Kết quả và kinh nghiệm thực hiện Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” ở tỉnh Vĩnh Phúc

Thiếu tá Đỗ Văn Quân 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu. Hiệu quả từ Chương trình OCOP đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Ảnh minh họa (baotintuc.vn)
OCOP – hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn

Vĩnh Phúc được biết đến là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, một “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư vào công nghiệp. Trong cơ cấu GRDP của tỉnh, nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, có xu hướng giảm dần qua các năm. Song thực tế, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay, Vĩnh Phúc có khoảng 826,2 nghìn người sinh sống ở khu vực nông thôn, chiếm 68,99% tổng dân số. Trước khi thực hiện Chương trình OCOP, “các sản phẩm đặc trưng, truyền thống trên địa bàn tỉnh không nhiều; các sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh phần lớn chưa phù hợp với quy định sản phẩm của Chương trình; công nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của tỉnh chưa phát triển và có quy mô nhỏ”1. Bài toán đặt ra cho tỉnh Vĩnh Phúc là trong điều kiện sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả thấp; các ngành dịch vụ phát triển chậm, nhất là ngành Du lịch; công nghiệp phát triển nhanh song chưa tạo thành động lực thúc đẩy các ngành khác, tạo ra sự bất hợp lý khi “thu nhập cho người dân chưa tương xứng với thành quả của quá trình tăng trưởng, phát triển của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn thấp so với các tỉnh trong vùng và cả nước… Mức độ phân hóa về thu nhập giữa các nhóm dân cư còn lớn và có xu hướng gia tăng”2

Bước vào giai đoạn 2021 – 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức đan xen; tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường. Những bất cập về chính sách đất đai; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp; giá cả vật tư đầu vào và giá nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh. Trước thực tế đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc xác định, thực hiện Chương trình OCOP là cơ hội để phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP là “đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn,… gắn với thực hiện có hiệu quả các tiêu chí: thu nhập, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025”3.

Bắt đầu thí điểm thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2018 – 2020, từ cuối năm 2020, với Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 08/12/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về “Kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp quan trọng, như: (1) Xây dựng đồng bộ bộ máy chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình; (2) Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách; (3) Xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ, đối tác thực hiện Chương trình; (4) Quy hoạch; (5) Huy động nguồn lực; (6) Hợp tác trong nước và quốc tế;… Theo đó, những sản phẩm của Chương trình OCOP trong tỉnh đã có sự phát triển đa dạng, với nhiều sản phẩm tiêu biểu, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thống kê cho thấy, giai đoạn thí điểm thực hiện Chương trình (từ năm 2018 – 2020), Vĩnh Phúc mới có có 26 xã đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, kết quả có 9 xã, chiếm 34,62% số xã có sản phẩm được đánh giá phân hạng theo quy định của Chương trình với 12 sản phẩm OCOP đã được công nhận, cơ cấu sản phẩm chưa đa dạng, ít sản phẩm có thứ hạng cao (bao gồm: 4 sản phẩm dưới 3 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao)4. Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia của các chủ thể trong Chương trình OCOP, tính đến giữa năm 2023, toàn tỉnh đã có 105 sản phẩm của 43 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng từ 3 sao trở lên, trong đó có 28 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao và 77 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao5. Các nhóm sản phẩm, chủ thể sản phẩm đa dạng, phong phú hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và địa phương, có thể kể đến: thanh long ruột đỏ (huyện Lập Thạch); rắn Vĩnh Sơn(huyện Vĩnh Tường); trà hoa vàng, mật ong (huyện Tam Đảo)… Cùng với các chính sách khác, việc thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần giúp diện mạo khu vực nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được tăng cường, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống của nông dân được cải thiện và nâng lên. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 81 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn ước thực hiện năm 2023 đạt 78%, vượt mục tiêu đề ra6.

Một số kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP ở Vĩnh Phúc

Một là, coi trọng đổi mới thể chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Xuất phát từ nền tảng truyền thống của quê hương “khoán hộ”, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn nhất quán quan điểm: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”. Từ đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn coi trọng vấn đề “đổi mới tư duy, đổi mới phương thức sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp”7 nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn.

Thực tế, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng, như: Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; Nghị quyết số 89/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 về hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 53/2021/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 946/2022/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 về kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025. Với việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nghị quyết, quyết định nói trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước đổi mới thể chế, chính sách, giúp môi trường đầu tư của tỉnh gia tăng sức hút đối với các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Kết quả, năm 2022, giá trị nông nghiệp toàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt trên 7.974 tỷ đồng, tăng 1,37 lần so với năm 2015 (trên 5.787 tỷ đồng), trong khi tỷ trọng đóng góp vào cấu GRDP của tỉnh giảm từ 7,36% (năm 2015) xuống còn 5,21% (năm 2022)8, cơ cấu ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo đúng hướng, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển cả về giá trị sản xuất và lĩnh vực, hình thức hoạt động. Trong đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng trở nên đa dạng, với giá trị kinh tế mang lại lớn; trực tiếp góp phần quan trọng vào giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp.

Hai là, thường xuyên xây dựng, kiện toàn bộ máy nhân sự bảo đảm triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình OCOP gắn với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia. 

Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng kiện toàn bộ máy nhân sự triển khai chương trình từ cấp tỉnh, huyện (thành phố), xã theo hướng phân công lãnh đạo đứng đầu Ban Chỉ đạo có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của Chương trình (cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; cấp huyện, cấp xã do một lãnh đạo địa phương chỉ đạo, chịu trách nhiệm về Chương trình OCOP), có quy chế làm việc, có phân công phân nhiệm rõ ràng, có cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc được đào tạo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao (cấp tỉnh do Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hướng dẫn triển khai trực tiếp; cấp huyện, cấp xã có ít nhất một cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình OCOP). Đội ngũ cán bộ chuyên môn tích cực tìm hiểu, tiếp cận giúp đỡ các tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện Chương trình, từ khâu đăng ký sản phẩm tham gia cho đến quá trình xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, hoàn thiện sản phẩm. 

Đồng thời với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy nhân sự, triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặc biệt coi trọng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền (không chỉ tuyên truyền trong Nhân dân mà tuyên truyền cả đối với cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở). Công tác tuyên truyền được tiến hành qua các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình, dự án nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức (hội, đoàn thể), hội nghị, hội thảo các cấp về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP. Công tác tuyên truyền tập trung hướng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất – kinh doanh để nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP về các nội dung, cách thức và lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP. Qua đó khơi dậy, động viên tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các chủ thể trong triển khai thực hiện chương trình.

Ba là, chú trọng thực hiện các chủ trương, định hướng của Chương trình OCOP bằng mô hình cụ thể trong thực tế.

Quá trình thực hiện Chương trình OCOP, Nhà nước chỉ giữ vai trò tuyên truyền, hướng dẫn, các chủ thể chủ động, tự nguyện đăng ký tham gia. Đây là điểm nổi bật của Chương trình OCOP so với các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước đây. Do đó, để Chương trình thực sự thu hút người dân sinh sống ở địa bàn nông thôn, ngoài việc tuyên truyền về nội dung, kế hoạch chương trình, tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc xây dựng những sản phẩm chất lượng, giá trị cao trong thực tế, tạo sức lan tỏa, cuốn hút người dân ở địa bàn nông thôn là giải pháp “đột phá”.

Theo đó, ngay từ nhóm sản phẩm OCOP đầu tiên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã bám sát cơ sở và tích cực hỗ trợ các chủ thể bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại,… bảo đảmtheo quy định. Đến nay, Vĩnh Phúc đã có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu được công nhận 4 sao, như: Tacumin, mật ong Curcumin, mật ong quất, mật ong chanh leo, mật ong sữa chúa, mật ong hoa rừng, mật ong bánh tổ Tam Đảo; trà hoa vàng Tam Đảo và trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo; sản phẩm nấm đùi gà Phùng Gia, Bình Xuyên.

Bốn là, khơi dậy, phát huy vai trò của các chủ thể trong thực hiện Chương trình OCOP; khuyến khích tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của người dân và doanh nghiệp.

Xác định rõ các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp giữa vai trò quyết định trong định hình và phát triển các sản phẩm OCOP, quá trình triển khai Chương trình, tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc phổ biến, tuyên truyền về các lợi ích khi tham gia chương trình cho các chủ thể OCOP, phát huy tính chủ động, tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của mỗi chủ thể. Trong đó, các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành Nông nghiệp đã coi trọng việc tập huấn, đào tạo, bổ sung kiến thức về quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất; hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, triển khai phương án sản xuất – kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm, bán hàng. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các chủ thể được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, qua đó đã tìm kiếm được đối tác liên kết và tiêu thụ sản phẩm giúp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. 

Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, khuyến khích các chủ thể OCOP mạnh dạn đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2008 – 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt và triển khai thực hiện 960 lượt đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng 9.  Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-UBND ngày 18/4/2023 về Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 – 2025 với mục tiêu thực hiện 15 nhiệm vụ ứng dụng chuyển giao kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ đăng ký tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển nông thôn mới. Đây là cơ sở quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến nông sản nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng. Từ đó, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình OCOP, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Chú thích:
1, 3. Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 08/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về “Kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025”, tr. 4, 19. 
2, 7. Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khoá XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tr. 1, 2.
4. Tổng cục Thống kê. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020. H. NXB Thống Kê, 2021, tr. 351- 362.
5. Đẩy mạnh chứng nhận các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Cổng Thông tin giao tiếp điện tử Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc.
6. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành Nông nghiệp. https://vinhphuc.gov.vn, ngày 19/6/2023.
8. http://niengiam2021.thongkevinhphuc.gov.vn
9. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ góp phần xây dựng nông thôn mới. https://vinhphuc.gov.vn, ngày 02/5/2023.