Tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

                                                                         Võ Ngọc Quang 
Thành phố Quy Nhơn, Bình Định

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Quy Nhơn đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách về chăm lo, xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển thanh niên, đã phát huy được vai trò của thanh niên tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra thì công tác thanh niên trên địa bàn vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần phải được khắc phục.

Từ khoá: Công tác thanh niên, quản lý nhà nước, thành phố Quy Nhơn.

Ảnh minh hoạ: Đoàn Thanh niên Cảng Quy Nhơn.

Theo báo cáo của Thành đoàn Quy Nhơn, hiện tại thành phố Quy Nhơn có 56.200 người đang trong độ tuổi thanh niên, chiếm 19,38% dân số. Trong đó, có 48.640 người đang sinh sống ở khu vực nội thành, chiếm 86,55%; sinh sống ở các xã là 7.569 người, chiếm tỷ lệ 13,45%. Thanh niên là đoàn viên có 10.693 người, chiếm tỷ lệ 19,03% lực lượng thanh niên1

Trình độ học vấn của thanh niên thành phố Quy Nhơn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ thanh niên học xong cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông tăng đáng kể đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển của thời đại. Mặc dù vậy, so với yêu cầu thì trình độ học vấn của đối tượng thanh niên trên địa bàn còn có những bất cập, hạn chế, như: tình trạng thanh niên chưa học xong cấp tiểu học vẫn còn; cá biệt có nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng ở tất cả các cấp học; tỷ lệ thanh niên có bằng đại học, trên đại học khối xã, phường còn ít. 

Hằng năm, Quy Nhơn có khoảng hơn 5.000 thanh niên bước vào độ tuổi lao động2. Số lượng và chất lượng thanh niên tham gia các hoạt động lao động sản xuất, làm ra sản phẩm xã hội luôn ổn định, có tăng nhẹ. Tạo việc làm cho thanh niên luôn được thành phố chú trọng, quan tâm, tìm hướng tháo gỡ…

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; các nghị định, thông tư và Nghị định số 120/2007/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và thực hiện; nhất là khi Luật Thanh niên năm 2020 có hiệu lực, tỉnh Bình Định và UBND thành phố Quy Nhơn đã chuyển đổi sâu sắc nhận thức về vai trò quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Công tác thanh niên đã được đưa vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của từng cơ quan, tổ chức và địa phương. Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội đã tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển thanh niên trong toàn thành phố.

Các hoạt động triển khai công tác thanh niên đã được các ngành, các cấp quản lý trong thành phố triển khai một cách tích cực và đa dạng. Trong đó cụ thể như việc tăng cường vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; huy động các nguồn lực xã hội; chăm sóc, đào tạo và phát triển thế hệ trẻ; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; các thiết chế văn hóa và thể thao cho thanh niên… tạo điều kiện cho thanh niên rèn luyện và phát triển toàn diện.

Các cấp quản lý và chính quyền địa phương đã thường xuyên quan tâm đến việc tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt tại các xã đảo, nông thôn. Hầu hết các phường, xã đã thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu lao động sang các ngành công nghiệp, dịch vụ và du lịch, nâng cao năng suất và chất lượng lao động, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tham gia đào tạo nghề, sản xuất và xuất khẩu lao động.

UBND các phường, xã, các ban, ngành liên quan, đoàn thể và trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm đã được chỉ đạo để tạo ra một môi trường thuận lợi cho thanh niên thông qua tổ chức các sàn giao dịch việc làm và các hội nghị tư vấn hướng nghiệp và việc làm. Hằng năm, đã tư vấn hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng trăm thanh niên đối với tất cả các xã, phường. Số thanh niên được tư vấn về việc làm ở nước ngoài, được xuất khẩu lao động tăng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế – xã hội.

Trong suốt 5 năm triển khai giới thiệu việc làm (giai đoạn 2017 – 2022), thành phố Quy Nhơn đã tổ chức được được 25 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho 2.130 thanh niên; giới thiệu việc làm và hoàn tất hồ sơ cho 213 thanh niên xuất khẩu lao động; 23 buổi tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề với 27.236 lượt đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia; 5 lớp tập huấn khởi nghiệp cho khoảng 620 đoàn viên thanh niên là bí thư các chi đoàn3. Qua phong trào đã giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, có việc làm ổn định vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương. 

Ngoài ra, việc giải quyết việc làm còn được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, giải pháp, như: cung cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi, thu hút đầu tư và tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất – kinh doanh. Từ năm 2016 – 2021, Quy Nhơn đã giải quyết việc làm, thu nhập cho tổng cộng 25.939 người, trong đó, có hơn 18.000 lao động trẻ, chiếm tỷ lệ 69,39%4.

Trong lĩnh vực giáo dục và phát triển toàn diện của thanh niên, thành phố Quy Nhơn đã thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng làm việc cho thanh niên. Thành đoàn và các cơ sở Đoàn đã duy trì việc tổ chức các đợt thi đua theo các chủ đề học tập trong các trường học ở các cấp học; khuyến khích, động viên, có trao thưởng cho cá nhân, tập thể đạt được nhiều thành tích, kết quả tốt trong cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ sự động viên, khích lệ kịp thời đã nâng tỷ lệ học sinh là đoàn viên thanh niên đạt học sinh, sinh viên giỏi tăng hằng năm; nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi của tỉnh, quốc gia và quốc tế. 

Các hoạt động khác, như: nâng cao kỹ năng tự bảo vệ khi lao động xuất khẩu; tư vấn hướng nghiệp; truyền thông nâng cao nhận thức về học nghề, làm nghề… cũng được các cấp chính quyền phường, xã và Đoàn Thanh niên hết sức quan tâm, từ đó đã thu hút hàng nghìn đoàn viên thanh niên tham gia. Thành phố cũng đã phát triển và mở rộng các hoạt động hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và du lịch; đã tổ chức các triển lãm sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tài trợ giải thưởng các cuộc thi, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo thanh niên tham gia.

Ngoài ra, thành phố đã tăng cường thu hút lực lượng thanh niên có trình độ đại học và sau đại học về làm việc tại các cơ quan nhà nước. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên của thành phố Quy Nhơn được kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Các cấp, các ngành đã có sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ với nhiều hình thức, phương thức sinh động, thiết thực, góp phần tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh niên trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh niên của thành phố Quy Nhơn vẫn còn có những hạn chế, khó khăn như:

Thứ nhất, tại một số cơ sở và địa phương, cấp ủy đảng và chính quyền vẫn chưa hiểu đầy đủ chương trình, nhiệm vụ công tác thanh niên, vẫn có tư tưởng cho rằng, công tác này thuộc trách nhiệm của Đoàn Thanh niên và Hội Thanh niên.

Thứ hai, vai trò quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên chưa được thực hiện một cách mạnh mẽ. Cách triển khai và thực hiện các chính sách đối với thanh niên còn thiếu tính đồng bộ. Đội ngũ cán bộ tham mưu và thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên từ thành phố đến cơ sở thường kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản và thiếu kinh nghiệm dẫn đến hạn chế trong khả năng tham mưu và thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên và thanh niên chưa đa dạng, việc theo dõi dư luận, định hướng tư tưởng thanh niên; sự lan tỏa các mô hình và phương pháp giáo dục của Đoàn chưa đạt hiệu quả. Sự ứng dụng của công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại và mạng xã hội trong tuyên truyền, giáo dục, định hướng thanh niên tại một số cơ sở Đoàn còn hạn chế.

Thứ tư, đào tạo nghề cho thanh niên chưa liên kết với cơ hội việc làm; chưa thật sự chú trọng đến việc đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Công tác tư vấn hướng nghiệp vẫn còn hạn chế và chưa đi vào chiều sâu. Các chính sách cho thanh niên chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu thực tế và tình hình phát triển kinh tế hiện tại, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, một số thanh niên bị áp lực nhiều từ công việc gia đình và thu nhập dẫn đến thiếu tập trung vào việc học tập và công việc.

Thứ năm, công tác kiện toàn, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về quản lý nhà nước liên quan đến thanh niên vẫn chưa được bảo đảm. Đội ngũ cán bộ Đoàn, đặc biệt là tại cơ sở vẫn còn thiếu và hạn chế về nghiệp vụ và kỹ năng.

Một số nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế là: (1) Hạn chế về nguồn lực đầu tư cho các chương trình và đề án dành cho thanh niên; (2) Thiếu chế tài để điều chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh niên; (3) Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ; (4) Nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên và Hội Thanh niên chưa thật sự đổi mới, chưa phù hợp với sự phát triển của thanh niên; (5) Việc giáo dục, quản lý và chăm sóc của gia đình đối với thanh niên còn có những hạn chế.

Một là, nâng cao nhận thức về công tác thanh niên. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, liên tục các nội dung của công tác thanh niên, phát triển thanh niên. Việc tuyên truyền, phổ biến tốt sẽ góp phần đồng tâm, thống nhất trong toàn xã hội về công tác thanh niên; đồng thời, tăng cường sự hiểu biết, nhận thức và ý thức của thanh niên về vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác thanh niên và phát triển thanh niên thành phố Quy Nhơn. Cần liên tục hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến phát triển thanh niên và tích hợp các mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển thanh niên vào các chương trình, kế hoạch và đề án phát triển kinh tế – xã hội của các phòng, ban, ngành, các phường và xã. Cần thực hiện kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về thanh niên trên địa bàn thành phố, bảo đảm tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến thanh niên.

Hai là, ban hành cơ chế, chính sách đối với công tác thanh niên. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần phải tập trung nhiều cho việc lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn hệ thống chính trị, Đoàn Thanh niên và người dân quan tâm, thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về công tác thanh niên và phát triển thanh niên thành phố Quy Nhơn. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, giữa cơ quan quản lý nhà nước với Đoàn Thanh niên nhằm thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong việc thực hiện cơ chế, chính sách và pháp luật đối với thanh niên. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố nên định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thanh niên.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển thanh niên, bảo đảm tích hợp mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển thanh niên vào kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của các cơ quan, ban, ngành, phường, xã. Cần thực hiện kiểm tra và đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thanh niên trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Quy Nhơn cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn tuyển dụng lao động là thanh niên; xem xét đến yếu tố đãi ngộ, thu hút và giữ chân lao động thanh niên; khuyến khích lao động thanh niên tìm hiểu kỹ việc làm để gắn bó lâu dài, tư vấn kỹ năng xác định nhu cầu việc làm và chọn việc làm phù hợp, tránh tình trạng “nhảy việc” như hiện nay, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức, tiền của cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, cần tập trung giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử và truyền thống dân tộc, niềm tự hào dân tộc, cùng việc duy trì bản sắc văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cho thanh niên. Giáo dục về truyền thống, văn hóa của quê hương Bình Định, của thành phố Quy Nhơn để thanh niên tự hào, gìn giữ và phát triển ngày một bền vững, lan tỏa rộng hơn. 

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm chuyên trách công tác quản lý nhà nước về công tác thanh niên các cấp từ UBND phường, xã trở lên. Cán bộ, công chức chuyên trách quản lý nhà nước về công tác thanh niên, cần phải được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đoàn Thanh niên; được đào tạo dài hạn, bảo đảm đủ trình độ, kiến thức cả về chuyên môn và lý luận chính trị; cập nhật kiến thức, kỹ năng và phương pháp, kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hiệu quả thực thi công vụ trong quản lý nhà nước về công tác thanh niên; hiểu và nắm bắt đầy đủ về chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thanh niên.

Đối với cán bộ, công chức là thành viên tham gia các Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên ở các cấp cần phải được tập huấn thường xuyên khi có chính sách mới được ban hành để họ nắm vững và tổ chức thực hiện trong thực tế tại cơ sở.

Bốn là, huy động các nguồn lực cho quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Các cơ quan và đơn vị các cấp, UBND các phường, xã cần xây dựng kế hoạch đầu tư ngân sách để bảo đảm phát triển công tác thanh niên. Khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội, cũng như thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư vào việc phát triển công tác thanh niên. Sự ưu tiên trong cung cấp nguồn lực cần được đặt vào việc đào tạo và phát triển trí thức trẻ, tạo ra nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao trong các lĩnh vực như khoa học – công nghệ, tài chính, chính sách công, đặc biệt tập trung vào các khu vực nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng thanh niên là nữ.

UBND các cấp quan tâm, tạo điều kiện trong việc xây dựng các trung tâm huấn luyện kỹ năng và hoạt động dã ngoại dành cho thanh thiếu niên và nhà thiếu nhi. Đồng thời, cần bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung của Chiến lược phát triển thanh niên. Khuyến khích sự tham gia của tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh vào việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, bệnh viện để phục vụ nhu cầu chính đáng của thanh niên.

Năm là, kiện toàn, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Đặc biệt, chú ý phát triển một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp cũng cần được chọn lọc, bồi dưỡng và phát triển, bảo đảm có đủ trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sáu là, phối hợp các tổ chức trong việc quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Phát huy vai trò và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Công đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Doanh nghiệp… để có sự phối hợp mật thiết, nhịp nhàng, hiệu quả trong việc quản lý, tạo điều kiện, chăm lo cho thanh niên và phát triển thanh niên, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về công tác thanh niên, góp phần an sinh xã hội, phát triển toàn diện mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội địa phương.

Mặt khác, cần tăng cường xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương cũng như giữa các cơ quan quản lý nhà nước và Đoàn Thanh niên. Điều này sẽ giúp hiệu quả hơn trong việc thực hiện cơ chế phối hợp đa ngành để phát triển thanh niên và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu chiến lược cũng nên tập trung nghiên cứu chuyên sâu về công tác quản lý thanh niên; xây dựng dữ liệu về thanh niên, công tác thanh niên; xây dựng chính sách liên quan đến thanh niên, công tác thanh niên.

Chú thích:
1,2,3,4. Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 1020/UBND -NC ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh Bình Định ban hành về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2021.
2. Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Đảng bộ thành phố Quy Nhơn. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Quy Nhơn lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
5. Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
6. Luật Thanh niên năm 2020.
7. Quyết định số 9789/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 của UBND thành phố Quy Nhơn về ban hành Chương trình phát triển thanh niên thành phố Quy Nhơn từ nay đến năm 2030