Đánh giá các tiêu chí khai thác hợp lý giá trị văn hoá từ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử Quảng Ninh

TS. Vũ Văn Viện
Trường Đại học Hạ Long

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhóm tác giả đã khảo sát 134 khách du lịch tham quan và chiêm ngưỡng di tích và danh thắng Yên Tử trong chương trình du lịch danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh đối với 7 tiêu chí về giá trị văn hóa từ các di tích, bao gồm: khai thác một cách đầy đủkhai thác đi đôi với việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các giá trị nguyên bản và phát huy tính độc đáocó nguồn tài chính tái đầu tư; tạo việc làm và thu nhập cho người địa phươngkết hợp với các loại hình du lịch và dịch vụkhu di tích có sức chứa phù hợp nhu cầu khách du lịch; bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững tại di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử hiện nay.

Từ khoá: Khai thác hợp lý, giá trị văn hóa và di tích, điểm du lịch hấp dẫn, danh lam thắng cảnh, Yên Tử.

Ảnh minh hoạ: Legacy Yên Tử.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2013 nêu khái niệm về di tích lịch sử – văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học. Tại khoản 4 Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2013, khái niệm về danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học.

Theo khoản 5 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017, sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Khoản 7 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017, điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch. Khoản 17 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 quy định, du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.

Theo khoản 16 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017, du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.

Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có các giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia gồm: (1) Các công trình xây dựng, địa điểm gắn với điều kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu, có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc; (2) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam; (3) Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới; (4) Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực tự nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. 

Các tiêu chí đánh giá khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa từ các di tích lịch sử – văn hóa trong việc phát triển du lịch được các nhà nghiên cứu du lịch khái quát thành các tiêu chí sau: (1) Khai thác một cách đầy đủ các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; (2) Khai thác đi đôi với việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các giá trị nguyên bản và phát huy tính độc đáo của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; (3) Có nguồn vốn tái đầu tư để bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; (4) Khai thác di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh phải tạo được việc làm và thu nhập cho người địa phương; (5) Khai thác kết hợp với các loại hình du lịch và dịch vụ tại di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; (6) Khu di tíchlịch sử và danh lam thắng cảnh phải phù hợp với sức chứa trong quá trình khai thác; (7) Khai thác phải bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững tại di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.

Tác giả tiến hành tổng hợp tài liệu liên quan đến chủ đề nghiên cứu bao gồm các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, các bài báo liên quan đến quần thể di tích và danh thắng Yên Tử kết hợp với khung lý thuyết nền liên quan làm cơ sở nghiên cứu. 

Các dữ liệu được thu thập để đánh giá độ tin cậy của thang đo trước khi tiến hành nghiên cứu chính thức. Tác giả tiến hành khảo sát bằng cách gửi phiếu trực tiếp tại điểm tham quan để tổng hợp phân tích theo yêu cầu của 7 tiêu chí trên. Ngoài ra, tác giả chỉ lựa chọn những khách tham quan là người Việt Nam có độ tuổi trên 20 tuổi để khảo sát nhằm hạn chế rủi ro trong việc thu thập dữ liệu biến thiên nếu đơn vị phân tích là cá nhân. Nội dung điều tra thông qua 134 phiếu trả lời phù hợp với yêu cầu phân tích.

Về giới tính, trong 134 mẫu có 78/134 người là nữ (58,2%) và có 56/134 người là nam (41,8%).

Về độ tuổi, người từ 22-34 tuổi có 26/134 người (19,4%). Độ tuổi từ 35 đến 60 tuổi có 79/134 người (tỷ lệ 59,0%) và độ tuổi trên 60 tuổi có 29/134 người (21,6%). Đa số những người trong độ tuổi từ 22 trở lên là những người đã đi làm và có nguồn tài chính để có thể đi du lịch, đi công tác thường chọn các nơi lưu trú phù hợp công việc.

Về nghề nghiệp, đối tượng cán bộ, công nhân viên văn phòng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đối tượng có 72/134 người chiếm 53,7%. Đối tượng là chủ doanh nghiệp/nhà ngoại giao có 46/134 người (34,3%) và đối tượng có ngành nghề khác là 16/134 người (12%).

Về thu nhập, khách đi du lịch tại Yên Tử là những người có thu nhập cao, bảo đảm tài chính, trong đó người có thu nhập 50-100 triệu có tỷ lệ cao nhất với 68/134 người (50,7%), kế đến là thu nhập trên 100 triệu có 62/134 người (46,7%), thu nhập từ 21-50 triệu có 4/134 người (3,0%).

Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử nằm trên địa phận của 3 tỉnh Quảng Ninh, có 2 khu: khu vực di tích và danh thắng Đông Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí, khu di tích lịch sử nhà Trần thuộc huyện Đông Triều; tỉnh Bắc Giang có khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử nằm trên địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Đông; tỉnh Hải Dương là khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc – Thanh Mai thuộc huyện Chí Linh. 

Khu di tích gắn liền với tên tuổi Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 -1308), người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Diện tích của khu di tích khoảng 2.686 ha, trong đó có 1.736 ha rừng tự nhiên và đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, là nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm với 200 cây tùng đại thụ thuộc 4 nhóm quý hiếm trồng cách đây trên 700 năm cùng với rừng trúc nổi tiếng từ ngàn năm còn có hệ thống chùa, am, tháp,…

Tiêu chí 1: Khai thác một cách đầy đủ các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Yên Tử.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích được cấu thành 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của Nhà Trần, là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước gắn với tên tuổi Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc văn hoá Việt. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh và du lịch danh thắng Việt Nam.

Trong khu di tích có nhiều hạng mục khác nhau, từ các điểm du lịch Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, gồm: Đông Yên Tử và Tây Yên Tử. Đối với phía Đông Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có các di tích, như: chùa Trình; chùa Suối Tắm, chùa Cẩm Thực, chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Giải Oan, am Lò Rèn, đường Tùng, rừng Trúc, vườn tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, Chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, thác Ngự Dôi, am Thiền Định, thác Vàng, tượng An Kỳ Sinh, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cổng trời bia Phật, chùa Đồng. 

Tây Yên Tử thuộc huyện Đông Triều, bao gồm: di tích Điền An Sinh, di tích Đô Kiệu (Đỗ Kiệu), khu di tích Đá Chồng, chùa Hồ Thiên, am Ngọa Vân. Các di tích nằm trên địa phận tỉnh Bắc Giang thuộc phía Tây Yên Tử, gồm: di tích Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Am Vãi, khu di tích – danh thắng Suối Mỡ, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Mỗi di tích có nhiều hạng mục khác nhau trong quần thể di tích cần phải có kế hoạch khai thác phù hợp đối với từng nhóm đối tượng du khách, các phật tử tham quan. Trong quá trình khai thác cần có kế hoạch tự khai thác, hợp tác với các tổ chức, đoàn thể, các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để khai thác hiệu quả di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Yên Tử và các vùng lân cận.

Kết quả khảo sát Tiêu chí 1, các ý kiến đánh giá đây là khu di tích lịch sử và danh thắng có lịch sử lâu đời, với 127/134 người trả lời (94,8%), có 7/134 người trả lời không có ý kiến (5,2%). Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng với hơn 70 di tích, mật độ dày đặc rất hấp dẫn, có 117/134 người trả lời (88,8%), có 15/143 người trả lời không có ý kiến (11,2%). Phật Hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành và thành lập ra phái Thiền Viện Trúc Lâm, có 134/134 người trả lời (100%). Có nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên hoang sơ, cây cổ thụ, nơi linh thiêng hấp dẫn và cảnh đẹp thu hút du khách gần xa có 117/134 người trả lời rất thích và hấp dẫn (88,8%), có 15/143 người trả lời không có ý kiến (11,2%). Về khả năng am hiểu, có nhiều đặc sản ẩm thực và sản phẩm địa phương tại đây, có 122/134 người trả lời rất thích và ngon (91,0%), có 12/143 người trả lời không có ý kiến (9,0%).

Đối với du khách thập phương đến với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp, viếng thăm, cầu tự, cầu bình an cho mình và gia đình thì họ không quên thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương được khai thác từ thiên nhiên trong khu vực vườn quốc gia Yên Tử, như: măng trúc tươi Yên Tử, rau dớn Yên Tử, trầu một lá Yên Tử và đặc sản do chính người dân nơi đây làm ra đó là rượu mơ Yên Tử, canh gà, rượu bầu, chè lam Yên Tử.

Tiêu chí 2: Khai thác đi đôi với việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các giá trị nguyên bản và phát huy tính độc đáo của di tích.

Việc khai thác đi đôi với trùng tu, tôn tạo, gìn giữ giá trị nguyên bản và phát huy giá trị di tích thông qua hoạt động du lịch cần được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch từ trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến địa phương, bao gồm 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương để có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, các hạng mục di tích cần bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa và danh thắng; cần có quy hoạch tổng thể để thực hiện đồng bộ, đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực tế phát triển. Đặc biệt, cần bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa người Dao ở dưới chân núi Yên Tử.

Theo Văn bản số 4263/BVHTTDL-DSVH gửi Uỷ ban nhân dân 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang về việc triển khai xây dựng hồ sơ khoa học, đưa quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) để trình Uỷ ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc – UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đồng thời, Công văn số 5049/BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ngày 19/12/2015 cũng đã yêu cầu và đề nghị Uỷ ban nhân dân 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương triển khai thực hiện kế hoạch, quy hoạch; xây dựng hồ sơ; thực hiện quy trình đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản văn hóa thế giới. Nguồn kinh phí đầu tư, tôn tạo các di tích và danh thắng đã được tăng cường, huy động xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế do có nhiều công trình đã xuống cấp trầm trọng cần phải tu sửa gấp, nguồn tài chính hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý quần thể di tích và danh thắng Yên Tử còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng, cán bộ còn kiêm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc, một số khâu và bộ phận chưa có tính chuyên nghiệp, chuyên môn về kiến trúc, tôn giáo, dịch vụ khách sạn, dịch vụ ăn uống, kiến thức trùng tu, tôn tạo… còn hạn chế.

Tiêu chí 3Sức chứa của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trong quá trình khai thác.

Du khách đến tham quan, vãn cảnh tại quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với các điểm tham quan trong quần thể khu di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm: chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cẩm Thực, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, chùa Đồng, các am, thung. Mỗi di tích có thể chứa số lượng nhiều người cùng một lúc và với mục đích khác nhau của du khách tham quan, vì các di tích quốc gia Yên Tử thuộc quần thể nằm sát nhau nên du khách có thể đi bộ đến các di tích, hoặc đi bằng phương tiện cáp treo, xe điện. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có thể tiếp đón từ 10.000 người đến 50.000 người, nhất là trong những dịp ngày lễ, tết mà không ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường xung quanh.

Kết quả khảo sát về Tiêu chí 3, có 131/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (97,8%), có 3/134 người trả lời không có ý kiến (2,2%). Không gian, diện tích và khuôn viên các di tích và vườn quốc gia Yên Tử rộng, có 129/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (96,3%), có 5/134 người trả lời không có ý kiến (3,7%). Trang thiết bị dành cho người tàn tật như xe lăn, có lối đi dành riêng cho người tàn tật khi xảy ra sự cố, có 129/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (96,3%), có 5/134 người trả lời không có ý kiến (3,7%). Đa dạng hóa loại hình phương tiện vận chuyển cáp treo, xe điện, đi bộ có 124/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (92,6%), có 10/134 người trả lời không có ý kiến (7,4%). Sự đa dạng về đối tượng du khách đến với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử nhằm mục đích nghiên cứu, hành hương, chiêm lễ, tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, sưu tầm tham quan,…

Đối với khách du lịch tham quan là các nhà nghiên cứu tôn giáo, nhà sử học, nhà văn hóa, giảng viên, học sinh, sinh viên. Họ đến đây để được nghe, xem, nhìn, cảm nhận thực tế về địa danh đất Phật nội sinh gắn liền với tên tuổi Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vị vua từng lãnh đạo quân và Nhân dân hai lần chiến thắng quân Nguyên – Mông, từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Đây là đối tượng trải nghiệm, tham gia trực tiếp nghiên cứu trong một thời gian dài, hàng tuần, hàng ngày để tìm hiểu, nghiên cứu và học tập.

Đối tượng là những phật tử và nhà sư. Đây là đối tượng đặc biệt, là người muốn về đất nguyên khai ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cách đây hơn 8 thế kỷ. Đồng thời, họ có thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi ở ẩn của Vua Trần Nhân Tông, vùng đất Phật mà họ mong ước có một lần được đặt chân đến.

Đối với khách du lịch thông thường. Đây là số lượng khách đến tham quan Yên Tử với các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng đặc biệt, tìm hiểu, nhớ ơn, am hiểu hơn về di tích lịch sử, cũng như tưởng nhớ công ơn của những vị tiền bối.

Tiêu chí 4: Khai thác kết hợp với các loại hình du lịch và dịch vụ tại quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đã và đang phát huy tác dụng trên nhiều mặt với các giá trị đặc biệt của nó. Sự kết nối giữa các thành phần kinh tế – văn hóa – du lịch đã và đang diễn ra như một quy luật tất yếu mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó là hệ thống các chính sách khuyến khích mọithành phần kinh tế tham gia trùng tu, tôn tạo di tích nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm, thăm viếng, vãn cảnh, du lịch văn hóa tâm linh của du khách trong và ngoài nước với giá cả phù hợp cho từng loại dịch vụ.

– Lưu trú. Hệ thống cơ sở lưu trú tại khu di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm: khu nghỉ dưỡng 5 sao Legacy Yên Tử, bên cạnh đó còn có khách sạn 3 sao và một số nhà nghỉ quanh khu vực gần quần thể khu di tích Yên Tử phục vụ du khách trải nghiệm.

– Vận chuyểnQuần thể khu di tích và danh thắng có xe điện chở du khách từ ngoài cổng vào tận nhà ga cáp treo và các phương tiện vận chuyển khác phục vụ du khách. Du khách có thể mua vé trải nghiệm cáp treo 2 tuyến với vé khứ hồi hoặc 1 chiều với mức giá phù hợp giúp cho du khách trải nghiệm, tiết kiệm thời gian, sức khỏe. Hơn nữa, du khách có thể đi bằng nhiều phương tiện đến tham quan Yên Tử, như: xe máy, xe ô tô gia đình hoặc thuê, xe của tư nhân và của các đơn vị tổ chức cho thuê.

Đánh giá ở Tiêu chí 4, có 111/134 người trả lời rất đồng ý và đồng ý (82,8%), có 8/134 người trả lời không có ý kiến (6,0%), có 15/134 người trả lời không đồng ý (11,2%). Đánh giá về các hoạt động bán đồ lưu niệm và ăn vặt dọc đường, có 114/134 người trả lời rất đồng ý và đồng ý (85,1%), có 13/134 người trả lời không có ý kiến (9,7%), có 7/134 người trả lời không đồng ý (5,2%). Khuân vác đồ, lễ vật dâng cúng có 121/134 người trả lời rất đồng ý và đồng ý (92,3%), có 13/134 người trả lời không có ý kiến (9,7%). Cho thuê, dịch vụ đổi tiền lẻ, bán đồ cúng và tạp vụ hàng hóa phục vụ hành hương, có 114/134 người trả lời rất đồng ý và đồng ý (88,0%), có 16/134 người trả lời không có ý kiến chiếm 12,0%. Trạm dừng nghỉ và nhà vệ sinh cho khách, có 131/134 người trả lời rất đồng ý và đồng ý (97,8%), có 3/134 người trả lời không có ý kiến (2,2%). Chăm sóc y tế công cộng tại khu di tích có 116/134 người trả lời rất đồng ý và đồng ý (88,5%), có 10/134 người trả lời không có ý kiến (7,5%), có 8/134 người trả lời không đồng ý (6,0%).

Tiêu chí 5Nguồn vốn tài chính đầu tư và tái đầu tư để bảo vệ quần thể các di tích và danh thắng Yên Tử.

Trong những năm gần đây, số lượng các hạng mục trong quần thể di tích Yên Tử đã bị xuống cấp, một số chỉ còn là phế tích cần phải duy tu, tôn tạo, nâng cấp và bảo tồn, do đó cần phải có nguồn tài chính lớn để đầu tư, tôn tạo, trùng tu, duy tu các di tích và danh thắng từ mọi nguồn.

Khảo sát Tiêu chí 5, có 104/134 người trả lời phù hợp và phù hợp (79,2%), có 12/134 người trả lời không có ý kiến (9,0%), và có 16/134 người trả lời là không phù hợp (11,9%). Nguồn tài chính đầu tư được huy động từ các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước tài trợ, có 124/134 người trả lời rất phù hợp và phù hợp (92,5%), có 10/134 người trả lời không có ý kiến (7,5%). Nguồn tài chính đầu tưthu từ nguồn hoạt động xã hội hóa dịch vụ, có 134/134 người trả lời theo tiêu chuẩn (100%). Nguồn tài chính thu từ bán vé tham quan và các dịch vụ khác, có 122/134 người trả lời giá vé phù hợp với chất lượng dịch vụ (91,0%), có 4/134 người trả lời không có ý kiến (3,0%), có 8/134 người trả lời không phù hợp với chất lượng dịch vụ (6,0%). Nguồn tài chính thu từ các hòm công đức, tiền giọt dầu (trên các ban thờ) để tôn tạo các di tích, có 106/134 người trả lời (79,1%), có 12/134 người trả lời không có ý kiến (9,0%), có 16/134 người trả lời không phù hợp (11,9%).

Tiêu chí 6: Khai thác các di sản phải tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương tại quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Khi khai thác các di tích và danh thắng Yên Tử không chỉ tạo được nguồn kinh phí đóng góp cho ngân sách địa phương mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho chính người dân địa phương. Đối tượng khách đến quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được phân định rõ ràng về độ tuổi, giới tính, thành phần xã hội, trình độ, thu nhập và sở thích cũng khác nhau nhưng cùng có một mục tiêu là thăm viếng, chiêm bái, du lịch vãn cảnh tại nơi đây. Do đó, các sản phẩm du lịch, dịch vụ, hàng hóa bán cho du khách được sản xuất do người dân địa phương hoặc vùng lân cận sản xuất đem ra bán cho du khách sẽ tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Kết quả khảo sát Tiêu chí 6, có 131/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (97,8%), có 3/134 người trả lời không có ý kiến (2,2%). Đối tượng khách đến quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được phân định rõ ràng về độ tuổi, giới tính, thành phần xã hội, trình độ, thu nhập, có 129/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (96,3%), có 5/134 người trả lời không có ý kiến (3,7%). Tạo công ăn việc làm cho nhiều đối tượng trực tiếp và gián tiếp khi có khách du lịch đến tham quan, có 129/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (96,3%), có 5/134 người trả lời không có ý kiến (3,7%). Đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, thái độ và sự am hiểu về tôn giáo tín ngưỡng, có 124/134 người trả lời rất hài lòng và hài lòng (92,6%), trong khi đó, có 10/134 người trả lời không có ý kiến (7,4%).

Tiêu chí 7: Quá trình khai thác cần phải bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có vị trí thuận lợi, là điểm đến du lịch hấp dẫn về văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây vẫn chưa khai thác triệt để được nguồn tài nguyên du lịch để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

Du khách đánh giá về chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị sử dụng trong và ngoài khu di tích Yên Tử, có 111/134 người trả lời khá tốt (82,8%), có 15/134 người trả lời không hài lòng (11,2%), 8/134 người trả lời không có ý kiến (6%). Tại khu di tích và danh thắng Yên Tử chưa thực sự có nhiều dịch vụ phù hợp với loại hình du lịch chiêm bái, tôn giáo, tín ngưỡng, có 124/134 người trả lời (92,5%), trong đó, có 10/134 người trả lời không có ý kiến (7,5%). Môi trường đã được cải thiện trong sạch, không có rác thải làm ô nhiễm môi trường, vệ sinh xung quanh từ rác thải nhựa, nylong, các vật dụng khác của du khách khi hành hương, có 130/134 người trả lời (97,0%), trong khi đó, có 4/134 người trả lời không có ý kiến (3,0%). Hiện trạng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất của khu di tích và danh thắng Yên Tử đã được đầu tư và nâng cấp đáp ứng phần lớn nhu cầu của du khách, đặc biệt trong mùa cao điểm hoặc ngày lễ, tết…

Khu di tích và danh thắng Yên Tử tỉnh Quảng Ninh là dãy núi thiêng gắn với danh xưng “Đất Phật”, là nơi du khách thập phương tìm về hành hương, thưởng ngoạn những ngôi chùa, tháp cổ kính ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vườn quốc gia Yên Tử. Khai thác giá trị của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử chính là khai thác về giá trị văn hóa, lịch sử hơn 700 năm, là minh chứng cho một giai đoạn phát triển Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của triều đại nhà Trần.

Khai thác các giá trị di tích và danh thắng đem lại lợi ích và các giá trị về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, lịch sử, nghệ thuật và đặc biệt tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương nơi có quần thể di tích và danh thắng và cả đối với người dân những địa phương vùng phụ cận.

Khai thác giá trị di tích và danh thắng chính là đem lại nguồn tri thức lớn cho nhân loại thông qua hoạt động khai thác hợp lý các giá trị di sản văn hóa thông qua các di tích lịch sử, văn hóa qua nhiều thế kỷ được các thế hệ gìn giữ, tôn tạo trùng tu để có được những di tích nguyên trạng truyền lại thế hệ sau.

Khu di tích và danh thắng Yên Tử là điểm đến du lịch hấp dẫn riêng có của Việt Nam, là tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, là quần thể di tích được đưa vào khai thác du lịch một cách hợp lý, có sự bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa thông qua hoạt động du lịch, tạo ra nhiều giá trị kinh tế, văn hoá.

Để đánh giá một cách toàn diện giá trị văn hóa của các di tích lịch sử – văn hóa cần tới sự gắn kết, lan toả, xúc tiến du lịch, phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ gắn với quản lý, khai thác hợp lý các di tích, làm cho nhiều di tích phát huy giá trị hỗ trợ nền kinh tế du lịch phát triển. Đối với việc xúc tiến khai thác hợp lý giá trị của các di sản, di tích và danh thắng Yên Tử, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo các địa phương phối hợp xây dựng, trình Hồ sơ đề cử “Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử” lên Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) để sớm xem xét, ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Di sản văn hóa năm 2010.
2. Luật Du lịch Việt Nam năm 2017.
3. Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt.
4. Một Yên Tử thiêng liêng huyền bí. https://baoquangninh.com.vn, truy cập ngày 23/12/2023.
5. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng. http://uongbi.gov.vn, truy cập ngày 04/01/2024.
6. Để du lịch Yên Tử phát triển bền vững. https://baoquangninh.com.vn, truy cập ngày 23/12/2023.
7. Nỗ lực khôi phục lượng du khách đến Yên Tử. https://uongbi.gov.vn, truy cập ngày 06/01/2024.
8. Tiền tỷ công đức tại Yên Tử được sử dụng như thế nào? https://laodong.vn, truy cập ngày 06/01/2024.
9. Có tiền mới được vào Yên Tử. https://nld.com.vn, truy cập ngày 01/01/2024. Quảng Ninh thu hơn 10 tỷ đồng phí tham quan Yên Tử trong gần 2 tháng. https://vnexpress.net, truy cập ngày 06/01/2024.
10. Nỗ lực xây dựng hồ sơ di sản thế giới Yên Tử. https://baoquangninh.com.vn, ngày 27/02/2022.