ninh…

Từ vai trò quan trọng như vậy và thực trạng truyền thống lịch sử và văn hóa các địa phương hiện nay cần có chủ trương và giải pháp phù hợp để tiếp tục xây dựng, bảo tồn, khai thác toàn diện và hiệu quả gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở địa phương. Trọng tâm là xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để quản lý chặt chẽ các giá trị truyền thống lịch sử, khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; lồng ghép các nội dung giá trị truyền thống của địa phương vào các hoạt động thực tiễn của công tác quân sự, quốc phòng, an ninh trên địa bàn để giáo dục truyền thống cho nhân dân. Khắc phục những hạn chế, kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng hoạt động văn hóa để trục lợi cá nhân hay truyền bá các văn hóa tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đế các nhiệm vụ của địa phương theo quy định

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần với xây dựng các tiềm lực khác trong khu vực phòng thủ vững mạnh.

Xây dựng tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ được thể hiện toàn diện trên mọi tiềm lực, như: xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần; tiềm lực kinh tế; tiềm lực quân sự, an ninh; tiềm lực khoa học và công nghệ; tiềm lực đối ngoại… Mỗi tiềm lực trên đều có vị trí, vai trò riêng, có tính độc lập tương đối, cùng chung chủ thể, lực lượng tiến hành và mục đích nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh phòng thủ của địa phương nên quan hệ đan xen, biện chứng, không tác rời nhau. Do vậy, kết hợp chặt chẽ xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần gắn với xây dựng các tiềm lực khác trong khuvực phòng thủ là kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn.

Để kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần với các tiềm lực khác trong khu vực phòng thủ hiệu quả hiện nay cần tập trung quán triệt và thực hiện tốt các biện pháp, đó là: cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng của các địa phương nghiên cứu nắm vững lý luận, thực tiễn về khái niệm, vị trí, vai trò, nội dung và những yếu tố tác động đến xây dựng từng tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Có chủ trương và giải pháp mang tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức xây dựng các tiềm lực; phát huy tốt vai trò, chức năng và sự phối hợp của các cơ quan trong tham mưu đề xuất, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, kỹ thuật, giáo dục và đào tạo… với củng cố quốc phòng và an ninh. Khắc phục những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện tốt việc kết hợp xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ gắn với xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh thật sự vững mạnh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.

Kết luận

Trước những tác động đa chiều của tình hình thế giới, khu vực, sự phát triển của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đặt ra nhiều vấn đề cần thiết nhằm nâng cao chất lượng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ. Để phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế về xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong những năm qua, trên cơ sở những kinh nghiệm, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng các cấp cần nghiên cứu, đánh giá sâu sát tình hình nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; bám sát thực tiễn của địa phương mình để có nhiều nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương vững chắc trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Lưu hành nội bộ, Hà Nội, tháng 9/2008, tr. 1.
2. Báo cáo số 349-BC/QUTW ngày 10/4/2019 của Quân ủy Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.