Một số giải pháp thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh 

TS. Biền Quốc Thắng
Học viện Chính trị Khu vực II 
(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh là “đô thị đặc biệt”, với truyền thống “Đất thép thành đồng”, với phẩm chất năng động, sáng tạo, nghĩa tình; có nhiều tiềm năng, nguồn lực, lợi thế nổi bật nhưng Thành phố đang bị kìm hãm sự phát triển bởi các cơ chế, chính sách “cào bằng”. Do đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội là rất cần thiết. Bài viết luận giải sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này của Quốc hội.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

TP. Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị xác định là: “đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước1. Với một “đô thị đặc biệt” như vậy, TP. Hồ Chí Minh không thể “mặc chiếc áo” có cùng kích cỡ với các địa phương khác mà cần phải có một “chiếc áo” khác vừa có tính phổ biến vừa mang tính đặc thù mới phù hợp. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 (viết tắt là Nghị quyết 98) thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết không chỉ đề cập những vấn đề cơ bản, cấp thiết mà còn cho phép TP. Hồ Chí Minh có điều kiện tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn một cách căn bản, hệ thống, mang tính “đột phá”; từ đó, tạo “bệ phóng” để thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong thời gian tới.

Sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết 98

Thứ nhất, xét trên phạm vi quốc gia – Việt Nam.

Trong quá trình đổi mới gần 40 năm qua, “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng: so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình thấp, còn khoảng cách khá lớn với những nước phát triển. 

Xuất phát từ tiềm năng, nguồn lực, điều kiện của đất nước và bối cảnh của thời đại, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên đã nêu lên mục tiêu có tính chiến lược, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể: “Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”3. Đây không chỉ là mục tiêu, tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng mà còn là khát vọng hùng cường, thịnh vượng của cả dân tộc. Để đạt được mục tiêu, khát vọng đòi hỏi chúng ta phải phát huy, khơi dậy tổng thể các nguồn lực và thực hiện bằng những cách thức, biện pháp đột phá, sáng tạo trong đó TP. Hồ Chí Minh được xem là một trong những nguồn lực đặc biệt, nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu, khát vọng của Đảng và của Nhân dân.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, từ khi đổi mới đến nay luôn là trung tâm, đầu tàu kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất của cả nước, hàng năm đóng góp hơn ¼ tổng ngân sách trung ương; “Nếu TP. Hồ Chí Minh phát triển tốt thì cả nước nhận được tác động lan tỏa, nếu khó khăn thì cả nước cũng bị ảnh hưởng khó khăn”4. Với vị trí và tầm quan trọng đặc biệt như vậy nên chỉ sau hơn một năm Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, sau khi đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế của 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, Bộ Chính trị đưa ra quan điểm chỉ đạo: Xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, với phương châm: “TP. Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP. Hồ Chí Minh”5.

Có thể nói, sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ của riêng Đảng bộ, chính quyền, người dân TP. Hồ Chí Minh mà đây còn là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị cả nước. Nếu như trước đây, chúng ta mới chỉ xác định vai trò của TP. Hồ Chí Minhlà “vì cả nước” thì nay chúng ta đã có cách nhìn biện chứng, toàn diện hơn khi đưa ra quan điểm “cả nước vì TP. Hồ Chí Minh”. Điều đó có nghĩa, sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cả nước; do đó, cả nước phải có trách nhiệm, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tốt nhất để thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển. 

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần phát biểu: TP. Hồ Chí Minh không xin tiền, chỉ xin cơ chế đặc thù6. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh cần nhất là có một cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khai thác các tiềm năng, thế mạnh để tăng tốc phát triển. Xuất phát từ yêu cầu đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW chỉ đạo: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững”7. Cụ thể: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14)để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP. Hồ Chí Minh”8

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết 98 được ban hành với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh mới được áp dụng và được chia làm 7 nhóm: (1) Quản lý đầu tư; (2) Tài chính, ngân sách nhà nước; (3) Quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; (4) Ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.; (5) Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (6) Tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố.; (7) Tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố Thủ Đức. 

Thứ hai, xét trên phạm vi địa phương – TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, đồng thời là trung tâm kết nối giữa đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Thành phố còn là trung tâm lớn hàng đầu của cả nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế… Mặc dù có lịch sử hình thành và phát triển mới hơn 300 năm, song người dân nơi đây đã tạo nên một diện mạo, bản sắc rất đặc trưng của TP. Hồ Chí Minh: hào sảng, phóng khoáng, nghĩa tình… Với phẩm chất, cốt cách đó, sau gần 50 năm xây dựng và phát triển (kể từ sau ngày 30/4/1975), Đảng bộ, chính quyền và người dân TP. Hồ Chí Minh đã tạo nên một Thành phố trẻ, năng động, sáng tạo. Đây là nơi có nền kinh tế thị trường phát triển khá sớm; cũng là nơi xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm độc đáo, táo bạo, hiệu quả, sớm nhất cả nước. Một điều đặc biệt nữa không thể không nhắc tới, đó chính là sự “bung ra”, “xé rào” của TP. Hồ Chí Minh ở “đêm trước đổi mới”; là tiền đề, điều kiện quan trọng để Đảng thực hiện đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới về kinh tế (chuyển từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang mô hình kinh tế thị trường). 

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là một “siêu đô thị” với dân số khoảng 10 triệu người, thuộc “top” 20 Thành phố có dân số đông nhất thế giới. Trong những năm gần đây, dân số cơ học tăng lên rất nhanh; dân số ở một số quận, xã, phường tại TP. Hồ Chí Minh có số lượng lớn hơn rất nhiều dân số của một số tỉnh, Thành phố khác của cả nước. Đơn cử: dân số quận Bình Tân bằng dân số của hai tỉnh Bắc Kạn và Lai Châu cộng lại 9; xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh” với hơn 160.000 nhân khẩu, bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn10. Dân số đông, tăng nhanh đã tạo ra áp lực rất lớn lên bộ máy chính quyền, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; đến hạ tầng, an sinh xã hội, trật tự đô thị, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường… Trong đó, đặc biệt là hạ tầng giao thông. 

Bên cạnh đó, với vị trí trung tâm, là đầu mối giao lưu lớn của trong nước và ngoài nước, cộng với dân số đông, tăng nhanh… đã làm cho hệ thống giao thông ở TP. Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng “tê liệt”, “tắc nghẽn” cả đường bộ lẫn đường không, cả nội đô lẫn ngoại đô, cả trung tâm lẫn cửa ngõ; cộng với đó là triều cường, ngập nước vào mùa mưa, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn… không chỉ tạo ra các nút thắt, điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh mà còn tạo sự “sợ hãi”, “chán nản” của các nhà đầu tư; ấn tượng không mấy tốt đẹp của du khách trong và ngoài nước khi đến Thành phố đã từng được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Ngoài ra, thời gian gần đây, tại TP. Hồ Chí Minh, có tình trạng một số cán bộ có tâm lý “sợ sai”, “né tránh”, “đùn đẩy”, “không dám làm”11… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn. Bên cạnh hạn chế về mặt trình độ, năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ… thì cũng không thể không kể tới những hạn chế, bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật. Ngay cả Nghị quyết số 54/2017/QH14 trước đây, Quốc hội đã ban hành cho TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đang bộc lộ những hạn chế, như: thiếu tính đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ, táo bạo… 

Với những lý do trên, cần thiết phải có một cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, vượt trội nhằm khắc phục sự “cào bằng”, “đánh đồng”, “dàn trải”, “mất công bằng”; từ đó giúp TP. Hồ Chí Minh phát huy truyền thống năng động, sáng tạo; khơi thông các nguồn lực sẵn có để phát triển nhanh, bền vững. Sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh không chỉ mang lại giá trị cho bản thân TP. Hồ Chí Minh mà còn có giá trị đối với các tỉnh, thành khác và cho cả nước.

Một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98

Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về sự cần thiết và các nội dung của Nghị quyết 98.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 có hiệu quả đi vào thực tiễn của đời sống xã hội trước hết phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của Đảng bộ, chính quyền các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tại TP. Hồ Chí Minh. Nếu Đảng bộ, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên và người dân TP. Hồ Chí Minh, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhận thức đầy đủ, sâu sắc các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98 thì không chỉ tạo ra được sự đồng thuận, thống nhất khi tiếp cận các nội dung; mà còn tự giác, mau chóng bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch, tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Bởi, đây là một Nghị quyết “thí điểm”, thời gian chỉ giới hạn trong 5 năm; nếu không nhận được sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức sẽ dẫn đến sự chần chừ, chậm chạp, trông chờ, ỷ lại… từ đó, dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trong tổ chức thực hiện. Hệ quả là, không những không giải quyết được kịp thời, triệt để những vấn đề cấp thiết đang đặt ra mà còn bỏ lỡ mất cơ hội để thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển.

Chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức triển khai học tập, nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 98 một cách bài bản, nghiêm túc. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng các cách thức, phương pháp đa dạng để các chủ thể khác nhau về độ tuổi, nhận thức, nghề nghiệp hiểu rõ các nội dung trong Nghị quyết một cách dễ dàng, hiệu quả; từ đó nội dung, tinh thần của Nghị quyết 98 sẽ được lan tỏa một cách nhanh chóng, sâu rộng trong đời sống xã hội. Trong quá trình tuyên truyền Nghị quyết, cần tận dụng các nền tảng công nghệ để tuyên truyền, như: facbook, zalo, viber… Tích cực tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hình thức phát thanh, truyền hình lưu động đến từng xã, phường, thị trấn, tổ dân phố… Trong quá trình tuyên truyền Nghị quyết 98, bên cạnh tính lan tỏa, toàn diện nên chú ý đến các đối tượng chịu ảnh hưởng lớn khi triển khai Nghị quyết, như: những người nghèo, người mất việc làm, các hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa để thực hiện các công trình công cộng, vấn đề thu nhập…. nhằm bảo đảm việc thực hiện Nghị quyết 98 đạt được kết quả tích cực trên nhiều phương diện.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống các văn bản hướng dẫn nhằm thực hóa Nghị quyết 98 một cách có hiệu quả.

Đây là Nghị quyết “thí điểm”, bên cạnh việc giới hạn về mặt thời gian còn là việc làm chưa có trong tiền lệ. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 trước đây, đòi hỏi đảng bộ, chính quyền và cán bộ các cấp ở TP. Hồ Chí Minh phải tích cực sớm triển khai Nghị quyết 98 vào thực tế. Trước hết, cần tích cực xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các cơ quan, cá nhân có cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện Nghị quyết; nhất là các vấn đề liên quan đến việc xác định các đối tượng được hỗ trợ giảm nghèo, đối tượng giải quyết việc làm, chức năng, nhiệm vụ của Sở An toàn thực phẩm, thu nhập tăng thêm, phí, lệ phí, cho thuê, chuyển nhượng đất…

Nghị quyết 98 có phạm vi, nội dung khá rộng, với nhiều lĩnh vực và nhiều cơ chế, chính sách mới. Trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản cần tích cực, chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ, ngành trung ương để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, những cách hiểu, cách làm chưa có sự thống nhất… nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết vào thực tế. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 98, các tổ chức, cá nhân có liên quan cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để có các cách làm hay, tiết kiệm, đạt kết quả tốt.

Thứ ba, thực hiện Nghị quyết 98 vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm.

Nghị quyết có 27 cơ chế, chính sách được chia làm 7 nhóm. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, bên cạnh sự khẩn trương, bảo đảm tính toàn diện, tính đồng bộ; đảng bộ và chính quyền Thành phố cần phải chú ý điến tính trọng tâm, trọng điểm khi triển khai thực hiện; tránh tổ chức thực hiện một cách dàn trải, phân tán không hiệu quả. Nghĩa là, trong khoảng thời gian có hạn, nguồn lực còn hạn chế, TP. Hồ Chí Minh nên chọn các vấn đề, lĩnh vực có tính cấp thiết thực hiện trước. Chẳng hạn, hạ tầng giao thông, lĩnh vực được xem là “huyết mạch”, “xương sống” của nền kinh tế – xã hội, phải “đi trước một bước”; nhưng hiện đang là “nút thắt”, “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, khi thực hiện các dự án, công trình giao thông, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện trước các tuyến giao thông đang chậm tiến độ, các con đường “thắt cổ chai”, các tuyến giao thông có tính liên vùng, huyết mạch nhưng đang ùn tắc kéo dài làm trước như: tuyết đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên; dự án mở rộng quốc lộ 1A (từ An Lạc đến địa phận Long An); dự án mở rộng quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); dự án quốc lộ 22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến đường vành đai 3); dự án làm các đường vành đai, các tuyến cao tốc… 

Bên cạnh đó, đảng bộ, chính quyền vừa phải đảm bảo công tác lãnh đạo, quản lý các mặt để duy trì và thúc đẩy Thành phố ổn định và phát triển; tuy nhiên cũng nên tập trung sức lực, trí tuệ để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 98. Trong khoảng thời gian thực hiện Nghị quyết, Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân nên mạnh dạn phân bổ, cắt giảm một số chương trình, kế hoạch, công việc không quan trọng để dồn toàn lực thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 98. Bởi, nếu thực hiện Nghị quyết 98 đạt kết quả tốt trước sẽ là tiền đề, điều kiện rất thuận lợi để thực hiện, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch khác.

Thứ tư, cần huy động các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia tổ tư vấn và xin bổ sung thêm một phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chuyên trách chỉ đạo, theo dõi thực hiện Nghị quyết 98.

Nghị quyết 98 không chỉ rộng ở phạm vi, lĩnh vực mà còn có rất nhiều vấn đề mới, có tính chuyên sâu như: thu hút nhà đầu tư chiến lược, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thu hút người có tài năng đặc biệt trong và ngoài nước… Do đó, để thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, nhanh và bền vững TP. Hồ Chí Minh cần thành lập các tổ tư vấn gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có hiểu biết chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài nước nhằm giúp TP. Hồ Chí Minh có được lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên làm trước; đề xuất, hiến kế các phương thức thực hiện hay, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Thành phố, đất nước và phù hợp với xu thế của thế giới. 

TP. Hồ Chí Minh là một “siêu đô thị” các lãnh đạo Thành phố đang phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn mỗi ngày. Với chức năng, nhiệm vụ thì mỗi phó chủ tịch Thành phố sẽ phụ trách một số lĩnh vực có liên quan của Nghị quyết 98. Với khối lượng công việc nhiều, cộng với cơ chế như trên thì việc thực hiện Nghị quyết 98 khó có sự tập trung, giải quyết các công việc một cách kịp thời nhất…. Hiện Thành phố đã đủ số lượng 5 phó chủ tịch theo quy định, việc phân công lại công việc để có 1 phó chủ tịch phụ trách việc thực hiện Nghị quyết 98 là rất khó và ảnh hưởng đến sự phát tiển chung của Thành phố. Chính vì vậy, cần sớm đề xuất với các cơ quan trung ương nghiên cứu bổ sung thêm một phó chủ tịch để chuyên tâm, chuyên trách chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện Nghị quyết 98. Việc bổ sung thêm một phó chủ tịch chuyên trách như vậy không chỉ là cầu nối giữa Trung ương với Thành phố mà còn quy tụ, tập hợp được các nguồn lực, giải quyết kịp thời được các vấn đề vướng mắc, phát sinh… từ đó, giúp việc thực hiện Nghị quyết 98 nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đi cùng với việc bổ sung thêm nhân sự, Trung ương cũng như Thành phố cần ban hành và tạo cơ chế cho phó chủ tịch chuyên trách thực hiện Nghị quyết 98 một số thẩm quyền đặc thù, vượt trội để giải quyết nhanh chóng các vấn đề đặt ra mà không cần phải họp để xin ý kiến của tập thể hay làm văn bản hỏi ý kiến từ cấp trên. 

Thứ năm, cần tổ chức sơ kết, tổng kết và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 98.

Để thực hiện Nghị quyết 98 có hiệu quả, trong quá trình thực hiện, Thành phố nên định kỳ họp, báo cáo sơ kết, đánh giá các công việc đã thực hiện. Từ việc sơ kết đó sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, tháo gỡ những khó khăn đặt ra và khắc phục kịp thời những hạn chế nếu có. Việc sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 98 không chỉ là đánh giá những kết quả, hạn chế mà còn rút ra các bài học kinh nghiệm để Nghị quyết này không chỉ dừng lại ở mức “thí điểm” mà sẽ được áp dụng lâu dài ở TP. Hồ Chí Minh sau thời gian “thí điểm”. Việc làm này cũng là tiền đề, bài học kinh nghiệm để TP. Hồ Chí Minh thực hiện các nghị quyết sau có hiệu quả hơn.

Mặt khác, Nghị quyết 98 thể hiện sự phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương rất lớn, chưa có trong tiền lệ. Do đó, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát một mặt nắm bắt được kế hoạch, tiến độ, khối lượng công việc; mặt khác còn ngăn chặn kịp thời được sự lạm quyền, lộng quyền hay lợi ích nhóm; làm méo mó, sai lệch bản chất nhân văn, tốt đẹp của Nghị quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến con người, như: mức hỗ trợ người nghèo, đối tượng giải quyết việc làm, thu nhập tăng thêm, cho thuê đất, thu hút nhà đầu tư, chi trả cho hoạt động khoa học và công nghệ… Để thực hiện việc kiểm tra, giám sát một cách khách quan, toàn diện, có hiệu quả; bên cạnh các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; cần phát huy vai trò của Nhân dân, của các cơ quan truyền thông, báo chí tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 98.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cần có các chính sách tuyên dương, khen thưởng nhằm ghi nhận, động việc kịp thời những cá nhân, tổ chức có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tốt khi thực hiện Nghị quyết 98; từ đó khích lệ, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân hăng say lao động, cống hiến vì sự phát triển của Thành phố. Thêm nữa, TP. Hồ Chí Minh cần có biện pháp xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 98; những cán bộ, viên chức chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm, đặc biệt phải thay thế ngay những cán bộ có tâm lý sợ sai, không dám làm… để bảo đảm việc thực hiện Nghị quyết đạt được kết quả tốt nhất.

Kết luận

Nghị quyết 98 nhận được tỷ lệ 97,3% số đại biểu Quốc hội khóa XV đồng ý. Tỷ lệ đồng ý gần như tuyệt đối như trên cho thấy các đại biểu một mặt đã thấy được sự hạn chế, bất cập kéo dài của một số cơ chế, chính sách “cào bằng” đang “trói buộc”, “kìm hãm” TP. Hồ Chí Minh phát triển; cần thiết phải có một cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn, vượt trội, “đặc thù” hơn; bên cạnh đó, tỷ lệ đồng ý như trên còn thể hiện sự ủng hộ, niềm tin của các Đại biểu Quốc hội, Nhân dân cả nước vào TP. Hồ Chí Minh. Chúng ta tin tưởng, hy vọng rằng với truyền thống “Đất thép thành đồng” với phẩm chất năng động, sáng tạo, nghĩa tình mang đậm dấu ấn của người dân phương Nam, Đảng bộ, chính quyền các cấp TP. Hồ Chí Minh sẽ tận dụng, phát huy có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội này để khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra xung lực thúc đẩy TP. Hồ Chí Minhphát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới xứng đáng với sự ủng hộ, niềm tin tưởng của Nhân dân Thành phố nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr. 25, 36.
4. Thủ tướng: TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn cả nước cũng bị ảnh hưởng. https://vietnamnet.vn, ngày 16/4/2023.
5, 7, 8. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. TP. Hồ Chí Minh xin cơ chế đặc thù chứ không phải “xin tiền cho người giàu”. https://plo.vn, ngày 09/7/2022.
9. Quận đông dân nhất Việt Nam bằng 2 tỉnh cộng lại. https://cafef.vn, truy cập ngày 12/12/2023.
10. Một ngày làm việc hết hơi ở phường xã đông dân nhất nhì TP. Hồ Chí Minh. https://tuoitre.vn, ngày 16/3/2023.
11. Bí thư Nguyễn Văn Nên: cán bộ, công chức sợ đến mức không dám làm sẽ rất tiêu cực. https://tuoitre.vn, ngày 04/4/2023.