Một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2024

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong năm 2023, công tác cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả nổi bật trên các mặt công tác, gồm: chỉ đạo, điều hành; cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; chế độ công vụ; tài chính công; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính của tỉnh bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung theo các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triền khai công tác cải cách hành chính, như: Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 10/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch cải cách hành chính năm và các kế hoạch khác liên quan đến công tác cải cách hành chính được ban hành bảo đảm chất lượng, nội dung đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Một số điểm nổi bật trong cải cách hành chính, như:

– Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện bảo đảm về chất lượng; công tác theo dõi thi hành pháp luật được duy trì thực hiện thường xuyên; công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được củng cố, tăng cường với khối lượng công việc thực hiện.

– Việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được kịp thời thực hiện theo đúng quy định Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành trung ương. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh về quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh năm 2023. UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu biên chế công chức, số lượng người làm việc cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định. Các cơ quan, đơn vị sử dụng biên chế tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm bằng hoặc thấp hơn số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

– Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được duy trì thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công khai kịp thời. UBND tỉnh đã tích cực thực hiện triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và tích hợp, kết nối lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong thực hiện giao dịch hành chính. Việc thực hiện liên thông hồ sơ điện tử đối với lĩnh vực đất đai giữa ngành Tài nguyên và Môi trường và cơ quan Thuế, Kho bạc nhà nước các cấp đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.

– Tỉnh đã hoàn thành 65/139 nhiệm vụ Chính phủ giao; 6 nhiệm vụ đang chờ xác nhận; 88 nhiệm vụ chưa hoàn thành đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch.

Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp 4/11 tỉnh, thành thuộc đồng bằng Sông Hồng.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Một là, tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 16/ĐA-TU ngày 22/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022 – 2025; tiếp tục thực hiện các nội dung thành lập Ban Quản lý khu du lịch quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc. Thực hiện phê duyệt vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và bộ, ngành Trung ương; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2025.

Hai là, tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các văn bản của tỉnh bảo đảm chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế và bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực trong hệ thống pháp luật tại địa phương.

Bốn là, tiếp tục thực hiện công tác rà soát thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tổ chức có hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Năm là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số; duy trì, phát triển ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, an toàn, an ninh thông tin; các nhiệm vụ cải cách tài chính công; cải cách chế độ công vụ.

Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cải cách hành chính theo kế hoạch đã đề ra.

Bảy là, tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Tám là, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xác định Chỉ số cải cách hành chính các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Chín là, triển khai các nội dung liên quan đến xác định Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Hạnh Nguyên